Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Dòng sông kỳ bí

Cái tên Dennis Lehane xuất hiện ở Việt Nam lần đầu tiên, đã gây một cú ép phê nho nhỏ trong lòng người đọc sách lẫn xem phim, bằng cuốn sách lẫn bộ phim đã được chuyển thể chính từ cuốn sách ấy, cùng cái tên ấy : Shutter Island - Đảo kinh hoàng. Lần thứ hai Dennis quay lại, bằng cuốn tiểu thuyết cũng được chuyển thể thành phim khác : Mystic River

Cũng như Nguyễn Ngọc Tư , viết Sông rồi mới viết Đảo, Dennis cũng viết Mystic River trước Shutter Island :)) Mystic River không có cái kết gây shock cũng như những tình huống kinh dị đến ngạt thở, không có cái vẻ âm u bí hiểm cũng như những nỗi bàng hoàng; cuốn sách này đời thường hơn, tĩnh lặng hơn, như một dòng sông cứ thờ ơ trôi theo ngày tháng, giấu tận đáy lòng mình những tăm tối uất ức cứ sôi sục, âm ỉ chực trào. Rồi một ngày kia nó trào lên thật.

Câu chuyện được kể một cách trật tự, lớp lang theo dòng thời gian, tưởng như chuyện nào chuyện ấy đã sáng rõ dưới ánh mặt trời, ấy thế mà người nào người nấy cứ phải gọi là tràn trề bí mật. Bí mật được đào sâu, chôn chặt tận đáy lòng, dưới vẻ mặt thờ ơ, trầm tĩnh nhưng bí mật hoàn toàn không thể nằm yên bởi nó còn quá nhiều điều không cam tâm, không giải tỏa, không tiêu hóa nổi. Thế nên bí mật cứ như một con quái vật âm thầm lớn lên trong tâm hồn những đứa trẻ, cho đến khi chúng trưởng thành thì con quái vật ấy cũng lớn với đầy móng vuốt và khát máu.

Dennis không kể một câu chuyện trinh thám, dù trông có vẻ như vậy. Cũng không kể một câu chuyện kinh di, bởi vì nó không phải thứ chuyện khủng khiếp mà người ta đem ra hù nhau. Nó là một câu chuyện mà thỉnh thoảng chúng ta phải đối mặt trong đời, dù muốn hay không : là chết chóc, mất mát, chia lìa, tổn thương, mặc cảm, là đau đớn, là nhục nhã ề chề. Tất cả những cảm giác ấy, chính là cái bóng ma kinh khủng nhất mà chúng ta phải gặp chứ không phải những ảo ảnh từ nghĩa địa hay những con ma cà rồng bước ra từ truyện tranh. Và cứ thế, Dennis kể một cách chậm rãi câu chuyện cuộc đời của ba người bạn, mà số phận đã chia cắt họ bằng nỗi ám ảnh từ tuổi thơ, dù vẫn sống đâu đó quanh quẩn bên nhau nhưng mỗi người đã tự xây cho mình một bức tường ngăn cách với người kia bằng thứ mặc cảm tội lỗi và những uất ức căm hận không sao giải tỏa nổi. Càng ngày bức tường càng cao, tâm hồn càng tăm tối và dòng sông- cuộc đời họ vì thế càng lúc càng sâu, càng nhiều sóng.

Hiếm khi đọc một cuốn truyện trinh thám gây ra cảm giác yên tĩnh như thế. Chẳng có gì giật gân hết, chẳng có gì đột ngột hoặc thất kinh hồn vía cả. Chỉ có một cảm giác u sầu nặng nề càng đọc càng đi dần dần vào trong người, khiến tâm hồn trĩu xuồng, tan nát vì những câu chuyện mà ta biết chắc là có thật, chẳng có gì là hư cấu; nó thật và trần trụi như cuộc sống, và buồn bã bế tắc như là cuộc sống. Cái ám ảnh của câu chuyện nằm ở chỗ đó, cái chỗ rất thật mà khôn cùng ấy, cái chỗ mà tâm hồn con người càng soi rọi càng thấy mịt mờ , càng lặn sâu càng không tìm thấy đáy ấy. Và con người càng lúc càng lún sâu vào trong nỗi ám ảnh khôn nguôi ấy, chưa bao giờ thoát được ra khỏi nó.

Cho nên, không thể  gọi đây là một cuốn tiểu thuyết trinh thám-kinh dị thông thường được nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét