Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Lời bộc bạch của một thị dân


Tôi vẫn thường nghĩ rằng, không có gì may mắn hơn là được sinh ra trong tầng lớp thị dân, thành phần tiểu tư sản trung lưu, không quá giàu để gặp sóng gió vĩ đại, cũng không quá nghèo để rơi vào bất hạnh bần cùng. Tôi sai rồi. Và hạnh phúc vốn là một từ quá chung chung để hiểu, địa vị là tấm voan mỏng che mờ sự hiển hiện và phân bố đồng đều các nỗi đau, những hạt mầm nảy ra từ trong tâm khảm và nuôi dưỡng bởi cuộc đời. Phần đông chúng ta quên nó, bằng tất cả những háo hức khám phá thế giới, bề mặt lấp lánh của thế giới. Chỉ có Marai Sandor cùng một ít nhà văn khác là quay về với những hạt mầm vươn lên từ bản ngã, soi rọi và ôm ấp chúng. Nó là chính ông, một thị dân tiêu biểu với cuộc đời không mấy thăng trầm, nhưng bế tắc và hoang mang, là loài cây được nuôi dưỡng bằng thái độ sống đầy ngập ngừng cẩn trọng với thứ hạnh phúc chới với nhiều hư ảo.

Một quyển sách hay là quyển sách để đọc ngấu nghiến, còn một quyển sách rất hay, nó khiến ta đọc chính mình một cách chậm rãi. Thì Marai Sandor đã viết một quyển không dễ đọc nhưng từng bước một, tôi đi vào nội tâm của ông ấy như đi vào chính ngóc ngách đời mình. Những ký ức êm đềm, những mối quan hệ ràng buộc, những cảnh trí nên thơ và một thứ tâm hồn quá ư nhạy cảm với đời sống. Đó là thế giới mà ông ấy sống, tầng lớp thị dân nửa vời, thứ trưởng giả nửa mùa, với những ẩn ức quê mùa so với quý tộc lẫn nỗi mặc cảm không thể sống hoang dã tự do như dân quê. Nếu có một nỗi bất hạnh nào to lớn của tầng lớp ấy, chính là sự lửng lơ không thuộc về bên nào, sự hèn nhát không dám thuộc về bên nào. Đó chính là sự cô đơn của Marai Sandor, khi cơ thể lẫn tâm hồn rung động với toàn bộ thế giới, thì cùng lúc nhận ra rằng mình chưa bao giờ thuộc về thế giới. Sự đơn độc và trống trải ấy không phải ai cũng tự nhìn thấy dẫu nó có tồn tại trong bản thân mình, nó chỉ thể hiện ngập ngừng ở vài thái độ tự ti, nhút nhát và rồi bằng cách nào đó, người ta dẫm lên chúng để sống, để nỗi buồn tích tụ ở đáy tầng cảm xúc.

Marai Sandor không thế. Ông ấy thành thật, trước tiên là với chính mình. Không phải ký ức nào cũng đáng giá, nhưng ký ức của một người tinh tế nhiều rung động thì có, nó đáng cho ta chiêm nghiệm và nhìn nhận, nó đáng cho ta tin vào những chốn sâu thẳm khôn cùng mà nó rọi tới. Thế giới là một ngục tù tươi đẹp, đánh lừa ta bằng các ảo ảnh. Chỉ có ánh sáng trong tâm khảm mới đủ sức dẫn đường. Và cái ánh sáng mà Marai Sandor đã tìm thấy đó dẫn ông vào con đường trở thành nhà văn một cách kiên định, bất chấp các mối quan hệ ràng buộc, các kỳ vọng và kìm kẹp của gia đình dưới danh nghĩa tình thương. Ông là một kẻ ương ngạnh và nổi loạn sớm, bởi tiếng nói và mầm cây trong ông đã thức dậy và ông trung thành với nó. Bởi tình yêu dào dạt bên trong một tâm hồn không tìm được nơi để thuộc về đã thúc giục ông phá bỏ mọi chướng ngại, làm một kẻ cạo giấy miệt mài để những gì bị kìm hãm bên trong có cơ hội thoát ra ngoài và lên tiếng. Tôi không ngạc nhiên khi thấy ông ấy là một nhà văn vĩ đại. Bởi rõ ràng, phải là như thế.

Văn chương có ích gì? Hỏi một câu kinh điển, dẫu thế chẳng có câu trả lời nào thỏa đáng. Nhưng với tôi, văn chương cứu chuộc những tâm hồn bơ vơ, để nó sống dậy, để cảm quan và nhận thức về thế giới của mỗi người được chia sẻ và rung động cùng. Marai Sandor cũng đã tìm được thế giới của riêng mình, dẫu nhiều giông bão. Và cả tầng lớp thị dân nhiều nỗi niềm đã tạo nên ông có cơ hội được nói tiếng nói của mình một cách chân thành. Đó không phải là niềm an ủi. Đó, là sự tự hào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét