Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Bố già


What's with men and The God father?

Giống như nàng Kathleen Kelly trong phim You've got mail đã than trời khi thấy đàn ông quanh mình say mê quyển sách này đến điên cuồng, từ bạn cùng phòng đến bạn tâm thư, thậm chi đối thủ làm ăn đều cắm cúi trích dẫn The God Father vào mọi lúc mọi nơi - thì tôi cũng thế - Tôi cũng thắc mắc quyển sách này có cái gì mà trù quến người ta dữ vậy? Thế nên tôi phải đọc.

Đọc xong thì tôi hiểu tại sao đây là quyển sách được xem như Nhập Môn Đàn Ông của một nửa thế giới. Bởi chất Nam tính của nó đậm đặc không kém gì dầu oliu loại 1. Ngang tàng, hoang dã điên rồ nhưng rất nồng ấm dịu dàng, quyển sách dẫn người đọc đi vào thế giới mê cuồng thấm máu của Mafia Ý trên đất Mỹ một cách chân thực sống động và đời đến không ngờ.

Điều gì là quan trọng nhất của một người đàn ông? Với Mario Puzo có lẽ đó là khí phách. Khí phách dẫn dắt mọi luật lệ trong giới giang hồ, khí phách ngẩn cao đầu lạnh lùng trước mọi biến cố, khí phách đối diện với thực tế đẫm máu và mất mát để biết tiến biến lùi, biết ẩn thân biết ra mặt. Khí phách không phải thứ để lấy le, ra oai, làm bộ hổ báo súng đạn mà khí phách là thứ tiềm tàng, âm thầm tỏa cái quyền uy của nó lên bầu không khí xung quanh, lạnh lùng dứt điểm vấn đề không chút ăn năn vướng bận. Khí phách buộc cái đầu và trái tim tách bạch rõ ràng không dính dáng đến nhau để tôn trọng luật chơi tới cùng, vì đại cuộc.

Nếu như Kim Dung có thế giới võ lâm bàng bạc chất thần tiên, thì Mario Puzo có thế giới Mafia đậm chất hiện thực. Nhưng cả hai đều thi vị và hào hùng. Cái thi vị của Mafia là cái thi vị của người đàn ông hoang đàng dữ dằn khi đến với tình yêu và biến cái dữ dội trong mình thành sự si mê đắm đuối, bất chấp tất cả để chơi tới bờ tới bến. Và sự hào hùng của Mafia cũng như của thế giới kiếm hiệp chính là cái hào hùng uy vũ của LUẬT GIANG HỒ, dám chơi dám chịu, dám sống dám chết, dám đương đầu. Cuộc họp kín của các băng nhóm của thế giới ngầm trong The Godfather đâu có thua kém gì Đại hội võ lâm trong kiếm hiệp, và cũng chẳng khác gì cuộc họp của hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, có khác chăng chỉ khác có luật lệ mà thôi.

Sẽ thật thiếu sót nếu như nhắc đến tác phẩm này mà không nhắc đến dịch giả Ngọc Thứ Lang, người đã khai sinh tác phẩm này một lần nữa trên đất Việt Nam, với cách dịch ngang tàng vô tiền khoáng hậu, đậm mùi giang hồ đâm thuê chém mướn mà cùng vô cùng mùi mẫn trữ tình. Chỉ có Ngọc Thứ Lang mới dịch The Godfather thành Bố Già để từ đó Bố Già mãi mãi trở thành một danh từ chung chỉ Trùm bang hội. Cách sử dụng từ ngữ rất bình dân chất phác nhưng đắt giá, đọc thấy thấm vào mình tất cả vẻ hung hăng cục mịch mà dí dỏm tinh tế, chất giang hồ hiểm trở thủ đoạn mà pha chút ngây thơ, cợt nhả. Ngọc Thứ Lang đã làm sống dậy một thế giới ngầm đầy ma lực, đầy vũ bão nhưng cũng đầy yêu thương trìu mến. 

Gấp quyển sách lại, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là phải đọc thêm một lần nữa, một lần nữa, nhiều lần nữa, đọc đến thuộc lòng những đoạn tâm đắc, mà có khi thuộc cả quyển sách cũng nên. Đọc một quyển sách về thế giới ngầm đầy tội ác, vừa kinh sợ, vừa ngưỡng mộ, vừa cảm nhận được sự nguy hiểm đồng thời cảm nhận sự chân thành. Tại sao trên đời lại có một quyển sách cho ta nhiều cảm xúc đến như vậy ?

Hỡi những người đàn ông, giờ thì em đã hiểu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét