Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Lời bộc bạch của một thị dân


Tôi vẫn thường nghĩ rằng, không có gì may mắn hơn là được sinh ra trong tầng lớp thị dân, thành phần tiểu tư sản trung lưu, không quá giàu để gặp sóng gió vĩ đại, cũng không quá nghèo để rơi vào bất hạnh bần cùng. Tôi sai rồi. Và hạnh phúc vốn là một từ quá chung chung để hiểu, địa vị là tấm voan mỏng che mờ sự hiển hiện và phân bố đồng đều các nỗi đau, những hạt mầm nảy ra từ trong tâm khảm và nuôi dưỡng bởi cuộc đời. Phần đông chúng ta quên nó, bằng tất cả những háo hức khám phá thế giới, bề mặt lấp lánh của thế giới. Chỉ có Marai Sandor cùng một ít nhà văn khác là quay về với những hạt mầm vươn lên từ bản ngã, soi rọi và ôm ấp chúng. Nó là chính ông, một thị dân tiêu biểu với cuộc đời không mấy thăng trầm, nhưng bế tắc và hoang mang, là loài cây được nuôi dưỡng bằng thái độ sống đầy ngập ngừng cẩn trọng với thứ hạnh phúc chới với nhiều hư ảo.

Một quyển sách hay là quyển sách để đọc ngấu nghiến, còn một quyển sách rất hay, nó khiến ta đọc chính mình một cách chậm rãi. Thì Marai Sandor đã viết một quyển không dễ đọc nhưng từng bước một, tôi đi vào nội tâm của ông ấy như đi vào chính ngóc ngách đời mình. Những ký ức êm đềm, những mối quan hệ ràng buộc, những cảnh trí nên thơ và một thứ tâm hồn quá ư nhạy cảm với đời sống. Đó là thế giới mà ông ấy sống, tầng lớp thị dân nửa vời, thứ trưởng giả nửa mùa, với những ẩn ức quê mùa so với quý tộc lẫn nỗi mặc cảm không thể sống hoang dã tự do như dân quê. Nếu có một nỗi bất hạnh nào to lớn của tầng lớp ấy, chính là sự lửng lơ không thuộc về bên nào, sự hèn nhát không dám thuộc về bên nào. Đó chính là sự cô đơn của Marai Sandor, khi cơ thể lẫn tâm hồn rung động với toàn bộ thế giới, thì cùng lúc nhận ra rằng mình chưa bao giờ thuộc về thế giới. Sự đơn độc và trống trải ấy không phải ai cũng tự nhìn thấy dẫu nó có tồn tại trong bản thân mình, nó chỉ thể hiện ngập ngừng ở vài thái độ tự ti, nhút nhát và rồi bằng cách nào đó, người ta dẫm lên chúng để sống, để nỗi buồn tích tụ ở đáy tầng cảm xúc.

Marai Sandor không thế. Ông ấy thành thật, trước tiên là với chính mình. Không phải ký ức nào cũng đáng giá, nhưng ký ức của một người tinh tế nhiều rung động thì có, nó đáng cho ta chiêm nghiệm và nhìn nhận, nó đáng cho ta tin vào những chốn sâu thẳm khôn cùng mà nó rọi tới. Thế giới là một ngục tù tươi đẹp, đánh lừa ta bằng các ảo ảnh. Chỉ có ánh sáng trong tâm khảm mới đủ sức dẫn đường. Và cái ánh sáng mà Marai Sandor đã tìm thấy đó dẫn ông vào con đường trở thành nhà văn một cách kiên định, bất chấp các mối quan hệ ràng buộc, các kỳ vọng và kìm kẹp của gia đình dưới danh nghĩa tình thương. Ông là một kẻ ương ngạnh và nổi loạn sớm, bởi tiếng nói và mầm cây trong ông đã thức dậy và ông trung thành với nó. Bởi tình yêu dào dạt bên trong một tâm hồn không tìm được nơi để thuộc về đã thúc giục ông phá bỏ mọi chướng ngại, làm một kẻ cạo giấy miệt mài để những gì bị kìm hãm bên trong có cơ hội thoát ra ngoài và lên tiếng. Tôi không ngạc nhiên khi thấy ông ấy là một nhà văn vĩ đại. Bởi rõ ràng, phải là như thế.

Văn chương có ích gì? Hỏi một câu kinh điển, dẫu thế chẳng có câu trả lời nào thỏa đáng. Nhưng với tôi, văn chương cứu chuộc những tâm hồn bơ vơ, để nó sống dậy, để cảm quan và nhận thức về thế giới của mỗi người được chia sẻ và rung động cùng. Marai Sandor cũng đã tìm được thế giới của riêng mình, dẫu nhiều giông bão. Và cả tầng lớp thị dân nhiều nỗi niềm đã tạo nên ông có cơ hội được nói tiếng nói của mình một cách chân thành. Đó không phải là niềm an ủi. Đó, là sự tự hào.

Alex

Trinh thám Pháp quả là rất khác biệt. Nó che phủ mọi sự giật gân bằng một nỗi buồn bàng bạc, một chút uể oải chán chường cộng rất nhiều niềm uất hận không nói nên lời. Thành thử nó không dắt ta đi tìm công lý dù có vẻ thế, nó là một hành trình đi sâu vào cội nguồn của bi kịch, một cuộc truy tìm nỗi đau và truy đòi được gột rửa. Pierre Lemaitre thổi bùng lên ngọn lửa qua khe hở của vết thương sâu kín quay quắt trong cõi lòng để tạo nên một câu chuyện tối tăm với chồng chất đau thương, và những nỗi cô đơn chia đều cho tất cả các nhân vật.


Đọc Alex không dễ, nhất là đối với những người nóng nảy muốn đi tìm sự thật, muốn soi rọi, muốn bóc trần, vạch mặt. Cuộc đời không phải là một củ hành để ta bóc hết sẽ tìm thấy lõi. Mỗi cảnh đời chứa đựng một chuỗi dài ký ức, mỗi hành động là một mắt xích trong chuỗi vô tận những lý do quàng xiên ngang dọc đâm vào từng số phận. Không có ai tuyệt đối là thủ phạm hay nạn nhân, nên chẳng ai có quyền phán xét. Mỗi hành động đều là mỗi nỗ lực nhằm tẩy xoá và gột rửa tâm hồn, cố gắng triệt tiêu những ám ảnh và bằng mọi giá xoa dịu những vết thương. Alex, cô gái vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Thanh tra Camille Verhoeven, người đi tìm công lý để bù đắp cho nỗi đau mình gánh chịu. Cả hai người họ đều đi đến kết cục với một nỗi bàng hoàng rằng không bao giờ mình có thể tìm được kết thúc.

Một quyển trinh thám hay, với tôi, nó không bao giờ là câu chuyện hai năm rõ mười. Đó chỉ là trò lừa bịp dành cho trẻ con. Thế giới này phức tạp và u sầu hơn thế. Và rắc rối chằng chịt như tơ nhện, đến mức không ai có thể tách bạch được điều gì. Công tư phân minh chỉ là truyền thuyết, còn thực tế, đầu óc con người là một tấm lưới phong tỏa và nối liền cảm xúc, những nỗi ám ảnh từ những câu chuyện khác biệt cứ thế mà bắt tay với nhau. Thanh tra Camille lần theo dấu vết của vụ án với nỗi đau riêng cứ lần lượt nhúng chân vào mỗi suy nghĩ, lèo lái, định hướng nó. Ông cố thoát ra, cố quay đầu, cố bỏ cuộc. Nhưng càng cố nó càng bóp nghẹt đầu óc và trái tim ông. Lamaitre cứ thế dẫn người đọc và cả Camille đi hết câu chuyện kinh dị này đến sự man rợ khác, đi mãi đi mãi không tìm thấy điểm khởi đầu. Sự thăm thẳm vô cùng ấy hoá ra lại quay về an ủi được nỗi đau của ông, biện giải cho cái chết không lời giải đáp của vợ ông, rằng, mọi sự luôn có lý do của nó, rằng, truy tìm nguồn gốc nỗi đau là điều bất khả.

Quyển sách có hậu hay không, tuy bạn đọc. Với tôi, nó đã có một cái kết xứng đáng, cho một câu chuyện tăm tối bi thương và thăm thẳm đớn đau. Công lý không hoá giải được nỗi đau, trả thù không làm những vết thương khép miệng. Nhưng người ta vẫn làm thế để kỳ cọ những vết chàm mà tâm hồn bị nhúng phải, để chà rửa những ám ảnh, những uất hận, những căm hờn. Dù thế vẫn không bao giờ xóa nhòa được .Tiếng thở dài đã bủa vây trái đất này cả tỉ năm về trước. 

Trinh thám Pháp quả là rất khác biệt. Nhắc lại.