Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Cuộc đời của Pi


Cuộc đời của Pi khiến cho những viên ngọc vô hình tôi cóp nht đưc ở văn chương và cuộc đời va chạm nhau, khng định và chối bỏ nhau, tối đi và sáng lên bên cạnh nhau, xốn xang và trầm lắng (Dịch giả Trịnh Lữ)


Một câu chuyện hư cấu, ta biết là nó hư cấu, hoặc là ta cho rằng nó hư cấu, nhưng ta tin bởi vì ta muốn tin, cũng như ta đã bám víu lòng tin vào một đấng toàn năng chưa từng hiện hữu là Thượng Đế.


Thượng Đế là ai? Sao ta tin vào Thượng Đế? Ai đã gieo cái mầm tín ngưỡng ấy vào trong ta từ thuở bình minh để nó bám rễ mãi mãi trong tim óc cho đến tận ngày ta lìa bỏ cuộc sống? Để cuộc sống này dẫu vô vàn khó khăn, thì sự sống mãi mãi vẫn là một điều kỳ diệu như thế?

Pi- tên ngắn gọn của Piscine Molitor Patel (cái tên rắc rối xấu mù) yêu Thượng Đế, mà không chỉ là Thượng Đế của một mà là ba tôn giáo : Hindu, đạo Hồi, và đạo Thiên Chúa. Và mặc kệ việc ba tôn giáo này ngày ngày vẫn tạo ra biết bao cuộc thánh chiến, Pi vẫn tỉnh bơ ăn chay, đọc kinh và làm dấu thánh. Có gì khác biệt giữa các đấng toàn năng? Có gì khác nhau giữa những hạt mầm mà họ gieo vào tâm hồn cậu bé? Cuộc sống không phải chỉ là một ngôi đền để ta có thể giam mình trong một niềm tin hữu hạn. Cuộc sống bao la hơn nhưng cuộc sống chỉ có một nên dù ta có rất nhiều lòng tin nên lòng tin nào cuối cùng cũng giành cho cuộc sống, giành cho những phút giây ta giành giật sự sống cho mình.

Đời sống hiện đại đang tước mất dần của con người một thứ : đó là bản năng sinh tồn. Nhưng Pi có. Bài học giành giật sự sống này chính những con thú trong vườn bách thú mà gia đình cậu sở hữu đã dạy cậu bé, những con thú đã xa lìa cuộc đời hoang dã của mình để sống cuộc đời phè phỡn được người ta chăm sóc nhưng mãi mãi không nhổ được cái cội rễ bản năng tự nhiên. Cái cội rễ bám chặt vào cuộc sống để không bao giờ bỏ cuộc với một tiếng thở dài. Sự sống luôn hào phóng cho những ai chiến đấu vì nó.

Nên Pi đã sống, sau 227 ngày lênh đênh giữa đại dương, trên chiếc thuyền cứu hộ nhỏ cùng con hổ Belgan. Hiểm họa màu cam nặng mấy tạ đó lạ thay lại là một lý do để cậu bé níu kéo sự sống, để mọi cuộc chiến đấu căng thẳng một người-một hổ trở thành mục đích sống ngày qua ngày, để nỗi tuyệt vọng mênh mông của đại dương không bủa vây quanh cậu. Con hổ ở đó để Pi tin rằng, mình vẫn sống và vẫn còn muốn sống.

Cuộc đời của Pi là một câu chuyện hư cấu ly kỳ nhưng với giọng văn cực kỳ hài hước dí dỏm. Ta có thể cười cả khi chứng kiến nỗi thống khổ của số phận, sự hiểm nghèo của tình huống nên tiếng cười đó là tiếng cười hào sảng, đầy thách thức và mạnh mẽ cũng giống như ta luôn thấy cách nhìn nhận cuộc đời ở Pi tràn trề sự lạc quan. Lạc quan vốn là một cái phao giữa mênh mông bi kịch. Và ngay cả khi những dấu hiệu hiện hữu của Thượng Đế dần mất đi, cậu bé cũng không từ bỏ.

"Có nhiều người trong số chúng ta chịu bỏ cuộc chỉ với một tiếng thở dài. Những người khác chiến đấu chút đỉnh rồi mất hy vọng. Nhưng một số khác nữa, trong đó có tôi, thì không bao giờ bỏ cuộc. Chúng tôi chiến đấu và chiến đấu và chiến đấu. Chúng tôi chiến đấu bất kể giá nào, bất kể những thất bại phải chịu bất kể sự bất khả chiến thắng. Chúng tôi chiến đấu đến tận cùng. Đó không phải là vấn đề can đảm. Nó là một cái gì đó thuộc về bản chất một tình trạng không có khả năng đầu hàng. Có thể chỉ là sự ngu ngốc của lòng ham sống mà thôi"

Thượng đế có thể quay đi, nhưng lòng tin mà Thượng Đế đã gieo thì vẫn còn. Thượng Đế không cho Pi cuộc đời tưởng đã mất, tự cậu bé đấu tranh giành lại cho mình, bằng hạt giống đã nảy mầm và bản năng sống mạnh mẽ mà những số phận hoang dã trong vườn thú đã dạy cho cậu. Thượng đế im lặng trước lời thỉnh cầu, nhưng sự im lặng cũng có âm thanh, nó cần đến lòng tin về sự hiện diện để thấu hiểu và "sự giác ngộ rằng nguyên tắc nền tảng của mọi sự sinh tồn chính là thứ mà ta gọi là tình yêu"...