Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Ba ơi, mình đi đâu?




Trào phúng hóm hỉnh – đó là cách tác giả lựa chọn để viết lên câu chuyện của chính mình. Dù đó là một câu chuyện buồn và hơn cả nỗi buồn - đến mức ta chưa kịp nở nụ cười vì sự dí dỏm thì giọt nước mắt đã rơi. Tuy nhiên ở đây, không có chỗ cho sự thương cảm xót xa, không có chỗ cho bi lụy. Chỉ có chỗ cho tình yêu vô điều kiện của người cha dành cho những đứa con trai của mình – dù chúng không phải là một kiệt tác của thượng đế, không phải món quà của Chúa, không phải niềm tự hào hay kỳ vọng. Chúng là nỗi đau đớn thất vọng và sụp đổ không kém gì ngày tận thế.
Người đàn ông này có đến hai ngày tận thế : Mathieu và Thomas – hai đứa con trai tật nguyền và thiểu năng , hai hình hài mãi mãi dừng ở tuổi thứ bảy dù có bước sang tuổi thứ bao nhiêu của cuộc đời, hai trí tuệ mãi mãi non nớt : Mathieu chỉ biết nói “brừm, brừm” và Thomas chỉ biết hỏi “ba ơi, mình đi đâu?”. Hơn hết, chúng là hai nỗi giằng xé trong trái tim người cha, suốt đời dằng vặc, rằng mình đã hỏng hóc ở chỗ nào hoặc cụ kỵ của mình đã sai lầm ở đâu để cuối cùng lại sinh ra những đứa con như vậy
Nhưng cho dù là những đứa con dị dạng, tật nguyền, chúng vẫn là những đứa con được sinh ra từ tình yêu, từ khát khao của cha mẹ. Jean Louis Fournier, số phận của ông là cha của chúng- và ông đã làm tốt vai trò đó. Một người cha với tất cả sự tủi hổ khi thấy con mình thua kém, thiệt thòi, người cha cáu kỉnh giận dữ trước phiền phức mà lũ con mang lại, nhưng vẫn là một người cha với tất cả tình yêu thương dành cho con mình. Người cha lặng lẽ ngắm hai sinh linh bé nhỏ, âu yếm nghĩ về chúng như những con chim sẻ xù lông ốm yếu không đủ sức sải cánh. Ông ấy từng mơ về công và đại bàng, nhưng vẫn yêu những con chim sẻ tầm thường nhỏ nhoi và không ngừng hy vọng về một ngày chúng có thể bay và ngắm bầu trời.
Jean- Louis Fournier không phải là một người đàn ông mạnh mẽ, không phải là một thiên thần để có thể mỉm cười trước sự cay đắng của số phận, trước sự may rủi của trò xổ số di truyền học mà ông đã thua. Ông yếu đuối – nên đau buồn đến phát điên , đến quẫn trí, đến hằn học. Nhưng rồi ông vẫn tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu và hy vọng, vì chính hai đứa con mình, hai con chim sẻ còi cọc tội nghiệp mà ông đã mang chúng vào đời. Rồi học cách cười cợt nỗi đau khổ của mình, mỉa mai sự cay đắng của mình, sống chung với định mệnh của mình. Ông nhận ra mình, ngoài cõi lòng tan nát, vẫn còn hai đứa con, dù không đẹp đẽ xinh xắn, nó vẫn là thiên thần của ông, vẫn là những niềm vui bé nhỏ ngày ngày lấp đầy trái tim thương tổn của ông. Chúng tật nguyền, dị dạng, nhưng tình yêu của ông dành cho chúng là lành lặn và trọn vẹn
“Ba ơi, mình đi đâu?” Thomas hỏi câu ấy mấy trăm lần, và nó không hề nhớ ra một câu trả lời nào cả. Thực chất ba của nó cũng không có đáp án cho câu hỏi ấy, rằng họ sẽ đi về đâu, phía nào có ánh sáng cho cuộc đời của họ, cho những đớn đau mà họ gánh chịu. Ở đâu có thể cho Thomas sự lành lặn, để làm một người bình thường. Ở đâu có thể đem lại cho Mathieu bầu trời mà không đánh đổi bằng mạng sống. Đến cuối cuộc đời mình, ông ấy biết rằng mình cũng không thể có câu trả lời
Trong bế tắc và tuyệt vọng, cuối cùng chính người đọc sẽ nhận ra ánh sáng xuất hiện trong câu chuyện này không đến từ một phía nào khác, mà ngay chính trái tim của tác giả. Người đã bằng mọi giá chống đỡ lại số phận khắc nghiệt của mình, bằng mọi giá thắp lên một ngọn lửa cho mình trong căn hầm tối đen. Không thể chờ đợi và hy vọng vào một điều kỳ diệu, chỉ có thể nỗ lực để sống bằng tình thương yêu và những niềm vui do chính mình tạo nên. Đó chính là thứ hạnh phúc căn bản của cuộc đời, và vì thế, dù mỏng manh nhưng không bao giờ tàn lụi
Trích đoạn :
“Những chú chim bé nhỏ của ba, ba rất buồn khi nghĩ rằng các con không biết điều gì đã làm nên khoảnh khắc tuyệt vời nhất của cuộc đời ba
Những khoảnh khắc tuyệt vời ấy là những khoảnh khắc mà ở đó thế giới thu nhỏ lại thành một người duy nhất, ở đó chúng ta chỉ sống vì người ấy và nhờ vào người ấy, ở đó chúng ta run run mỗi lần nghe tiếng bước chân người ấy, giọng nói người ấy, chúng ta ngây ngất mỗi lần trong thấy người ấy. Chúng ta sợ làm đau người ấy nếu ôm người ấy quá chặt. Chúng ta rạo rực mỗi lần ôm hôn người ấy và thế giới quanh chúng ta bỗng trở nên nhạt nhòa
Các con sẽ chẳng bao giờ biết được cơn rùng mình lan tỏa từ chân đến đầu ấy, nó làm nảy sinh trong các con cảm giác xáo trộn, tệ hơn cả việc mất trí, điện giật hay hành quyết. Nó làm các con bối rối, đảo điên và cuốn các con vào cơn cuồng quay khiến các con trở nên hoảng hốt và nổi da gà. Nó khuấy động toàn bộ tâm can các con, làm mặt mũi các con nóng bừng, làm các con đỏ mặt, làm các con gào rú, sởn gai ốc, làm các con ấp úng, nói nhăng cuội, làm các con vừa cười vừa khóc
Bởi lẽ, thế đấy, những chú chim bé nhỏ của ba, các con sẽ chẳng bao giờ biết chia ở ngôi thứ nhất số ít và ở thức trình bày hiện tại động từ thuộc nhóm thứ nhất này :YÊU”
(Trang 86-87)
Tiểu sử tác giả : Jean- Louis Fournier sinh năm 1938 tại Arras, hiện sống và làm việc tại Paris. Ông là nhà văn trào lộng khiêm đạo diễn phim truyền hình. Ở tuổi 70 ông viết “Ba ơi, mình đi đâu” câu chuyện cảm động về hai cậu con trai tật nguyền của ông, đoạt giải Fémina 2008

Lão già mê đọc truyện tình





Dòng Amazon hùng vĩ vắt ngang lục địa Nam Mỹ, hai bên bờ là thế giới xanh rì huyền bí, lặng im mà chứa đựng trong lòng nó vô vàn cựa quậy tinh vi của những cuộc đời hoang dã. Ở đó, Antonia Jose Bolivar Proano, lão thợ săn già lặng lẽ bên túp lều đơn độc của mình say mê đọc truyện tình.

Địa ngục màu xanh
Đó là cái miền xanh thẳm đã tôi luyện lão thành một gã thợ săn lão luyện, nơi mà lão phải trả một cái giá đầu tiên ngay lúc vừa chập chững bước vào ngưỡng cánh rừng, đó là sinh mạng của người vợ yêu thương. Lòng căm thù mới chỉ kịp bùng lên đã tắt vội trước nỗi hoang mang khi đứng trước đại ngàn kỳ vĩ. Lão nhận ra là mình chưa kịp hiểu gì về rừng già, nên không biết trút nỗi căm hờn vào đâu giữa vùng đất mênh mông vô biên này. Và trong quá trình lao vào tìm hiểu nguồn cơn nỗi mất mát, mỗi ngày, lão càng đem lòng yêu thương cái địa ngục màu xanh, nơi máu của lão đã đổ xuống để chất đề kháng trong cơ thể mỗi ngày tích tụ một nhiều lên, để chân lão có thể bước những bước trần mạnh mẽ mà êm ả trên thảm lá dày rậm rạp, và cơ thể lão đầy những vết sẹo như những chiến tích kiêu hãnh. Giờ, lão đã có thể sống như một người Shuar- thổ dân của khu rừng

Và những câu chuyện tình
Nhưng Antonia cho dù có thể sống như một người Shuar nhưng mãi mãi không phải là người Shuar. Lão nhận ra điều này khi bắn vào kẻ thù một loạt đạn. Những viên đạn chỉ làm cho kẻ thù chết nhưng linh hồn bạn lão không thể siêu thoát. Và đôi mắt mở to sợ hãi của những người Shuar làm lão hiểu rằng, trong lão vẫn còn mầm mống của những kẻ khai hoang, những kẻ tham vọng làm bá chủ và thống trị thiên nhiên bằng vũ khí tối tân. Tự lão hiểu rằng mình đã thừa thãi trước sự im lặng ngỡ ngàng của rừng, Antonia lê bước ra khỏi thế giới mình từng say mê, dựng căn lều nhỏ bên bìa rừng và tìm quên trong một thế giới khác. Thế giới của tình yêu nồng cháy, những nụ hôn ngọt ngào, những mối tình éo le mà kết thúc có hậu. Để ngày ngày, lão ngồi bên cửa sổ, đánh vần những cuốn sách tình yêu bằng cái miệng không còn chiếc răng của mình, nghiền ngẫm những con chữ và tưởng tượng về những cảm giác mê hoặc mà mình chưa từng trải qua. Bằng cách đó, lão sống với những vọng tưởng và cất dấu tình yêu dành cho khu rừng ở một ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn mình
Một ngày, miền đất xanh thẳm trong lão không còn yên ổn. Những kẻ ngoại bang ào tới trên những chiếc xuồng máy, những khẩu súng nạp đạn và tham vọng xâm lấn vùng đất hoang sơ. Antonia, dù đã từ bỏ nhưng rồi cuối cùng một lần nữa phải trở về rừng thẳm, đối diện với ký ức đầy những hoang mang lẫn niềm kiêu hãnh của quá khứ. Và khi rừng nỗi giận, những bầy khỉ kêu gào, con mèo rừng bị cướp mất con trở nên hung dữ một cách điên cuồng, những âm thanh và sự cuồng nộ đã kéo lão trở về với cảm xúc nguyên sơ ngày nào, trọn vẹn cái cảm giác mất mát như ngày xưa lão mất vợ, còn bây giờ là cả một thế giới xanh thẳm đang bạc phếch dần dần...
Và những cuộc đối đầu liên tiếp diễn ra, giữa những người khai hoang với thế giới huyền bí đầy tiềm năng, giữa những kẻ chinh phạt và những con thú hoang bị dồn vào đường cùng, và giữa những mâu thuẫn trong lòng Antonia, khi khúc anent của người Shuar vang lên trong lòng lão, với cái lý trí vẫn bảo rằng lão vẫn thuộc về cái thế giới da trắng đầy mưu toan và súng đạn. Những cuộc chiến đấu tận phút cuối
Mạnh mẽ và bi tráng, đó là những gì bạn tìm được ở cuốn sách này. Để nhận ra một điều rằng nếu trái tim có thể rung động trước những thiên tình diễm lệ, thì sao không thể đủ lòng dũng khí để chiến đấu cho từng thước đất, mỗi cái cây, những dòng sông , bầy khỉ, mèo hoang và cả những con rắn độc – tất cả đều là sinh mạng mà tạo hóa đã ban cho trái đất. Trên thế giới này, điều gì có thể tốt đẹp hơn là tình yêu và sự sống? – và điều này hiển nhiên không phải dành riêng cho duy nhất loài người
Tác giả:
Luis Sepúlveda sinh năm 1949 tại thành phố Ovalle, Chile. Sau khi tốt nghiệp trung học ở Santiago ông học ngành sân khấu tại đại học quốc gia Chile. Năm 1969 Luis Sepúlveda học về kịch tại đại học tổng hợp Moscow. Năm 1978 ông đến Quito- Ecuador thành lập đoàn kịch và trở thành đạo diễn của nhà hát Alliance Francaise. Tại đây Sepúlveda tham gia cuộc thám hiểm kéo dài bảy tháng do UNESCO tổ chức và Lão già mê đọc truyện tình được viết từ cảm hứng của chuyến đi đó
Trích đoạn :
“ Lão là một trong số ít người từng sống sót sau nhát cắn của loài equis, và sự kiện hiếm hoi này phải được ghi nhớ trong lễ hội thần rắn
Cuối buổi lễ ấy, lão uống chén natema đầu tiên, loại rượu mùi ngọt tạo ảo giác chế từ rễ cây yahuasca đun sôi, và trong giấc mơ ngay sau đó, lão thấy mình là một phần không thể tách rời của những vùng đất luôn biến đổi không ngừng nghỉ ấy, giống như chỉ là một sợi tóc thêm vào cái cơ thể màu xanh to lớn vô hạn kia, mang suy nghĩ và cảm nhận như một người Shuar, rồi vận quần áo của một tay thợ săn chuyên nghiệp, lão đang lần theo dấu của một con thú bí ẩn, không hình dạng, cũng chẳng mùi chẳng tiếng nhưng rực lên đôi mắt ánh sáng màu vàng
Đó chính là tín hiệu ngầm yêu cầu lão ở lại, và thế là, lão ở lại”
(trang 61)

Nhím thanh lịch


Sự tinh tế ẩn mình

…“Cái đẹp nằm ở đâu? Trong những vật to lớn mà rốt cuộc cũng phải chết như những thứ khác, hay trong những thứ rất nhỏ vốn không có tham vọng gì, nhưng lại biết khảm vào khoảnh khoắc một viên ngọc của vô tận”…
Trong đời mình, bạn đã đi qua bao nhiêu bông hoa trà mà không nhận ra hương thơm lặng lẽ của nó. Bạn đã đi qua bao nhiêu con nhím mà không thấy được sự thanh lịch đang ẩn mình dưới những chiếc gai nhọn. Qua bao nhiên viên sỏi mà không thấy được hạt ngọc tinh khiết bên trong. Và quả tình nếu cuộc đời này đáng chán và tối tăm thì có phải tại chúng ta đã không nhận ra được những vẻ đẹp mà cuộc đời ban tặng?

