Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Chết ở Venice

Hiếm có nơi nào trên thế giới có được vẻ đẹp như Venice đã có, kiểu đẹp nửa thiên đàng nửa trần tục, nửa thanh lịch nửa hoang dại, vừa ngọt ngào lãng mạn vừa bí ẩn và đầy bất trắc. Có lẽ vì vẻ đẹp đó mà Thomas Mann đã chọn Venice làm nơi dấn thân cuối cùng cho nhân vật của ông : Gustav von Aschenbach, một nhà văn đức cao vọng trọng, người đã dùng gần như toàn bộ cuộc đời mình để chiến đấu cho văn chương nghệ thuật, với cái tinh thần chiến đấu kiên cường và tính khắc kỷ đã tôi luyện từ thuở còn thơ. Cuộc dấn thân cuối cùng đầy rung động, nhục cảm và hủy hoại nhưng hoàn toàn xứng đáng để đánh đổi.

Cũng giống như trong Núi thần, phong cách viết của Thomas Mann ở cuốn sách này cũng chậm rãi, thong dong và không hề thiếu những nụ cười thấp thoáng. 1/3 cuốn sách dùng để xây dựng nhân vật Aschenbach vững chãi kiên định như núi với tư tưởng nghệ thuật đầy tính hàn lâm và mô phạm, nhân vật chưa bao giờ chịu thả lỏng bàn tay lẫn tâm hồn trước cuộc sống, chưa bao giờ mất kiểm soát với tâm trạng. Aschenbach sống một đời đầy khắc kỷ và đầy phòng thủ những tưởng sẽ không có gì tác động cho đến ngày chiếc gondola từ từ đưa ông đến Venice, quanh co trong thế giới chằng chịt kênh rạch, mơ hồ những cái nhìn bí hiểm và mời gọi nồng nàn. Diễn biến của quá trình ấy phảng phất câu hát Lưu Nguyễn quên trần hoàn của Thiên Thai dạo nào, đầy mê đắm ngọt ngào nhưng hứa hẹn rất nhiều điều phải đánh đổi. Một cuộc sa ngã có sẵn điềm báo nhưng lại quá nhiều cám dỗ.

Câu chuyện tình yêu đồng giới chiếm khoảng 2/3 còn lại, nhưng phần lớn đó là thứ tình cảm một chiều. Chỉ thỉnh thoảng cậu bé đẹp trai Tadzio mới dành cho ông một vài ánh mắt chứa "dụng ý". Còn lại tất cả những gì chúng ta có là câu chuyện diễn ra trong nội tâm của Aschenbach, cuộc đấu tranh vật vã để giữ lại ngọn núi đã định dạng và xây dựng nên trước sự sụp đổ do cám dỗ của bản năng, của những giấc mơ thầm kín đã bị tháo cũi sổ lồng để vươn vai đứng dậy. Đến gần cuối đời, lần đầu tiên Aschenbach nghe thấy tiếng nói của bản năng, của con người thật của chính mình, gầm rú đầy hoang dã và khinh khoái, thứ âm thanh mời gọi, buông thả và mãnh liệt. Đó là một cuộc đấu tranh đầy đau đớn lẫn hạnh phúc, bởi những gì nhận được và những gì bị đem ra đánh đổi. Nó cho ta thấy sức công phá mãnh liệt của tình yêu và sự tha thiết của con người đối với tình yêu biết đến chừng nào.

Càng đi sâu vào Venice, Aschenbach đã gần như cởi bỏ gần hết con người mô phạm của mình để hiện lên thứ bản năng bị đè nén suốt bao nhiêu năm của một con người nghệ sĩ. Và trong những giây phút bị chất nghệ sĩ dẫn đường, ông đã lạc lối vĩnh viễn vào mê cung của tình yêu, với trái tim say đắm choáng ngợp nhưng cũng đầy đau khổ dằn vặc. Trái tim của Aschenbach cũng là trái tim của tất cả những người nghệ sĩ trên thế giới này, khi dấn thân theo tiếng gọi của bản năng đành bỏ lại sau lưng trách nhiệm và những kỳ vọng, những giá trị đạo đức lẫn cả ray rứt lương tâm. Không có sự thỏa hiệp. Con đường của Aschenbach đi chỉ còn một cách dẫn đến hủy hoại, nhưng sự hủy hoại ấy mới chính là chất liệu để cho nghệ thuật được trường tồn. Tình yêu mà ông dành cho Tadzio là thứ tình yêu ngông cuồng kỳ vỹ và đẹp đẽ, thứ tình yêu mạnh mẽ choáng ngợp và đầy sức mạnh, dám đem cả thế giới từng tạo dựng đầy kỳ công để phủ phục trước cái đẹp. Cho dù tận cùng của cuộc đánh đổi ấy, là cái chết.

Cái gì đã tạo nên những người nghệ sĩ? Có lẽ đó chính là sự mù quáng. Hoặc là sự bất chấp liều lĩnh, sự ngông cuồng phi lý. Hoặc là tất cả những điều đó. Tadzio là biểu tượng của một cái đẹp không sao nắm bắt nổi, và thứ tình yêu của Aschenbach là thứ tình yêu phi đạo đức, vô luân ở thời ấy. Sự sa ngã của Aschenbach có thể coi là một sự yếu đuối không cưỡng nỗi cám dỗ, nhưng cũng có thể xem như một sự can đảm, can đảm chấp nhận mất mát, huỷ hoại, can đảm đương đầu với lương tâm để thưởng thức hương vị ngọt ngào của tình yêu. Cái chết của Aschenbach có thể ví như sự hiến sinh vì cái đẹp của một người nghệ sĩ, không bao giờ hối tiếc.

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Bão

Những cơn bão không cần lý do để đến trong thế giới này, nhưng nó cần những khoảng trống để sinh ra. Từ biển rộng khôn cùng hay từ lòng tử cung âm thầm của những người đàn bà, từ cõi lòng nứt toác vì những vết thương của họ hay từ nỗi chán chường khôn khuây. Bằng những cách khác nhau, người ta mang bão đến với cuộc đời, như bản mệnh, như số phận. Và bằng cách chống trả lại với những cơn bão, họ đã hoá thành những cơn bão.

Biển đã sinh ra bão như những người đàn bà đã sinh ra những đứa con, đầy sợ hãi và bơ vơ nhưng vẫn lựa chọn việc đem chúng vào đời. Bão ở đó trong nỗi ám ảnh về thân phận, trong những vết cứa của quá khứ và những vọng tưởng về ngày mai. Những người đàn bà hoá bão một cách âm thầm, mạnh mẽ và độc ác một cách âm thầm. Để những người đàn ông, những người đã xé toạc đời họ ra để gieo một cơn lốc đớn đau vào đấy, sống nốt quãng đời còn lại dưới bóng mây đen bao phủ của những gì mình gây nên, giữa điệp trùng quá khứ bủa vây và hiện tại không lời hồi đáp. Người ta không thể lấy lại được hạt mầm mình đã gieo, cũng như bão không thể quay lại chui vào đáy biển mà ngủ yên. Và bão vì thế mà đã thành một phần của thế giới, của cuộc đời, một món nợ của kiếp người và lạ thay, nó cũng chính là ý nghĩa của sự sống.

Thế gian sẽ ra sao nếu không có bão? Cũng như cuộc đời này có nghĩa lý gì nếu không có những vết thương? Thế nên năm tháng chưa bao giờ thôi chồng chất những trái ngang của nó lên mỗi số phận, và biển không năm nào quên tặng cho đất liền những trận cuồng phong. Sau tất cả, à mà không, sau mỗi giai đoạn, mọi thứ sẽ tan tác. Nhưng rồi mọi thứ cũng tinh khôi. Mỗi sự đổ vỡ đều là một cơ hội để soi rọi để thấu suốt dù là không dễ để chịu đựng. Đau đớn là chất liệu cho sự trưởng thành, người ta sẽ mạnh mẽ hơn, và dịu dàng hơn nhờ nó. Những người đàn bà hiện lên dưới ngòi bút của Le Clezio đều ngang tàng bất cần khi đối diện với bão tố và rồi đều đằm thắm và nữ tính hơn khi đi xuyên qua nó. Với ông, đàn bà là biển cả, im lặng khi người ta gieo vào lòng nó thậm chí cả một trái bom, nhưng một ngày sẽ tặng lại cho ta những cơn bão đầy bất ngờ cuồng nộ nhưng bất cần truy đòi hay giải thích. Sự nổi loạn của họ đầy ám ảnh nhưng sự nhẫn nhịn của họ thậm chí còn ám ảnh hơn, như một biển khơi phẳng lặng báo hiệu ngày bão đến.

Sau cuối, mọi cơn bão đều tan. Nó có thể cuốn về lòng biển những thứ vô nghĩa hay có nghĩa trên mặt đất nhưng nó đều trả lại cho mặt đất sự bình yên. Mọi thứ luôn có thể được phục hồi, tạo dựng. Bão là cách mà biển đòi lại món nợ cho mình, cũng là cơ hội để người ta được trả những thứ mà mình đã vay hoặc cướp đi, để cứu chuộc tâm hồn mang nhiều tội lỗi. Bão vì thế là sự tha thứ mà thượng để dành cho loài người, dẫu là mãi mãi loài người không bao giờ xứng đáng với bất kỳ một sự tha thứ nào. Nhưng vì thượng đế vẫn còn yêu thương, và vì loài người vẫn còn mong muốn được yêu mà đến cuối cùng, người ta sẽ học được cách tha thứ cho chính mình. Vì yêu, vì thế...

Xác thịt về đâu

Cuốn sách có thể sẽ là một cú sốc nho nhỏ đối với những ai luôn nghĩ về tính bền chặt và bất khả phân ly của tình máu mủ ruột rà, về chất keo nối kết có tên là huyết thống, về những giá trị đạo đức khuôn mẫu và cổ điển - hệt như nó đã từng xảy ra ở phương Tây hơn một trăm năm về trước. Hơn một trăm năm, sự tụt hậu của chúng ta không phải dạng vừa vừa vừa đâu. Nhưng thôi, chuyện đó để dành nói lúc khác.

Như Samuel Butler đã thừa nhận trong cuốn sách này, rằng như mọi tác phẩm của cuộc sống, tác phẩm của ông đã thể hiện chính bản thân ông hơn bất cứ một nhân vật nào khác, nhưng ta cũng phải thừa nhận rằng, Samuel đã cố gắng nhìn nhận câu chuyện với cái nhìn trung lập nhất có thể, và công bằng hết sức mình, để cho ra đời một câu chuyện xác thực, công tâm và không hề định kiến. Sự thẳng thắn này rõ ràng đã thoát khỏi tầm ảnh hưởng của các giá trị đạo đức và tín ngưỡng, vượt ra khỏi những quan niệm cố hữu của thời đại để soi rọi tới những góc khuất của tâm hồn, tìm cho ra mối dây ràng buộc giữa các thế hệ trong một dòng họ, và khiến người đọc phải nhìn nhận đúng bản chất của những sự kết nối ấy, nó chẳng qua chỉ là những nỗi sợ hãi được gieo trồng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Cuốn sách không bác bỏ các giá trị đạo đức, nhưng nó chỉ cho ta thấy sự vô nghĩa của các giá trị đó, sự hủy hoại tâm hồn và chất độc tiết ra từ nó để ăn mòn giấc mơ của cuộc đời như thế nào. Chúng ta không có quyền lựa chọn gia đình mà chúng ta sinh ra, nhưng nhờ các giá trị đạo đức đầy tính áp đặt, những đức tin mù quáng và ảo tưởng, rốt cuộc, chúng ta cũng không lựa chọn được con đường mà chúng ta sẽ đi, cái con người mà chúng ta sẽ trở thành. Dòng họ Pontifex không sa vào những bi kịch lầm than, nhưng cái lưới mà họ sa vào cũng không hề kém cạnh phần đau khổ, đó là cái bi kịch phải sống một cuộc đời của một kẻ xa lạ với chính mình, phải sống dưới cái bóng ám ảnh của các giá trị đã mặc định như những lưỡi dao treo lơ lửng trên đầu, gồng mình gánh chịu những niềm vui lạc lõng để rồi mặc cảm vô cùng với tấm áo khoác trên người. Từng người một trong dòng họ đều nhận ra thứ mà họ mang, nhưng vì hèn nhát, hay vì nông nổi, hay vì ảo tưởng, họ đều tiếp tục dấn sâu hơn vào thảm kịch mà đạo đức và đức tin đã dựng nên như những kẻ mộng du đi theo lập trình đã định sẵn.

Sẽ không có bài học nào ở đây. Các bài học cũng vô nghĩa như các giá trị đạo đức, hay nói đúng hơn, không có một khuôn mẫu nào chung để áp dụng cho tất cả mọi người. Giáo dục, rốt cuộc không phải tạo ra những con người rập khuôn với những hạnh phúc đầy tính tiêu chuẩn như thứ mà chúng ta đang làm. Giáo dục là mở ra những con đường, những chân trời, những tấm vải. Việc còn lại là của từng người, đi con đường nào, mơ những chân trời nào và khoác tấm áo nào vừa vặn với chính mình. Mục đích của giáo dục là gì nếu không phải là để con người tìm đến với những niềm hạnh phúc thực sự của bản thân? bởi chính hạnh phúc thực sự mới có thể sinh ra được những niềm hạnh phúc mới. Như Ernest, cuối cùng cậu đã thoát khỏi tấm lưới chuẩn mực mà dòng họ cậu đã dệt nên suốt cả trăm năm, để bắt đầu với công việc bần hàn hơn nhưng hợp với cậu hơn, là thợ may. Rốt cuộc, cậu đã có thể sống với cuộc đời mình mong muốn, tự tay may cho mình tấm áo vừa với mình. Đó là cái kết có hậu nhất sau hơn 600 trang sách, cái kết nhẹ nhõm và rộng mở, bất chấp những giá trị, bất chấp luân lý. Tự do thật sự đã khởi đầu.

Không khó đọc như bạn tưởng đâu. Một chút kiên trì, bạn sẽ tìm ra vô số câu cần gạch chân hoặc bôi đậm bằng bút highlight. Chúng ta đã muộn hơn người khác cả trăm năm rồi, đừng để muộn hơn nữa.

Tay sát thủ mù


Đâu là ngưỡng cửa của thế giới bên trong và thế giới bên ngoài? Mỗi chúng ta hằng ngày di chuyển cánh cổng này mà không tự biết ...

Ở trang thứ 400 của cuốn sách, Margaret Atwood viết ra một câu đầy tính chất đánh thức khiến tôi, một người đã kiên trì với ngần đó trang sách, tù mù trong cái thế giới đầy mê lộ với những không gian chồng chéo giữa hiện thực và tưởng tượng đan cài mà chưa thể tìm được một giao tuyến cho tất cả, bỗng dưng bừng tỉnh. Đến đây, tôi đã bắt đầu hình dung và sắp xếp lại mọi thứ theo một trật tự rất zig zắc đi lòng vòng từ thực tới ảo, từ hiện tại đến quá khứ, xâu chuỗi lại mọi thứ theo cảm xúc và ký ức để đến với một câu chuyện ly kì, lãng mạn và bi thương, náu mình dưới gương mặt thản nhiên của tấm vải do tất cả các nhân vật trong câu chuyện ấy dệt nên. Và tôi đã biết tham vọng của cuốn sách là gì. Chính là làm một tia X để chiếu thẳng vào tâm hồn của tất cả, không loại từ là cả chính chúng ta.

Nghệ thuật kể chuyện của Atwood quá tuyệt vời, không quá rối rắm, không đánh đố, nhưng bà dắt chúng ta đi một quãng đường rất dài, băng qua bao thế hệ, băng qua mấy hành tinh và các thể loại người, vừa viễn tưởng về phía tương lai vừa phảng phất chút phong vị cổ điển u hoài trong các câu chuyện kiếm hiệp. Nhưng bà không trộn tất cả chúng lại với nhau mà bóc tách nó ra thành từng mảng nhỏ xen kẽ nhau. Và như được nhìn về từ một hồi ức đã lãng đãng sương, chúng hoà vào nhau ở đường biên giới, không phân biệt thực và mơ. Chính là cánh cửa mà hằng ngày chúng ta đã đi qua mà không hề hay biết ấy, Atwood đã để dành cho phút chót.

Ngoài cách kể chuyện như dệt vải kiểu random ra, thì điều tôi thích hơn nữa chính là văn phong của bà ấy. Không dễ gì tìm được một tác giả có giọng văn vừa ngầu đời, bất cần mà vừa lại thi vị và say đắm nhường kia. Nó dường như lột tả hết tính cách nhân vật, cô gái tên Iris với một vẻ nhu mì cam chịu nhưng ẩn chứa một nội tâm nổi loạn, cái cá tính ngang ngạnh tiềm tàng với khát vọng tự do. Không tâm sự hay thở than, không một chút ai oán, Iris chính là hiện thân của tính nữ, mềm mại dịu dàng nhưng không bao giờ đầu hàng hay bỏ cuộc, với sự bền bỉ âm thầm và khôn khéo. Iris là kiểu người phụ nữ tôi thích, bao nhiêu sức mạnh lặn cả vào trong để sự nhún nhường ra mặt chiến đấu. Cô kiên cường nhưng không lộ liễu, cô mạnh mẽ nhưng không phô phang, cô nữ tính nhưng không ẻo lả. Margaret không cần làm nhiều, chỉ cần tạo ra một nhân vật như thế là đủ để giành lại nữ quyền cho cả thế giới.

Vì bà ấy là một nhà thơ, nên chúng ta có một cuốn sách đầy chất thơ và tính ẩn dụ, nhưng chúng ta cũng có một cuốn sách đầy gai góc và những vết thương. Tấm vải mà Margaret dệt nên vừa mềm mại vừa thô nhám, vừa êm ái vừa đầy vết cứa. Nó chính là thế giới được chiếu rọi từ ánh sáng phát ra phía tâm hồn những người phụ nữ, đầy nhạy cảm nhưng rất can trường. Không nhiều, nhưng đủ để quàng chiếc khăn lên mình như khát vọng của chính họ, được cuộc đời ôm ấp và vỗ về đầy dịu dàng và đau đớn. Như khoác lên mình thứ mà thế giới này ưu ái dành cho họ, là tình yêu.

Bảo tàng ngây thơ

MỘT TÌNH YÊU KHƯỚC TỪ LÃNG QUÊN

Đã đến cái thời mà chúng ta, bằng đôi cánh của lý trí hoài nghi và lý tưởng về tự do, đều rời xa thời thơ ngây của mình thật sớm. Giờ đây, tình yêu vĩnh cửu chỉ là ảo mộng sớm nở tối tàn của tuổi thanh xuân, những đau khổ mất mát, những cơn thất tình đã trở thành những cơn rồ dại của tuổi trẻ, và người ta chỉ còn tin vào những khoảnh khắc nhất định của cuộc đời, thì một cái gì đó mang thông điệp về sự mãi mãi thật khiến người ta ngần ngại và thậm chí sửng sốt. Vậy mà Orhan Pamuk, ở tuổi 56, viết Bảo tàng ngây thơ, câu chuyện về một mối tình đã đến trong đời người đàn ông 30 tuổi, Kemal, và ở lại đó cho đến phút cuối. Câu chuyện rất đơn giản nhưng để nó có thể tồn tại giữa thời đại lý tính này, thì nỗ lực dành cho nó gần như là bất tận.

Tình yêu mà Kemal dành cho Fusun khởi đầu bằng những cơn lốc cảm xúc cuồng nhiệt rất đỗi bình thường, khi họ lao vào nhau bất chấp cuộc đời và những giá trị đạo đức. Những người đọc lý trí sẽ đinh ninh rằng, như mọi cơn mưa rào khác, sự vồn vã dồn dập của nó đã được đánh đổi bằng thời gian ngắn ngủi của mình. Nhưng Orhan Pamuk không viết về những cơn mưa như thế, nó khởi thuỷ không phải là một cơn mưa mà là một dòng thác, khi đã tuôn trào vốn không hứa hẹn một ngày sẽ chấm dứt. Một mối tình kéo dài suốt đời, dai dẳng chờ đợi, triền miên với những cơn hy vọng rồi thất vọng chập chùng lúc căng lúc giãn, mối tình ám ảnh toả cái ánh sáng lấp lánh và nhức nhối của nó lên thành phố nơi câu chuyện diễn ra, phủ niềm say đắm của nó khắp các nẻo đường, hang cùng ngõ hẻm, các quán xá, hàng cây, đồ vật. Mối tình ấy không chỉ có hai người mà có cả thế giới nơi họ thuộc về, nơi ánh mắt họ quét qua, nơi bàn tay họ chạm tới. Bằng cách đó, tình yêu chống lại thời gian, với tất cả các bằng chứng mà nó có. Kemal đã dành toàn bộ cuộc đời để xây dựng cho mình một bảo tàng của tình yêu, một cách chuyển hoá và lưu trữ cảm xúc để nó tồn tại mãi hoài trong năm tháng lãng quên...

Trên đời, những người hoài niệm quá khứ có rất nhiều, những người lặn lội ngược dòng cũng không ít, nhưng chỉ có Orhan Pamuk là cặm cụi nghiên cứu ký ức như một nhà khảo cổ nghiên cứu cổ vật của đời mình, soi tới từng chân tơ kẽ tóc của quá khứ bằng đôi mắt đã gắn kính lúp, để mọi thứ hiện lên rõ ràng, chi tiết và cụ thể. Với Orhan, đó không phải là một cuộc đi tìm như Marcel Proust đã làm với dòng hoài niệm miên man về thời gian đã mất, đó là một công cuộc xây dựng tái thiết với toàn bộ sức lực và tình yêu dành cho một công trình duy nhất và vĩ đại nhất cuộc đời: một mối tình. Công trình trừu tượng của cảm xúc được chuyển hóa bằng kỷ vật để hiện lên như một không gian cụ thể có chạm trổ xếp đặt, tỏa ra bầu không khí vững chãi và mạnh mẽ của nó như ngôi đền Patheon đã cố định mình trong dòng chảy bất tận của thời gian.

Đi xa hơn câu chuyện của một mối tình là câu chuyện của tình yêu và hạnh phúc. Tình yêu của Kemal với Fusun cũng như tình yêu của Orhan Pamuk dành cho Istanbul, đều khởi đầu bằng sự tình cờ của số phận và rồi ngày càng đắm đuối đi đến cùng như gã si tình. Đắm đuối đến mức người ta phải đặt câu hỏi rằng, điểu gì đã khiến ông yêu nhiều đến vậy? Và Kemal, người đàn ông đã theo đuổi mối tình vô vọng trong suốt 8 năm thì có đáng thương không? Kemal đã trả lời cuối cuốn sách: Tôi đã sống một cuộc đời hạnh phúc. Hoá ra, hạnh phúc đơn giản của cuộc đời chính là được điên rồ theo đuổi điều mình mong muốn, hạnh phúc được bất chấp tất cả để yêu một tình yêu phi lý vô cùng. Kemal đã yêu một cô gái nghèo không cùng địa vị với anh cũng như Orhan Pamuk đã yêu Istanbul, thành phố già cỗi với rất nhiều vết thương thời đại và những cuộc xung đột đẫm máu. Giá trị của tình yêu và hạnh phúc cuối cùng không đo bằng thành tựu hay bằng sự viên mãn mà nó đo bằng việc sống trọn vẹn, sự hết lòng. Có gì hơn là được đắm chìm vào thế giới mà ta mong muốn?

Văn chương của Orhan Pamuk là kiểu văn chương chạm trổ cầu kỳ tỉ mỉ. Giọng văn đầy khắc kỷ của một nhà khảo cổ học khiến mối tình hoang đường điên rồ ấy hiện lên như một thực thể hiện hữu lung linh đầy xác tín. Trong nỗ lực tạo tác ấy có tâm tư của người viết, kẻ luôn đặt mình song hành với cái thế giới ông tạo ra. Cái tâm tư ấy nếu ta có thể nhìn thấy, phảng phất trên những nẻo đường Istanbul hiện lên trong cuốn sách, là sự gắn bó, là sự mến yêu, là sự thủy chung với mảnh đất mà hồn mình neo đậu, cũng là nơi mối tình kia neo đậu. Bảo tàng ngây thơ là câu chuyện về sự quay về, sự đắm mình trong không gian của hồi ức của một tình yêu đã khước từ sự lãng quên để ở lại mãi mãi.

Đời tôi

Tôi muốn dùng tất cả lời khen của mình dành cho cuốn sách này, nhưng không biết phải viết sao mới đủ. Những gì cuốn sách đem đến quả là ngoài sức mong đợi, và những gì tôi nhận được quả tình khiến tôi choáng ngợp. Bao lâu rồi không có một cuốn sách viết chân tình, dễ hiểu và dí dỏm chừng này, mà lại khốc liệt và dữ dội tới vậy? Và bao giờ thế giới mới lại có một nhà phê bình văn chương đích thực như thế? Hay tôi đã mong đợi quá nhiều?

Nhưng nếu bạn đã đọc cuốn sách này rồi, thì thật khó để không mong đợi một điều gì đó từ cuộc sống. Cuộc sống đẹp vậy mà, bởi cuộc sống cho ta tình yêu và đam mê, cho ta nghệ thuật và cái đẹp. Bởi vậy mà cuộc sống dẫu khắc nghiệt và dữ dội, dẫu bạo tàn thì người ta vẫn tiếp tục hành trình của số phận. Marcel Reich-Ranicki, ông ấy đã dùng toàn bộ cuộc đời của mình để chứng minh rằng : tình yêu có thể cứu rỗi người ta biết nhường nào. Vào những giờ phút bi lụy hãi hùng nhất cuộc đời, chỉ có tình yêu mới đủ can đảm bước lại gần ta và an ủi, tiếp thêm sức mạnh. Nói những câu này bạn sẽ cho rằng thật sáo rỗng và ngây thơ, nhưng tôi tin rằng ngây thơ là một phần của hạnh phúc.

