Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Xác thịt về đâu

Cuốn sách có thể sẽ là một cú sốc nho nhỏ đối với những ai luôn nghĩ về tính bền chặt và bất khả phân ly của tình máu mủ ruột rà, về chất keo nối kết có tên là huyết thống, về những giá trị đạo đức khuôn mẫu và cổ điển - hệt như nó đã từng xảy ra ở phương Tây hơn một trăm năm về trước. Hơn một trăm năm, sự tụt hậu của chúng ta không phải dạng vừa vừa vừa đâu. Nhưng thôi, chuyện đó để dành nói lúc khác.

Như Samuel Butler đã thừa nhận trong cuốn sách này, rằng như mọi tác phẩm của cuộc sống, tác phẩm của ông đã thể hiện chính bản thân ông hơn bất cứ một nhân vật nào khác, nhưng ta cũng phải thừa nhận rằng, Samuel đã cố gắng nhìn nhận câu chuyện với cái nhìn trung lập nhất có thể, và công bằng hết sức mình, để cho ra đời một câu chuyện xác thực, công tâm và không hề định kiến. Sự thẳng thắn này rõ ràng đã thoát khỏi tầm ảnh hưởng của các giá trị đạo đức và tín ngưỡng, vượt ra khỏi những quan niệm cố hữu của thời đại để soi rọi tới những góc khuất của tâm hồn, tìm cho ra mối dây ràng buộc giữa các thế hệ trong một dòng họ, và khiến người đọc phải nhìn nhận đúng bản chất của những sự kết nối ấy, nó chẳng qua chỉ là những nỗi sợ hãi được gieo trồng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Cuốn sách không bác bỏ các giá trị đạo đức, nhưng nó chỉ cho ta thấy sự vô nghĩa của các giá trị đó, sự hủy hoại tâm hồn và chất độc tiết ra từ nó để ăn mòn giấc mơ của cuộc đời như thế nào. Chúng ta không có quyền lựa chọn gia đình mà chúng ta sinh ra, nhưng nhờ các giá trị đạo đức đầy tính áp đặt, những đức tin mù quáng và ảo tưởng, rốt cuộc, chúng ta cũng không lựa chọn được con đường mà chúng ta sẽ đi, cái con người mà chúng ta sẽ trở thành. Dòng họ Pontifex không sa vào những bi kịch lầm than, nhưng cái lưới mà họ sa vào cũng không hề kém cạnh phần đau khổ, đó là cái bi kịch phải sống một cuộc đời của một kẻ xa lạ với chính mình, phải sống dưới cái bóng ám ảnh của các giá trị đã mặc định như những lưỡi dao treo lơ lửng trên đầu, gồng mình gánh chịu những niềm vui lạc lõng để rồi mặc cảm vô cùng với tấm áo khoác trên người. Từng người một trong dòng họ đều nhận ra thứ mà họ mang, nhưng vì hèn nhát, hay vì nông nổi, hay vì ảo tưởng, họ đều tiếp tục dấn sâu hơn vào thảm kịch mà đạo đức và đức tin đã dựng nên như những kẻ mộng du đi theo lập trình đã định sẵn.

Sẽ không có bài học nào ở đây. Các bài học cũng vô nghĩa như các giá trị đạo đức, hay nói đúng hơn, không có một khuôn mẫu nào chung để áp dụng cho tất cả mọi người. Giáo dục, rốt cuộc không phải tạo ra những con người rập khuôn với những hạnh phúc đầy tính tiêu chuẩn như thứ mà chúng ta đang làm. Giáo dục là mở ra những con đường, những chân trời, những tấm vải. Việc còn lại là của từng người, đi con đường nào, mơ những chân trời nào và khoác tấm áo nào vừa vặn với chính mình. Mục đích của giáo dục là gì nếu không phải là để con người tìm đến với những niềm hạnh phúc thực sự của bản thân? bởi chính hạnh phúc thực sự mới có thể sinh ra được những niềm hạnh phúc mới. Như Ernest, cuối cùng cậu đã thoát khỏi tấm lưới chuẩn mực mà dòng họ cậu đã dệt nên suốt cả trăm năm, để bắt đầu với công việc bần hàn hơn nhưng hợp với cậu hơn, là thợ may. Rốt cuộc, cậu đã có thể sống với cuộc đời mình mong muốn, tự tay may cho mình tấm áo vừa với mình. Đó là cái kết có hậu nhất sau hơn 600 trang sách, cái kết nhẹ nhõm và rộng mở, bất chấp những giá trị, bất chấp luân lý. Tự do thật sự đã khởi đầu.

Không khó đọc như bạn tưởng đâu. Một chút kiên trì, bạn sẽ tìm ra vô số câu cần gạch chân hoặc bôi đậm bằng bút highlight. Chúng ta đã muộn hơn người khác cả trăm năm rồi, đừng để muộn hơn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét