Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Ruồi trâu

Tôi xếp Ruồi Trâu vào dạng tiểu thuyết tình cảm lãng mạn, cho dù người ta có nhắc tới nó như một cuốn sách về lý tưởng cách mạng, về tinh thần chiến đấu hay một số thứ tương tự. Người ta chỉ thấy cái mà mình muốn thấy, có lẽ thế.

Nói về tình yêu trong cuốn sách này, tôi thấy thú vị vì nó không đi vào tình yêu đôi lứa thuần túy. Tình yêu đôi lứa bị lép về bởi một thứ tình cảm còn mãnh liệt và thời sự (2012) hơn thế : đó là sự ngưỡng mộ tới sùng bái tới cực đoan. Điều này, không chỉ riêng cha Montanelli mới có.

Athur cũng vậy, tình yêu của anh dành cho cha Montanelli chẳng khác gì tình yêu của Montanelli dành cho Chúa. Trong mắt Athur, ông hoàn toàn là một vị cha xứ trong sạch, liêm khiết với trái tim độ lượng và sự uyên bác sáng ngời. Tình yêu đó, không nhuốm chút nghi ngờ, chút trần tục, chút bụi bặm, nên tình yêu đó không kìm nổi mình mà bước qua giới hạn của tình yêu để biến thành nỗi oán hờn, căm phẫn chỉ vì một vết nhơ trên mình của tượng đài mà mình trót xây dựng. Athur trở thành Rivares sau nhiều năm lưu lạc, với vô số vết thương trên da và trong trái tim để trở thành một nhân vật sắc sảo độc địa, biết nói những lời cứa thẳng vào tim người khác để rồi sau đó tim mình cũng te tua chẳng kém gì. Rivares, mãi mãi vẫn là Athur, cũng như nỗi hờn căm của Rivares, vẫn cứ là một tình yêu mãnh liệt.

Montanelli và Athur, họ giống nhau, vì họ là cha con ruột. Họ giống nhau nên đến phút cuối cùng họ không từ bỏ nổi bức tượng thánh của mình. Họ yêu thương nhau mà không nhận ra mình giống nhau để tha thứ cho nhau và tha cho cả trái tim tan nát của mình. Đến phút cuối cùng, cả hai vẫn để cho lý trí mình giành phần thắng, cho phép nó dẫm lên trái tim mình một cách hiên ngang. Để sống với lý tưởng, người ta phải tàn nhẫn với bản thân mình.

Rivares là một chiến sĩ cách mạng. Ừ thì cứ cho là thế. Một chiến sĩ cách mạng sống với lý tưởng hoài bão mạnh mẽ đến mức không cho phép trái tim vô ý đặt lên đầu. Thôi thì trái tim cứ đặt nguyên chỗ của nó,  trong một tâm hồn đầy thương tổn của một con người yếu đuối tên Athur.

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Hội hè miên man

Cuốn sách này không có cốt truyện. Nó chỉ là nỗi nhớ miên man của Ernest Hemingway về những năm tháng thanh xuân ở Paris. Mà tuổi thanh xuân thường là những ký ức đeo bám trí nhớ người ta dai dẳng nhất, còn Paris thì chưa có ý định cho ai cơ hội để lãng quên về nó nếu đã đến đây.

Tôi chưa từng thích Hemingway. Tôi không thích cách ông viết những câu ngắn theo kiểu đơn giản hết mức có thể, cách ông tường thuật những đoạn đối thoại với những câu gạch đầu dòng rồi không thêm bớt và miễn bình luận về nó. Nói chung thì tôi không thích cảm giác bị rơi vào trong một cuốn phim tài liệu, hay một cái gì đó đại loại thế. Nhưng Hội Hè Miên Man là một cuốn phim tài liệu nồng nàng cảm xúc, cho dù vẫn là Hemingway với văn phong ngắn gọn không đoái hoài gì đến biểu cảm. Nhưng cần gì, nó đang kể về những năm tháng ở một nơi mà chữ nghĩa nhiều chỉ tổ đánh lạc hướng cảm xúc của người đọc. Và lần đầu tiên tôi thấy thích vô cùng sự ngắn gọn đầy khí chất ấy.

Nếu bạn may mắn được sống ở Paris trong tuổi thanh xuân thì dù có đi đâu trong suốt đường đời còn lại, Paris vẫn ở trong bạn, bởi Paris là một cuộc hội hè miên man.

Paris là một cuộc hội hè miên man, và thanh xuân của chúng ta cũng là một cuộc hội hè còn miên man hơn thế. Tuổi hai mươi của Hemingway tràn trề cảm hứng và nhu cầu được viết, còn Paris thì luôn có đủ chỗ cho bất cứ ai muốn sáng tạo, dù kẻ đó giàu sang hay nghèo kiết xác, mạnh khỏe tươi mới hay đã tàn tạ theo tháng năm. Paris có đủ bầu không khí rực rỡ lẫn u hoài, có những chốn từng bừng và những góc khuất lặng lẽ. Paris cho ta cảm giác về nỗi tràn trề lẫn niềm mất mát cũng như đủ sức nâng sự thiếu thốn lên tầm thơ mộng rồi hạ bệ sự đủ đầy xuống vực của chán ngán. Paris luôn là Paris, chỉ có người ta dường như là khác hơn khi đến đó.

Paris, nơi tề tựu của hầu hết những gương mặt nghệ sĩ sáng giá của nền nghệ thuật đương đại, nơi tôn vinh của những sự sáng tạo đầy ngông cuồng. Paris cho Hemingway cơ hội nhìn thấy cái đẹp của sự ngông cuồng ấy và cả cái giá phải trả cho nó. Tôi thích cách Hemingway kể chuyện mà không chút phán xét hay đánh giá gì. Có một chút tò mò của tuổi hai mươi, nhưng rồi ông chấp nhận nó ngay không ngần ngại. Bạn sẽ gặp rất nhiều nghệ sĩ tiên phong của thế kỷ 20 ở Paris, ngạo nghễ, buồn rầu, say mê, đau đớn. Bạn sẽ thấy họ qua đôi mắt của chính mình chứ không phải của Hemingway để rồi gấp cuốn sách lại, bạn sẽ thấy Hemingway, đầy hào sảng và tự tin đón nhận mọi sự khác biệt, một sự phóng khoáng rất điển hình mà có lần ông đã tự nhận xét về mình : "Tôi không phải là người Mỹ, tôi là nước Mỹ".

Hemingway chưa bao giờ bỏ quên chất Mỹ của mình, dù đó là ở Paris cũng như Paris không hề biến thành một nơi chốn khác qua cái nhìn của một người Mỹ.  Hemingway đã trải qua tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết ở đó, với tình yêu đằm thắm dành cho người vợ Hadley và ông con trai mũm mĩm Mr Bubby, đã sống những ngày đầy phấn khích với trò đua ngựa, đã ngắm nhìn những kiệt tác nghệ thuật với cái dạ dày trống rỗng, đã viết với tất cả lòng say mê. Hemingway đã thấy Paris, thấy tận tâm khảm nó, đã thấy ánh sáng rực rỡ của nó cũng như bóng tối phía sau ánh hào quang. Paris không thôi khiến người ta đam mê cũng như tuổi thanh xuân mãi mãi không thôi khiến người ta tiếc nhớ. Đó là một thời thật nghèo, mà hạnh phúc.

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Nam tước trên cây

Với cái tựa đề này, cùng với câu chuyện này, thoạt đầu tôi ngỡ là mình vừa xí được một vé đi tuổi thơ, tuổi thơ của một đứa con nít thích chuyện phiêu lưu viễn tưởng với thanh kiếm rạng ngời giắt bên hông, của những trưa nắng đòng đưa trên cây mơ mộng. Nhưng rồi đọc xong mới biết cái vé đó nó không đưa tôi đi về tuổi thơ, nó đã đưa tôi đi nơi khác.

Nơi khác đó là cõi nhân gian xanh mướt của Cosimo MưaGiông, nam tước của xứ BóngRâm, một thiên đường êm đềm mà rộn rã, gần kề mà cách biệt với đám đông, nơi những nhánh cây vươn mình một cách hữu hạn không ngăn nổi những chuyến phiêu lưu vô tận và niềm đam mê cuồng nhiệt của anh chàng nam tước. Nơi mà giấc mơ tuổi thơ đã được đẩy xa hơn một cách liều lĩnh, ngang tàng và kiêu ngạo. Khi tất cả chúng ta hồi còn là một đứa trẻ chỉ dám đứng dưới gốc cây và ước thì Cosimo đã thực hiện nó, đơn giản, dứt khoát với một lý do nhỏ bé như một cú hích nhẹ. Cosimo, trong một lần phản đối bữa ăn ốc sên của bà chị u sầu, đã trèo lên cây rồi không bao giờ xuống đất trở lại.

Khi giấc mơ tuổi thơ bị đẩy đi quá xa, nó không còn giành cho tuổi thơ nữa. Nó giành cho những người lớn đã chán ngán với đám đông ồn ã, a dua và uể oải trôi trong những định kiến xã hội. Nó là khát khao muốn tìm một chốn riêng tư, tách biệt nhưng không xa lánh thế gian, một nơi như Cosimo đang ở, êm đềm bay bổng phiêu lưu và cũng gần gũi cuộc sống. Hành động trèo lên cây của Cosimo ví như một cú tung mình lên khoảng không bao la để rơi vào một cõi chiêm nghiệm đầy ẩn dật, hay ngược lại, cũng có thể xem như một sự náu mình vào trong một thế giới ngút ngàn vô tận. Với những mâu thuẫn đó, cuộc sống trên cây của Cosimo trở nên huyền ảo với những không gian đóng mở không giới hạn, những cuộc phiêu lưu không bờ bến với những cuộc tình đầy chất thơ. Cosimo tự do với thế giới nhưng vẫn là một thành phần thuộc về thế giới. Tự do nhưng không hề lạc lõng.

Cosimo tạo lập cho mình cuộc sống ở trên cây, đầy đủ tiện nghi như dưới mặt đất và cũng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và quyền hạn của mình như đang ở dưới mặt đất. Cosimo học hành, ăn uống, tham gia nghị luận, như một nam tước bình thường. Và yêu đương như một kẻ si tình bình thường (rồi thất tình như một gã bình thường). Điều bất thường duy nhất chính là khoảng cách với đám đông mà Cosimo đã duy trì cho đến hết đời. Khoảng cách đó tạo ra vô vàn cái nhìn mới mẻ lạ lẫm, những khám phá và trãi nghiệm thú vị mà bất cứ ai thuộc về đám đông đều không có được. Trên những ngọn cây cao, xã hội phía dưới thu nhỏ lại trong một tổng thể bất an nhưng đầy trật tự rồi không ngừng thay đổi theo những cú tung mình của Cosimo. Tất cả đều được Cosimo ghi chép lại, nghiền ngẫm nhưng một kẻ luôn ưu tư về xã hội. Cuộc sống của Cosimo, tuyệt đối tự do nhưng vẫn tràn đầy trách nhiệm. 

Hành trình khám phá thế giới trên những ngọn cây của Cosimo càng ngày càng mở rộng với những không gian đầy mê hoặc và dịu ngọt, lấp lánh những ánh sáng huyền bí của câu chuyện cổ tích hoang đường. Calvino để cho nhân vật của mình tung hoành trong tuổi thanh xuân tràn trề , không giới hạn giấc mơ và khát vọng, không giới hạn tình yêu và khổ đau để rồi khi tất cả qua đi, trên đỉnh cao của sự tự do, Cosimo nhận ra mình ngập chìm trong một nỗi cô đơn đặc quánh. Không có gì có được mà không phải đánh đổi, và cái giá của tự do chính là nỗi cô đơn. Những năm tháng về già, ngả bệnh, Cosimo đã chọn cây hồ đào giữa quảng trường để nằm nghỉ, như một cách tìm về với đám đông, được hòa mình giữa đám đông để quên đi sự đơn độc. Cosimo không sống chung với mọi người, nhưng chưa bao giờ rời khỏi ánh mắt mọi người, như một thứ mà tác giả của cuốn sách này gọi là "một tồn tại trong suốt gieo neo", một sự hiện hữu chắc chắn nhưng không thể định vị. Cosimo là một thành phần không thể nắm bắt của cuộc sống, cho đến ngày tan biến vào cõi hư không.

"Nam tước trên cây" phảng phất một nỗi hoài niệm tuổi thơ, nhưng nó không dắt ta về tuổi thơ mà khiến ta đắm chìm trong một chiêm nghiệm về những ước vọng của cuộc sống. Cosimo là một nhân vật được hư cấu nên để phản ánh cái khát khao ngắm nhìn trọn vẹn thế giới mà vẫn ở trong thế giới, khát khao được riêng tư mà không cô đơn, được tách biệt mà không lạc lõng. Cosimo tạo lập một phong cách sống hòa nhập nhưng đầy cá biệt, một cái tôi lẻ loi nhưng không bị đám đông khước từ. Cuốn sách là một cuộc phiêu lưu trong tâm tưởng của những kẻ đi tìm tự do, đi tìm sự thanh thản nhẹ nhõm tuyệt đối trong đời.

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Cuộc đời của Pi


Cuộc đời của Pi khiến cho những viên ngọc vô hình tôi cóp nht đưc ở văn chương và cuộc đời va chạm nhau, khng định và chối bỏ nhau, tối đi và sáng lên bên cạnh nhau, xốn xang và trầm lắng (Dịch giả Trịnh Lữ)


Một câu chuyện hư cấu, ta biết là nó hư cấu, hoặc là ta cho rằng nó hư cấu, nhưng ta tin bởi vì ta muốn tin, cũng như ta đã bám víu lòng tin vào một đấng toàn năng chưa từng hiện hữu là Thượng Đế.


Thượng Đế là ai? Sao ta tin vào Thượng Đế? Ai đã gieo cái mầm tín ngưỡng ấy vào trong ta từ thuở bình minh để nó bám rễ mãi mãi trong tim óc cho đến tận ngày ta lìa bỏ cuộc sống? Để cuộc sống này dẫu vô vàn khó khăn, thì sự sống mãi mãi vẫn là một điều kỳ diệu như thế?

Pi- tên ngắn gọn của Piscine Molitor Patel (cái tên rắc rối xấu mù) yêu Thượng Đế, mà không chỉ là Thượng Đế của một mà là ba tôn giáo : Hindu, đạo Hồi, và đạo Thiên Chúa. Và mặc kệ việc ba tôn giáo này ngày ngày vẫn tạo ra biết bao cuộc thánh chiến, Pi vẫn tỉnh bơ ăn chay, đọc kinh và làm dấu thánh. Có gì khác biệt giữa các đấng toàn năng? Có gì khác nhau giữa những hạt mầm mà họ gieo vào tâm hồn cậu bé? Cuộc sống không phải chỉ là một ngôi đền để ta có thể giam mình trong một niềm tin hữu hạn. Cuộc sống bao la hơn nhưng cuộc sống chỉ có một nên dù ta có rất nhiều lòng tin nên lòng tin nào cuối cùng cũng giành cho cuộc sống, giành cho những phút giây ta giành giật sự sống cho mình.

Đời sống hiện đại đang tước mất dần của con người một thứ : đó là bản năng sinh tồn. Nhưng Pi có. Bài học giành giật sự sống này chính những con thú trong vườn bách thú mà gia đình cậu sở hữu đã dạy cậu bé, những con thú đã xa lìa cuộc đời hoang dã của mình để sống cuộc đời phè phỡn được người ta chăm sóc nhưng mãi mãi không nhổ được cái cội rễ bản năng tự nhiên. Cái cội rễ bám chặt vào cuộc sống để không bao giờ bỏ cuộc với một tiếng thở dài. Sự sống luôn hào phóng cho những ai chiến đấu vì nó.

Nên Pi đã sống, sau 227 ngày lênh đênh giữa đại dương, trên chiếc thuyền cứu hộ nhỏ cùng con hổ Belgan. Hiểm họa màu cam nặng mấy tạ đó lạ thay lại là một lý do để cậu bé níu kéo sự sống, để mọi cuộc chiến đấu căng thẳng một người-một hổ trở thành mục đích sống ngày qua ngày, để nỗi tuyệt vọng mênh mông của đại dương không bủa vây quanh cậu. Con hổ ở đó để Pi tin rằng, mình vẫn sống và vẫn còn muốn sống.

Cuộc đời của Pi là một câu chuyện hư cấu ly kỳ nhưng với giọng văn cực kỳ hài hước dí dỏm. Ta có thể cười cả khi chứng kiến nỗi thống khổ của số phận, sự hiểm nghèo của tình huống nên tiếng cười đó là tiếng cười hào sảng, đầy thách thức và mạnh mẽ cũng giống như ta luôn thấy cách nhìn nhận cuộc đời ở Pi tràn trề sự lạc quan. Lạc quan vốn là một cái phao giữa mênh mông bi kịch. Và ngay cả khi những dấu hiệu hiện hữu của Thượng Đế dần mất đi, cậu bé cũng không từ bỏ.

"Có nhiều người trong số chúng ta chịu bỏ cuộc chỉ với một tiếng thở dài. Những người khác chiến đấu chút đỉnh rồi mất hy vọng. Nhưng một số khác nữa, trong đó có tôi, thì không bao giờ bỏ cuộc. Chúng tôi chiến đấu và chiến đấu và chiến đấu. Chúng tôi chiến đấu bất kể giá nào, bất kể những thất bại phải chịu bất kể sự bất khả chiến thắng. Chúng tôi chiến đấu đến tận cùng. Đó không phải là vấn đề can đảm. Nó là một cái gì đó thuộc về bản chất một tình trạng không có khả năng đầu hàng. Có thể chỉ là sự ngu ngốc của lòng ham sống mà thôi"

Thượng đế có thể quay đi, nhưng lòng tin mà Thượng Đế đã gieo thì vẫn còn. Thượng Đế không cho Pi cuộc đời tưởng đã mất, tự cậu bé đấu tranh giành lại cho mình, bằng hạt giống đã nảy mầm và bản năng sống mạnh mẽ mà những số phận hoang dã trong vườn thú đã dạy cho cậu. Thượng đế im lặng trước lời thỉnh cầu, nhưng sự im lặng cũng có âm thanh, nó cần đến lòng tin về sự hiện diện để thấu hiểu và "sự giác ngộ rằng nguyên tắc nền tảng của mọi sự sinh tồn chính là thứ mà ta gọi là tình yêu"...