Marcel Reich có hạnh phúc không? Đọc những trang cuối cùng của cuốn tự truyện, tôi nghĩ rằng ông đã sống một cuộc đời hạnh phúc. Đó là cái hạnh phúc của một người trải nghiệm, ôm cả thế giới vào lòng bằng toàn bộ tình yêu, sự thấu suốt và cái nhìn tinh tế, sự nhẫn nại và hơn hết là lòng can đảm. Can đảm chính là viên gạch đầu tiên của hạnh phúc, dù Marcel sau này mới thừa nhận điều đó một cách dí dỏm, rằng là một nhà phê bình thì cần can đảm, như ông đã can đảm ăn món xúp kinh hoàng của một nhà văn đầy triển vọng để được trò chuyện cùng anh ta. Mọi thứ đều có giá phải trả, vấn đề là bạn có dám đánh đổi hay không mà thôi.

Đời tôi - Marcel đã đặt tên cho cuốn tự truyện của mình đơn giản như thế. Nhưng khác với những cuốn tự truyện đầy ắp hình ảnh cá nhân và những câu chuyện sặc mùi biện minh giải bày, Marcel hầu như thu mình lại trong cuộc đời của chính ông, chỉ còn lại đôi mắt. Đôi mắt phản chiếu thế giới xung quanh, thời đại, lịch sử, những quay cuồng biến động, đôi mắt nhìn vào tâm hồn mỗi người, đôi mắt tha thiết với văn chương, âm nhạc, kịch nghệ. Cho nên chúng ta có một cuốn sách đầy tư liệu lịch sử với một người kể chuyện bình tĩnh nhẫn nại và sáng suốt, người chưa bao giờ vì đau đớn mà nhìn nhận sai lạc, chưa từng để lòng căm thù thiêu đốt sự công tâm. Chúng ta có một cuốn sách tràn ngập văn chương và âm nhạc với những hiểu biết sâu rộng và tinh tế. Và chúng ta biết, thế giới này có một con người tuyệt vời như thế.

Cuộc đời Marcel là một chuỗi biến động không ngừng nghỉ, là những tháng ngày di cư từ vùng đất này sang miền đất khác. Như ông đã tự giới thiệu một cách dí dỏm đầu sách : tôi, nửa Đức, nửa Ba Lan, và hoàn toàn Do Thái, nhưng cuộc đời ông chưa từng nửa Đức hay Ba Lan, cũng không bao giờ sống như người Do Thái. Số phận của ông là không thuộc về một hệ quy chiếu dân tộc hay lãnh thổ nào, thậm chí ông không thuộc về bang hội đảng phái nào, dù danh nghĩa là có. Chỉ một mình Marcel biết ông thuộc về đâu, quê hương của ông suốt đời chỉ có một : ông thuộc về nền văn học Đức.

Nhờ Marcel, người ta yêu hơn văn học Đức, ông là người hướng ngòi bút phê bình của mình đến với đại chúng. Ông viết cho những người bình thường đọc, ông phổ cập và nhân rộng tình yêu văn chương. Nhờ ông mà tôi hiểu rằng tại sao nước Đức đã sản sinh ra một đội quân diệt chủng, nhưng nhân loại vẫn không thôi kính trọng người Đức. Nhờ ông mà tôi hiểu tình yêu có thể khiến người ta quên đi hận thù như thế nào. Nhờ ông mà người ta biết, thế nào là một nhà phê bình đích thực.

Nếu nói rằng đây là cuốn sách tôi thích thì không đủ. Đây là cuốn sách đầu tiên đem đến cho tôi cảm giác biết ơn và ngưỡng mộ, như ngưỡng mộ chàng Danko ngày xưa trong sách tôi học đã xé toang lồng ngực để thắp đuốc dẫn đường. Cho dù tất cả những gì mà Marcel lý giải đều vỏn vẹn trong vài chữ : vì yêu, thì đó cũng là một tình yêu xứng đáng được vinh danh và ngưỡng mộ, vì tất cả những gì mà nó được đánh đổi.

Cánh cửa

Văn học thế giới đã chứng kiến không ít mối quan hệ lạ thường, cái lạ thường của những điều rất bình thường bị lộn trái, hoặc phơi bày phần giông bão của nó ra. Chính vì sự bình thường đó mà người ta sửng sốt bàng hoàng và rồi đau đớn, để rồi nhận ra nơi sâu kín nhất không phải là địa ngục âm ti mà là lòng người, và hình phạt đáng sợ nhất chính là sự thật. 

Cánh cửa - Szabo Magda đã đặt cho tác phẩm của mình một cái tên giản dị súc tích và cô đọng nhất, một hình ảnh bình thản vô cảm mà chứa đầy tính hai mặt và sự sâu thẳm vô biên. Nó mở cả một thế giới phía sau lẫn phía trước, cả nỗi tò mò khám phá lẫn sự sợ hãi ngập ngừng. Nhưng nó, cũng như mối quan hệ giữa hai người phụ nữ trong câu chuyện này, một nữ nhà văn và một người đàn bà giúp việc, là thứ có mặt nhan nhản trong cuộc đời này, thứ bình thường tới vô hình và vô nghĩa trong tâm trí người khác. Cánh cửa - bản thân nó nói hết được tất cả những gì mà Szabo Magda muốn nói, không ẩn dụ, không bóng gió, không hoa mỹ. Nó thản nhiên gây chấn động bằng những gì nó dẫn đến : cuộc đời của người đàn bà giúp việc có tên Emerenc.

Trên thực tế, cánh cửa của Emerenc chỉ mở vào những trang cuối cùng của cuốn sách, cũng là những trang cuối cùng của đời bà. Emerenc giống như một loài giáp xác khổng lồ và mạnh mẽ với vỏ bọc dày, một pháo đài bất khả xâm phạm sừng sững bước vào cuộc đời của hầu hết mọi người, tỏa ra cái uy quyền mạnh mẽ đầy xác tín và kiên định cùng với ánh nhìn sắc sảo thẳng băng, cái ánh nhìn sâu tới gan ruột của từng người. Và họ, trở thành tín đồ của bà trong im lặng. Từng người một đến trước hiên nhà và mở rộng lòng ra với bà. Bà đón nhận họ, nhưng chỉ ở hiên nhà. Cánh cửa duy nhất vào nhà luôn đóng chặt.

Nhưng cuối cùng pháo đài ấy cũng mở cửa cho một người. Cô nhà văn nóng nảy vụng về, cô không nhiều từng trãi, thiếu cả bao dung và sức chịu đựng. Nhưng với cô, bà mở cửa nhà mình và lòng mình. Có thể bà thấy ở cô tuổi trẻ và những giấc mơ của mình, cũng có thể sự ngang ngạnh của họ giống nhau. Cũng có thể vì Viola, con chó đực có cái tên của giống cái là gạch nối giữa họ. Và hơn hết, tôi nghĩ bà nhìn thấy được ở cô tấm lòng, cô không phải là người có thú vui hay sở thích chăm lo cho người khác, nhưng cô đã cố gắng vì cô biết yêu thương. Họ cuối cùng cũng tìm được cho mình một sợi dây nối.

Vào cái ngày mưa bão ấy, cô đã gõ cánh cửa nhà bà. Và bà đã mở cửa. Vào cái khoảnh khắc ấy, cánh cửa đã biến thành gót chân Achilles của bà, cô cũng gánh thêm một tình yêu và lòng tin mà cô không biết rằng nó vượt quá sức mình. Mối quan hệ giữa họ đã đi đến một giai đoạn mà tôi nghĩ rằng là cao trào của tất cả những gì đẹp đẽ, để rồi bắt đầu rơi. Cô nhà văn là que diêm duy nhất bà cho phép bật lên thắp sáng những ngõ ngách trong pháo đài cuộc đời bà, soi rọi những vết thương và những nỗi ám ảnh, những chua chát đắng cay. Phần yếu đuối mong manh nhất và tất cả lòng tự trọng của bà đặt vào tay cô. Để rồi vào giờ phút quan trọng nhất của đời mình, cô đánh rơi que diêm để nó biến thành ngọn lửa.

Sự thật là một cánh cửa. Ta không thể lường được mọi thứ vào cái giờ phút ta mở nó ra. Thế giới này vẫn còn đẹp bởi vì người ta vẫn còn những cánh cửa đóng kín và giữ gìn những bí mật của mình. Đó là cái quyền duy nhất mà người ta có được khi bị tước hết các quyền làm người khác : quyền được im lặng. Emerenc dùng toàn bộ cuộc đời mình để xây dựng nấm mồ cho những bí mật ấy, pháo đài cho những vết thương ấy. Đến ngày nó bị khai quật, bằng một nhát búa đập vào cánh cửa, như một nhát dao đâm xuyên bộ áo giáp để cắm phập vào tim, đau đớn, cuộc đời bà cũng chấm dứt.

Người ta vẫn đi tìm sự thật, dù người ta biết sự thật tàn nhẫn và đắng cay. Cũng như người ta sẽ yêu dù biết yêu thương là hủy hoại. Tôi không trách cô nhà văn, dù cô đã phạm lỗi không thể cứu vãn, nhưng tôi biết Emerenc sẽ không bao giờ hối hận vì đã yêu và thương cô, đã chia sẻ pháo đài đời mình với cô. Xét cho cùng, bà cũng có nhu cầu được thấu hiểu và chia sẻ, bà cũng không muốn sống mãi trong bộ áo giáp của loài giáp xác. Chỉ là bà không giữ lại được cho mình chút kiêu hãnh cuối cùng khi lìa thế giới. Thôi thì cũng coi như bà đã dùng nó để đánh đổi lấy tình yêu.

Camille và Paul

Tại sao ta lại muốn biết về cuộc đời của những người khác?

Vậy đó, ta đâu thể sống giùm cuộc đời của người khác, ta cũng không thể sống cuộc đời mình giống hệt họ, theo cách mà họ chọn? Nhưng ta vẫn có nhu cầu được biết về những cuộc đời khác, như một cách đi tìm về cội nguồn ngọn lửa đã thắp sáng thế gian và nhân loại, thứ chất liệu đã nuôi dưỡng niềm cảm hứng đã lan truyền khắp nơi, lúc âm ỉ, lúc sục sôi nhưng chưa bao giờ bị lãng quên. Đó là cách mà con người đã nương tựa vào nhau để gìn giữ cho ngọn lửa - đam mê không bao giờ tàn lụi.

Tiểu sử không phải là một thể loại cuốn hút gì. Dù người ta cần biết về nhau nhưng không mấy ai quan tâm đến những người xa lạ. Camille và Paul của nhà Claudel không phải ai cũng biết. Tôi cũng không biết gì về họ cho đến khi đọc cuốn sách này. Nhưng bằng cách nào đó họ đã khắc tên mình vào tâm khảm những người yêu nghệ thuật trên thế giới : Camille là điêu khắc gia còn Paul là thi sĩ. Hai tâm hồn chung nguồn cội hun đúc nên hai ngọn lửa đam mê vĩ đại rực sáng như bản mệnh của họ : mặt trời. Camille là mặt trời cuối đông và Paul là ánh sáng mùa hè lúc chính ngọ. Cả hai hoang dã và vô cùng nhạy cảm với cái đẹp dẫu có đi theo hai xu hướng khác nhau. Cô chị yêu cái đẹp của thực thể, cái đẹp có thể nhào nặn và chạm đến còn cậu em yêu những cái đẹp trừu tượng mơ hồ trong tâm tưởng. Nhưng đó đều là những cái đẹp mà thế giới hướng đến, chỉ có thể được sản sinh ra từ trái tim đầy nhiệt huyết nồng nàn say đắm, từ sự kiêu hãnh bất chấp và can đảm dấn thân đến cùng, không bao giờ hối tiếc.

Cuốn tiểu sử không kể lể về cuộc đời họ theo cách mà Wiki đã làm. Dominique Bona không kể theo kiểu dẫn đường chỉ lối bằng một bản đồ, mà cô chọn lối đi vào cuộc đời họ theo cách mà những dòng suối nhỏ len lỏi vào khu rừng đời mình, nghe tiếng rì rào của lá cây, tiếng xào xạc của gió để hiểu ra mọi nhẽ. Camille và Paul tuy cùng huyết thống và tâm tính nhưng trên thực tế họ đã chọn cho mình những lối đi rất khác nhau và ngày càng xa nhau. Nếu chỉ nhìn một khu rừng trên bình diện chung với những phác thảo khúc chiết, ta sẽ không bao giờ biết được mối dây đã gắn kết họ đã bền chặt đến như thế nào, bởi nó là những mối dây chị hiện hữu trong tâm trí của những người trong cuộc, họ không thế hiện và không cần chứng minh với thế giới làm gì. Hai con đường dẫn đến hai kết cục trái ngược nhau, nhưng Paul và Camille mãi mãi vẫn là hai ngọn lửa sinh ra từ làng Villeneuve của vùng đất Tardenois hoang dại, không bao giờ quên nhau.

Bởi vì họ là lửa, nên họ bùng cháy mỗi khi gặp gió lên. Những cơn gió đam mê từ bốn phương tám hướng thổi tới, cuốn Camille và Paul vào cơn lốc của những khát khao điệp trùng, mãnh liệt không giới hạn. Lửa thắp sáng cuộc đời và lửa cũng thiêu rụi cuộc đời. Tại thời điểm quan trọng ấy, lúc ngọn cuồng phong mang tên tình yêu thổi tới với cả hai, rốt cuộc chỉ có Paul là vượt qua được, để duy trì cho mình một ngọn lửa vừa phải cho đến cuối đời, đủ để thắp sáng cuộc đời ông với những vinh quang đủ đầy trọn vẹn. Còn Camille, bản tính hoang dại và bướng bình của bà không cho phép nhượng bộ, để rồi bất chấp tất cả lao vào kiên định ngang tàng và bị hủy hoại. Một nửa cuộc đời bà sống trong âm thầm tàn lụi, tất cả những gì bà có thể làm được vào nửa sau chỉ là nỗi buồn và tiếc nuối khắc ghi lên trái tim cậu em trai của mình : Paul.

Những tác phẩm của Camille thực sự rất đẹp và ấn tượng. Những khối đá đầy linh hồn và tâm trạng. Tôi đặc biết thích tác phẩm Điệu Valse, với khối đá đen chạm khắc hai người đang say mê trong một giai điệu quyến rũ, những nếp gấp trên váy buông lơi và toàn thân họ nghiêng chênh vênh trong một cảm giác mất thăng bằng nhưng neo lại bởi một điểm nhấn ở eo, nơi tay người đàn ông quàng qua và kéo cô gái lại về phía mình. Camille không quan tâm gì đến âm nhạc, nhưng cô bắt được linh hồn của giai điệu, tự nhiên như nó xuất phát từ bản thân mình. Camille là người phụ nữ như thế, cô đi theo tiếng gọi của bản năng trọn vẹn từ đầu đến cuối, cô chưa từng phản bội nó bao giờ. Cô có thể không tin ai, kể cả chúa. Nhưng cô tin bản thân mình và chấp nhận để nó hủy hoại.

Điểm duy nhất khác biệt giữa Paul và Camille là Đức tin. Paul có lòng tin vào chúa, lòng tin đã neo ông lại bên bờ vực để quay đầu, trở về với cuộc sống thường nhật điềm đạm, giấu ngọn lửa của mình vào trong tâm khảm, học cách chan hoà với đám đông như một kẻ cô độc hạnh phúc. Ngọn lửa của Paul chỉ trào ra qua thơ và những vở kịch như một cách giải phóng tâm trí. Phần lớn cuộc đời Paul dấn thân vào con đường chinh phục những xứ sở mới bằng công việc của một nhà ngoại giao tầm cỡ, băng qua những cuộc thế chiến để yên bình sống đời điền viên vào cuối hành trình. Một con đường bằng phẳng đẹp đẽ. Một ngọn lửa đã không cháy hết lòng nhưng cũng làm được phận sự của nó.

Ba mươi năm cuối đời. Camille héo tàn trong viện tâm thần, sự nghiệp của Paul lên cao nhu diều, đường hoạn lộ thênh thang. Ba mươi năm ấy họ gặp nhau chỉ mười bốn lần. Vậy mà mối dây của họ không bao giờ đứt . Phút lâm chung họ gọi tên người kia. Paul là người duy nhất hiểu Camille và đứng về bà, dù chỉ trong tâm tưởng. Còn Camille bà chính là ngọn lửa mà Paul đã giấu trong lòng mình để sống cuộc đời phẳng lặng. Họ sống song hành bên nhau trong cuộc đời xa cách, như sống với chính bản năng mạnh mẽ nguyên thủy của bản thân mình, thứ bản năng rực rỡ của dòng họ Claudel.

Chúc bạn tìm được ngọn lửa của mình, nếu cần cuốn sách này sẽ cho bạn một ít ánh sáng của nó để thắp lửa. :)

Những lối đi dưới hàng cây tăm tối

Một cuốn sách mà ngay cái tên thôi, cũng đủ gợi nên nỗi muộn sầu rồi. Bầu không khí âm thầm lặng lẽ dưới những tán cây sẫm tối, thứ ánh sáng huyền hoặc dịu dàng gợi nhớ về những hoài niệm xa xôi, những con người lẻ loi đơn côi mạnh mẽ đi trong điệp trùng bủa vây của số phận, tất cả xuất hiện dưới ngòi bút của Ivan Bunin, nhắc nhớ về một nước Nga đẹp dịu dàng thăm thẳm, nước Nga chất phác nồng nàn, tâm hồn Nga thuần hậu. 

Nước Nga quá mênh mông nên mỗi con người trong ấy thật là bé nhỏ. Nhưng mỗi người là một tâm hồn Nga đầy đủ, cô đọng và súc tích. Nhìn vào từng số phận đơn lẻ ấy ta thấy số phận của cả một dân tộc, ở thời kỳ vừa chớm bước qua thời phong kiến với những chới với hoang mang, cho cả địa chủ lẫn nô lệ, cho cả người giàu lẫn người nghèo. Dưới bóng những cây cao tán dày, những lối đi cho họ mịt mờ ảm đạm nhưng vẫn chứa đựng những giây phút êm đềm diệu vợi, những khoảnh khắc hạnh phúc lấp lánh như ánh sao xuyên qua kẽ lá trong những đêm tối trời. Cuốn sách mở ra một vùng nông thôn thấm đẫm mùi đất và nồng nàn rơm rạ, những giọt mồ hôi hồ hởi rơi trong những vụ được mùa. Ivan Bunin có lẽ là một trong số ít người viết tả cảnh một cách giản dị nhưng đem đến cho người đọc một cảm giác rung động mãnh liệt, những niềm hy vọng và hưng phấn về tương lai tươi đẹp. Dẫu mỗi số phận mỗi câu chuyện thật đắng cay, dẫu là những trái tim cuối cùng cũng tan nát, nhưng tất cả đều mạnh mẽ lựa chọn một lối đi cho mình băng qua những vết thương, dưới những hàng cây tăm tối.

Đọc cuốn sách này khiến tôi nhớ về những năm tháng mình đã yêu những câu chuyện của Pautovski tới mức nào, cũng như giờ tôi hiểu được tại sao Pautovski lại yêu thích Ivan Bunin đến vậy. Chỉ có Bunin mới hiểu thiên nhiên và đất đai Nga như thế, người duy nhất viết bằng giọng nói của đất đai, chất giọng trầm ấm quyến rũ, chất giọng mê đắm dịu dàng. Chỉ cần bạn lật trang đầu tiên, đọc truyện ngắn đầu tiên bạn sẽ say mê chất giọng và vẻ đẹp ấy. Vẻ đẹp mà ngay cả người Nga vẫn khó có thể nhận ra cho đến một ngày đọc sách của Ivan Bunin. Có những người sinh ra để truyền thụ vẻ đẹp, để dẫn lối cho cảm xúc và tình yêu, để gọi tên từng nỗi buồn, để nắm bắt những khoảnh khắc hạnh phúc giữa cuộc đời ảm đạm. Là Ivan Bunin, người dẫn ta đi dưới những hàng cây tăm tối của số phận và chỉ cho ta những ánh sao lấp lánh trên đầu, hương vị dịu dàng của cỏ mục tối tăm. Bằng cách ấy, ta nhặt ra trên quãng đường dài của kiếp người những niềm an ủi thi vị ngọt ngào để vỗ về lại những đắng cay. Bằng cách ấy, người ta biết vui với những thời khắc đẹp, biết kéo dài dư vị của của nó và thôi trông chờ vào một cuộc đời hoàn hảo. Bằng cách ấy, ta sống trọn vẹn cuộc đời.

Có lẽ vì thế mà người ta trao cho Ivan Bunin giải Nobel văn chương, vì sự biết ơn, vì được thấu hiểu. Có những người vĩ đại vì những điều rất giản dị.

Nàng Anna xanh xao

Và rồi một ngày, nước Đức trong tôi không còn là đất nước của âm nhạc cổ điển, của hội hoạ, của kiến trúc, của triết học, không còn là nước Đức của Hitler và quân phát xít, chỉ còn lại một nước Đức buồn bã những nỗi sầu muộn đơn côi, chỉ còn lại những tang hoang thời hậu chiến, những lỗ hổng hoang mang và những thực tế đắng cay. Đột nhiên, niềm kiêu hãnh thuở nào tôi nhìn thấy vỡ tan, và nước Đức trở nên gần gũi như một hơi thở nào đó mang chút vấn vương rơm rạ đã để lại. Nước Đức của Heinrich Boll.

Không có Goethe, không có Beethoven và không có quân SS, cuốn sách chỉ có những nỗi rã rời thời hậu chiến, bức tranh xác xơ cháy xém của nhà cửa, làng mạc, đồng quê. Chỉ còn vực thẳm ngăn cách những cuộc trở về. Truyện ngắn mở đầu cuốn sách buồn như tiếng sáo chiều, phảng phất ám ảnh của tiếng hú máy bay ném bom. Người lính trở về nguyên vẹn thân thể sau cuộc chiến tranh, nhưng tâm hồn mãi mãi mang những vết sẹo. Một hố bom vô hình sâu thẳm đã ngăn cách giữa quá khứ và hiện tại, khiến cho những gì đã từng là hạnh phúc giờ chỉ còn là ảo ảnh nhạt nhoà. Cô người yêu với bàn tay nhỏ, mềm và ấm, mùi hương ẩm mục từ khu vườn, những ký ức ngọt ngào giờ chỉ còn là những vết thương cháy mãi trong lòng nhắc về một thực tại kinh hoàng rằng anh đã mất tất cả. Chiến tranh thì diễn ra nhanh thôi, nhưng dư âm của nó, dư ảnh của nó, nỗi tuyệt vọng mà nó đã gieo trồng, thì còn mãi, còn mãi...

Nhưng đi theo hành trình của những truyện ngắn trong tập truyện, tôi vẫn thấy rằng mọi thứ luôn có thể phục hồi. Dẫu là những bước khởi đầu có xiêu vẹo, có chông chênh, dù là con người sau một trận chiến nát tan đã trở nên tráo trở ích kỷ, thì nước Đức vẫn phục hồi, kỳ diệu như đã từng như vậy. Nàng Anna với gương mặt xanh xao phòng bên cạnh, với những vết thương chi chít trên mặt, nàng vẫn sống với nỗi đau ấy, vẫn tiếp tục sống để một ngày có người đàn ông phòng bên vặn tay nắm cửa và mỉm cười với nàng, nhìn những vết sẹo như những ngôi sao lấp lánh. Tất cả vẫn có thể được phục hồi, nếu ta yêu, vẫn muốn yêu.

Văn phong của Heinrich Boll giản dị, ánh lên một cái nhìn vừa hài hước vừa nghiêm trang. Ông luôn nhìn thấy hai mặt của một vấn đề : nỗi buồn sau một khung cảnh đẹp, sự nghiệt ngã sau một hành động đầy quyết tâm, tình yêu trong một bầu không khí đơn côi. Tuy tất cả đều bị cái bóng của chiến tranh bao trùm, nhưng chiến tranh chưa bao giờ tận diệt được tất cả, những mầm sống, mầm yêu, những nỗ lực không ngờ để gìn giữ những điều tốt đẹp. Thỉnh thoảng ông cho tôi thấy tâm hồn của ông trải dài trên những đoạn tả cảnh, mênh mang tâm trạng của một người vùng vẫy trên mảnh đất bị tàn phá, nhưng vẫn yêu nó nồng nàng, như Boll đã yêu dòng sông Rhein đầy cuồng nộ của nước Đức, sợ hãi trước sự hung hãn của nó, nhưng yêu bằng tình yêu của tuổi thơ dành cho những vị thần mãi mãi bất tử trong lòng mình. Phải rồi, bất tử. Có những thứ không thể hủy diệt bao giờ.

Tình yêu chẳng hạn :)

Tiếng cười trong bóng tối

Chuyện ngoại tình. Bất cứ ai cũng có thể có một câu chuyện như thế trong đời. Chuyện cũ hơn cả thạp gạo của bà ngoại, vậy mà thế kỷ nào cũng có người nói, năm nào cũng có mấy trăm bài ca ai oán từ nạn nhân, từ kẻ chủ mưu, từ người liên đới. Nghe hoài có nhàm không? Kỳ lạ là nó không nhàm, chẳng biết ngoại tình nó có thứ gia vị gì mà khiến người ta có thể nhai hoài không ngán suốt chừng ấy năm tiến hoá của loài người. Được chưng cất từ nước trái cấm trong vườn địa đàng chăng?