Nghệ thuật, đó chính là cuộc sống, nhưng ở một nhịp điệu khác.

Vì cái lẽ giản dị này, mà ý nghĩa đích thực của cuộc sống không dễ dàng được nhận ra như một số người ảo tưởng. Để nhận ra nhịp điệu khác của cuộc sống, bạn phải nhìn với đôi mắt khác, để không thấy mọi vật theo cái vẻ bề ngoài: xù xì thô nhám và bề bộn. Bạn cần có cả những rung cảm tinh tế, những đồng cảm lớn lao để có thể thấy được tâm hồn của nhau. Như Renée, Paloma và Ozu.
Những tâm hồn đồng điệu. Đó là cách họ nhìn thấy nhau


Những con nhím cô đơn

Những nhân vật kín đáo và lặng lẽ gây ra những sự ngạc nhiên. Thế giới của Paloma là thế giới tư sản đầy rẫy những thành kiến và kiểu cách giả tạo. Thế giới của Renée là thế giới của người nghèo đầy mặc cảm giai cấp. Tất cả phủ lên hai con người này những lớp vỏ kỳ lạ, xấu xí trong xã hội. Renée cục mịch và thô lỗ, Paloma cay độc và bất thường. Cả hai cùng cô đơn. Trong hành trình đi tìm những khoảnh khắc đẹp đã gặp nhau trong ít phút đồng hồ cùng những tách trà – “nghi thức giản dị tạo ra những cảm giác chân thực, tinh tế cho phép mỗi người bằng cách không tốn kém có thể trở thành nhà quý tộc về khiếu thưởng thức…” Họ là hai con nhím ngồi bên nhau, lặng lẽ nhận ra vẻ thanh lịch trong từng chiếc gai, và lặng lẽ chia sẻ cho nhau vẻ đẹp của cuộc sống.


Vì một bông hoa trà

Ozu lại là một bông hoa trà. Bông hoa tỏa hương trên đám rêu với tất cả sự tinh tế và tình yêu cuộc sống của mình. Ozu là gạch nối, là sự thanh lịch hiện hữu, thỏi nam châm hút Renée và Paloma lại gần ông, và do đó gần nhau. Bên cạnh bông hoa trà, sự ngây ngất của những con nhím đã làm toát lên vẻ duyên dáng thanh lịch cao quý của những tâm hồn biết thưởng thức cái đẹp. Ozu ở đó, để chứng minh rằng cái đẹp có tồn tại trong cuộc sống – nhưng không phải cách người ta thường thấy – nó chỉ dành cho những tâm hồn biết thưởng thức, trân trọng và nâng niu. Ozu nói với Renée : “Chúng ta có thể là bạn, và thậm chí là tất cả những gì chúng ta muốn”…

Hài hước một cách sâu sắc, triết lý mà rất dí dỏm. Trong căn nhà số 7 phố Grenelle, bạn sẽ tìm thấy những sự thanh lịch của những con nhím với chiếc gai nhọn, hương thơm tinh khiết lặng lẽ của bông hoa trà. Bạn cũng sẽ tìm thấy vô số những lý lẽ về những sự vật bé nhỏ tưởng chừng như không hiện diện trong cuộc sống: những chiếc ly, chiếc khăn quàng, con mèo và cái vòi nước ngân nga một bản nhạc khi mở. Sự tinh tế đi đến cùng của tất cả mọi thứ.

Một cách rất Nhật – chậm rãi, nhẹ nhõm và rất thông minh, cộng thêm thứ văn phong thanh lịch có phần kiểu cách, Muriel đã viết cuốn sách như một cách thể hiện đam mê của mình cho nền văn hóa Nhật Bản – tràn đầy sự tinh tế và bay bổng như một bài thơ haiku. Cho dù không thật tốt khi hóa thân vào nhân vật Paloma – vẫn còn sự cực đoan, một chiều trong cách nhìn nhận và vẫn còn quá cay độc cho một đứa bé ở tuổi 12, cuốn sách vẫn thành công với thông điệp độc đáo mà tác giả đưa ra : thế giới này vẫn còn rất nhiều bông hoa trà – dành riêng cho những cảm nhận tinh tế - dù đó là cảm nhận của những con nhím xù xì đầy gai - và rằng đằng sau những chiếc gai là tâm hồn thanh lịch – điều cơ bản là bạn có nhận ra, có đủ lòng tin để chờ đợi – mọi thứ sẽ đến lúc của nó – mà thôi.
- Tại sao ta phải ở lại thế giới này?
- Vì một bông hoa trà


Trích đoạn :
“Thế là những tiếng nức nở từ ngực tôi đã mang theo toàn bộ cuộc sống bí mật của một trí óc cô độc, tất cả những lần đọc sách giấu mọi người, tất cả những mùa đông bệnh tật, tất cả những cơn mưa tháng mười một trên khuôn mặt chị Lisette, tất cả những cây hoa trà trở về từ địa ngục và mắc lại trên đám rêu ở ngôi đền, tất cả những chén trà trong tình bạn nồng ấm, tất cả những lời kỳ diệu từ miệng của cô gái, những bức tranh tĩnh vật rất wabi, những bản thể vĩnh cửu soi sáng hình phản chiếu riêng biệt của chúng, cả đến những cơn mưa mùa hạ chợt đến trong sự bất ngờ thích thú, những bông tuyết nhảy theo những ca khúc đơn điệu của trái tim, và trong chiếc hộp cổ đựng đồ nữ trang của Nhật, khuôn mặt thanh khiết của Paloma. Rồi tôi khóc, khóc không thể kìm nén được, những giọt nước mắt to nóng hổi hạnh phúc, trong khi đó xung quanh tôi mọi người mải mê ăn uống, chỉ còn lại cảm giác cái nhìn của người đàn ông mà khi ngồi cùng ông ấy, tôi cảm thấy mình là một người khác, người ấy nhẹ nhàng cầm tay tôi, cười với tôi với tất cả sự nồng nhiệt trên thế giới.
- Cám ơn, tôi gắng thầm thì trong hơi thở
- Chúng ta có thể là bạn- ông ấy nói – và thậm chí là tất cả những gì chúng ta muốn”

Ở lưng chừng thời gian - The time in between


Không biết ai đã tạo ra chiến tranh. Đó là vấn đề của dân tộc này và dân tộc khác, nước này và nước khác hoặc một nhóm này với một nhóm khác. Sau khi đã lao vào nhau điên cuồng rồi tan tành, tro khói và máu hòa lẫn rồi một ngày nào đó phân rã đi, vinh quang, thuộc về một nửa số người phía bên này, và nhục nhã thuộc về một nửa số người bên kia. Nhưng cuối cùng, như Charles đã ngậm ngùi thừa nhận : " Trong mọi cuộc chiến, đau khổ là thuộc về cá nhân". Vấn đề cá nhân, từng người một và thuộc về cả hai phía.

Cuốn sách này không nói về chiến tranh. Bạn David Bergen bảo thế, mình cũng không cãi làm gì cho mệt. Bạn ấy viết thì bạn ấy biết. Phần lớn nó chỉ nói về những năm tháng sau khi xuất ngũ của Charles ởCanada, và sau đó là quãng thời gian ngắn ngủi quay lại Việt Nam, trước khi tự dìm mình chết trong lòng biển Đà Nẵng. Xen vào đó là hành trình đi tìm cha của hai đứa con ông : Ada và Jon. Ba người họ, đến Việt Nam rồi lạc vào những ngả rẽ khác nhau, rồi tự mình đào bới những vết tích của một lịch sử đầy giông bão, ẩn dưới vẻ dửng dưng của cái xứ sở lạ lùng này.

Charles, có thể sẽ không bao giờ quay trở lại Việt Nam, nếu như không đọc cuốn "Trong mảnh rừng tối" của Đặng Thọ. Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này- Kiên- là một người lính Bắc Việt, sống sót sau một trận đánh và chứng kiến những người đồng đội chết một cách bi thảm. Kiên đào ngũ và trốn ra Bắc. Hành trình chạy trốn của Kiên đầy những mảng u tối và máu của những người vô tội chết trong cuộc giành giật sự sống của anh. Charles tìm thấy một mối đồng cảm, sự giống nhau giữa hai kẻ khác chiến tuyến, cùng bị cùng một nỗi ám ảnh tay mình vấy máu. Như tìm được người cùng cảnh ngộ, Charles tới Việt Nam, hy vọng tìm được một phương thuốc cho vết thương của mình.

Charles vỡ mộng. Việt Nam không giống như ông tưởng. Không còn những làng mạc cháy sém và những xác chết ngổn ngang. Mọi thứ đã xóa nhòa không vết dấu. Cuộc sống phẳng lặng với vẻ vô tâm như thể chưa từng trải qua một tang thương nào. Những con người sống thờ ơ và buông trôi, uể oải trong cái nắng gay gắt của miền nhiệt đới. Charles không hiểu bằng cách nào con người ta có thể vượt qua nỗi đau chiến tranh, ông muốn tìm cách thức mà họ đã tự chữa cho mình. Nhưng vô vọng
Bởi vì Charles, Ada và hầu như những người nước ngoài trong câu chuyện này, Elain ,Jack những người họ gặp đều đã nhầm lẫn. Như ông Đạt nói với Ada: "Những người đến Việt Nam đều hiểu nhầm. Cô tin rằng, nếu cô muốn một điều gì đó và cô yêu cầu thì lập tức điều đó sẽ hiện ra ngay. Điều đó không đơn giản như vậy". Và nếu như Ada và Charles không tìm thấy được dấu vết nào của quá khứ, thì không có nghĩa là quá khứ không tồn tại ở quanh đây. Nó vẫn tồn tại - quá khứ và những vết thương đau đớn của chiến tranh vẫn hiển hiện. Có điều người Việt không có thời gian giành cho nó. "Chúng tôi quá sức bận rộn để được sống còn".

Đó đúng là bộ mặt của Việt Nam. Đôi khi đi ngoài đường mình thấy đúng là cả cái thành phố này, ai nấy đều có một vẻ thờ ơ và nhạt nhẽo ghê gớm. Họ vô tâm và nông cạn, và mình cũng thế, không hơn. Tất cả đều như bị cuốn theo một cái gì đó vội vã, chật vật và rối rít tới buồn cười. Nhưng hàng triệu con người với hàng triệu cuộc đời khác nhau, hàng triệu bi kịch khác nhau trong đó. Nếu Ada và Charles có nghĩ thế cũng bởi vì ,đơn giản, họ chỉ là một người nhìn ngắm một bức tranh mới mẻ, như tranh Đông Hồ chẳng hạn, và thất vọng rằng, ồ nghệ thuật ở đây mới chỉ có chừng này đây thôi hử?, không chấm phá, không nhấn nhá và khép mở, không ẩn dụ và hàm ý sâu xa. Tất cả đều trưng ra trên một mặt phẳng, những nét cọ đều đặn buồn chán để nói rằng, đó tôi là vậy đó. Thẳng thừng huỵch toẹt không dấu diếm. Nhưng như giá trị thật sự của một bức tranh Đông Hồ, chiều sâu thật sự không nằm trong kỹ thuật vẽ hay bố cục bức tranh. Điều này, cần nhiều thời gian và hiểu biết để cảm thụ.

Khi Ada bắt đầu yêu hay nói đúng hơn là cô cảm nhận Hoàng Vũ, cô bắt đầu tìm được những tầng lớp khác ẩn dưới lớp vỏ mà cô từng thấy. Khi anh bắt đầu kể cho cô nghe những ký ức của mình, những không gian mới dần dần hiện ra, cuộc sống thời hậu chiến bắt đầu hé những vết dấu đầu tiên, và Ada thấy ở đây không chỉ có Kiên- nhân vật trong cuốn sách mà cha cô để lại, không chỉ có duy nhất một hình thức chết như cuốn sách diễn tả. Rằng cái giá phải trả cho một cuộc chiến là nhiều, nhiều hơn cô có thể tưởng. Những chiều không gian khác nhau được hình thành. Việt Nam không còn là một xứ sở vô cảm nhạt nhòa như Ada nghĩ.

Ám ảnh cũng gần như là một thứ chất độc, kiểu như chất độc màu da cam chẳng hạn. Nó đeo đuổi và thậm chí di truyền. Sự ưu tư sầu muộn của Charles lây cả sang Ada dù cô chưa từng trải qua cuộc chiến. Những gì còn lại sau chiến tranh không phải cứ đợi khói tan, tro tàn và máu ngấm xuống lòng đất là có thể biến mất. Mọi thứ đều cần có thời gian. Charles không đủ thời gian để hiểu và chịu đựng nên ông chọn cái chết. Nhưng Ada vẫn còn. Cô có đủ để tìm ra những câu trả lời mà cha cô chưa tìm thấy, và khi cô xích lại gần hơn, hòa vào cuộc sống ở đây hơn, vết thương cũng từ đó mà tan loãng.

Tuyết




Thành thật mà nói, mình không đủ sức đọc cuốn sách này. Mà vẫn ráng đọc hết vì đã lỡ mua về. Sai lầm thứ nhất ở chỗ mình đã không đọc qua bất kỳ lời giới thiệu nào trước khi mua nó. Sai lầm thứ hai thuộc về cái bạn design bìa sách của Nhã Nam, đã làm mình lầm tưởng rằng "Tuyết" là một cuốn sách êm đềm, nhẹ nhàng như truyện của Pautovski. Giá như bạn ấy xài màu xám thay vì màu xanh, mình sẽ được một chút cảnh báo.

