Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Moon Palace

Moon Palace - Cô đơn như một tinh cầu.

Không khó để đọc sách của Paul Auster. Ông ấy có lối viết, lối kể chuyện rất Cine, nghĩa là mạch truyện, cấu tứ, hình ảnh đều mang hơi hướm của một bộ phim với các nhân vật được xây dựng rõ ràng, có điểm nhấn, có đặc trưng và câu chuyện được kể rành mạch liên tục không hề đứt quãng. Nhưng kể cũng hơi mệt cho người đọc khi phải cầm trên tay cuốn sách của Auster, phải đọc cho tới tận trang cuối cùng mới buông xuống được, không được quyền nghỉ xả hơi giữa hiệp, vì nếu đọc giữa chừng, chắc hẳn sẽ phải nhấp nhổm đứng ngồi không yên vì số phận các nhân vật trong đấy, vì vô vàn câu hỏi to đùng đã giăng ra khắp nơi mà chưa kịp giải đáp. Để yên ổn sống tiếp, tốt nhất là cứ phải đọc cho xong :))

Moon Palace là câu chuyện về những số phận cô đơn, bị đẩy vào cảnh cô đơn hoặc lựa chon cô đơn- thôi thì đằng nào cũng cô đơn. Cuộc đời họ dính với nhau, bằng sự tình cờ, nhưng cũng bằng định mệnh. Cô đơn có vẻ như là một căn bệnh di truyền, từ đời ông, đời cha cho tới đời cháu. Mỗi người mắc bệnh theo một cách riêng nhưng mầm mống của nó khởi đầu từ cái khát vọng theo đuổi tự do, từ ngày mà ông già Effing bỏ hết tất cả để đến với thế giới hoang dã, nơi ông tưởng có thể trãi hết tâm hồn mình vào sự rộng lớn khôn cùng của nó. Nhưng những gì ông đem về chỉ là một cuộc đụng độ giữa tâm hồn nghệ sĩ và hiện thực xấu xí tan hoang, và cuộc đào thoát đến với tự do của ông còn để lại trong cuộc đời người vợ và đứa con trai ông một khoảng trống mênh mông không ai lấp nổi. Kể từ đó, nỗi cô đơn theo chân con trai ông đi song hành với số phận nó, rồi truyền xuống đứa con trai của nó - tức cháu nội của ông. Nỗi cô đơn lang thang từ thế hệ này sang thế hệ khác, tỏa cái ánh sáng mênh mang nhợt nhạt mà ám ảnh của nó lên cuộc đời từng người, buồn bã, uể oải tới phát điên, tới bệnh hoạn.

Mặt trăng là hình ảnh được Paul Auster sử dung như một biểu tương của sự cô đơn. Mặt trăng lang thang trên bầu trời, tự do trong hành trình và đơn độc trong hành trình. Ánh sáng của nó lúc rực rỡ lúc nhạt nhòa, giống như nỗi cô đơn của 3 người đàn ông trong câu chuyện, lúc mạnh mẽ, lúc âm ĩ, khi phát điên tới bệnh hoạn, lúc buông xuôi như chìm vào vũng lầy không muốn thoát ra. Nhưng mặt trăng chưa bao giờ biến mất trên bầu trời, cũng như nỗi cô đơn chưa từng rời bỏ ta đi. Với bất cứ bầu không khí nào, mối quan hệ nào, tình yêu nào, hận thù nào, mặt trăng vẫn ở đó, tỏa ánh sáng của nó lên cuộc đời và số phận của những con người, nhắc nhớ về một khoảng trống mênh mông quạnh quẽ trong trái tim, nơi nỗi khát vọng tự do từng thống trị .

Moon Palace – làm tui nhớ đến Hoàng tử bé. Cậu hoàng con cô đơn lang thang trong vũ trụ với trái tim ngây thơ và thiết tha. Moon palace – một tinh cầu rực rỡ cô đơn, nhạt nhòa cô đơn, chưa bao giờ thôi cô đơn. Paul Auster bao giờ cũng bắt người ta trả giá cho lựa chọn của mình. Và cô đơn chính là cái giá của tự do, trả hoài không bao giờ hết  :D

P/s : bạn đừng bao giờ cố chỉ ra sự phi lý hay đi tìm logic hay hiện thực gì đó trong cuốn sách này. Chuyện đó vô nghĩa :D

Dòng sông kỳ bí

Cái tên Dennis Lehane xuất hiện ở Việt Nam lần đầu tiên, đã gây một cú ép phê nho nhỏ trong lòng người đọc sách lẫn xem phim, bằng cuốn sách lẫn bộ phim đã được chuyển thể chính từ cuốn sách ấy, cùng cái tên ấy : Shutter Island - Đảo kinh hoàng. Lần thứ hai Dennis quay lại, bằng cuốn tiểu thuyết cũng được chuyển thể thành phim khác : Mystic River

Cũng như Nguyễn Ngọc Tư , viết Sông rồi mới viết Đảo, Dennis cũng viết Mystic River trước Shutter Island :)) Mystic River không có cái kết gây shock cũng như những tình huống kinh dị đến ngạt thở, không có cái vẻ âm u bí hiểm cũng như những nỗi bàng hoàng; cuốn sách này đời thường hơn, tĩnh lặng hơn, như một dòng sông cứ thờ ơ trôi theo ngày tháng, giấu tận đáy lòng mình những tăm tối uất ức cứ sôi sục, âm ỉ chực trào. Rồi một ngày kia nó trào lên thật.

Câu chuyện được kể một cách trật tự, lớp lang theo dòng thời gian, tưởng như chuyện nào chuyện ấy đã sáng rõ dưới ánh mặt trời, ấy thế mà người nào người nấy cứ phải gọi là tràn trề bí mật. Bí mật được đào sâu, chôn chặt tận đáy lòng, dưới vẻ mặt thờ ơ, trầm tĩnh nhưng bí mật hoàn toàn không thể nằm yên bởi nó còn quá nhiều điều không cam tâm, không giải tỏa, không tiêu hóa nổi. Thế nên bí mật cứ như một con quái vật âm thầm lớn lên trong tâm hồn những đứa trẻ, cho đến khi chúng trưởng thành thì con quái vật ấy cũng lớn với đầy móng vuốt và khát máu.

Dennis không kể một câu chuyện trinh thám, dù trông có vẻ như vậy. Cũng không kể một câu chuyện kinh di, bởi vì nó không phải thứ chuyện khủng khiếp mà người ta đem ra hù nhau. Nó là một câu chuyện mà thỉnh thoảng chúng ta phải đối mặt trong đời, dù muốn hay không : là chết chóc, mất mát, chia lìa, tổn thương, mặc cảm, là đau đớn, là nhục nhã ề chề. Tất cả những cảm giác ấy, chính là cái bóng ma kinh khủng nhất mà chúng ta phải gặp chứ không phải những ảo ảnh từ nghĩa địa hay những con ma cà rồng bước ra từ truyện tranh. Và cứ thế, Dennis kể một cách chậm rãi câu chuyện cuộc đời của ba người bạn, mà số phận đã chia cắt họ bằng nỗi ám ảnh từ tuổi thơ, dù vẫn sống đâu đó quanh quẩn bên nhau nhưng mỗi người đã tự xây cho mình một bức tường ngăn cách với người kia bằng thứ mặc cảm tội lỗi và những uất ức căm hận không sao giải tỏa nổi. Càng ngày bức tường càng cao, tâm hồn càng tăm tối và dòng sông- cuộc đời họ vì thế càng lúc càng sâu, càng nhiều sóng.

Hiếm khi đọc một cuốn truyện trinh thám gây ra cảm giác yên tĩnh như thế. Chẳng có gì giật gân hết, chẳng có gì đột ngột hoặc thất kinh hồn vía cả. Chỉ có một cảm giác u sầu nặng nề càng đọc càng đi dần dần vào trong người, khiến tâm hồn trĩu xuồng, tan nát vì những câu chuyện mà ta biết chắc là có thật, chẳng có gì là hư cấu; nó thật và trần trụi như cuộc sống, và buồn bã bế tắc như là cuộc sống. Cái ám ảnh của câu chuyện nằm ở chỗ đó, cái chỗ rất thật mà khôn cùng ấy, cái chỗ mà tâm hồn con người càng soi rọi càng thấy mịt mờ , càng lặn sâu càng không tìm thấy đáy ấy. Và con người càng lúc càng lún sâu vào trong nỗi ám ảnh khôn nguôi ấy, chưa bao giờ thoát được ra khỏi nó.

Cho nên, không thể  gọi đây là một cuốn tiểu thuyết trinh thám-kinh dị thông thường được nữa.

Sông

Đọc Sông của Nguyễn Ngọc Tư.

Sông Di đúng như tên gọi của nó, dân dã, bình thường mà nghĩ kỹ hơn một chút về cái tên này thì đã bắt đầu thấy cuồn cuộn sóng. Và khi đọc xong cuốn sách này, thì tròng trành, chênh chao chính là thứ cảm giác còn đọng lại, như một người đã băng qua hành trình dài với sông nước, không thể không lơ lửng khi vừa chạm được tới bờ. Sông Di và hành trình của Ân, khiến ta không sao tìm được một lời để neo đậu, để trấn an. Chỉ có cách thả cho mọi thứ trôi đi, trôi đi rồi chìm sâu xuống đáy, như một cách phai tàn.

Ân đi theo sông Di lên thượng nguồn của nó, cũng là cách cậu đi tìm lại bản thân mình, giữa những muôn trùng câu hỏi không lời đáp về số phận của cậu. Ân sống một cuộc đời không có thẻ căn cước về bản thân, không có một danh phận rõ ràng, một giới tính xác định. Cậu cứ bơ vơ giữa chốn đông người, tưởng là đã tìm được một chỗ để neo lại, để vì nó mà đấu tranh, là Tú. Nhưng cuối cùng Tú cũng buông tay để cậu bỗng dưng trôi dat. Và sông chính là nơi đã ôm ấp những số phận như cậu, lênh đênh, lạc trôi trong nỗi đắng cay cam phận, để rồi trong một cơn thù hận dưới đáy, sông nhấn chìm tất cả để kết thúc cho những kiếp người. Đó, hình như là cách giải thoát cuối cùng, duy nhất.

Đọc Sông, không thể không ám ảnh. Có một sự ma mị nào đó trong toàn bộ câu chuyện, trong những miền đất, trong những đôi mắt và nét cười. Trong tất cả những gì mà dòng sông đi qua, soi rọi, nhấn chìm, vồ về. Tất cả đều ma mị và mờ ảo. Nguyễn Ngọc Tư tả chân, không tô vẽ, nhưng chỉ nhấn thả vài nét nên chân dung từng người, từng cảnh, từng vật không rõ rệt. Chỉ có cõi lòng và những vết thương ngổn ngang trên trang giấy, hiển hiện mồn một nhưng hư ảo. Đẹp, nhưng bàng hoàng đau đớn.

Nguyễn Ngọc Tư viết cuốn này có một đôi chỗ hơi gồng, hơi thể hiện cá tính nhân vật và sự trúc trắc của các mảnh đời. Nhưng văn phong của chị rất hợp với câu chuyện, nó dào dạt, tình tứ, âm ỉ nhưng bùng nổ hoang dại vào những thời điểm cần thiết, dẫn người ta lên tới cao trào rồi nín lặng chuẩn bị cho một tiếng thở khẽ, rất dài...

Đọc xong, tui ước gì tui có thể khóc được. Nhưng kỳ lạ là tui không thể. Đây không phải là những nỗi buồn để có thể khóc rồi quên. Nó sẽ là những ám ảnh, dù cuộc sống hàng ngày rồi có thể sẽ làm tui bớt nghĩ về nó, nhưng như tui đã bị với những cuốn khác của chị, tui không bao giờ quên được nó.

Chuyện tình giai nhân

Một cuốn sách nhiều đau khổ, nhiều bóng tối và những giọt nước mắt âm thầm. Nhiều mệt mỏi, uất hận, hằn học. Nhiều toan tính, nhiều nhỏ nhen và nhiều... phụ nữ. Muôn đời, phụ nữ cầm tù chính mình trong cái hệ tư tưởng đã dày lên tầng tầng lớp lớp theo thời gian, như một thứ xiềng xích cột đời nhau vào trong một cái lồng của định kiến, của truyền thống. Mà ngoài kia, trên đầu, làn gió mới của thời đại tự do đang thổi lên từng cơn ào ạt.

Trương Ái Linh là một cái tên quen thuộc. Chí ít, bạn cũng nên biết bà là tác giả của Sắc, Giới - đã được chuyển thể thành phim và gây sóng gió cách đây ít lâu. Trương Ái Linh là một phụ nữ gánh đủ cái đau đớn mà xã hội đè lên vai của người phụ nữ, cũng là người đã tìm được đến với cuộc sống tự do nhưng rồi lại cô đơn trong cái tự do ấy. Bởi vậy, bà viết không chút gồng mình, không chút khoan dung. Bà viết như kể chuyện, không bình luận, cũng không lên án hay oán than. Chúng ta chỉ có thể biết được thứ cảm xúc của chính mình khi đọc xong tập truyện : có xót xa, có đồng cảm, nhưng cũng có phẫn nộ. Dù vậy, dù phẫn nộ bởi sự cay nghiệt của những người phụ nữ trong những câu chuyện, nhưng rồi cũng không thể chùng lòng mà bao dung, bởi vì cuộc đời họ có quá nhiều bóng đêm bao phủ, quá nhiều nhọc nhằn phải nặng mang, quá nhiều nợ nầng phải trang trải.

Trương Ái Linh không có lối viết ủy mị, lãng mạn. Các nhân vật của bà cũng không có lấy một chút lãng mạn nào. Họ toan tính thiệt hơn, họ cân nhắc đong đếm. Và họ khổ đau cô đơn trong sự toan tính của mình.Họ không tin ai, không tin cả chính mình. Phụ nữ không đẹp không dám mơ người ta yêu mình, còn phụ nữ đẹp khi được người ta tỏ tình cũng không tin rằng người ta thật lòng. Cuộc đời họ luẩn quẩn trong cái vòng nghi kị, ghen ghét và chê bôi nhau, rồi cũng đâm ra chê bôi cả bản thân mình. Họ đau khổ nhưng không biết cách nào để thoát ra được.

Phụ nữ trong câu chuyện của Trương Ái Linh buông neo cuộc đời mình ở một vùng biển mên mông, nơi bến bờ mới đã thấp thoáng nhưng rồi không mấy người đủ can đảm bỏ nơi mình sống để bơi đến. Họ cứ sống với những gì cố hữu mà lòng không thôi mơ đến những chân trời khác. Giấc mơ cứ đè nặng lên tâm hồn đầy bóng tối của họ, hắt cái ánh sáng huyễn hoặc và đầy mật ngọt của tình yêu hứa hẹn lên những vết thương đã cứa chằng chịt trái tim. Để đến khi đau đớn không chịu nổi, họ lại đổ lên đầu một người phụ nữ khác, cứ thế tiếp tục, tiếp tục... những vết thương.

Phụ nữ khổ vì chính họ. Thôi thì đành thừa nhận thế cho xong. Bởi thế, đàn ông có chịu bình đẳng giới, có galant, có yêu thương, có chiều chuộng cỡ nào đi nữa, thì phụ nữ chỉ có thể hết khổ khi tự họ cởi trói cho mình, tự họ biết yêu mình. Câu chuyện này tới giờ vẫn chưa có hồi kết ^^

Đồi gió hú

Nếu bình chọn một cuốn sách về tình yêu, tôi sẽ vote cho cuốn này. Vote hết tất cả những ngôi sao mà tôi có hehehe

Những cuốn tiểu thuyết diễm tình, những thiên tình sử lãng mạn được viết thành những áng văn chương , hay kể cả những cuốn ngôn tình tràn ngập tình với tình, tất cả đều không đem lại một thứ cảm giác mãnh liệt về tình yêu như cuốn sách mà tôi đang đọc. Dù tôi đã đọc nó hồi mười tám hai mươi gì đó, rồi bây giờ đã là ba mươi, lần nào cũng trọn vẹn thứ cảm giác rùng mình vì sự hoang dại và thứ tình yêu ào ạt như gió hú trên đỉnh đồi.