Đây là một câu chuyện ngoại tình. Chán hơn, nó là chuyện ngoại tình điển hình, hết sức basic, với các nhân vật tham gia có một đặc trưng rất rõ nét của sự ngoại tình. Một ông chồng già (và giàu), tâm hồn nghệ sĩ, yêu cái đẹp ( và gái đẹp- dĩ nhiên). Một bà vợ hiền lành nhu mì nhạt phèo như nước ốc. Một cô nhân tình trẻ trung xinh đẹp, phóng túng và ờ, gian xảo. Thêm vào tấn tuồng để có thể cho ra một cái kết hả hê, là một tay chơi cáo già, tình nhân của cô tình nhân nọ. Bọn họ, bước ra sân khấu để sắm vở kịch của đời mình. Kẻ mù quáng, người ngây thơ, đứa lừa lọc và quân đê tiện. 

( các mẹ ở wtt sẽ nói gì =)) ? )

Chuyện thì hai năm rõ mười thế rồi, nói gì nữa mà nói. Thì đấy, sau đam mê mê muội sẽ là địa ngục, Albinus cuối cùng cũng có cái kết cục rất hợp với câu " tình yêu như trái phá con tim mù loà", không chỉ có tim, mà còn cả mắt cũng mù nốt. Nhưng đối với những người duy mỹ, thì mắt chẳng phải chính là tim sao? Mù hẳn, ngay từ ngày nhìn thấy Margot. Mù triệt để và không trăn trở, không dằn vặc. Cả một hành trình dấn thân vào địa ngục của Albinus không có lấy một lần ngoảnh lại, không một chút ăn năn. Tuy cũng như những người đàn ông khác, Albinus cũng tham lam và muốn bảo toàn cả hai, nhưng khi không thể bảo toàn nổi, ông ta chỉ thở nhẹ một cái rồi đi theo thứ mà bản năng mách bảo. Đây mới chính là nhân vật của Nabokov với cái đặc trưng bất chấp các giá trị đạo đức để trung thành với trái tim, hệt như Humbert của Lolita. Và cũng như Humbert, Albinus cũng chuốc lấy cái kết cục đau đớn bẽ bàng, cái kết thỏa mãn cả nạn nhân lẫn người đọc, cái kết tìm được chút hả hê của người đời, có thể sử dụng để răn dạy và đe dọa những người manh nha lao vào con đường ấy.

Nhưng Nabokov có định kể một câu chuyện để dạy dỗ hay cảnh cáo ai đâu? Ừ, thì kết cục thảm hại thế, nhưng bạn có thấy một hành trình đầy hạnh phúc của Albinus không? Dù cho nó là thứ hạnh phúc đến từ sự dối lừa, dù thứ ánh sáng tưới tắm cuộc đời ông ta lúc đó chỉ là ảo ảnh, nhưng cảm xúc là có thật. Bạn có thấy trái tim ông ta đập liên hồi kỳ trận không? Bao lâu rồi nó không đập như thế, bao lâu rồi nó nhúc nhích trong lồng ngực đều đặn như tiếng tích tắc của đồng hồ? Nói thế để biết rằng, vì sao ngoại tình đã được dán mác nguy hiểm, như thể dán lời cảnh báo kinh khủng lên các bao thuốc lá, mà đời này người ta vẫn lao vào với một sức mạnh không thể cưỡng lại được. Chính là cái ma lực ấy đấy, ma lực của sự thăng hoa xúc cảm, thứ mà người trong cuộc mới hiểu, đứng ngoài thì không hiểu nổi đâu.

Thế nên, người ta sẽ vẫn còn đay nghiến mãi câu chuyện ngoại tình. Và chừng nào người ta còn quên đi rằng trong hôn nhân còn có tình yêu, thì ngoại tình vẫn luôn là một phần của cuộc hôn nhân ấy. Tôi không cổ vũ ngoại tình đâu, nhưng bởi vì duy trì một tình yêu dài suốt chặng đường hôn nhân không phải là một điều dễ dàng, thì nên chăng chúng ta chấp nhận việc ngoại tình là một phần của  hôn nhân ngay từ buổi đầu, vậy thì sẽ đỡ đau đớn và bất ngờ, bớt cay đắng hơn chăng? Và biết đâu, nhờ cái tâm thế ấy mà chúng ta có thể giữ cho cuộc hôn nhân của mình không nghiêng về ranh giới của sự ngoại tình. Tất nhiên là chỉ khi mà chúng ta còn muốn.

Thế nhưng, để bước từ lý thuyết này ra thực tế, hẳn là một con đường rất dài. Vậy nên người ta sẽ còn nói về chuyện ngoại tình rất lâu sau đó nữa. Chuyện vẫn còn nhiều tập :))

Đứa trẻ thứ 44

Rõ ràng, cuốn sách này không phải chỉ dắt ta truy tìm kẻ đã giết 44 đứa trẻ. Và rõ ràng, tội ác mà nó vạch ra đồ sộ hơn thứ tội ác được chỉ mặt đặt tên, được thành lập tội danh và chính thức khép lại khi tìm thấy hung thủ. Thứ tội ác đã xoè đôi cánh đại bàng của nó ra cào bằng tất cả các giá trị, để cướp cũng như người mà người cũng như khủng bố, để tình yêu cũng kinh tởm không kém gì lòng căm thù, để con người cũng hèn kém không khác gì súc vật. Thứ tội ác đã chấp chứa và chôn vùi những tội ác khác dưới khuôn mặt mãn nguyện của những con số thành tích, phẳng phiu như đổ beton đè lên những xác người, bất chấp những sục sôi và quằn quại trong lòng nó. Thanh tra Leo Demidov, thứ mà gã phải đối diện đâu chỉ là một kẻ thần kinh và 44 xác chết. Một cuộc đi ngược dòng đổ nhiều máu hơn thế rất nhiều.

Cuốn sách đã bắt đầu với một con mèo. Con mèo như một hạt bụi nhỏ trong vùng đất đầy băng tuyết của làng Chervoy, mà làng Chervoy cũng chỉ như là một hạt bụi trên tấm bạt Liên Xô. Ấy vậy mà từ một khởi đầu vô nghĩa như thế, mọi đứt gãy đổ vỡ đã diễn ra, những ám ảnh lớn dần, những tuyệt vọng lớn dần với những hạt mầm đã gieo sẵn để vươn lên thành tội ác. Tội ác được lờ đi, được san phẳng bởi một tội ác khác nên cứ thế tồn tại như một rãnh nước ngầm, vươn mãi dòng nước đen ngòm của nó dưới tầng beton của chế độ. Lòng người cũng lúc nhúc dòi bọ của nỗi sợ hãi, nhưng biết làm gì với tầng beton đã đông cứng ở bên trên?

Vậy cho nên, đây là một cuốn sách nghẹt thở từ trang đầu tới trang cuối. Nghẹt thở không phải vì vụ án quá khó để lần tìm, mà bởi vì tất cả đều bị nhốt chung trong một căn hầm kiên cố, căn hầm ngay từ đầu đã không thể phá vỡ để thoát ra, chỉ có thể im lặng chấp nhận số phận, hoặc là chiến đấu trong tình trạng mơ hồ câm điếc với thứ ánh sáng nhợt nhạt không đủ để sự thật xuất hiện. May mà, có thể hơi sến, nhưng may mà có tình yêu. Rốt cuộc người ta cũng chỉ có thể bấu víu vào tình yêu và lòng tin để lần tìm sự thật trong bóng mờ ảm đạm. May mà Leo còn có Raisa, cô không đến với gã bằng tình yêu, nhưng vì tình yêu mà cô đã ở lại. May mà họ dù nhầm lẫn về rất nhiều giá trị nhưng vẫn còn nhận diện được trái tim mình. May mà cha mẹ của Leo đã yêu thương gã vì chính gã chứ không phải vì những thứ gã đem lại. Rốt cuộc, dù bị cào bằng tất cả, nhưng không có chế độ nào có thể làm vậy với tình thương. Con người vẫn có thứ ấy để làm người để không trở thành lũ gia súc gia cầm bị nhốt trong chuồng trại.

Nhưng giá của tình yêu là không hề rẻ. Cái giá của việc được làm người cũng không hề rẻ. Và sự thật dường như là vô giá vì nó phải trả quá nhiều quá nhiều không bao giờ đủ. Sự thật về bản thân Leo, con người thật nằm ngay trong chính gã, vậy mà gã phải đi bằng đúng một vòng tròn khép kín với hơn 20 năm dài mới có thể tìm thấy, mỗi bước tìm về là mỗi xác người. 44 đứa trẻ, 200 người đồng tính và cả cái chết của những người không mảy may liên quan. Một cuộc tìm về đánh đổi quá nhiều. Một chế độ cầm tù tất cả, xây những bức tường đầy e sợ giữa người với người, giữa thế giới và con người thật của chính họ. Vậy mà tôi cũng không thể tự thuyết phục mình rằng nó là hư cấu. 

Nó có thật. Nó đã tồn tại một thời gian dài và dư âm đầy ám ảnh của nó vẫn còn vươn tới tận bây giờ. Dù thật khó tin, dù có muốn nghĩ về nó như một kiểu distopia của trí tưởng tượng, thì mối dây liên hệ tới thực tế của nó thật là dai dẳng. Người ta đã sống như thế rất lâu để chờ tới ngày bức tường ngục tù sụp đổ. Nhưng dưới chân tự do đã hình thành đó, có bao nhiêu xác người, có bao nhiêu tội ác đã chôn vùi vĩnh viễn trong thinh lặng? Rất nhiều, vô số, không bao giờ đếm được. Liệu có ai đào bới? Chắc cũng không nhiều, hầu hết mọi người đều bận rộn để sống còn. 

Vậy nên câu chuyện này vẫn chưa bao giờ kết thúc

Thánh đường

Đỉnh cao của nghệ thuật chính là sự dung dị. Điều này cũng đúng với cuộc sống. Khi bạn có thể sống một cách dung dị, thì có nghĩa là bạn đã bình tâm. Và tôi nghĩ ngay về Raymond Carver, một cây bút thật sự dung dị của thế giới này, mặc cho chính điều đó đã đem lại cho thế giới không ít sự tranh cãi lẫn choáng ngợp bởi sức công phá cảm xúc mãnh liệt chính bằng sự dung dị ấy.

Raymond quả thật rất kiệm lời. Hơn cả Hemingway lẫn O. Henry cộng lại. Ông thu mình trong tất cả các câu chuyện mình kể, chỉ còn để lại một đôi mắt trong veo và thấu suốt, để nhìn mọi vật, mọi người một cái nhìn chân phương không chút phán xét. Ông triệt tiêu cái tôi của bản thân để tôn trọng hiện thực. Những hiện thực rất bình dân và giản dị, những nỗi đau thông thường tới mức không còn được xem là nỗi đau, những tan vỡ đã chai sạn đến mức không còn ai nghĩ rằng nó là một mảnh vỡ, thì Raymond kể về chúng, miêu tả chúng. Ông kể thong thả, đôi khi là thờ ơ, ông không cố gắng đi tìm bất cứ cái gì, kể cả sự kịch tính trong những cuộc tranh cãi, kể cả đau đớn trong những lần mất mất, sự tổn thương, sự chia ly... Đó không phải là việc của Raymond. Đó là nhiệm vụ của chúng ta.

Bởi vậy, sách của Raymond Carver sẽ không dành cho những độc giả muốn được dẫn dắt hay đi tìm thứ cảm xúc của người khác. Nó dành cho ai muốn tự mình khai phá cảm xúc của chính mình trước một bối cảnh thông thường của cuộc sống, cho những ai đủ tinh tế để nhận diện diện sóng ngầm dưới bề mặt phẳng lặng, những mâu thuẫn và xáo trộn dưới khuôn mặt dửng dưng. Văn chương của Raymond vì thế mà đầy sức mạnh và bất ngờ, với mỗi lần đọc ta lại nhận diện được một tầng cảm xúc khác nhau từ một khung cảnh đã hết sức quen thuộc. Sự bất ngờ khiến ta cảm động, thứ cảm xúc đọng mãi như khi uống cạn một tách trà bất ngờ nhận ra vị ngọt của nó còn lưu lại nơi đầu lưỡi. Cô đọng, chính xác và đầy dư vị.

Thánh Đường là tập truyện ngắn được Raymond Carver viết sau thời gian cai nghiện rượu. Trở lại với cuộc sống sau khi ngập chìm trong men rượu và những nỗi bế tắc, những câu chuyện của Raymond đã lấp lánh ánh sáng của niềm tin và tình yêu. Dù vẫn là những bối cảnh đầy ngột ngạt, những cuộc chia ly và đổ vỡ, nhưng cuối câu chuyện luôn có một sự gợi mở thông thoáng, một hướng đi có hứa hẹn hay một tâm trạng được giãi bày để nhẹ nhõm hơn. Nó giống như một cơn đau âm ỉ dai dẳng tới cuối cùng đã có dấu hiệu vơi đi, sự rộng mở của cuộc đời vì thế được tăng lên, những hạnh phúc nhỏ nhoi vốn hiếm khi xuất hiện trong câu chuyện cũng bắt đầu nhú những cái mầm bé nhỏ. Nhưng tuyệt đối Raymond không kết luận điều gì. Tin hay không tin, yêu hay không yêu vẫn là lựa chọn của độc giả.

Là một tác giả đi theo trường phái tối giản, Raymond đã lao động miệt mài với những tác phẩm của mình, đi tìm cho câu chuyện một thứ văn chương cô đọng, súc tích và nhiều hàm ý nhất. Giống như một nghệ sĩ gọt giũa tác phẩm nghệ thuật cho tới ngày nó đạt được sức mạnh biểu cảm tuyệt đối, Raymond cũng viết đi viết lại cùng một câu chuyện ấy, càng viết càng bỏ được những từ ngữ và hình ảnh thừa thãi để tìm cho tác phẩm một sự ngắn gọn tinh giản tuyệt vời. Nhưng điều quan trọng nhất trong quá trình gọt giũa ấy, Raymond không nhúng tay vào bất kỳ một hình ảnh nào để biến nó trở nên phù hợp với ý đồ của mình, ông không bóp méo bất cứ thứ gì để thể hiện cái tôi của mình. Ông chỉ thu nhặt, lựa chọn và ghép chúng lại với nhau, bằng một mối dây liên hệ nào đó mà chúng ta phải lần tự lần tìm và kết nối. Câu chuyện vì thế bình thường nhưng đầy thách thức và dằn vặc, cũng như chính cuộc đời vốn đơn giản nhưng sâu thẳm không ngờ. Đó chính là thứ nghệ thuật mà Raymond tìm kiếm, sự dung dị mà ông đã kính cẩn xây dựng và tổ chức nên trong tác phẩm của mình. Sự dung dị của cuộc sống.

La Mã sụp đổ

Suy tàn rồi sụp đổ - đó không phải là lời sấm truyền hay tiên tri, đó là lời khẳng định, một lời kết cho tất cả : hành tinh này, thời đại kia, chế độ nọ hay những số phận ấy. Có gì khác nhau giữa những thứ tôi vừa kể trên? Chẳng có gì cả. Đều ra đời như thế và ra đi như thế. Bạn tưởng rằng nó gây chấn động lắm, và dư âm của nó thì dài lắm? Nhưng cũng thế mà thôi. Và vỡ mộng, đúng vậy. Chúng ta luôn có những giấc mộng tan vỡ trong cuộc đời mình.

Con người luôn ôm ấp những giấc mộng về sự vĩnh cửu, về những mầm sống bám rễ tới tận âm ti và vươn cành lên đến thiên đàng. Nhưng tất cả những gì chúng ta xây dựng được, là một thế giới bằng cát, trên nền cát để chờ đợi một ngày sóng đến cuốn trôi. Câu chuyện này được dựa trên một bài giảng của Saint Augustin, về sự sụp đổ của một nền văn minh vĩ đại : La Mã. Và con người, hạt cát nhỏ trong bức tường thành đồ sộ nhưng rốt cuộc cũng bằng cát đó, rồi cũng sụp đổ và lụi tàn. La Mã là sự phóng chiếu của thế giới, của những nền văn minh, của những tinh cầu được hình thành rồi nổ tung ở đâu đó rất xa xôi trong vũ trụ. Nhưng La Mã cũng là sự phóng chiếu của những tâm hồn người bé nhỏ, mong manh sinh ra lớn lên rồi chờ đợi ngày cáo chung của số phận. Chỉ có những giấc mơ là bồng bềnh trôi theo thời gian, chỉ có những giấc mơ, như những đợt sóng xô cứ tràn lên bờ rồi tan đi, lớp này, lớp khác, mải miết...

Matthieu và Libero là những người trẻ tuổi ôm ấp giấc mơ nhào nặn nên một thế giới của riêng mình. Nhưng Paris quá rộng lớn và văn minh để kiểm soát. Họ quay về đảo Corse, hài lòng với một thế giới nhỏ hơn trong một quán bar. Họ hồ hởi xây dựng một địa đàng với những lạc thú êm dịu của trần gian. Họ cứ ngỡ rằng có một nơi như vậy cho họ, một nơi mà tất cả đều đặn diễn ra trong nhịp điệu êm ái mãi mãi, không biến động, không sóng gió. Không chỉ họ, mà tất cả những nhân vật trong cuốn sách này, là Aurelie, Claudie, Jacques và Marcel, đều đi tìm cho mình một chốn nương náu giữa cuộc đời, nơi họ tin mình thuộc về, bám rễ và trường tồn. Cuộc đời là những cuộc đi tìm mải miết, đầy hứng khởi thuở ban đầu và tuyệt vọng những lúc về sau, để rồi nhận ra rằng, mọi thứ cuối cùng sẽ sụp đổ.

Nhưng sự sụp đổ không phải lỗi của vùng đất ấy. Không có một nơi chốn nào được vĩnh cửu tồn tại một khi nó được khai phá. Nói cách khác, bằng việc gieo mầm sự sống cho bất cứ một điều gì, thì người ta cũng đã đồng thời gieo vào nó một chất độc. Paris hay đảo Corse không hủy hoại Matthieu và Liberto. Họ đã hủy hoại chính mình. Chất độc của hoan lạc, của sợ hãi, của si mê đã khởi sinh trong họ từ biết bao thế hệ trước, từ đời của Marcel truyền xuống cho Jacques và Matthieu. Những nỗi buồn và niềm vui, sự nuối tiếc vô vọng và chìm ngập trong nỗi ám ảnh về sự vĩnh cửu, nó là thứ chất độc gặm nhấm mòn tâm hồn, là những mạch nước ngầm tràn vào đục ruỗng chân những lâu đài trên cát, chỉ chờ một đợt sóng xô tới là đủ tan hoang. Và thực tế, nó đã tan hoang biết bao lần, một cách thản nhiên như chưa hề có gì khác. Sụp đổ, vốn là một phần của thế giới này, cuộc sống này. Và tan vỡ, luôn là số phận của những giấc mơ ấy.

Thế mà, bằng cách nào đó, thế giới vẫn hồi sinh. Từ tro tàn, từ cát lạnh, từ một thế giới đã chìm lấp đâu đó dưới lòng đất. Và những giấc mơ, cứ vỡ tan hoang cả trăm nghìn bận cũng cứ mãi còn, như sóng biển không biết khởi nguồn từ đâu đó ngoài kia, cứ mãi mãi dồn dập vào bờ, dẫu biết khi đến sẽ chẳng còn lại gì ngoài những loang nước lạnh. Cuộc sống cứ thế xây dựng trên nền của chết chóc, lụi tàn. Và con người, tuy hoang mang vô kể trước sự mong manh của sự sống, thì vẫn sống với lòng mong được sống, bởi giấc mơ ấy vẫn còn mãi để tưới tắm cho những hạt mầm chôn sâu dưới lớp tro tàn. Cuốn sách là một nỗi muộn sầu nhưng cũng có thể xem như là một lời an ủi.

Núi thần

Có gì trên ngọn núi ấy?

Thomas Mann đã nói trong cuốn sách này rằng : thời gian là một bí mật. Người ta cố gắng nhốt kín thời gian và đong đếm nó bằng tiếng tích tắc của các thể loại đồng hồ, nhưng người ta chưa bao giờ điều khiển được nó. Ngược lại, nó điều khiển ta và đo lường cuộc đời ta. Người ta chạy trốn thời gian bằng những cuộc xê dịch, mà cụ thể ở đây là một cuộc đào thoát đồng bằng lên núi cao, nơi người ta trả tự do cho thời gian để giải thoát cho chính mình khỏi nỗi ám ảnh của những cột mốc, của những đơn vị ngày tháng. Nhưng rồi, bằng một cách nào đó, thời gian vẫn lao đi và cuốn tất cả theo dòng chảy bất kham của nó để đối diện với một cột mốc duy nhất của đời người : cái chết.

Hans Castorp đã đối diện với cái chết khá sớm, khi những người thân lần lượt bỏ chàng ra đi. Đối với Hans, chết là một cuộc chia ly linh thiêng và trang trọng. Nhưng sau này, khi Hans lên sống ở Sơn trang, chàng mới hiểu rằng có vô vàn khuôn mặt của cái chết cũng như chừng ấy thái độ của sự biệt ly. Và vì thế dần dần chàng đánh mất đi sự tôn kính của mình dành cho sự kiện đặc biệt ấy, để trơ lì đối diện nó bằng một cái nhún vai. Rốt cuộc thì, dù người ta có muốn đối diện với nó vì quá chán ngán chốn hồng trần, hay muốn trốn chạy nó vì quá lưu luyến hồng trần, thì cái chết cũng sẽ đến dưới bàn tay quyết định của thời gian chứ không phải của chúng ta. Vô vọng, dường như là câu trả lời cho tất cả.

Và bởi vì con người không quyết định được cái chết của mình, nên họ bằng mọi cách sống một cuộc đời như mình mong muốn. Ngọn núi Davos, nơi đóng đô của An dưỡng đường Sơn trang, nơi thời gian tự do một cách toàn năng và bất kham, nơi bốn mùa bất chấp luật lệ thích ghé lúc nào thì ghé, nơi người ta miễn cưỡng đến ở để chiến đấu cho cuộc sống của mình. Ở đó, không có một bầu không khí tang thương ngự trị, hoặc nó vẫn ngự trị nhưng nó đã bị ngó lơ, hoặc khỏi cần ngó lơ mà người ta tự luyện cho nó thứ nội công thâm hậu có tên là vô cảm. Bằng mọi giá, họ đấu tranh cho lý tưởng, cho ước mơ, cho quan điểm sống và cho tình yêu. Cả Sơn trang là một hợp chủng quốc ngồi chờ đợi giây phút cáo chung, nhưng vẫn không thôi va chạm nhau bằng những cuộc cãi vã liên hồi kỳ trận.

Cuốn sách là những cuộc hành trình, không chỉ riêng cua Hans Castorp. Những nhân vật khác trong này cũng hết sức đặc sắc, từ Settembrini đến người đồng minh thù địch Naphta, từ Joachim đến cô nàng người Nga Clawdia Chauchat, họ đều trưởng thành trên hành trình đi đến cái chết, bằng những nụ cười trên môi như sự lựa chọn sau cùng cách thức đối diện với số phận của mình. Với Settembrini là nụ cười ý vị thâm trầm, với Hans là nụ cười hồn nhiên nông nổi, với Clawdia là nụ cười kiêu kỳ, họ đều cười với cuộc đời tiếng cười của chính mình, một cách để chạm khắc vào thời gian vô định những dấu ấn, trước lúc nó kịp xoá sổ tất cả...

Núi thần, đúng như tên gọi của nó, là một ngọn núi đồ sộ và vĩ đại. Tuy nhiên nó không đòi hỏi ở người khác một phẩm chất cao siêu để vượt qua. Nó, cũng như một vài cuốn sách được liệt vào hàng kinh điển khác, chỉ chờ đợi ở bạn một sự kiên trì, một nỗ lực bền bỉ để đi hết hành trình. Bù lại, nó sẽ dành tặng bạn thứ văn chương hảo hạng, một bản hoà âm đẹp đẽ của triết lý, chất thơ và tình yêu, nó tặng bạn những đoạn văn tả cảnh đẹp rụng rời đến mức bạn chỉ ước ao gì mình được ở đó - là con bệnh cũng được, nó tặng bạn những cuộc tranh luận đầy tính triết học nhưng rất dí dỏm hài hước, tặng bạn bức tranh sinh động về cả thế gian. Cuối cùng, nó tặng bạn những nụ cười, như một cách tiêu xài cuộc đời mà không hề hối tiếc ...

Chuyện dài bất tận

Khen cuốn sách này thì có vẻ quá thừa. Trần đời này thật khó tìm được một câu chuyện ngụ ngôn nào ly kỳ sáng tạo một cách bất tận và đẹp đến như thế. Đẹp trong sự lộng lẫy lẫn sự đơn sơ, đẹp từ hạt cát tới cả thế giới thần tiên. Chất fantasy tràn ngập nhưng chưa bao giờ bỏ quên hiện thực, và như một lẽ tất nhiên, cuộc sống thực tại luôn mãi là chất liệu nuôi dưỡng cho trí tưởng tượng thăng hoa...

Cuốn sách chứa đầy triết lý, nhưng nó luôn khiến người ta thảnh thơi. Nó không áp đặt, nó luôn dành cho người ta sự lựa chọn. Như Bastian, cậu có toàn quyền với trí tưởng tượng của mình, ngay khi cậu bắt đầu khởi động nó. Trí tưởng tượng sẽ đưa cậu đi đến đâu, tuỳ cậu quyết định. Nhưng sau mỗi quyết định là một kết quả tương xứng, một cái giá phù hợp. Cậu là người sáng tạo mà xây dựng nên thế giới ấy, thế giới Tưởng Tượng thần kỳ bất tận, nhưng cậu phải vững vàng trong sự bất tận và thay đổi không ngừng ấy, bởi nếu không, nó sẽ cuốn cậu đi, nhấn chìm cậu trong sự vô biên và không đáy của nó. Mọi sự luôn luôn có những quy ước và giới hạn.

Một nửa đầu, cuốn sách làm tôi hơi buồn. Nó làm tôi nhớ lâu lắm rồi mình không còn nghĩ ra được điều gì mới mẻ. Thế giới tưởng tượng của tôi đã rơi ở đâu đó rất xa xôi, ở tuổi thiếu niên hay là trước đó nữa cũng nên. Có phải vì thế mà cuộc sống hiện tại thiếu đi rất nhiều màu sắc, rất nhiều niềm vui và niềm hy vọng. Có phải vì thế mà mọi thứ lúc nào cũng có cái vẻ rất vô vị, lạnh lùng, xa cách. Bao lâu rồi tôi không có một niềm vui thật sự tưng bừng?

Một nửa cuốn sách còn lại cảnh báo tôi về cái giá phải trả của việc chìm đắm trong những giấc mơ cua trí tưởng tượng. Nó bảo rằng hãy cẩn thận với những giấc mơ. Khi bay quá xa, quá cao, mọi trí tưởng tượng đều trở thành ảo tưởng và hoang tưởng. Nó ăn mòn, làm rỉ sét cuộc đời thật, trái tim thật, ký ức thật, những hạnh phúc từng rất thật. Nó bảo tôi hãy yêu cuộc sống này, đừng ảo vọng, đừng phù phiếm. Hãy để giấc mơ làm đúng nhiệm vụ của nó, là một phương tiện, một niềm vui, một sự khích lệ. Đừng bao giờ trở thành nô lệ cua trí tưởng tượng.

Trang sách cuối cùng, tôi mừng vì Bastian đã trở về nhà. Cậu vẫn là cậu như xưa nhưng với tôi, đó là một chiến thắng huy hoàng rồi. Trên thực tế, tôi biết không phải ai cũng có thể trở về khi đã bước chân vào thế giới tưởng tượng với quá nhiều cám dỗ. Cậu trở về vì cơ bản cậu vẫn còn yêu. Tình yêu có lẽ là điều duy nhất người ta không mất, dù ký ức có mất đi, là thứ duy nhất neo người ta lại với cuộc sống. Bastian trở về, ra khỏi thế giới Tưởng Tượng, nhưng cậu biết sẽ không mất nó, bởi cậu có thể tạo ra nó mỗi ngày. Bởi cuộc sống này, chính là cội nguồn của tất cả, là mảnh đất màu mỡ cho mọi trí tưởng tượng và sự sáng tạo đơm hoa kết trái.

Thật là quá đẹp, cuốn sách ấy, thế giới ấy, cuộc sống này <3

Ngồi

Nếu bạn tìm tới với văn chương như một sự giải trí, thì bạn hãy bỏ qua cuốn sách này. Ngồi- không như cái tên đầy tĩnh lặng của nó- là một cuốn tiểu thuyết với rất nhiều xáo trộn rối ren và bế tắc, trong bầu không khí hư ảo nửa mơ nửa thực lẫn lộn, và tựu chung nó sẽ mang đếm một cảm giác tù mù, cảm giác chính mình bị ngưng đọng và hóa đá trong dòng chảy của thời gian. Với tất cả những đặc điểm đó, Ngồi không dành cho những ai muốn được nghe kể chuyện, hoặc đi tìm một lối thoát hay cứu rỗi nào đó trong văn chương. Với Ngồi, có lẽ Nguyễn Bình Phương muốn giãi bày một sự thật tồn tại rất kiên định trong đời sống, là sự sa đọa, và sa đọa trong một nỗi buồn lững thững gặm nhấm tâm hồn, trong sự giằng xé giữa bản năng và lý tưởng để rồi mỗi ngày nhận ra mình đang xóa sổ chính mình trong thế giới hỗn loạn kia, nhanh tới mức không còn kịp để lại giấu vết.

Tất cả những nhân vật trong câu chuyện này, là Khẩn, Minh, Nghĩa, Hùng, Nhung, Thúy, Quân, Liên… đều tồn tại bằng cái vẻ chung chung của cần cù, nhẫn nại và rồi quằn quại trong mỗi cõi lòng riêng biệt bằng bản năng thèm khát được sống và hưởng thụ cuộc đời mà lý tưởng của họ chối bỏ. Họ sống hiền lành cam chịu, ý thức cao nhưng lòng họ không yên bởi những cơn khao khát cuồng dại bị kìm nén, là nhu cầu sinh lý, là nhu cầu tình yêu, là cảm giác được tồn tại trong lòng một ai đó. Khẩn chênh vênh giữa cuộc đời anh chọn và cuộc đời anh mơ, giữa việc phải sống như một Đảng viên gương mẫu và sống phóng túng giữa tình yêu. Khẩn sa đọa trong cơn mê cuồng dục vọng bị đóng khung trong bộ áo thạch cao đông cứng của chủ nghĩa xã hội. Khẩn, vừa không chối bỏ được bản thân, vừa không dám quay lưng với cả một thể chế. Khẩn cứ thế đi lang thang trong tâm tưởng của mình, thả cho hồn vía của mình neo đậu trên những bến bờ hư ảo, những cơn mộng mị mê cuồng và bấu víu vào những sợi dây tâm linh chảy suốt mạch máu mình. Sa đọa cũng là một sự lựa chọn để xác định sự tồn tại của chính mình, sa đọa để nhận ra mình vẫn còn cảm giác người, vẫn còn ham muốn, còn đau đớn và yêu thương. Sa đọa trong cơn bế tắc, trong linh tính về sự cáo chung của chế độ. Với một tấm áo giáp quá dày, thì việc hủy diệt từ bên trong là điều không thể tránh khỏi.

Bầu không khí tâm linh ngập tràn trong cuốn sách. Nó lẩn khuất, mơ hồ nhưng phủ cái bóng nguy hiểm của nó lên tất cả các số phận. Không ai lý giải được cho những hiện tượng bí hiểm và họ cũng mặc lòng chấp nhận nó như một phần của cuộc sống, mặc lòng để nó ám ảnh và xoa dịu mình, mặc lòng vin vào nó để tha thứ cho sự sa đọa của bản thân. Bầu không khí âm u nửa mơ nửa thực này tôi từng thấy ở trong những trang sách của Franz Kafka, cộng với chất tâm linh thuần Việt trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh. Những yếu tố ấy làm cho Ngồi có cái gì đó gần gũi chân thực nhưng mơ hồ bảng lảng như trong những giấc mơ. Nguyễn Bình Phương lại có cái lối viết tưởng chừng như phóng túng nhưng hóa ra lại rất cẩn trọng. Những trang viết dài, những đoạn đối thoại viết liên tục như kể, mà cũng không phải kể, là tả. Nguyễn Bình Phương cứ tả cuộc sống này với giọng bình bình đều đều không có một dấu chấm than. Cứ như mọi đau khổ, bất bình, nông cạn, ham muốn, say sưa trên cuộc đời này đều là chuyện thường tình, chẳng còn gì khiến người ta thảng thốt nữa. Nó không khiến ai bất ngờ như nó đã ở đó mấy chục năm nay, trong trí não hoang tàng của mỗi người, trong trái tim chai cứng vì cuộc đời. Nó đã hóa đá tất cả, những niềm yêu, hạnh phúc, đắng cay. Tất cả chỉ còn là những khối chai cứng, khô lạnh đợi đến ngày vỡ vụn.

Để nói về Ngồi, thật ra là quá nhiều. Chữ nghĩa của Nguyễn Bình Phương dường như có nhiều bột dậy, cứ đọc một chữ lại nở ra thành nhiều chữ khác. Bút pháp miên man, lạ lẫm, ngắt quãng vừa có chủ ý mà vừa như lơ đãng vô tình. Những cơn mơ xen vào đời thực tưởng như rời rạc nhưng lại rất chặt chẽ, đại từ nhân xưng lẫn lộn một cách có ý đồ. Thật ra cuốn tiếu thuyết chừng này trang mà viết tới 4 năm ròng thì Nguyễn Bình Phương đã quá lao tâm khổ tứ, đó là cả một thành quả mà đọc một cách hời hợt thì không thể nhận ra. Đó cũng có thể là lý do mà các độc giả trẻ tuổi dường như không hiểu được, họ thiếu nhẫn nại để hiểu một tác phẩm mà họ nghĩ là “chẳng có gì để đọc”, cũng có thể là họ thiếu trải nghiệm, những trải nghiệm mà chỉ có người nào đi qua chiến tranh mới hiểu, mới nhận ra cái bóng của nó sau mỗi con chữ. Dẫu sao, như Nguyễn Bình Phương đã nói, anh không cần những lời khen tặng, với anh, chỉ có lời nhận xét của một vài người là có ý nghĩa. Tôi tin điều này. Bởi tôi nghĩ đây không phải là một cuốn sách thuộc về đám đông, nó là cuốn sách dành cho người có lòng muốn hiểu. Như thế, đối với một cuốn sách, đã là đủ lắm rồi.

Điều gì xảy ra ai biết

Nếu nói đây là một cuốn sách hay, tôi nghĩ mình hơi nói quá. Không thể khen nhiều, nhưng kỳ lạ là cũng không thể bỏ đi. Nó có một cái gì đó, vừa thờ ơ, vừa níu kéo đúng như cái tựa của cuốn sách : Điều gì xảy ra, ai biết...

Rất phi hiện thực, kiểu như lâu lâu có một bóng ma chập chờn ở đâu đó trong câu chuyện, hoặc một con robot-thực-sự biết yêu. Hoặc một dung nhan, hoặc một tâm hồn bị hủy hoại. Thế nhưng bạn sẽ không cảm thấy có gì đáng sợ, chẳng tối tăm, chẳng trầm trọng. Tác giả của nó cũng chẳng bi lụy xót thương hay tỏ ra nguy hiểm, anh ta ( mà đọc xong tôi vẫn cứ tưởng là cô ta) viết nhẩn nha, kể bình thản, giống như kể về mấy người không thân không quen mà ngày nào cũng đụng mặt nhau ở thang máy,  hành lang, ngõ phố. Họ đi vào trong cuốn sách bằng cái vẻ bình thường, không hề biết là có người đang dòm ngó mình rồi đi kể lại. Họ cứ sống đời họ, đi qua khó khăn, đau buồn, cay đắng và hạnh phúc cứ như đi từ nhà đến chỗ làm, ngày qua ngày, như vậy...

Điều gì đã xảy ra? Tôi cũng không biết. Tôi thấy chuyện anh ta kể thật khó tin, nhưng rồi tôi lại thấy thân thuộc. Tới mức việc một con robot yêu nồng nàng hoặc một linh hồn nào đó đang chấp chới bay trên đầu cung bình thường như việc tôi có mặt trên cõi đời này vậy. Rốt cuộc thì tôi nghĩ, tối tăm, bẩn thỉu xấu xa hèn mọn, hay là đẹp đã cao sang tuyệt vời đều là những bí mật của cuộc sống. Bí mật dệt nên tấm vải mà ta sẽ khoác lên minh mặt phải hay trái, ngay chính ta cũng không biết được.

Bỗng dưng tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ sự dũng cảm của những nhân vật trong cuốn sách này :)

Nhạn

Văn học Nhật đầu thế kỷ 20 với văn phong cổ điển trầm buồn, nhưng tinh thần tự do và ly khai định kiến đã rộng mở với những trang viết trải dài tâm trạng, những nỗi niềm u uẩn không cần che giấu và không bị phán xét nữa. Cùng với Natsume Soseki, Mori Ogai là một nhà văn lớn tiêu biểu cho nền văn học thời kỳ hậu Minh Trị, thời mà văn minh phương Tây đã tràn vào nước Nhật, thời mở cửa cho cả tư tưởng lẫn tâm hồn, thời mà tự do bắt đầu được thừa nhận đúng với giá trị của nó. 

Nhạn ( Gan - Ngỗng trời) là một tiểu thuyết của Mori Ogai trong thời kỳ ấy. Với phong cách kể chuyện thủng thẳng chậm rãi và dàn trải, nhưng thứ tự kể chuyện khá đặc biệt với những đoạn xen kẽ giữa những hình ảnh nhìn thấy và những hình ảnh nghe kể, để tái hiện lại một câu chuyện đa chiều với nhiều sự tương tác. Cốt truyện rất đơn giản, xoay quanh một mối tình tay ba một cô gái và hai người đàn ông. Mối tình không kịch tính, không cao trào, dường như nó không có gì cả ngoài sự câm lặng, và có vẻ sự câm lặng ấy mới chính là nhân vật trung tâm. Mori Ogai không viết nhiều về nỗi buồn hay nổi cô đơn, ông chỉ kể lại những gì ông nghe thấy và ông nhìn thấy, những cuộc gặp gỡ, những đoạn đối thoại ngắn. Nhưng rồi từ đấy, nỗi buồn của những người phụ nữ bắt đầu hiện lên. Là Otama với số phận làm lẽ một người đàn ông nàng không yêu, vò võ trong căn nhà buồn tênh bên con dốc Vô Duyên của định mệnh. Là Otsune, người vợ chính, người có danh phận nhưng không có được tình yêu, muốn rời bỏ người chồng phụ bạc nhưng rồi nhận ra mình chẳng còn nơi nào khác để nương náu. Những người phụ nữ ấy, họ cần che chở, cần tựa nương nhưng vẫn cần cả tự do, một cánh cửa nào cho trái tim lẻ lỏi của họ?

Không có một lời nào để xác nhận tình yêu ở đây. Tình yêu chỉ hiện lên qua một đôi lần má đỏ hoặc ánh mắt thiết tha, qua cái nhìn câm lặng hoá đá. Tình yêu giống như một thứ tự do đã bị cầm tù, trong chiếc lồng vàng lộng lẫy của đời sống êm đềm và tương lai hứa hẹn. Suezo giữ chiếc chìa khoá cuộc đời Otama nhưng vô tâm và hời hợt không nắm trái tim cô, Okada có trái tim cô nhưng biết rằng anh đã muộn nên chút lưu luyến vấn vương không đủ giữ Okada ở lại với tình yêu.Tình yêu đã vụt qua con dốc Vô Duyên ấy, như một định mệnh không sao nắm giữ được. Tình yêu giống như hòn sỏi rơi khỏi tay Okada chiều ấy làm gục ngã con ngỗng trời bên hồ, một tự do đã chết. 

Điều tôi thích nhất ở các nhà văn Nhật, là họ không kể câu chuyện về cả thế gian hay toàn bộ cuộc hành trình. Họ chỉ cắt một lát nhỏ của cuộc sống, kể một câu chuyện vô danh nép mình hay ẩn náu ở đâu đó trong lòng thế giới. Vậy mà chúng ta có thể thấy tất cả, cái ngọn lửa bên triền dốc Vô Duyên kia hoá ra là ánh lửa đang thắp sáng thế gian, mỗi ngày soi bước cho chúng ta thấy được chính bản thân mình. Mỗi ngày, ngọn lửa tình yêu ấy vẫn cháy lên, nhắc nhớ về những tự do đã mất và làm trỗi dậy những khao khát chất chứa trong tim. Câu chuyện đã cũ nhưng xã hội muôn đời vẫn vẹn nguyên những tấn tuồng của nó.

Lịch sử tình yêu

Để đọc cuốn sách này, điều đầu tiên bạn cần có là lòng kiên nhẫn, và tốt nhất không nên hiểu lầm rằng đây là một cuốn tiểu thuyết diễm tình yêu đương lai láng. Thật ra thì nó có hết đấy - tình yêu có rất nhiều, nhưng bạn chỉ có thể cảm được nó sau khi đã vượt qua được rất nhiều khung cảnh ảm đạm, rất nhiều nỗi buồn nặng nề và rất nhiều nỗi cô đơn. Nó không phải là một cuốn sách khơi dậy yêu đương phừng phừng như ngọn lửa, mà nó chỉ cho bạn một thứ rung động âm ỉ trong tim, một thứ tiền đề cho mọi thể loại tình yêu trên thế giới : sự đồng cảm.

Lịch sử tình yêu được viết với một kết cấu khá hỗn loạn, và nếu 20 trang đầu tiên bạn không bật khóc hoặc ngủ gục vì những số phận quá buồn tẻ và quạnh quẽ, thì trong hơn 100 trang tiếp theo, sự kiên cường của bạn vẫn chưa được tưởng thưởng đâu, bởi tới chừng đó rồi mà bạn vẫn chưa tìm được cách kết nối sợi dây của các số phận. Những nhân vật dường như không biết gì về nhau, ở cách xa nhau và tới từ những vùng khác nhau trên thế giới. Tất cả những gì mà ta có thể vin vào là một cuốn sách cũ mèm có tên là Lịch sử tình yêu, cuốn sách lưu lạc qua nhiều thăng trầm và biến cố để kết nối những con người xa lạ, để sau này gặp gỡ nhau trong một mối đồng cảm không ngờ.

Như đã báo trước, đây không phải là một thỏi chocolate ngọt ngào của tình yêu. Nó kể cho ta về tình yêu trong một vài trang, phần lớn những trang còn lại là những vết thương của tình yêu cùng hàng tá bi kịch. Leopold Gursky, thợ sửa khoá suốt 50 năm, chẳng còn gì ngoài một thân hình rệu rã và một trái tim đã tan nát chừng ấy năm về trước. Một cuộc sống ảm đạm đơn côi, một cuộc sống vô hình tới mức ông ấy sợ phải chết đi trong thinh lặng không ai đoái hoài. Bi kịch tiếp theo là Charlotte Singer, vợ một người thám hiểm. Họ đã hạnh phúc bên nhau cho đến ngày ông ấy chết đi, để cô sống tiếp cuộc đời với một ngọn lửa đã lụi tàn trong tim, rơi vào một trạng thái gần như thờ ơ với cuộc đời. Sống để đợi chờ một ngày sẽ chết.

Nhưng ông ấy, cô ấy vẫn sống, không ai chọn cái chết ngay khi tan nát con tim. Họ vẫn cứ sống tiếp và đương đầu với những nỗi đau khổ. Dường như đau khổ cũng làm được cái việc mà nó nên làm, là nhắc ta nhớ về những ngày tháng hạnh phúc đã mất đi. Như Leopold, ở tuổi tám mươi vẫn đi tìm câu trả lời cho nụ cười của Alma hơn sáu mươi năm về trước. Cả cuộc đời ông, nhớ nhung hoài hình bóng một người con gái đã từ rất lâu không thuộc về mình. Nỗi nhớ đem những hạnh phúc đã xa đến với hiện tại, và trong một vài giây phút ngắn ngủi nhớ nhung, có thể ta sẽ nhận ra rằng, còn nhớ nhung là vẫn còn lưu luyến cuộc sống.

Cuối cùng, khi đọc hết cuốn sách này, tôi nhận ra là mình không quan tâm lắm đến hành trình tìm nhau của hai nhân vật chính. Tôi thích và cảm động với những mối quan hệ ở cự ly gần hơn. Tình cha con lặng lẽ giữa Leopold và Issac, tình mẹ con giữa Charlotte và Alma, tình bạn già giữa Leo và Bruno, tình chị em, chồng vợ... Tất cả những nhân vật trong cuốn sách này đều đối đãi với nhau bằng tình yêu, chỉ có cuộc đời là gian ác, đâm hết người này đến người kia những nhát dao. Nhưng rồi ở cuộc gặp gỡ cuối cùng, tôi nghĩ là bất chấp cuộc đời có ra làm sao, thì chỉ mỗi việc ta biết yêu thôi cũng cứ khiến ta hạnh phúc, theo cách mà chúng ta lựa chọn. 

"
Ngày xưa có một cậu bé yêu một cô bé, tiếng cười của cô là câu hỏi mà cậu muốn dành cả cuộc đời để tìm câu trả lời.

Sau này – khi những chuyện họ không tưởng tượng nổi xảy ra – cô viết cho cậu một lá thư có đoạn: ”Khi nào anh mới hiểu rằng không có ngôn từ cho tất cả?”
"

Thị trấn Tortilla Flat

Tôi có nhiều thiện cảm với miền Tây Hoa Kỳ. Con người ở đó có những cá tính mà tôi thích, à mà không, nói thật luôn, là tôi ngưỡng mộ. Điên rồ, hài hước, bất cần, phóng túng và hết sức yêu đời. Cả một tuổi thơ dài ngồi ngắm miền Tây dưới móng ngựa Jolly Jumper, con ngựa láu cá của trùm cao bồi Lucky Luke, hàng loạt nhân vật hiện ra rất sống động, quái dị và điển hình. Từ cao bồi, ăn cướp, chủ quán rượu, gái làng chơi, lão nhà đòn cho đến da đỏ, ba Tàu và đặc biệt, một tay người Mễ Tây Cơ chuyên ngủ ngồi suốt các bức tranh. Tuy xuất hiện như một phông nền trong câu chuyện, nhưng nhân vật vô danh này chưa bao giờ vắng mặt trong bất kỳ truyện ngắn nào, dù bao giờ cũng ngủ, hoặc thức dậy để thì thào một bí mật nào đó, tiền đề cho các cuộc đấu súng hoặc rượt đuổi vô tiền khoáng hậu. Hoạ sĩ Morris đã nghiên cứu kỹ lưỡng bức tranh viễn Tây thời kỳ ấy, và những người gốc Mễ môi dày da nâu mập lùn uể oải trong cái nắng sa mạc gần như là hình ảnh tiêu biểu, một phần không thể thiếu của miền Tây Hoa Kỳ. Giờ đây tôi gặp lại họ, những paisano trong thị trấn Tortilla Flat của John Steinbeck, không làm phông nền, dù cũng ngủ suốt, nhưng đã trở thành những nhân vật chính.

Paisano giờ đây không thuần chủng Mễ như thời Lucky Luke lang thang. Họ lai nhiều dòng máu, tuy da vẫn nâu và vẫn sống bên rìa nên văn minh đang lao tới như một cơn lốc. Thế nhưng với John Steinbeck, họ thật sự là những người thú vị và đáng yêu và ông không định giễu cợt hay châm biếm họ - dù trong câu chuyện này thì những Paisano hiện lên theo kiểu các nhân vật trong một bức biếm họa. Steinbeck thậm chí đã sử dụng truyền thuyết về vua Arthur và hội bàn tròn để làm nền cho câu chuyện ( tiện đây, cũng xin phản đối luôn cái hình ảnh Chí Phèo và làng Vũ Đại được đem ra so sánh ở text bìa và lời giới thiệu, mà tôi thấy chả liên quan gì), một câu chuyện trông có vẻ rất thiếu nghiêm túc nhưng thực ra lại rất chân thành.

Khoảng một nửa cuốn sách, tôi phát bệnh vì Danny và các bạn của chàng. Cứ như họ mới trở về từ sao hỏa nhưng hoàn toàn bất chấp luật lệ trái đất. Cả lũ sống như người thượng cổ : đói thì ăn, mệt thì ngủ và sợ nhất là có tài sản trong tay, vì một quan niệm rất kiên cố, tài sản đi kèm với trách nhiệm. Bởi thế mà Danny, có hai căn nhà làm của nả, đã cập rập đem ngay một căn cho lũ bạn mình thuê, để trút gánh nặng này sang cho họ. Một thương vụ mà người thuê không trả tiền, người cho thuê cũng chẳng buồn đòi tiền, họ cứ thế nạp thêm người vào căn nhà ấy để có người gánh giùm trách nhiệm. Khi trách nhiệm quá lớn, căn nhà bốc cháy, cả bọn thở phào và dọn sang ở ngay căn còn lại. Từ đó, họ sống hạnh phúc bên nhau theo mốt cách thức rất tuỳ tiện và tuỳ cơ ứng biến, kiểu gì cũng được. 

Thoạt đầu, tôi không chịu đựng nổi lối sống buông tuồng, kiểu ngụy biện láu cá cho mục đích của bản thân- vài ga lông rượu. Nhưng rồi tôi ngạc nhiên thấy họ sống tốt chán, và vui vẻ bên nhau, dù đứa này lợi dụng đứa kia một ít, nhưng nói chung là hài lòng và mãn nguyện. Rồi từ từ tôi thấy họ tốt, một kiểu tốt hồn nhiên, không sâu xa, không suy tính - cứ như lương tâm cấu véo họ chỗ nào thì họ xử chỗ đó. Và rồi tôi thấy họ đẹp, lương thiện và ấm áp chan thành. Giống như hành trình đi vào một thế giới toàn những người ta tưởng họ điên nhưng ở lâu hơn thì nhận ra họ rất tỉnh táo, Tortilla Flat là một nơi như thế. Hoàn toàn tỉnh táo và đáng yêu, Danny và các bạn của chàng. Chỉ có điều ta chưa nhận ra vì ta còn sống chung với quá nhiều luật lệ và định kiến. Còn họ, họ sống ở ngoài, mà thực ra họ cũng không quan tâm là ở ngoài hay ở trong vì với họ nó không tồn tại. Ta thấy họ đã được giải thoát, còn họ thì họ nghĩ đã bị trói bao giờ đâu :)

Những chàng Paisano, dễ thương hơn tôi tưởng. Còn cuốn sách, thì hay ho hơn tôi tưởng. Tất nhiên rồi, John Steinbeck là ai chứ? Nobel văn chương. Nhưng nói thật tôi mới đọc một cuốn này của ông ấy thôi, còn Nobel thì đâu phải cuốn nào đọc cũng nổi he he. Nghe bảo rằng Đại suy thoái sách của ông rất thất bại, bán được hơn ngàn rưỡi cuốn thôi. Con số ấy mà áp vào thời hoàng kim của chúng ta hiện nay, thì gọi là một thành công rực rỡ đấy các bạn. Ước gì mà tôi có tinh thần lạc quan bất diệt của các Paisano :))