Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Những ngã tư và những cột đèn


Tôi không biết Trần Dần đã làm gì với quyển sách này. Ông ấy viết, ông ấy vẽ, hay làm thơ, cũng có thể là ông ấy hát. Hoặc là ông ấy làm tất cả, gò mình trên những con chữ như những nốt nhạc, những câu văn như những vệt màu quệt lên tấm toan, cày bừa trên những đoạn viết không lùi đầu dòng như những ô ruộng đều đặn ngút ngàn chới với. Chúng ta phải đọc từng chữ một để cảm nhận được nhịp điệu của nó, từng chữ một rơi vào tâm trí như nhấn từng phím đàn, vang lên chậm rãi, uể oải cay đắng mà say sưa. Chúng ta phải đọc hết từng câu, để từng nhát màu phất theo câu chữ như nhát quệt của cọ, trưng ra trước mắt những màu sắc thấp thoáng ẩn hiện hoặc rõ ràng nổi bần bật run rẩy. Cứ thế không gian hiện ra, cứ thế không khí ào đến, rực rỡ tới buồn bã, đậm đặc đến tù túng và quạnh quẽ đến thê lương. Cứ thế chúng ta trôi đi theo quyển nhật ký đã mở ra vô tận những màu những mùi những vị, những suồng sã những thơ ngây, những nam tính bất cần nông nổi, những nữ tính say đắm nồng nàn. Để gặt hái về một bầu trời cảm xúc không thể gọi tên, mà nỗi niềm của nó cô đọng như một chất men nồng say đã ủ biết bao nhiêu thời gian ngập ngừng rơi ngay đầu lưỡi.

Những màu sắc ám ảnh người ta rất lâu, màu đen của những đêm vô tận, màu đỏ của rừng cờ dưới mưa sa, màu xám của những ngày mưa phùn cô độc, màu trắng của chiếc khăn rơi trên sân ga, một kỷ vật tình yêu, một bằng chứng tội ác. Cái màu trắng như cánh bướm rập rờn bay xuyên những trang sách, trong cái tiết tấu uể oải thẩp thỏm hoang mang, trong cái suồng sã chân thành. Và chiếc đồng hồ dạ quang sáng lấp lánh thỉnh thoảng xuất hiện, nhắc nhớ về những mốc thời gian đã vô tình hoặc cố tình lãng quên, về những điểm mốc trong đời người, mãi mãi không thuộc về quá khứ, không thuộc về hiện tại hay tương lai, chỉ ở đó như một vết cứa, một ký ức nóng hổi như than trong lồng ngực không tro nào vùi được. Nó ở đó, rực rỡ đau đớn trên tấm toan, giữa chới với bốn bề, giữa giao lộ với những chiếc cột đèn như chứng nhân câm lặng. Chiếc khăn trắng bay giữa rừng cờ đỏ, lẻ loi như một mối tình hư hao đã lỡ, bị vùi dập dưới bao biến cố, âm mưu, toan tính, giữa đời làm người thấp hèn nhu nhược, giữa cam phận, giữa uất hận, giữa căm hờn. Tình yêu và tình thương đi suốt quyển nhật ký, rơi lại cuối trang sách như đúng số phận mà nó phải có, hoà vào buổi giao thời hỗn loạn hoang mang, đọng lại thành một niềm an ủi nhỏ nhoi trong tâm hồn hoá đá.

Biết bao thời gian qua kể từ mùa thu ấy. Những ngã tư và những cột đèn vẫn vô cảm đứng đó chứng kiến bao day dứt hoang mang về những ngã rẽ, số phận, đời người. Tôi vẫn tin mỗi người luôn có một em Cốm của mình, lặng lẽ đi bên đời yêu thương trìu mến, cũng có một chiếc mùi soa trắng dập dờn bay như vết tích của một thời mê đắm cuồng si đầy bất trắc. Giữa dòng thời đại, con người lao đao chới với chỉ có chừng ấy hành trang làm trực cảm để quyết định số phận của mình. Một thời đã qua, nhưng một thời khác sẽ đến, như sau một ngã tư lại là một ngã tư khác, không kém hoang mang, không thôi hỗn loạn. Ngoài tình yêu, chúng ta còn dũng khí, mà những người đi trước đã trao cho, thứ dũng khí như chất men nồng không thể gọi tên ấy, thứ dũng khí mà những số phận nhỏ nhoi ấy đã chưng cất từ cuộc đời mình. Tôi không biết có thể làm gì với nó, nhưng rồi quyển sách này đã trao nó cho tôi. Và tôi nhận.

Công chúa

Nếu bạn có thể cố gắng vượt qua được cái bìa sặc sụa ngôn tình như thế này , bạn sẽ đến được với thế giới của Đ.H.Lawrence, thế giới chân thực đậm đà bản năng, đầy sinh lực và đam mê. Thế giới của tình yêu, đầy đủ cả hai mặt sáng tối, có cuồng nhiệt bay bổng, có hủy diệt man rợ. Hai truyện ngắn trong quyển sách này tiêu biểu cho phong cách mê hoặc hoang dại của Lawrence, đưa người đọc trở về với bản chất của tình yêu và cái giá phải trả cho tình yêu. Truyện ngắn” Công chúa” khơi dậy một thứ tình yêu hoang dã bản năng tiềm ẩn trong con người lý tính và cuộc đấu tranh tàn khốc trong phút ngắn ngủi được sống như chính mình với phần còn lại của định kiến và kiêu hãnh làm một phần của xã hội với những thước đo phù phiếm. Truyện “Con cáo” tỏa ra một bầu không khí man rợ và ích kỷ của tình yêu, vừa quyến rũ tha thiết, vừa tham lam chiếm hữu đẩy người ta đến với cảm giác mê đắm cuồng si lẫn tội lỗi. Cả hai đều là câu chuyện của tình yêu, không khoa trương, không tô hồng, không ảo ảnh. Nó ma mị trong chính sự chân thực và vô biên của chính mình. Không có gì ngoài sự thật tàn nhẫn mà say đắm của tình yêu, như chất độc tiết ra từ trái táo của vườn địa đàng, vĩnh viễn đẩy con người vào thế giới hoan lạc đầy bi kịch.