Đồi gió hú được xếp vào hàng kinh điển của văn chương thế giới. Cho dù nó xuất hiện dưới bộ dạng nào ; một cuốn sách, một bộ phim, một bài thơ hay một bài hát, nó đều chuyển tải được cái thông điệp mà Emily Bronte đã rút hết cuộc đời mình cất vào trong ấy : tình yêu. Thứ tình yêu cháy bỏng đam mê, thứ tình yêu đầy tham vọng chiếm hữu, thứ tình yêu ngùn ngụt lửa căm thù. Bản thân thứ tình yêu đó đã đủ gây chấn động nhân loại, không phải nhờ thêm một nghệ thuật nào nâng đỡ nữa. Nên bởi thế, dù là sách, là phim, hay là nhạc, tình yêu của Heathcliff với Catherine là thứ tình yêu không cần đến một sự chuyển tải nào khác, tự nó khuấy động bầu không khí xung quanh, đến mức người ta không quan tâm là mình đang đọc, đang nghe hay đang xem. Người ta chỉ biết mình đang chứng kiến một câu chuyện tình yêu, say đắm, mãnh liệt và vị kỉ

Chất hoang dại của Heathcliff và Catherine khiến tình yêu của họ quay về với bản chất thực sự của tình yêu, với cái bản năng chiếm hữu và làm tổn thương nhau cũng như làm tổn thương chính mình. Tình yêu cho họ có cái tự tin xát muối vào nhau cả ngàn lần, tự tin đâm vào nhau hàng chục vết thương mà vẫn biết rằng họ không bao giờ mất nhau. Họ yêu nhau dữ dội và thậm chí thách thức cả cái chết.

Chưa có một cuốn tiểu thuyết nào lại đem lại nhiều lòng tin về tình yêu nhiều như thế. Catherine không lựa chọn Heathcliff , bằng toàn bộ lý trí của mình. Nhưng khi yêu, cô biết rõ là cô đã yêu Heathcliff dù anh ta man rợ, hiểm ác, tàn độc. Dù anh ta nghèo khổ, bần cùng. Đó là thứ tình yêu bất chấp và thách thức, ngạo nghễ hoang dại đúng như tính cách của hai người. Nó khiến tôi tin rằng, rốt cuộc thì bất cứ ai cũng sẽ được yêu, dù bản chất có xấu xa, thấp hèn, có tàng bạo ngang ngược, thì họ vẫn tìm thấy được một tình yêu như Heathcliff đã tìm được Catherine, như mối dây không bao giờ đứt lìa, ngay cả khi chết.

"Em yêu tôi, vậy em có quyền gì mà bỏ tôi, Catherine"

Ồ, có chứ. Đó là quyền của người được yêu, biết rằng họ sẽ thuộc về nhau mãi mãi cho dù họ có bỏ nhau cả mấy trăm lần. Kể ra, cũng thật khó tin nhưng Emily Bronte đã kể một câu chuyện với quá nhiều ma lực khiến người ta sẽ mãi mãi không thôi tin vào nó, như một cách bấu víu vào những giấc mơ bản năng, thầm kín trong thế giới hỗn độn và ảm đạm này.

Bạn có tin vào tình yêu không?

Tôi thì, thỉnh thoảng thấy cũng có

Một mùa thơ dại

Dịch giả Phan Nhật Chiêu đã gọi Ichiyo là thiên tài của mùa xuân vĩnh cửu. Người con gái mãi mãi dừng lại ở tuổi 24, với 24 mùa xuân trải qua trong đời, nhưng đã kịp ghi dấu tên tuổi của mình trên văn đàn như một ngôi sao lấp lánh.

Ichiyo- Nhất Diệp, cô gái ấy đã lấy hình ảnh một ngọn cỏ lau đơn độc mà Bồ Đề Đạt Ma dùng để vượt sông Dương Tử làm bút hiệu của mình, và cũng giống như ngọn cỏ lau mỏng manh, cuộc đời của nàng ngắn ngủi nhưng đẹp đẽ và thanh cao, những gì nàng để lại là một linh hồn vừa hiện hữu vừa không sao nắm bắt nổi qua những trang viết

Takekurabe - Một mùa thơ dại- nguyên nghĩa gốc của nó là So sánh chiều cao. Tựa của cuốn sách được rút ra từ trong bài thơ mà một chàng trai gửi cho người yêu trong tác phẩm cổ điển Nhật bản có tên là Truyện Ise :


Khắc dấu chiều cao
bên thành giếng nước
vượt xa lúc nào
kể từ ngày cuối
nhìn em nao nao

Và vì thế, Một mùa thơ dại là câu chuyện tình thơ dại dấu trong mình nó những số phận và những cuộc đời, là thế giới của những đứa trẻ chuẩn bị thành người lớn, đánh rơi tuổi thơ bên triền dốc của sự trưởng thành với cái định mệnh mà cuộc đời dành cho. Trưởng thành là một cột mốc mang nhiều vết thương như một sự đánh đổi , để có từng trãi, ta phải đánh đổi thơ ngây, để có mạnh mẽ ta phải chấp nhận nỗi cô đơn lạnh lẽo.

Một mùa thơ dại được ví như một khúc bi ca về nước Nhật, đất nước đã vượt qua thời thơ ngây của mình để trở thành một cường quốc mạnh mẽ nhưng trong lòng không sao quên được những nỗi buồn bã cô đơn...

Một cuốn sách mà nhất định nhất định bạn phải đọc.

Người tình

Đây là một cuốn tiểu thuyết rất kỳ lạ. Mỏng, ngắn nhưng lại biết khơi gợi người đọc tới với rất nhiều thứ cảm giác. Bồn chồn, khắc khoải, uể oải, mãnh liệt, nồng nàn lẫn cả chán chường. Thứ cảm giác tồn tại trong một bầu không khí nóng ẩm hừng hực nhiệt đới, rực rỡ của thanh xuân lẫn rực rỡ của phai tàn. Những nhân vật sống hết mình với tình yêu nhưng mang trong mình một nỗi u uất sầu muộn đến rã rời, không đủ sức đi tìm cho nhau một tương lai hứa hẹn. Và xứ sở nơi họ gặp nhau , miền đồng bằng nhiệt đới phù sa với những ngã rẽ mênh mông sông nước, giống như chính mạch truyện, cứ dẫn người ta đi theo dòng hoài niệm miên man, trôi xuôi ký ức để tìm lại miền nhớ xanh thẳm đã bồi lở theo thời gian với những khoảng trống thênh thang thinh lặng.

Cô mười lăm tuổi. Khuôn mặt và thân hình non nớt nhưng tâm hồn già cỗi hơn thế rất nhiều. Có thể ở cái xứ sở nhiệt đới nóng ẩm này, tâm hồn của người ta bị thiêu đốt nhiều hơn , bằng những nỗi sợ hãi, mông lung, bằng sự xa lạ. Nhưng trên chuyến phà Vĩnh Long- Sa Đéc năm ấy, cô đã tìm thấy một người đàn ông của cuộc đời mình, dù cô không nhận ra. Người đàn ông thuộc về xứ sở mà cô muốn rời bỏ, người đàn ông khác màu da, khác địa vị và khác luôn cả giai cấp. Người đàn ông đã yêu cô từ cái nhìn đầu tiên, yêu say đắm và tuyệt vọng cho đến tận cuối đời.

Họ đến với nhau. À không, họ lao vào nhau. Giống như thác lũ, giống như đập nước vào ngày mở chắn. Họ thả mình vào cơn lốc dục vọng để lãng quên. Lãng quên nỗi đau không thốt nên lời, lãng quên sự bất lực tuyệt vọng của mình, sự héo úa tàn phai của tuổi thanh xuân đã hằn lên tim họ, lãng quên cuộc đời, lãng quên thời gian...

Cô còn quá trẻ để nhận diện tình yêu. Cô nghĩ mình đến với anh vì tiền, vì tình dục. Cô không biết rằng cái anh mang đến cho cô không chỉ có chừng đó. Dù anh không thể giữ cô đến cùng, dù anh yếu đuối, hoang mang, không bảo vệ cô trước danh gia vọng tộc của mình, nhưng anh đem đến cho cô cảm giác bình yên, nơi nương náu trong cuộc đời buồn bã của mình. Cô không biết rằng được ở bên nhau trong cảm giác yên ả, thanh thản êm đềm, là đã được ở trong tình yêu...

Cuốn sách không dễ đọc. Nó trúc trắc , lấp lửng, bỏ dở nửa chừng. Nó như những nhánh sông ở miền Tây, bất thần rẽ ngang, bất thần đổi dòng. Nó để lại những khoảng trống hoang mang trong lòng người đọc, vất vả đi tìm cách xâu chuỗi các sự kiện rồi phỏng đoán, nghi ngờ. Nhưng theo mạch văn và bút pháp nồng nàng của Marguerite ta mặc lòng để những sự kiện không trọn vẹn trôi xuôi, thả mình vào ký ức đầy biến động, đầy ngọt ngào và u uất của những con người trong câu chuyện. Mặc lòng chấp nhận những khoảng trống bí hiểm không lời giải thích đó như chấp nhận một kỷ niệm đã không còn hình hài rõ nét, đã bị bôi xóa theo tháng năm, chỉ còn lại hương vị nồng nàng gợi cảm của nó, phảng phất , quấn quýt, lay động...

Marguerite Duras đã kể câu chuyện của đời bà, câu chuyện tình xốn xang nồng nàng đầy nhục cảm. Nhưng người ta nói rằng, anh không phải là nhân vật chính, cô cũng không phải là nhân vật chính. Nhân vật chính của câu chuyện chính là cái xứ sở, nơi cô và anh gặp nhau. Là miền đất mênh mông sông nước, những cơn gió, những cơn mưa nhiệt đới, những mùa nắng ngột ngạt, những triền sông xanh thẳm. Nơi cô dù muốn bỏ đi, vừa không thể nào phủ nhận được nó đã tạo nên chính cô bây giờ. Miền đất đã cho cô cái vẻ đẹp của nó, sự ngây thơ, sự nồng nhiệt, sự uể oải, sự cô độc hoang hoải của nó. Duras đã trả lời tuần báo Le Nouvel Observateur về cuốn sách, về Việt Nam thế này: “Tôi không thể giải thích được rõ rệt tại sao, chỉ cảm thấy nơi chốn chào đời ấy, với tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi ở đó, càng về cuối đời càng trở thành một hiện tại sáng rỡ trong tôi, như đó là bản mệnh tôi, như chính phần đời xa thẳm ấy tạo ra tất cả những phần đời của tôi sau đó. Và điều lạ lùng, cuốn sách này còn như sự chiếu sáng, một cắt nghĩa cho tất cả những cuốn sách tôi đã viết ra”…  

Bay đêm

Nếu như có một cái chết nào được gọi là nên thơ, thì đó là cái chết giữa bầu trời bao la. Dĩ nhiên, chuyện đó chỉ xảy ra khi bạn đang bay. Bay một cách chủ động chứ không phải ngồi trong cái khoang thấp tè dài sọc đợi giờ đáp xuống đường băng :D

Trong cuốn Nam tước trên cây của Italo Calvino, chàng Nam tước Bóng Râm cũng chọn cho mình một cách ra đi như thế. Như cánh chim khuất nẻo, như một vì sao tắt lịm giữa thinh không. Cái chết- hay là sự kết thúc của chàng để lại cho câu chuyện một dư âm mạnh mẽ về sự nhẹ nhõm và thanh thản, sự kỳ diệu của cuộc đời và sự êm ái của lời giã biệt.

Bỗng dưng tui nghĩ về Saint Exupery, về những người đàn ông sống hầu hết cuộc đời trên bầu trời, ngắm thế giới rộng lớn bên dưới qua cánh cửa máy bay. Cảm giác đó thật tuyệt vời. Những cánh đồng mênh mông, những thung lũng bát ngát, những thành phố dát đèn màu vương vãi những hạt ngọc lấp lánh của mình. Mọi thứ trở nên kỳ diệu khi ngắm từ xa, khi nhìn tổng thể. Và tự dưng tất cả những nghĩ suy đều trở nên phổ quát, chiêm nghiệm.

Nhưng cùng với nó là cảm giác đơn độc.

Nghề phi công, nhất là phi công của Không Bưu là một nghề hết sức đơn độc. Không có ai sát cánh cùng ta ngoài những kiện hàng những lá thư câm lặng. Và bầu trời lúc đêm đen dù muôn vàn ngôi sao sáng thì cũng không có một tiếng vọng nào đến từ phía ấy. Chỉ có những cơn gió ngút ngàn lồng lộng, chỉ có những cơn bão cát , chỉ có sự sợ hãi của chính mình vây chặt lấy mình, bóp nghẹt cả trái tim .

Exupery viết về những người anh hùng bình dị, những người đã vượt qua phong ba, vượt qua bão táp và vượt qua sự sợ hãi bình thường của con người để đeo đuổi nghiệp lái máy bay. Để sống và chết trên bầu trời , như một ngôi sao vụt tắt vào sớm mai yên ả

Socrates in love - Tiếng gọi tình yêu trong lòng thế giới


Đã lỡ buồn, buồn nốt cho trọn hôm nay

Nhưng đây là một nỗi buồn đẹp, là thứ nỗi buồn đã kết tinh theo tháng năm, long lanh như là kỷ niệm. Kỷ niệm vốn đã đẹp bởi nó đã nhòa theo thời gian, nhưng kỷ niệm được khắc ghi bằng một vết thương thì nó vừa đẹp bằng cái phảng phất mơ hồ , vừa đẹp bằng tất cả các đường nét rõ ràng kiêu hãnh, nó như ở đó bên ta, lại vừa như xa xăm diệu vợi. Nó là một nỗi buồn mênh mang, vừa lộng lẫy vừa dung dị, mang cả đau đớn lẫn êm đềm

Socrates in love - Tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới. Cái tựa gợi nên một âm thanh vô vọng giống như một tiếng thì thầm bị rơi vào quên lãng, nhưng nó mãi âm ỉ thổn thức hoài trong những trái tim yêu. Hơn nữa đó là những trái tim yêu của tuổi mười sáu, mười bảy khi lần đầu rung động. Một tình yêu của buổi sớm mai, rồi rơi vào một đoạn kết dang dở để sớm mai ấy vương mang những vệt nắng chiều, khắc khoải, đau đớn mãi không tìm lại được thứ hạnh phúc mới đây mình còn nắm giữ.

Như thế, Aki mãi mãi là buổi sớm mai duy nhất trong đời của Sakutaro, là giọt sương long lanh trong trái tim - kỷ niệm của cậu. Aki là tuổi mười sáu của cậu, là thế giới ngập tràn tin yêu đã có và đã mất đi, là vết thương khắc sâu theo tháng năm mà cậu không bao giờ thôi đau và thôi muốn đau. Sakutaro mang theo vết thương như mang theo Aki bên mình, trong đớn đau, tuyệt vọng, chờ đợi và trong cả niềm hạnh phúc được chìm vào trong tình yêu vô vọng, thứ hạnh phúc ngọt ngào nhắc nhớ thanh xuân đã trôi đi...

Rồi Aki cũng ra đi với gió, trên những cánh hoa đào mùa xuân khi Sakutaro biết rằng cô mãi mãi vẫn còn đó, như tuổi mười sáu mười bảy của cậu mãi mãi sống trong trái tim và kỷ niệm, trong nỗi nhớ niềm yêu. Và họ vẫn bên nhau hằng ngày, trong những khoảnh khắc đẹp tươi hằng in trong nhớ nhung, hoài niệm. Aki là một phần trái tim của Sakutaro, không bao giờ tách rời được nữa...

Cũng phải mất gần cả đời mới biết được cách cất giữ một con người vào trong trái tim :D