Trên đây mới chỉ là những vấn đề khách quan. Còn chủ quan mà nói, cũng khá là nhục khi thừa nhận rằng kiến thức mình không đủ để đọc nó. Những thứ mình không hiểu ở đây có thể chất lên một đống. Đầu tiên phải kể đến thứ đậm đặc nhất đó là chính trị, thứ mình hoàn toàn không muốn đụng vào. Tiếp theo là Hồi giáo, tôn giáo mình chỉ được biết qua bản tin vài phút trên TV có liên quan tới những vụ đánh bom liều chết - mơ hồ và không hề có lời lý giải. Tiếp nữa là Kars, một thành phố u buồn nào đó của Thổ Nhĩ Kỳ, mình mới nghe tới lần đầu tiên, cách đây một khoảng vu vơ không xác định, thậm chí mình còn không nhớ nỗi Thổ Nhĩ Kỳ thuộc châu Á hay châu Âu. Cuối cùng là Tuyết. Bạn không thể hình dung nổi vẻ đẹp của nó, sự lung linh huyền ảo hay cảm giác cô đơn trong Tuyết khi mà bạn mới chỉ thấy nó trong tủ lạnh.

Nhưng Ka là một thi sĩ. Cuộc đời ông chỉ dành những mối bận tâm cho thi ca. Không có chỗ cho chính trị. Sự trở về của ông chỉ để tìm kiếm hạnh phúc và những ký ức tuổi thơ. Nếu Ka có vô tình rơi vào chính trị thì cũng như mình vô tình đọc phải cuốn sách này, ngơ ngác trốn tránh nhưng cũng không cách nào thoát ra được. Ở một chừng mực nào đó, có thể mình hiểu được Ka.

Ka là một kẻ cô đơn. Ở Đức,ông là một kẻ tha hương còn khi quay về quê, ông lại thành một người Tây phương bị dân địa phương khinh ghét chối bỏ. Sự cô đơn thôi thúc ông trở lại với tín ngưỡng , Ka thừa nhận rằng càng ngày ông càng tin vào Alla. Nhưng đức tin của ông là như thế này : “Con muốn có một Alla mà đến tiếp kiến không cần cởi giày, không yêu cầu con hôn tay ai và phải quỳ gối. Một Alla hiểu nỗi cô đơn của con”. Xét cho cùng, thứ Ka tìm kiếm là hạnh phúc thực tại chứ không phải an lạc vĩnh hằng ở thế giới bên kia như phần đông nhưng người Hồi giáo. Đối với mình, Alla hay Chúa hay Đức Phật mình cũng mong chờ có chừng ấy mà thôi. Điều con người ta cần nhất trong thế giới này chẳng phải điều giản dị đó hay sao. Khi mà cô đơn gần như là bao trùm khắp mọi ngóc ngách của trái đất, đâu chỉ là một nơi lạnh lẽo tuyết phủ như Kars.

Ở Kars, Ka gặp Necip - lúc đầu đến tìm Ka để khuyên ông gặp Lam(Blue) một trùm khủng bố đang bị truy nã- nhưng càng về sau, chủ đề xoay quanh cuộc gặp gỡ của họ chính là thơ ca và tình yêu. Necip yêu Kadife và Ka yêu Ipek – chị của cô. Giữa họ có một sự đồng cảm kỳ lạ không hề có chỗ của chính trị và tôn giáo. Necip đơn thuần nhìn ông là một nhà thơ, đúng như Ka mong muốn
“Thế gian đẹp xiết bao,” Necip thì thầm
Ka hỏi: “Theo cậu, cái gì đẹp nhất trong đời?”
Họ im lặng, rồi Necip nói như tiết lộ một bí mật: “Tất cả.”
“Nhưng chẳng phải cuộc đời làm ta bất hạnh hay sao?”
“Đúng vậy, nhưng đó là lỗi của chúng ta, không phải lỗi của thế gian hay Đấng tạo hóa”
Đây là lần gặp gỡ cuối cùng của Ka với Necip. Hai mươi sáu phút sau đó, Tuyết sẽ chia cắt thành phố này với thế giới, và trong lòng nó, một cuộc đảo chính quân sự đã nổ ra, một viên đạn trong cuộc đảo chính ấy đã xuyên qua mắt xé nát óc cậu. Necip chết.Bài thơ ra đời trong lần gặp cuối cùng đó Ka đặt tên là : Nơi không có Alla.

Chỉ có Necip, Ka và Tuyết. Cùng tình yêu của họ, không chỉ cho những nàng Sheherazade mắt huyền mà còn cho cả thế gian. Mục tiêu cuối cùng của các loại tôn giáo, mình nghĩ rốt cuộc cũng chỉ là để con người ta nhìn cuộc đời với những cặp mắt thế mà thôi. Muốn gì hơn nữa.

Cái chết của Necip và sau này là của Ka, đều là vì những động cơ chính trị. Cả hai đều là những kẻ mơ mộng ủy mị, yếu đuối và thật sự không có chỗ trong cái thế giới hỗn loạn này. Necip và Ka. “Tất cả chúng ta đều mong muốn gì đó trong đời, đúng không”. Necip muốn cưới Kadife, sống ở Istanbul và trở thành nhà văn Hồi giáo đầu tiên viết khoa học giả tưởng. Ka đã cười và thừa nhận họ giống nhau. Họ đều là những kẻ kiếm tìm hạnh phúc và nghĩ rằng: “Được hạnh phúc là tôi thấy đủ”. Nhưng sự thật là, như Lam- tên khủng bố đẹp trai đã hét vào mặt Ka lần cuối cùng: “Hãy biết là không có ai có được hạnh phúc khi thấy chỉ cần hạnh phúc là đủ.”

Lam đã đúng. Việc lao vào kiếm tìm hạnh phúc không làm Ka hạnh phúc. Nó chỉ khiến Ka mắc kẹt trong hang đống mưu đồ chính trị và trở thành một kẻ gián điệp hai mang trong mắt mọi người. Mọi nỗ lực của Ka chỉ để dành giật tình yêu của Ipek và mang cô theo về Đức. Nhưng con người Ipek – vốn đã yêu Lam và vốn đã hoàn toàn thuộc về nơi này, như hàng trăm hệ tư tưởng mắc míu và bám rễ thì tình yêu của Ka hoàn toàn không đủ.

Ka chết. Tự dưng mình nghĩ rằng, con người ta cho dù có chán ghét chính trị cách mấy thì cũng không thể chối bỏ được rằng mình là một phần của chính trị. Thật là đáng chán. Như Ka, không phải chỉ cuộc đời cô đơn của ông, thơ của ông đã chứng minh cho tình trạng xung đột giữa các sắc tộc và tôn giáo, mà đến cả cái chết của ông cũng rơi vào vòng chính trị. Suốt cả đời ông tâm niệm đuổi theo nàng Thơ nhưng mọi ngả đường đều giăng những vòng cương tỏa. Ka không tìm ra được câu trả lời cho mình- một người trót mang hệ tư tưởng phương Tây trong khi huyết thống và tâm hồn thì vẫn mò mẫm tìm về tín ngưỡng dân tộc. Mà cánh cửa ấy cứ nặng nề không chịu mở.

Mình không hiểu về thế giới tâm linh của Hồi giáo. Thành thật mà nói thì những tin tức thời sự gần đây làm mình thiếu thiện cảm đối với thứ tôn giáo này. Nhưng đọc hết cuốn sách, dù cũng không thông suốt lắm mình cũng phải thừa nhận rằng, đúng như Necip nói, cái thế giới này be bét la lỗi tại chúng ta chứ không phải của một Đấng tạo hóa nào hết.

Còn đối với Ka, dù thế giới này rách nát tới đâu, Tuyết ở Kars vẫn đẹp, u buồn và lộng lẫy, nhất là khi Ka ngoảnh lại và thấy Tuyết rơi cả trong mắt Ipek.

Nhạc đời may rủi


Trên đây là lý do để mình đọc cuốn sách này. Một cái bìa ấn tượng và sâu sắc, nhiều màu trắng đủ để thách thức mình kiếm coi viết gì bên trong, sự lửng lơ vô định của những con bài cùng cái tựa đề, cũng khá là gợi cảm. Sau khi đọc "Người trong bóng tối" thì mình có đôi chút cảm tình với Paul Auster, dù đôi khi có cảm giác đọc sách ông như đang coi một bộ phim Mỹ trên HBO, không lý giải được cảm giác này vì mình không rành về phim ảnh, nhưng nói chung là như thế.

Còn đây là cái bìa sách được xuất bản ở Việt Nam. Thật sự thì không xấu, cũng không đẹp nhưng chung quy thì chả ăn nhập gì với cái nội dung bên trong. Mình lại là đứa hơi hình thức (thiệt ra là rất hình thức) nên đôi khi cũng tiếc này tiếc nọ.

Nói chuyện cái vỏ xong thì nói chuyện cái ruột. Như cái bìa (bìa phía trên) nội dung của nó cũng rất ấn tượng với series những bất ngờ nối tiếp, những thứ trông có vẻ vô lý nhưng lại tuyệt đối logic với nhau. Những tình huống và những hình ảnh đối lập, những thái cực giữ bạn ở cái thế lơ lửng ở chính giữa. Và đến cuối cuốn sách thì hiểu ra một điều rằng mọi cuộc đời bình thường ( không kể bị bệnh tâm lý nhé ) luôn bị khống chế giữa những cái cực đối lập như thế. Đó là cách mà người ta không bị chệch khỏi quỹ đạo.

Cụ thể trong cuốn sách này, những cái cực đó là gì? Thứ nhất đó là Nashe và Pozzie. Sự ngông cuồng nổi loạn có phần nông nổi của Pozzie, sự điềm tĩnh tính toán từng bước một của Nashe. Cặp thứ hai là Flower và Stone- Hoa và Đá. Một kẻ béo ú huênh hoang và một tên gầy gò nhút nhát. Tất cả mọi thứ đều nằm ở những cái cực của mình. Nhưng nếu bạn nhìn vào trận đấu căng thẳng đêm hôm ấy, bốn con người họ lập thành hai thế cực kỳ cân bằng.

Bởi vì đó là sự kết hợp hoàn hảo: Nashe và Pozzie, Flower và Stone. Cách thức của sự kết hợp này chính là người này nhận ra mình trong một người khác. Nashe nhận ra khát vọng nổi loạn của mình qua Pozzie, Flower và Stone đều tìm thấy ý nghĩa cuộc đời qua những trò may rủi, nhưng thẳm sâu trong cái huênh hoang của Flower chính là cái bí hiểm đang hiện diện trên khuôn mặt Stone và ngược lại. Bốn con người trong một cuộc chơi, giữ bốn góc chủ chốt và tất yếu những giây phút đầu tiên, khoảng thời gian hiện diện đủ cả 4 người, thế cờ luôn nằm ở vị trí cân bằng.

Lý do Pozzie đã thua Stone và Flower chính là Nashe, vì anh đã rời khỏi cuộc chơi và tự mình lang thang trong căn nhà mênh mông đó. Và vì thế mà Pozzie chao đảo và hoàn toàn không làm chủ tình thế được nữa. Hắn trượt dài trong cái trật tự bị phá vỡ. Ván bài hiện nguyên hình là một cuộc đời với đủ vẻ mặt : sự tự do bất ổn- Pozzie, sự màu mè giả tạo- Flower, sự trật tự và nguyên tắc- Nashe và vẻ bí hiểm bệnh hoạn của Stone. Cuộc chiến ngả ngũ.

Nhưng cuộc chiến trong Nashe vẫn chưa kết thúc. Cuộc đấu tranh giữa tự do hoang dại đào thoát ra khỏi cuộc sống cầm tù sau khi thua bài, với cái lý trí mách bảo anh làm theo nguyên tắc đã thỏa thuận vẫn luôn diễn ra trong tâm trí anh, cộng với hình ảnh của Stone và Flower, dù sau khi chung cuộc đã không còn gặp lại, vẫn trùm những cái bóng đen ám ảnh lên cuộc đời anh. Nashe vẫn mang theo ván bài đó đi cho đến lúc tàn cuộc đời, khi trong một phút không kiềm chế được, sau tay lái của chính chiếc xe mình, sự tự do lồng lên trong con người anh, bứt ra khỏi những giằng co và một lần nữa, thế trận lại bị phá vỡ.

Suốt cả cuốn sách, cảm giác chung là lưng chừng giữa một bên núi đá và bên kia là vực thẳm. Và cứ từng đoạn từng đoạn, Nashe và Pozzie, tưởng chừng đã rơi xuống, lại bám được vào như một điều kỳ diệu, có khi đã vững chãi gần như thắng ở cái đoạn xây bức tường đá. Nhưng cuối cùng, trong một tích tắc, mọi thứ tung hê lên hết cả và Nashe lao ra buông mình xuống vực. Cái giá của tự do.

Đó, té ra mình sống được tử tế như vậy, cùng nên biết ơn những thứ chả ra gì, như cục đá vấp dưới chân- Stone , những phù phiếm màu mè kiểu như Flower và cả những quy tắc khô khan, những lề thói bức bối kìm kẹp, tính toán thực dụng. Tất cả mấy thứ đó, đều là vật cản, đều là chướng ngại nhưng để mình đừng có nhắm mắt lao theo cái bản năng tự do cuồng loạn để đến khi mở mắt ra thì đã chạm vào đáy vực.

Mà tự do là cái thứ khi đã trỗi dậy là ghê gớm lắm.

Giết con chim nhại

Hình như là,ở cái thị trấn Maycomb, người nào cũng ít nhiều trông có vẻ cô đơn.Khi đọc hết cuốn sách này, mình cứ có cảm giác như tác giả muốn chỉ cho mình cách nhận diện nỗi cô đơn dưới những gương mặt khác nhau. Có thể là nó còn có những ý tưởng khác, đại loại kiểu như lên án phân biệt chủng tộc hay đấu tranh gì gì đó, nhưng mình lại không để ý lắm , mình cứ nghĩ hoài về việc con người ta đơn độc ngay cả khi có nhiều đồng minh và ngược lại, hoàn toàn không cô đơn chút nào khi ở một mình trong bóng tối.
Nếu mình là con nhỏ Scout, nếu cuốn sách này mang cái nhìn của con nhỏ mới 8 tuổi, chắc mình cũng chỉ nghĩ tới chừng đó thôi. Có nhiều đoạn trong sách, suy nghĩ của nó làm mình nghi hoặc : chắc nó phải 15 tuổi là ít. Nó đặt câu hỏi như một đứa 8 tuổi nhưng lại đón nhận câu trả lời như một đứa 15. Nó giống một cái gương phản chiếu ông Atticus, qua đó ông hiện ra như một người đi đầu đấu tranh cho quyền bình đẳng. Và cũng qua cái cách nó hỏi, ổng sẽ trả lời những câu rất đạo đức, tốt đẹp và đầy thiện tâm. Nếu trích những câu đó ra, có thể in được vài cuốn "hạt giống tâm hồn" hay chicken soup, đại khái thế. Mình thấy ngán ngẩm khi phải đọc những đoạn mang tính chất "bài học" và Atticus thì quá giống một vị thánh. Tuy nhiên, truyện vẫn hay. Ở chỗ, "vị thánh" này đã thất bại ở phiên tòa.
Cuộc sống vốn là như thế. Dù là ở Mỹ 1930 hay ở Việt Nam 2008, công lý và lẽ công bằng không phải lúc nào cũng được xác lập, nhất là ở tòa án. Mình thì mình nghĩ, phán quyết của tòa án chẳng đại diện cho cái gì hết. Bản thân mỗi người đã có một sự thật gim sẵn trong lòng rồi, cho dù có thừa nhận hay không. Cho nên lúc ông Atticus bị bồi thẩm đoàn quay lưng, người da trắng chửi rủa, người da đen thất vọng. Và ông trông có vẻ cô đơn. Thì thật ra ông hoàn toàn không cô đơn chút nào.
Và ông còn rất thành công nữa kìa. Ông đã kéo sụp được cái vỏ định kiến trùm lên toàn bộ người dân Maycomb, cho dù sau đó, hình thành hàng chục phe phái với hàng chục ý kiến khác nhau, thì họ cũng đã bắt đầu nói lên chính kiến của mình. Cùng với việc được thức tỉnh của những người xung quanh, Jem và Scout đã nhận diện được những gương mặt khác nhau của nỗi cô đơn, học được cách thấu hiểu người khác bằng cách đặt mình vào vị trí của họ.
Đó là lúc ở phiên tòa, khi mà Scout nhận ra rằng Mayella Ewell mới chính là kẻ cô đơn nhất trên thế giới này, chứ không phải Boo Radley, người đàn ông nhốt mình trong bóng tối. Sự khám phá này làm mình thích cuốn sách này ghê gớm. Bởi vì Mayella- người da trắng-người ngồi trên ghế nhân chứng, buộc tội Tom Robnison-người da đen, nhận được sự ủng hộ của gần như toàn thể hạt Maycomb và cuối cùng là cả của bồi thẩm đoàn nữa mới chính là người đáng thương, đau khổ và bất hạnh nhất. Bởi vì thứ mà cô ta buộc tội cũng chính là thứ cô ta khao khát. Cô ta chà đạp sự thật và sự đam mê của bản thân mình. Để rồi mất tất cả .
Atticus có thể bị cô lập, bị uy hiếp hoặc bị tẩy chay, nhưng ông vẫn nắm trong tay thứ mà dân Maycomb không thể chối bỏ : đó là sự thật. Do vậy, tuy ông có vẻ một mình, nhưng lại có quá trời đồng minh tuy mới ở dạng triển vọng.
Boo Radley, người đóng kín cửa giam mình trong ngôi nhà, với những lời đồn đãi thêu dệt ghê rợn, cũng có vẻ đơn độc như một bóng ma. Nhưng tâm hồn anh ta tràn ngập hình ảnh những đứa trẻ hồn nhiên lớn lên, hồn nhiên đi qua những nỗi buồn vui và sợ hãi thường tình. Anh ta có một thế giới được nhìn từ hiên nhà sau khe cửa hẹp. Khi Scout đứng ở vị trí đó, nó tìm thấy thế giới của Boo, nhận ra tâm hồn anh ta không hề lạnh lẽo và u ám mà ấm áp tình yêu thương. Cũng như Jem hiểu tại sao Boo không ra khỏi nhà : chỉ vì ông ta không MUỐN. Boo Radley không cô đơn, anh ta chỉ lựa chọn cách sống cho mình, anh ta biết mình muốn gì và làm điều đó bất chấp những lời đồn thổi của hạt Maycomb.
Cô Maudie, người hàng xóm tốt bụng. Sống một mình trong căn nhà với những luống hoa. Khi thứ tài sản duy nhất của cô bị cháy rụi, cô vẫn sống với một sự lạc quan cố hữu dù là tứ cố vô thân, không còn gì trong tay, dù là phải ở tạm chung nhà với cô Stephanie nhiều chuyện lắm lời.
Dolphus Raymond, người da trắng cưới một người đàn bà da đen và sinh ra một lũ con lai, sống dưới vỏ say xỉn, uống Coca trong những chai rượu. Ông ta kẹt giữa giới tuyến một bên là người da đen và bên kia là cư dân hạt Maycomb. Nhưng ông ta thích thế, ông ta thích cách sống đó. Và bởi vì cả hai cộng đồng đều không thể nào hiểu được tại sao ông lại muốn sống như thế : nửa bên này, nửa bên kia nên ông ta tạo ra một cái vỏ say xỉn để làm lý do cho họ. Họ kết luận ông ra nông nổi này vì ông say, đầu óc mụ mị, mơ hồ. Dolphus sống dưới sự nhầm lẫn ngộ nhận như thế. Không lấy gì làm phiền toái. Có lẽ mình thích nhân vật này nhất. Bản thân ông ta và cái sở thích của ông ta đã hoàn toàn chứng minh sự bình đẳng giữa người da trắng và người da đen mà không cần một thứ ngôn ngữ nào khác. Bởi thế ông ta hài lòng, dù ông ta cũng có vẻ như lạc loài.
Vậy là Atticus không đơn độc. Boo Radley cũng không, Jem và Scout đôi lúc không hòa nhập nổi nhưng vẫn không cô đơn. Dolphus cũng không. Chỉ có Mayella là cô đơn tới tội nghiệp. Cô ta tội nhất câu chuyện này nhưng đó là thứ mà cô ta phải nhận. Một cô nhà báo Việt Nam đã treo blast như vậy :"Nếu anh từ chối sự thật, sự thật sẽ hủy diệt anh từ bên trong". Mayella đã trả giá cho việc chối bỏ sự thật của chính mình. Công lý có thể không có. Nhưng sự thật luôn luôn có. Người dân Maycomb có thể không nhìn ra sự thật vì định kiến cố hữu của mình, nhưng Mayella phải thấy nó, và nó sẽ ám ảnh cô hàng đêm và bất tận.
Mình nghĩ có lẽ không ai cô đơn đâu, trừ khi họ giống Mayella, quay lưng với chính bản thân mình.

Bắt trẻ đồng xanh- The Catcher in the Rye

Ôi, mình khoái cha nội Holden Caulfield này quá. Dù cha nội này mới 17 tuổi, nói năng hàm hồ, văng tục tới từng milimet của mỗi trang giấy, dù hắn gọi bạn gái hắn là "con mẹ Sally", dù hắn thi rớt 4 trên 5 môn và bị đuổi khỏi trường Pencey Prep- lần đuổi học thứ tư. Thì cũng đâu có sao.

Là vì hắn 17 tuổi. Đâu tự dưng mà luật pháp nương tay đối với tuổi vị thành niên. Cái tuổi ấy nó thế. Bất cứ trật tự, quy tắc hay các loại lời khuyên các thứ nào được đưa ra chẳng khác nào úp cho nó một cái lồng sắt, khiến cái bọn lúp xúp trong ấy bó tay bó chân tới phát cuồng .Thế là bọn nó đập phá, gào thét, hút chích, chơi gái, đủ các thử nghiệm. Chỉ để đào bới, rồi chứng minh.Và sau đó gồng gánh những vết thương. Thật ra thì cũng không nghiêm trọng, những cái vết ấy. Vấn đề là, nếu bạn lớn lên, đã từng sạch sẽ và trắng phau như một tờ giấy, thì chỉ cần nhỏ một giọt mực hay một cái gì đó xam xám lên, dù là chút đỉnh góc giấy, bạn sẽ nhìn chằm chằm vào cái vết ấy thôi. Và nghĩ " thôi rồi, hỏng mẹ hết mọi thứ ."

Và đó là cái cách mà cha nội Holden Caulfield lăn xuống dốc. Hắn thi trượt, bị đuổi tới 4 bận.Đánh thằng bạn cùng phòng vì một đứa con gái mà hắn từng cầm tay không biết chán rồi bỏ trường nội trú ra đi với một cái mũi te tua máu.Tới hộp đêm, tới quán rượu, đồng ý trả tiền để có một cô nàng gái làng chơi, tự nhủ rằng: "Đằng nào thì mình cũng đã hỏng". Hắn khao khát bung ra, khao khát thử nghiệm, khao khát chống lại cả mớ nguyên tắc đang chụp lên đầu, bằng trường học, bằng các bài thi, bằng những tình yêu và kỳ vọng của gia đình hắn. Hắn ra đi, tự do với một cõi lòng hoang mang.

Rồi, hắn có sẵn con dốc vậy đó, và cũng không có ý định kìm hãm tốc độ lăn của mình. Vậy mà tới trang cuối cùng, hắn vẫn không trở thành một thằng hư hỏng. Hắn không biết điều đó, hắn nhất định là hắn hỏng rồi. Nhưng thật ra không phải. Hắn vẫn không làm được cho dù hắn đã chạm tay tới rất nhiều cơ hội. Đến cái giới hạn cuối cùng, hắn đã rụt tay lại. Không phải hắn là một thằng nhát gan. Hắn thừa can đảm đó chứ, dù hắn không thể đấm vào mặt của bất cứ thằng nào cà chớn trước mũi.

Nhưng hắn là thằng ý thức rất rõ ràng về các giá trị. Rõ ràng tới mức không thể trộn lẫn chúng với nhau. Hắn ghét học môn sử, nhưng thừa nhận ông thầy của hắn dạy hay. Nhưng không phải vì ổng dạy hay mà hắn không căm ghét cái cách cười a dua của ổng mỗi khi có tiết dự giờ. Rồi dù có như thế, hắn vẫn tới chia tay ổng, nghe ổng nói hàng tràng về cái bài thi bét nhè của hắn đã bị ông đánh rớt. Hắn thương ổng, nhưng vẫn tởm cái cách ổng ngoáy mũi. Chuyện nào ra chuyện đó.Các giá trị thực chất luôn gim trong đầu hắn, trần trụi, đúng nghĩa thế cả tỉ năm nay rồi nên hắn đâm ra dị ứng với các trò màu mè, phô diễn xung quanh. Hắn nôn mửa vào lũ minh tinh bộ tịch, lũ nhạc công đỏm dáng với cái trò khiêm nhường vờ vĩnh, con mẹ ngồi khóc sụt sùi cạnh hắn trong rạp chiếu bóng bỏ mặc thằng con mắc cầu không ai dắt đi. Hắn ghê tởm trường học, ông thầy hiệu trưởng giả dối trịch thượng, món bít tết vào mỗi chiều thứ sáu dai nhách không kém gì mớ đạo đức giả hắn phải nhai.Hắn phỉ nhổ, nhạo báng, dè bĩu. Và hắn quả thật ngây thơ. Hắn không biết rằng, cả thế giới này, cả cuộc đời này, người ta toàn đối đãi với nhau bằng những trò như thế.

Và vì hắn là một thằng vậy đó. Ngây thơ, cả tin, liều lĩnh. Nên hắn chìm ngập trong một nỗi buồn rằng mình là kẻ bỏ đi. Trong khi người đời cùng lắm nhìn hắn như một kẻ nông nổi vấp váp trong bước trưởng thành, chẳng có gì nghiêm trọng, chẳng có gì bận tâm. Cũng như chẳng ai buồn thắc mắc bầy vịt trong hồ ở công viên sẽ đi đâu vào mỗi mùa đông lạnh nước hồ đóng băng. Chỉ có hắn, băn khoăn mỗi khi ngang hồ cũng như băn khoăn về cuộc đời và những ngã rẽ của hắn. Liệu ở đâu có thể chấp chứa một kẻ mang nhiều thương tích và vết nhơ? Ôi chao, hắn còn sạch sẽ và lạnh lặn gấp tỉ những đứa khác, những kẻ màu mè diêm dúa và đạo đức xung quanh. Mà có đứa nào trong số ấy băn khoăn day dứt chút gì đâu. Chỉ có hắn.

Chỉ có hắn mới đứng sững người trước bức tường viết dòng chữ Đ.M ( trong sách viết đầy đủ, hehe) của ngôi trường cấp 1, đau đớn trước viễn cảnh những đứa con nít lớn lên rồi cũng sẽ vấy bẩn như mình. Và hắn, cái đứa có thể tuôn hàng tràng những từ như thế lại đứng hì hụi lau dòng chữ ấy, bất chấp cả sợ hãi rằng có người sẽ hiểu nhầm hắn chính là kẻ viết cái chữ đó.Ngu ghê không. Bởi lẽ ngoảnh tới ngoảnh lui một lát, cái chữ ấy lại xuất hiện, không bằng mực mà khắc ngay vào tường. Tới đây thì hắn bất lực hết cách. Hắn đành thừa nhận là có lẽ cái chữ đó chắc phải nằm cả tỉ nơi trên trái đất, tuôn ra từ miệng hàng tỉ con người. Cái thế giới này, quả thật chẳng thể nào khác được.

Vậy đó Holden Caulfield. Người ta đã học được cách sống chung với những điều xấu xa một cách thanh thản hay vờ như thanh thản từ rất lâu rồi. Còn hắn thì loay hoay mãi. Tại bản chất con người hắn hay tại tuổi 17 của hắn? Tại hắn không hiểu thế giới này hay thế giới này không hiểu lẫn nhau?
Dù sao thì. Holden Caulfield. Mình khoái cha nội này chết đi được.

Cuối cùng. Tại sao lại là " Bắt trẻ đồng xanh"? Đương nhiên không phải chỉ vì trong câu chuyện có một câu hát như thế.Có lẽ là chút mơ mộng nhỏ nhoi của hắn, thằng cha ngây thơ này. Được tự do trong thanh thản.
Mà làm gì có.
14.10.2008. Mình đã đọc một cuốn quá đỉnh