Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Gió về Tùng Môn Trang


"Gió về Tùng Môn Trang" là một cuốn sách.Như tác giả tự nhận, đó là hồi ức của một người học võ.Và nếu chỉ có như vậy thì tớ, một đứa hoàn toàn xa lạ với võ thuật (và các môn động thủ nói chung), không có lý do gì để tìm đọc nó.Nhưng cái tựa của cuốn sách có một cái gì đó vừa xa, vừa gợi, vừa miên man, làm người ta nhớ về một hình ảnh nào đó trong một bài thơ Đường cổ.Và đúng như cái tựa đề, cuốn sách không hề có những đường quyền, những thế võ mà có vận dụng hết óc tưởng tượng tớ cũng không hiểu ra nổi, mà toàn bộ là những tâm tình, suy tưởng của một người đã đạt đến cái cốt tủy của tinh thần võ thuật cũng như Đạo học Đông phương, và cái sự "đạt" ấy được diễn đạt bằng những tâm tình rất thơ, rấtnhẹ, như là nó vốn dĩ vẫn tồn tại xung quanh ta, chỉ chờ ta đốn ngộ
Và một lời đề tựa ngắn gọn như vậy:
"Hãy xem nhẹ phần võ thuật để đi vào tinh túy của võ đạo bằng sự cởi mở của tâm hồn và tinh thần phóng khoáng"
Tùng Môn Trang là nơi mà người thầy của tác giả, võ sư người Nhật Bản Choji Suzuki, đặt cho một vườn đồi, nằm ở phía Đông-Nam Đà Lạt.Đó là hai ngọn đồi bát úp như hình hai mẹ con nằm tĩnh lặng bên nhau từ ngàn xưa, một nơi thời thơ ấu của tác giả, chứng kiến những tháng ngày luyện tập không mệt mỏi, những công phu kinh kệ, những phút giây thanh thản trong thời loạn lạc đao binh...
"Tôi đến với Tùng Môn Trang với đôi cánh cửa đã mở cho gió về thênh thang từ trăm phía, đến chỗ mà không ai chờ, ai đón, không ai giành, không ai đuổi... bởi vì ở đó có gió rừng lạnh lẽo, và những đêm sương mù đẫm quyện trong trăng, tựa như vô vàn đóa hoa mây trôi ngoài cửa thảo am...Ngày nắng tràn qua thung lũng sưởi ấm những rặng thông già- những chiều mưa về như trăm ngàn dòng thác trắng..."
Chính ở nơi này, ông đã gặp một người tiểu sa di bé nhỏ, Giải Lập, người đạo sư trong những ngày "hành thiền lãng lí", người đã dạy cho ông biết cách vượt qua bản ngã, vượt qua những cám dỗ thường tình, qua cơn buồn ngủ buổi sáng sớm khi phải tỉnh dậy kinh kệ, vượt qua nỗi nhớ quê hương khắc khoải trong lòng, mở rộng cửa đón nhận đạo Phật, với những lời răn dạy đi theo tác giả đến phút cuối cùng trên cõi đời, làm một Samurai chân chính
Tùng Môn Trang, nơi dừng chân ngắn ngủi trong quãng đời dài, nhưng là một nỗi nhớ khôn nguôi.Nơi trải qua những ngày tháng êm đềm, dưới cội tùng, trong thảo am, với người chủ trì bé nhỏ Giải Lập và những người điệu nhỏ bè bạn là chim, sóc, gió mây... chúng đến rồi đi, an nhiên tự tại.Nơi ẩn tu , trông núi, giữ đồi, và để cho cõi lòng bình tâm yên ổn.Nhưng không trốn nỗi thực tại chiến tranh, và đúng như tinh thần samurai đã được truyền thụ, người võ sĩ ấy không còn chọn lựa nào khác, phải gửi lại đạo bào và trở lại bình nguyên, như ông đã viết - trở về trong cuộc phong trần điên đảo
Cuốn sách dài, và chia nhiều giai đoạn.Tùng Môn Trang chỉ là một đoạn nhỏ, trong quãng đời dài của tác giả. Nhưng nó đã theo ông tới khắp mọi nơi, những lúc đớn đau tưởng như là địa ngục, lúc chứng kiến hàng trăm cái chết tang thương, thì hình ảnh Tùng Môn Trang vẫn ấm áp như một bàn tay xoa dịu những vết thương bỏng rát, là những hy vọng và ý chí sinh tồn mãnh liệt trong lòng.Kể cả những tháng ngày bôn ba đất khách, vượt qua sự thị phi, khoảng cách, ngôn ngữ để vươn lên.Hiên ngang và dũng cảm
Tớ thực sự thích cái đoạn kết cuối cùng của hồi ký, một lời nói nhẹ nhàng như ước mơ tận đáy lòng rằng :" Khi từ giã sơn cốc thanh tịnh để trở lại bình nguyên sống trong gió bụi của cuộc đời, tôi đã sống như một người bình thường, không nữa vời như chia hai nửa vầng trăng cho một giấc mộng.Tuy đã trôi nổi lăn lóc, thất bại rồi thành công, bao giờ tôi cũng lặng lẽ đón nhận những niềm vui hai bất hạnh không thái quá chút nào.Điều mà tôi có được nhờ võ đạo không phải là một cao thủ đầy mình tuyệt kỹ huyền công.Không có.Nhưng tôi luôn có" một vầng trăng mới về", một khu vườn xưa trong tâm cảnh để không quên bài "chiết liễu" mà hát khúc "tận dĩ vong tình"...
Đó cũng là lúc tớ nhận ra rằng, căn nguyên sâu xa của võ học, mục đích cuối cùng của những thế võ huyền bí, không phải chỉ để cho ta luyện tập cơ thể, tăng cường sức mạnh và kỹ năng chiến đấu.Võ đạo hướng đến một điều sâu xa hơn, là sự bình an của nội tâm, thái độ hiên ngang và vững chãi trước cuồng lưu dâu bể, đó là cách thức đón nhận niềm vui hoặc bất hạnh-như tác giả nói- không hề thái quá một chút nào.
Không hề thái quá- tớ suy nghĩ hoài về điều này-thật sự cần một cái nhìn chính chắn và một bản lĩnh lớn lao.
Kết thúc.Xin được trích đoạn một lá thư viết cho người thầy, võ sư Choji Suzuki, trưởng môn phái Linh trường Không Thủ Đạo:
"Nhớ hoài ánh mắt và nụ cười hiếm hoi hiền hòa của thầy, khi dạy con bài quyền tinh túy của võ phái mà Thầy gọi là Linh hồn Không thủ đạo, bài quyền cương nhu đầy uy lực ấy, đối với con những động tác nhuần nhuyễn đó giống như bầy chim nhỏ tự tại giữa bao thác ghềnh hiểm hóc nơi thủy tận non cùng...vẩn đùa giỡn giữa ánh trăng khuya từ cổ độ- vẫn tung cánh giữa phiêu bồng trời xanh mây trắng.
Thầy không còn nữa, nhưng vẫn còn đó bóng chim thiêng vỗ cánh giữa đời con...
Nguyễn Xuân Dũng "