Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Thánh đường

Đỉnh cao của nghệ thuật chính là sự dung dị. Điều này cũng đúng với cuộc sống. Khi bạn có thể sống một cách dung dị, thì có nghĩa là bạn đã bình tâm. Và tôi nghĩ ngay về Raymond Carver, một cây bút thật sự dung dị của thế giới này, mặc cho chính điều đó đã đem lại cho thế giới không ít sự tranh cãi lẫn choáng ngợp bởi sức công phá cảm xúc mãnh liệt chính bằng sự dung dị ấy.

Raymond quả thật rất kiệm lời. Hơn cả Hemingway lẫn O. Henry cộng lại. Ông thu mình trong tất cả các câu chuyện mình kể, chỉ còn để lại một đôi mắt trong veo và thấu suốt, để nhìn mọi vật, mọi người một cái nhìn chân phương không chút phán xét. Ông triệt tiêu cái tôi của bản thân để tôn trọng hiện thực. Những hiện thực rất bình dân và giản dị, những nỗi đau thông thường tới mức không còn được xem là nỗi đau, những tan vỡ đã chai sạn đến mức không còn ai nghĩ rằng nó là một mảnh vỡ, thì Raymond kể về chúng, miêu tả chúng. Ông kể thong thả, đôi khi là thờ ơ, ông không cố gắng đi tìm bất cứ cái gì, kể cả sự kịch tính trong những cuộc tranh cãi, kể cả đau đớn trong những lần mất mất, sự tổn thương, sự chia ly... Đó không phải là việc của Raymond. Đó là nhiệm vụ của chúng ta.

Bởi vậy, sách của Raymond Carver sẽ không dành cho những độc giả muốn được dẫn dắt hay đi tìm thứ cảm xúc của người khác. Nó dành cho ai muốn tự mình khai phá cảm xúc của chính mình trước một bối cảnh thông thường của cuộc sống, cho những ai đủ tinh tế để nhận diện diện sóng ngầm dưới bề mặt phẳng lặng, những mâu thuẫn và xáo trộn dưới khuôn mặt dửng dưng. Văn chương của Raymond vì thế mà đầy sức mạnh và bất ngờ, với mỗi lần đọc ta lại nhận diện được một tầng cảm xúc khác nhau từ một khung cảnh đã hết sức quen thuộc. Sự bất ngờ khiến ta cảm động, thứ cảm xúc đọng mãi như khi uống cạn một tách trà bất ngờ nhận ra vị ngọt của nó còn lưu lại nơi đầu lưỡi. Cô đọng, chính xác và đầy dư vị.

Thánh Đường là tập truyện ngắn được Raymond Carver viết sau thời gian cai nghiện rượu. Trở lại với cuộc sống sau khi ngập chìm trong men rượu và những nỗi bế tắc, những câu chuyện của Raymond đã lấp lánh ánh sáng của niềm tin và tình yêu. Dù vẫn là những bối cảnh đầy ngột ngạt, những cuộc chia ly và đổ vỡ, nhưng cuối câu chuyện luôn có một sự gợi mở thông thoáng, một hướng đi có hứa hẹn hay một tâm trạng được giãi bày để nhẹ nhõm hơn. Nó giống như một cơn đau âm ỉ dai dẳng tới cuối cùng đã có dấu hiệu vơi đi, sự rộng mở của cuộc đời vì thế được tăng lên, những hạnh phúc nhỏ nhoi vốn hiếm khi xuất hiện trong câu chuyện cũng bắt đầu nhú những cái mầm bé nhỏ. Nhưng tuyệt đối Raymond không kết luận điều gì. Tin hay không tin, yêu hay không yêu vẫn là lựa chọn của độc giả.

Là một tác giả đi theo trường phái tối giản, Raymond đã lao động miệt mài với những tác phẩm của mình, đi tìm cho câu chuyện một thứ văn chương cô đọng, súc tích và nhiều hàm ý nhất. Giống như một nghệ sĩ gọt giũa tác phẩm nghệ thuật cho tới ngày nó đạt được sức mạnh biểu cảm tuyệt đối, Raymond cũng viết đi viết lại cùng một câu chuyện ấy, càng viết càng bỏ được những từ ngữ và hình ảnh thừa thãi để tìm cho tác phẩm một sự ngắn gọn tinh giản tuyệt vời. Nhưng điều quan trọng nhất trong quá trình gọt giũa ấy, Raymond không nhúng tay vào bất kỳ một hình ảnh nào để biến nó trở nên phù hợp với ý đồ của mình, ông không bóp méo bất cứ thứ gì để thể hiện cái tôi của mình. Ông chỉ thu nhặt, lựa chọn và ghép chúng lại với nhau, bằng một mối dây liên hệ nào đó mà chúng ta phải lần tự lần tìm và kết nối. Câu chuyện vì thế bình thường nhưng đầy thách thức và dằn vặc, cũng như chính cuộc đời vốn đơn giản nhưng sâu thẳm không ngờ. Đó chính là thứ nghệ thuật mà Raymond tìm kiếm, sự dung dị mà ông đã kính cẩn xây dựng và tổ chức nên trong tác phẩm của mình. Sự dung dị của cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét