Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Bố già


What's with men and The God father?

Giống như nàng Kathleen Kelly trong phim You've got mail đã than trời khi thấy đàn ông quanh mình say mê quyển sách này đến điên cuồng, từ bạn cùng phòng đến bạn tâm thư, thậm chi đối thủ làm ăn đều cắm cúi trích dẫn The God Father vào mọi lúc mọi nơi - thì tôi cũng thế - Tôi cũng thắc mắc quyển sách này có cái gì mà trù quến người ta dữ vậy? Thế nên tôi phải đọc.

Đọc xong thì tôi hiểu tại sao đây là quyển sách được xem như Nhập Môn Đàn Ông của một nửa thế giới. Bởi chất Nam tính của nó đậm đặc không kém gì dầu oliu loại 1. Ngang tàng, hoang dã điên rồ nhưng rất nồng ấm dịu dàng, quyển sách dẫn người đọc đi vào thế giới mê cuồng thấm máu của Mafia Ý trên đất Mỹ một cách chân thực sống động và đời đến không ngờ.

Điều gì là quan trọng nhất của một người đàn ông? Với Mario Puzo có lẽ đó là khí phách. Khí phách dẫn dắt mọi luật lệ trong giới giang hồ, khí phách ngẩn cao đầu lạnh lùng trước mọi biến cố, khí phách đối diện với thực tế đẫm máu và mất mát để biết tiến biến lùi, biết ẩn thân biết ra mặt. Khí phách không phải thứ để lấy le, ra oai, làm bộ hổ báo súng đạn mà khí phách là thứ tiềm tàng, âm thầm tỏa cái quyền uy của nó lên bầu không khí xung quanh, lạnh lùng dứt điểm vấn đề không chút ăn năn vướng bận. Khí phách buộc cái đầu và trái tim tách bạch rõ ràng không dính dáng đến nhau để tôn trọng luật chơi tới cùng, vì đại cuộc.

Nếu như Kim Dung có thế giới võ lâm bàng bạc chất thần tiên, thì Mario Puzo có thế giới Mafia đậm chất hiện thực. Nhưng cả hai đều thi vị và hào hùng. Cái thi vị của Mafia là cái thi vị của người đàn ông hoang đàng dữ dằn khi đến với tình yêu và biến cái dữ dội trong mình thành sự si mê đắm đuối, bất chấp tất cả để chơi tới bờ tới bến. Và sự hào hùng của Mafia cũng như của thế giới kiếm hiệp chính là cái hào hùng uy vũ của LUẬT GIANG HỒ, dám chơi dám chịu, dám sống dám chết, dám đương đầu. Cuộc họp kín của các băng nhóm của thế giới ngầm trong The Godfather đâu có thua kém gì Đại hội võ lâm trong kiếm hiệp, và cũng chẳng khác gì cuộc họp của hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, có khác chăng chỉ khác có luật lệ mà thôi.

Sẽ thật thiếu sót nếu như nhắc đến tác phẩm này mà không nhắc đến dịch giả Ngọc Thứ Lang, người đã khai sinh tác phẩm này một lần nữa trên đất Việt Nam, với cách dịch ngang tàng vô tiền khoáng hậu, đậm mùi giang hồ đâm thuê chém mướn mà cùng vô cùng mùi mẫn trữ tình. Chỉ có Ngọc Thứ Lang mới dịch The Godfather thành Bố Già để từ đó Bố Già mãi mãi trở thành một danh từ chung chỉ Trùm bang hội. Cách sử dụng từ ngữ rất bình dân chất phác nhưng đắt giá, đọc thấy thấm vào mình tất cả vẻ hung hăng cục mịch mà dí dỏm tinh tế, chất giang hồ hiểm trở thủ đoạn mà pha chút ngây thơ, cợt nhả. Ngọc Thứ Lang đã làm sống dậy một thế giới ngầm đầy ma lực, đầy vũ bão nhưng cũng đầy yêu thương trìu mến. 

Gấp quyển sách lại, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là phải đọc thêm một lần nữa, một lần nữa, nhiều lần nữa, đọc đến thuộc lòng những đoạn tâm đắc, mà có khi thuộc cả quyển sách cũng nên. Đọc một quyển sách về thế giới ngầm đầy tội ác, vừa kinh sợ, vừa ngưỡng mộ, vừa cảm nhận được sự nguy hiểm đồng thời cảm nhận sự chân thành. Tại sao trên đời lại có một quyển sách cho ta nhiều cảm xúc đến như vậy ?

Hỡi những người đàn ông, giờ thì em đã hiểu

Đồi thỏ


Đồi thỏ là một quyển sách rất đặc biệt. Nó không khoác áo lông thú cho con người theo cái cách mà người ta thường làm với mỗi câu chuyện bằng biện pháp nhân hoá ẩn dụ nọ kia. Quyển sách này đã tôn trọng loài thỏ hết mức, để mỗi con thỏ xuất hiện trong câu chuyện này, hoàn toàn rất thỏ. Thỏ trong cá tính, tập quán, lối suy nghĩ và hành vi, thỏ trong phong cách và thỏ trong lịch sử của riêng chúng.Thỏ trong câu chuyện sử thi hào hùng độc nhất vô nhị, đầy kiêu hãnh, tự tôn lẫn khiêm nhường. Với toàn bộ hiểu biết sâu sắc của mình về loài động vật nhu mì khôn ngoan ấy, Richard Adams tỉ mỉ khắc họa một hành trình đi tìm đất sống mới của loài thỏ đầy gian truân thử thách pha lẫn thi vị và cả chất thơ. Một cuộc thiên di mạnh mẽ với khát vọng tự do không thua kém bất cứ loài vật nào, kể cả con người.

Những con thỏ khiến chúng ta nhớ về những người da đỏ, về một thế giới tự nhiên đã bị nền văn minh của loài người xâm lấn hủy hoại như thế nào. Những con thỏ vùng vẫy trong làn hơi độc trắng, những giấc mơ đầy tuyệt vọng và ám ảnh của chú thỏ Thứ Năm, cuộc sống đờ đẫn đầy thắc thỏm của Anh Thảo Vàng, tất cả đều là kết quả của sự tàn ác một cách vô cảm của loài người, giống loài tự cho là mình biết tất cả nên không sợ gì cả, kể cả sự ngu dốt của chính mình. Thủ lĩnh Cây Phỉ và các bạn của chú không mơ mộng, không tham vọng. Chúng chỉ chạy trốn nền văn minh đã cào bằng các giá trị và lẽ tồn sinh của tự nhiên. Một cuộc đào thoát gay cấn, kích thích mọi giác quan và óc tưởng tượng. Trên thực tế, chúng ta biết rằng, không phải loài nào cũng may mắn như loài thỏ.

Đọc Đồi thỏ, tôi thấy phấn khích, gay cấn, hồi hộp. Nhưng sau tất cả những cảm giác ấy, tôi thấy xấu hổ cho chúng ta - loài người - thủ phạm của hầu như tất cả mọi bất hạnh cho loài thỏ và các loài khác, thủ phạm của những đổ vỡ, chia cắt, hiểm nguy. Quyển sách tạo ra một dư âm lặng câm, giống như nỗi bàng hoàng của một kẻ soi gương thấy mình xấu xí. Trong đôi mắt tròn xoe của những chú thỏ dũng cảm, tôi thấy sự hèn yếu của loài người, về trí khôn tàn nhẫn của loài tự cho là thượng đẳng. Đồi thỏ là một quyển sách kích động không chỉ những giác quan, mà còn là lương tâm của người đọc,nếu như thật sự là chúng ta có nó.

Gia đình Buddenbrook


TẤT CẢ NHỮNG BỮA TIỆC RỒI SẼ TÀN

Lời cáo chung ấy đã khởi động ngay từ những trang đầu tiên khi Thomas Mann mở màn cho quyển sách về dòng họ Buddenbrook bằng một bữa tiệc. Linh đình, trọng đại, xa hoa và đầy kính cẩn. Tinh thần của bữa tiệc ấy như một lời nguyền lên các thành viên của dòng họ, để từng người một hủy hoại chính mình bằng cái khao khát duy trì tính thượng lưu và tôn thờ vật chất như tôn thờ danh dự của gia tộc mình. Bằng cách đó, họ trở thành nô lệ của đồng tiền và quyền lực, nô lệ của những tư tưởng theo họ là kiên cố như bàn thạch, thứ tư tưởng tư sản cổ điển với niềm tin về sự hoàn hảo và bất biến của mình. Họ không biết rằng, ngoài kia thế giới đang chuyển mình trong cơn giông gió mới của cuộc cách mạng toàn châu Âu, và một cơn bão nữa : cuộc chiến tranh Áo-Phổ. 

Thế giới đang đổ máu cho những khao khát tự do, trong khi dòng họ Buddenbrook vẫn đang từng ngày đem tự do của chính mình ra để đổi lấy khát vọng giàu có. Họ vẫn kiên định với lựa chọn của mình trong đau khổ, trong vật vã. Hàng ngày chống trả bản năng tự do đang lồng lên trong một hình tượng thượng lưu được đóng khung để suốt đời sắm vai một người xa lạ. Bất hạnh đó không phải chỉ riêng của dòng họ Buddenbrook, mà còn của cả giới tư sản toàn châu u với tư tưởng bảo thủ kinh điển, không đủ năng động để biến chuyển theo thời cuộc, chỉ còn cách dậm chân tại chỗ chờ tàn lụi dần, chờ thời gian phủ lên tất cả.

Anthony, Thomas, Christian, ba người cháu được kỳ vọng nhất của gia tộc Buddenbrook, mỗi người sa vào bi kịch theo mỗi cách riêng. Anthony, vì sự đơn giản của chính cô, vì lòng tin vào cách sống mà cô cho là hợp lẽ, vì niềm tự hào được là một phần của dòng họ danh giá ấy, cô năm lần bảy lượt đối diện với các biến cố cuộc đời với hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, bị lừa dối, ruồng rẫy, coi khinh. Christian, một tâm hồn bạc nhược và yếu đuối, thần kinh nhạy cảm dễ kích động, phù phiếm hèn yếu như một vết nhơ nỗi nhục của gia đình. Nhưng Thomas, có lẽ mới là nhân vật chứa đựng nhiều bi kịch nhất trong câu chuyện, với nỗ lực gần hết cuộc đời để xây dựng một chiếc mặt nạ hoàn hảo, một thị dân mẫu mực và tiêu biểu. Bằng mọi giá, Thomas chống lại sự yếu đuối vốn không kém gì cậu em trai mình, chống trả lại khao khát tự do và tình yêu. Thomas coi khinh Christian, coi em mình như một thằng hề, con rối mà không biết răng mình cũng không khác là bao. Không chấp nhận bản thân, không thừa nhận bản năng, Thomas hoàn toàn là một con rối bị giật dây bằng ý thức hệ của mình, thứ gông cùm xiềng xích đã gắn chặt vào người như máu thịt.

Cái tài tình của Thomas Mann chính là giữ cho những cá tính đầy chông chênh kia bên nhau trong suốt quyển tiểu thuyết đồ sộ của mình cho đến gần cuối quyển sách. Không phải chỉ có sợi dây huyết thống buộc chặt họ lại, mà còn bởi vì họ luôn nhìn thấy chính mình trong hình ảnh của người kia. Thomas luôn thấy sự yếu đuối của mình qua vẻ điên khùng của Christian, Anthony thấy sự tự tôn và kiêu hãnh của cô trong vẻ đạo mạo của Thomas... Họ cứ thấy nhau, họ giằng co nhau như giằng co với chính mình. Họ mải mê vật lộn với bản thân, đấu tranh với bản ngã. Họ kiệt sức vì chính họ.

Sự suy tàn của dòng họ 4 đời Buddenbrook tuy buồn bã thảm sầu nhưng chứa đựng một sự nhẹ nhõm thanh thản, giống như cơ thể sau một thời gian dài gồng lên cho ra vẻ bảnh trai, cuối cùng cũng chấp nhận xuôi tay khuỵu xuống. Trong nỗi tàn tạ héo hon là một tâm hồn thư thái, hơi thở nhịp nhàng. Thomas khi rũ khỏi mình chiếc mặt nạ đạo mạo trọng vọng xuống, buông tay phó mặt cho mọi thứ trôi theo tự nhiên. Đã có lúc tôi tưởng ông chạm tới được sự giải thoát, nhưng rồi phần xiềng xích đã hoá máu thịt vẫn dựng đứng ông lên trong phút cáo chung cuối cùng để đổ ập xuống như bức tượng thạch cao, vỡ vụn. Chỉ có Anthony là đi qua hết những biến cố vì cô thành thật với bản thân, cô sống hài hoà với hiện tại. Cô là hơi thở nhẹ nhõm cuối cùng của cả dòng họ đã đóng khung thế giới của mình quá lâu tới hoá thạch. Duy nhất cô đủ sức đón gió mới.

Cuốn tiểu thuyết đồ sộ ôm hết thế giới tư sản châu Âu vào trong lòng nó. Đó là cái ôm đau khổ trìu mến. Những đổ vỡ trong thế giới mà Thomas Mann là một thành viên, khi khúc nhạc bi ai của phai tàn ấy được tấu lên trong lặng câm giữa luồng gió mới,chỉ những người trong cuộc mới nghe thấy. Bữa tiệc đã kết thúc, dư âm hạnh phúc lẫn đau khổ của nó bị chôn vùi trong tiếng gào thét của thời đại. Chỉ có những ký ức không thể hoá tro tàn là còn đó trong bảo tàng lịch sử của riêng mình. Bữa tiệc nào đã từng huy hoàng như thế.

P/s: Một chút ngoài lề về Thomas Mann và những tác phẩm của ông. 
Trước khi đọc Gia đình Buddenbrook, tôi đã đọc Núi thần và Chết ở Venice, vốn được Thomas Mann viết sau. Một khi đã đọc Núi thần thì khi quay lại với Gia đình Buddenbrook sẽ thấy một sự khác lạ rất lớn. Lẽ dĩ nhiên là như thế, 2 tác phẩm đồ sộ này thuộc về hai giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp sáng tác của Thomas Mann. Gia đình Buddenbrook là tác phẩm đầu tay, nặng về tính hiện thực, trong khi Núi thần được viết ở thời kỳ ông đã chín muồi về mặt tư tưởng với cái nhìn cao hơn và rộng hơn, nên thiên về tính biểu tượng và chứa đựng triết lý nhiều hơn. Tuy nhiên với cả hai tác phẩm, nét cười ý nhị dí dỏm của Thomas Mann luôn hiện hữu, kể cả trong bi kịch hoặc sự phẫn nộ, ông không bao giờ cất đi nụ cười tinh nghịch của mình. Nụ cười làm mọi thứ trở nên chịu đựng được một cách rất minh triết.

Riêng về quyển sách này, rất nhiều người chần chừ khi cầm một tác phẩm tiếng Đức mà lại chuyển thể sang tiếng Việt từ tiếng Trung. Tuy không thể bàn đến tính đúng- sai của nó, nhưng xét về mặt văn phong và cách dịch, thì tôi nghĩ rằng đây là một bản dịch hay. Không bị tình trạng Tàu hoá văn phong như các bản dịch khác, quyển sách này rất nhuần nhị Việt Nam, tới mức văn phong và đại từ nhân xưng trong quyển sách làm tôi hình dung ra một gia đình tư sản Hà Nội trước năm 45 trong các tác phẩm của Tự lực văn đoàn. Không uổng phí 800 trang sách khổ lớn.

Chỉ có điều, hãy bỏ qua lời giới thiệu đầy tính định hướng XHCN ở những trang đầu tiên của dịch giả. Nếu có thể như thế thì không còn gì để phàn nàn về quyển sách này nữa.

Hania


Không có mối tình nào như mối tình đầu. Dẫu nó không phải là mối tình nồng cháy nhất, mãnh liệt nhất hay đau khổ nhất, thậm chí cả khi nó có thể không phải là tình yêu, thì nó, vẫn là một mối tình đặc biệt để khắc cốt ghi tâm, để hoài nhớ, để xuyến xao. Để tất cả những niềm hạnh phúc hay đau khổ sẽ đến với mỗi người sau này đều phảng phất bóng hình của những ngọt ngào đắng chát xưa ấy, của lần đầu tiên ấy. Từ ngày ta biết có tình yêu...

Henryk có yêu Hania không? Tôi không chắc. Đó có thể là chút ảo tưởng hay ngộ nhận ở tuổi dậy thì. Nhưng Hania chính xác là mối tình đầu của cậu, là người đầu tiên làm rung lên sợi dây lòng mỏng manh non nớt trong tâm tư cậu, là niềm hân hoan rạng ngời, là nỗi buồn thầm kín, là những ưu tư những băn khoăn và suy tính lần đầu tìm đến trong đời. Mối tình đầu không bao giờ thành của cậu, những vết thương lòng, những ảo vọng ngọt ngào và những thất vọng lớn lao, tất cả khai mở cho con đường trưởng thành của Henryk, nhào nặn cậu trong quay cuồng những cơn sóng yêu thương hờn giận căm thù...và lớn lên. Hania rút lui vào trong ký ức, ở đấy như một vết sẹo đã ngủ yên, chỉ thỉnh thoảng thức giấc trong một chút đau đớn nhẹ nhàng và ngọt ngào, làm sống dậy không chỉ một hình bóng mà cả bầu không khí, khung cảnh êm đềm và ấm áp, hương vị của hạnh phúc đoàn viên, của gặp gỡ và rồi chia ly. Hania không chỉ là cô nhân tình trong mộng, Hania là cả một thời mới lớn mới yêu...

Trên nền một bối cảnh nhẹ nhàng phong lưu, những rung động thầm kín trong lòng Henryk có cơ hội vang lên mạnh mẽ hơn giấu trong sự nhút nhát của anh chàng, với những e dè, với những ngổn ngang, với những hờn trách, với tất cả những gì chỉ riêng có ở mối tình đầu. Những vụng về thầm lặng ấy, sự ngập ngừng hoang mang ấy ta sẽ không thể tìm được ở mối tình tiếp theo, khi đã trưởng thành, khi chính chắn và can đảm. Kinh nghiệm sẽ khiến người ta không cho phép tự làm mình đau đớn nhiều hơn, nên mãi mãi lần đầu tiên sẽ là lần đau đớn nhất, bằng những ảo tưởng và hy vọng ngập tràn. Nỗi đau ấy chỉ có thể đến một lần duy nhất trong đời, nỗi đau ghi dấu tình đầu.

Tại sao tình đầu đặc biệt? Vì nó đã kết thúc, nhưng sẽ không bao giờ nguôi.