Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm


Christopher Boone là một cậu bé, như bao cậu bé khác, thích chó và nuôi một con chuột, loại sạch sẽ không mắc bệnh truyền nhiễm tên là Toby. Nhưng Christopher vẫn khác thường, bởi cậu có khả năng nhớ tên thủ đô tất cả các nước trên thế giới, có thể nhớ tất cả các số nguyên tố cho đến 7075, và giải trí bằng cách giải phương trình bậc hai, khai căn một cách gọn lẹ mà không cần giấy bút.
Christopher là một thần đồng, và vì cậu dư năng khiếu trong lĩnh vực này nên cậu hụt mất khả năng trong lĩnh vực kia. Cậu bé không hiểu được các biểu cảm trên khuôn mặt người khác, không hiểu được các câu nói mang tính ẩn dụ, không thích những cái gì mơ hồ không rõ ràng, không ưa màu vàng và vô cùng nhạy cảm với những ai chạm đến cậu.
Christopher mắc bệnh tự kỷ.
Mark Haddon đã sống cuộc sống của một cậu bé mắc bệnh tự kỷ suốt hơn 300 trang sách, sống bình thản và không hề nghi ngại dằn vặc bản thân, cũng như Christopher chưa bao giờ tự hỏi vì sao mình khác biệt. Cậu đơn giản là thích điều này, ghét điều kia, không chịu nổi cái nọ và rất dễ chịu trong hoàn cảnh khác… Cậu đơn giản và logic như toán học và cảm thấy an toàn trong một thế giới với những thứ mà cậu có thể tạo lập được một quy luật nào đó. Nhưng cuộc sống không đơn giản như Christopher mong muốn, dù cậu có hiểu được cả hệ mặt trời, cậu vẫn không hiểu nổi những người xung quanh. Rồi một ngày kia, khi con chó Wellington nhà hàng xóm bị giết bằng một cái bồ cào, Christopher trở thành nghi phạm đầu tiên, cậu bé đã quyết định làm một cuộc điều tra để từ đó bí mật của những người quanh cậu bắt đầu hé mở.
Christopher dấn thân vào một hành trình với đầy sự lo lắng sợ hãi, bởi lẽ có quá nhiều thứ cậu không lý giải được. Khuôn mặt ưu tư sầu muộn của cha cậu, sự giận dữ vô cớ lẫn những câu nói bỏ lửng nửa chừng, cái chết đột ngột vì bệnh tim của mẹ hai năm về trước, thái độ bất thường của những tay cảnh sát mà cậu gặp trong suốt chuyến điều tra… Một thế giới với những bí mật sâu kín đằng sau những khuôn mặt khiến Christopher cảm thấy bất an. Nhưng rồi cậu bé đã can đảm đi tiếp, vượt qua hành trình rất đỗi bình thường với người bình thường nhưng rất khốc liệt với bản thân, để tìm câu trả lời.
Đó là một câu trả lời bất ngờ, nhưng giản dị. Và nó là cả một trãi nghiệm lớn lao mà Christopher cũng như người đọc có được trong đời. Christopher sau hành trình đi tìm bí ẩn của con chó lúc nửa đêm, đã tìm ra một phần bí ẩn của cuộc sống, cũng như khám phá được khả năng của bản thân. Rằng, cậu vẫn hoàn toàn sống được một cuộc sống như những người bình thường, rằng tình yêu và gia đình cuối cùng vẫn ở bên cậu, rằng thế giới này có vô vàn bí mật nhưng cơ bản là cậu đã không còn sợ nó nữa.
Mark Haddon viết một cuốn sách rất rối ren, nhưng rất thật, thật như là ông đang viết về chính mình, một người tự kỷ đang vật lộn trong một thế giới hỗn độn có quá nhiều thứ không thuộc về. Sự trung thực có thể gây ra một sự xáo động, đau đớn nhưng cuối cùng, người ta sẽ nhận ra rằng Christopher không cần đến lòng trắc ẩn hay niềm xót xa thương cảm, cái cậu bé cần là sự thừa nhận và thấu hiểu, rằng khác biệt không có nghĩa là bất thường hay kỳ quái, chỉ đơn giản là người ta đang nhìn nhận cuộc đời không theo cách của đám đông mà thôi.
Cuốn sách là một tiếng nói nhỏ nhoi nhưng lay động tới cả những trái tim cằn cỗi vì logic thông thường đầy cảm tính, nó sẽ khiến bạn thôi bối rối khi gặp một người không giống ai, thôi hoang mang vì một chuyện chưa từng gặp. Cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn khi bạn trân trọng sự khác biệt, cũng có nghĩa là cho trái tim mình một cơ hội để mở rộng biên giới ra khỏi những định kiến lâu đời. Những điều tốt đẹp vẫn sẽ luôn tồn tại.

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Lời hứa lúc bình minh


Câu chuyện về một cuộc đời, đầy hiện thực mà cũng đầy ảo mộng, nó được dệt nên bằng một thứ xa xỉ gọi là niềm tin và sự ngoan cường chiến đấu cho niềm tin ấy, dẫu có ngây thơ ,thì vẫn đeo đẳng cho đến trang sách cuối cùng. Hành trình của Romain Gary đã khởi động ngay từ thuở bình minh của cuộc đời, khi cậu bé tự nguyện đặt lên vai mình lời hứa sẽ đem tòan bộ thế giới phủ phục dưới chân người mẹ đã sống quên mình vì cậu. Đó là thế giới mà chính bà đã tạo ra bằng tất cả sự viển vông, si mê, ngông cuồng và lãng mạn, thế giới đầy những đài vinh quang lộng lẫy chỉ cách độ một tầm tay hay một cái bước chân. Dù rằng Romain đã đánh đổi nguyên vẹn cuộc đời mình chỉ để vượt qua được cái bước chân ảo vọng ấy, thì cậu cũng đã vì bà mà chưa bao giờ cúi mặt hay tuyệt vọng trước số phận.

Nina là người đàn bà cô đơn, không chồng, không người tình. Bà chỉ có một đứa con trai và đứa con trai đó, không may lại nhận ra mình chính là cái cây duy nhất trong cái sa mạc mênh mông của mẹ để suốt đời nó chấp nhận làm một cái cây dát đầy kim cương long lanh cho bà ngẩn mặt với thế gian. Bà đã tưới cho cái cây duy nhất ấy bằng toàn bộ sức lực của mình, vắt kiệt từng giọt nước giữa cuộc đời-sa mạc cho nó rồi phủ lên đó toàn bộ ảo tưởng mà bà từng bị khước từ. Giấc mộng đời bà bị quá khứ vùi dập vỡ tan, Nina đặt toàn bộ kỳ vọng lên con trai với niềm tin rằng nó sẽ thao túng được tương lai, đập vào số phận từng nhát hả hê như chính số phận đã từng làm thế với bà. Niềm tin viển vông đó nuôi lớn Romain như một chất kháng thể chống lại hiện thực khắc nghiệt và cậu bé lao vào công cuộc chinh phục cuộc đời một cách hăng say không mệt mỏi.

Romain không mù quáng như mẹ, ngay từ lúc chạm ngõ thế giới viển vông mà bà vẽ nên, cậu đã biết giới hạn của mình, đến sự yếu đuối và tài năng hạn chế. Nhưng cậu cũng biết mình không còn lựa chọn nào khác, không phải chỉ vì lời hứa đang gánh vác trên vai, mà bởi vì nhận ra mình là người duy nhất, không thể trao được cho ai được cái trọng trách xây dựng hạnh phúc cho bà. Niềm tin sắt đá mà mẹ đã nhét vào tay cậu thuở bình minh, rằng mẹ "biết" con trai mẹ sẽ trở thành vĩ nhân đã buộc Romain lao đầu vào hầu hết các loại hình nghệ thuật có mặt trên thế gian, để rồi ôm về những nỗi thất vọng ê chề , những cái tên thiên tài trở thành những vết cứa nóng bỏng khi vang lên bên tai khi nhắc nhớ đến sự kém cỏi của bản thân và trở thành những tượng đài lấp lánh nhưng không thể nào với tới được. Nhưng, Romain có dòng máu của mẹ trong huyết quản, dòng máu không có chất tuyệt vọng, dòng máu dại dột mù quáng tuyệt vời nên cậu không bỏ cuộc, không cam tâm, không đầu hàng kể cả khi cuộc đời có ném vào mặt cậu hàng chục tiếng cười nhạo báng.

Nina tham vọng, tham vọng đến mức cuồng vọng. Sự si mê của bà đối với nghệ thuật và với nước Pháp đẩy Romain đi vào một con đường không giới hạn, không có điểm dừng. Nhưng bà không có ý định đặt một gánh nặng lên vai con, bà chỉ cho nó một ảo tưởng, một giấc mơ huy hoàng và cũng như bà Romain tin rằng đó hoàn toàn không phải là một giấc mơ. Dù rất trầy trật khi lao vào lĩnh vực nghệ thuật cũng như tìm cách nhập cư vào nước Pháp, nhưng cả hai mẹ con chưa bao giờ thấy đó là một cái gì đó xa vời quá tầm tay. Nina không nói nhiều nhưng bà đã làm, bằng mọi cách để đạt được mục đích trở thành người Pháp và bà chứng minh cho con là mọi thứ đều có thể. Và với Romain, trên đời này không có gì tan nát bằng ánh mắt thất vọng của bà nên cũng chỉ cần bà còn tia hy vọng trong mắt, cậu sẽ lao vào bằng mọi giá.

Âm nhạc, hội họa hay kịch nghệ đã từ chối Romain, nhưng cậu vẫn còn văn chương và văn chương cũng cho cậu lên bờ xuống ruộng một khoảng thời gian dài rồi mới le lói chút niềm tin. Nhưng chỉ cần chút le lói đó thôi, mẹ cậu đã bám vào như một chiếc phao cứu sinh không lồ, đẩy giấc mơ của bà đến mức tràn trề hứa hẹn. Niềm tin kỳ quặc đôi khi gây sửng sốt nhưng lại tạo ra những khoảnh khắc ngập tràn yêu thương và lòng biết ơn. Và rồi, tuy không trở thành thiên tài, nhưng đến những phút cuối cùng nó vẫn trao cho Romain những thành tựu để tự hào, nó là phần thưởng cho những nỗ lực đến tận cùng, giữa những đau đớn giày vò lẫn khát khao tạo dựng. Niềm tin của bà chính là động lực duy nhất để Romain chiến đấu với cuộc sống lẫn cái chết.

Kết thúc có hậu, Romain đã trở thành đại sứ của nước Pháp sau những lần chết hụt, những lần may mắn tưởng như chỉ có trong mơ. Nhưng trên tất cả là những nỗ lực sống và giành vinh quang của Romain cuối cùng cũng có lời vọng. Thế giới bây giờ dưới chân Romain, những bộ vest mà mẹ cậu ước ao cậu được mặc giờ đã thành hiện thực, những buổi tiệc thanh lịch hào hoa và những cử chỉ chinh phục phụ nữ cậu đều thành thạo. Mọi thứ trong tầm tay, đài vinh quang đã dưới gót chân. Chỉ có bà là không còn nữa. Người mẹ của Romain trước khi từ giã thế giới vẫn kịp để lại cho con mình tình yêu, lòng si mê và tham vọng chinh phục cuộc sống. Bà đi nhưng bà chưa bao giờ cắt đứt sợi dây rốn của bà và con trai mình, sợi dây hằng ngày vẫn truyền đi máu và niềm tin kỳ vĩ thơ ngây vào cuộc sống.

Một người mẹ vĩ đại, và một người con trai trở nên vĩ đại nhờ có một người mẹ như thế. Câu chuyện nửa hiện thực nửa mộng mơ, khắc nghiệt mà cũng giống như cổ tích. Niềm tin mù quáng có thể tiêu diệt mà cũng có thể nâng đỡ bạn, vấn đề là bạn muốn cái gì và bạn có can đảm hay không mà thôi. Romain Gary đã viết một cuốn sách với giọng văn "why so serious? ", rất bình thường, không nặng nề sầu khổ, không bi lụy đa mang nhưng vẫn bộc lộ được toàn bộ tình yêu đậm đặc của tình mẫu tử khi bên nhau lẫn cảm giác vô vọng trống trải lúc chia lìa. Cuộc sống hạnh phúc, đau đớn nhưng cũng đơn giản như thế mà thôi.


Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Mặt trời nhà Scorta



Một cuốn tiểu thuyết thấm đẫm ánh nắng mặt trời, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của một dòng họ bị nguyền rủa, nhưng cuối cùng lại kết tinh thành những hạt long lanh như muối trên biển- đó là cái hạnh phúc không gì sánh được khi lao động, đấu tranh để tìm lại một cuộc sống giản dị trên mảnh đất của mình.

Miền nam nước Ý phơi mình dưới ánh mặt trời thiêu đốt, biến mọi thứ trong ánh mắt người ta thành một thứ ảo ảnh chói loà. Ở đó, dòng họ Scorta đã được gieo mầm sống đầu tiên vào một ngày còn tệ hơn thế, khi một gã tù vừa mãn hạn 15 năm trở về ngôi làng Montepuccio để thực hiện một ước mơ cháy bỏng đã gặm nhấm hắn suốt chừng ấy năm trong tù : hãm hiếp cô gái mà hắn từng mê đắm. Hắn thành công và chấp nhận một trận ném đá cho đến chết. Trước khi chết hắn chỉ kịp biết đến một sự thật tàn khốc với mình, đó là hắn đã nhầm lẫn : cô gái bị hắn hãm hiếp không phải là người con gái hắn yêu mà là em gái cô ta : một cô gái câm. Hắn xuống mồ với một nỗi bất mãn cay đắng, nhưng đã để lại trên đời một mầm sống, một hình hài ngay khi ra đời đã mang dấu ấn ô nhục của chính hắn và bị cả Montepuccio nguyền rủa.

Dòng họ Scorta đã ra đời như thế. Đứa trẻ được một cha xứ giành giật sự sống từ trái tim mù quáng u tối của dân Montepuccio, ông cho nó sự sống nhưng không xóa được vết nhơ và sự thù hận trong trái tim . Rocco Scorta Mascalzone trở thành một tên cướp khét tiếng, man rợ và lạnh lùng. Rocco có sự sợ hãi của dân làng nhưng không mua được từ họ sự kính trọng. Cuối đời mình, hắn dành toàn bộ tài sản để làm điều đó bằng một cuộc thương lượng với cha xứ : quyên toàn bộ tài sản cho nhà thờ để đổi lấy một điều : bất cứ ai thuộc dòng họ Scorta khi chết đi sẽ được mai táng bằng hình thức long trọng nhất từ trước đến nay.

Rocco mua cho dòng họ mình sự tôn kính, nhưng cũng bằng cách đó đẩy những đứa con của hắn vào cảnh bần cùng. Cuộc thương lượng cuối cùng chỉ là một thứ giẻ rách báng bổ không hơn khi rơi vào tay một cha xứ mới. Ba đứa con của Rocco vật lộn với thế giới từ con số 0 : không tiền, không sự xót thương che chở, chỉ có dòng máu của nhà Scorta hoang dại mãnh liệt đang chảy trong huyết quản, chỉ có lòng tự tôn cho chính dòng họ bị nguyền rủa của mình làm nơi bấu víu. Mọi thế hệ của nhà Scorta đều bắt đầu như thế.

Họ đã sống đúng như vậy, lao động, đấu tranh không chỉ cho miếng cơm manh áo hàng ngày, mà còn cho cái tên Scorta có một vị trí vững vàng trong ngôi làng đầy định kiến Montepuccio. Chấp nhận đánh đổi cả tình yêu, cả máu và thậm chí cả mạng sống, những đứa con nhà Scorta đang từng ngày xóa đi dấu ấn ô nhục khắc ghi trên dòng họ mình. Mặt trời không rút được hết nhựa sống của họ, ngược lại, họ đạp trên cả những ngọn đồi đá nóng như thiêu, trên những bãi cát mênh mang bỏng rát để trồng cây, đánh cá, đạp trên sóng biển để tìm những chuyến hàng buôn. Mặt trời không giết nổi họ, một dòng họ dám ăn cả mặt trời.

5 thế hệ đi qua trong cuốn tiểu thuyết, và sẽ còn nhiều thế hệ khác bởi dòng máu Scorta mạnh mẽ không ngừng tuôn chảy, như Ellia, người con trai thế hệ thứ 4 đã nói về dòng họ mình rằng : Chúng ta không là gì cả, chỉ là những trái oliu trên cành, chín rồi rơi xuống và biến mất. Chỉ có cái tên Scorta, cũng như những cây oliu là vĩnh cửu, trường tồn...

Cuốn tiểu thuyết mỏng, nhưng nó là một bản trường ca hào hùng về dòng họ Scorta, những kẻ dám phá đi, thiêu đốt rồi xây dưng lại. Những con người không oán trách và đầu hàng số phận, không chối bỏ tai họa để sống kiên cường trên mảnh đất cằn cỗi khắc nghiệt, để mồ hôi chảy trong mình như một thứ hạnh phúc tràn trề được đấu tranh và giành giật thứ mình yêu. Nắng không thiêu đốt họ, nắng chỉ tôi luyện họ như đã tôi luyện những cây oliu cho ra thứ nhựa sống căng tràn từ đất khô. Từng thế hệ sinh ra thô nhám như đất, chiến đấu ngoan cường để cuối cùng lặng im về với đất, chỉ có gió đang thổi những cơn nồng nàng, mang theo mùi đá rít và mùi cỏ dại, Montepuccio chưa bao giờ vắng dấu chân người...