Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Chuyện con mèo dạy hải âu bay


Những con mèo của cảng biển Hamburg, kiêu hãnh, tự tin và ngố vật vã. Những con mèo sạch sẽ, biết nói cám ơn nhưng cũng biết xỉa chín cái vuốt ra khi cần hù mấy tên cà bông đáng ghét. Những con mèo với những cá tính khác biệt, hơi bộ tịch một cách trẻ con nhưng cực kỳ chính chắn khi đối diện với vấn đề. Nhưng đó không phải là toàn bộ khiến bạn có thể yêu chúng nó tới chết đi được.

Zorba là một con mèo mun, mập ú và ngầu. Một ngày kia trên ban công nhà nó xuất hiện một cô hải âu mình đầy váng dầu, đang thoi thóp thở. Toàn bộ sức lực của cô nàng trút vào cuộc chiến cuối cùng để cho ra đời một quả trứng, và tại giây phút ấy, Zorba đã hứa với toàn bộ danh dự và lòng kiêu hãnh của loài mèo rằng :

Không ăn quả trứng
Chăm sóc cho quả trứng cho đến ngày chim non chào đời
Dạy cho nó biết bay.

Những gì còn lại của cuốn sách là hành trình của những con mèo trên cảng Hamburg để giữ vững lời hứa của mình.

Đây không phải là một câu chuyện cổ tích. Dù bạn sẽ tìm được một kết thúc kỳ diệu đúng như mong mỏi, nhưng nó không đến từ những phép màu. Nó đến từ nỗ lực và trái tim rộng mở của những con mèo, từ lòng kiêu hãnh thủ tín và tình yêu không định kiến của những sinh vật bé nhỏ trên cảng Hamburg. Zorba và những người bạn của nó đã vượt qua cái bản năng hoang dã của loài mèo, để ôm ấp vào lòng một quả trứng và sưởi ấm cho đến ngày con hải âu bé nhỏ chào đời. Và khi đã vượt qua cái bản năng ấy, con chim bé nhỏ không còn là một món ăn béo bở nữa, nó là một đứa con gợi lên ở lũ mèo tình mẫu tử ngọt ngào, điều mà trước giờ những con mèo mới chỉ biết nhận từ chủ của mình. Zorba bảo vệ đứa con nhỏ của mình, mớm cho nó từng con ruồi mà mình bắt được, xòe đủ vuốt mình ra cho bất cứ kẻ nào có ý định nhòm ngó con chim non. Nó đã yêu thương con hải âu không phải vì lời hứa. Đó là tình yêu vô điều kiện.

Những con mèo trên cảng Hamburg sẽ dạy cho chúng ta về tình yêu, nhưng hơn thế là một tình yêu không phân biệt giống nòi, sắc chủng: "Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Thật dễ dàng để yêu thương một ai đó giống mình, nhưng để yêu thương một ai đó khác mình thật sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó..." Zorba và bạn bè nó đã yêu con hải âu mà không hề có ý định biến nó thành một con hải âu lai mèo, không định cho nó sống cuộc đời của một con mèo, dù điều đó sẽ dễ dàng hơn với chúng. Với tất cả tình thương và sự tôn trọng một bản sắc khác biệt, chúng đã thực hiện lời hứa cuối cùng : dạy cho con hải âu bay.

Bay. Nghĩa là trả con hải âu về với bầu trời của nó. Mỗi một sinh vật có một thế giới của riêng mình và quan trọng nhất là làm chủ thế giới ấy. Zorba không yêu một cách ích kỷ, không giữ con chim như một niềm vui riêng, nó trả lại đôi cánh và bầu trời, trả lại bản năng sống mà hải âu vốn có. Khoảng cách giữa mặt đất và bầu trời là thăm thẳm, nhưng tình yêu giữa những con mèo và con hải âu dường như chẳng còn chỗ cho khoảng cách chen chân. Những cuộc đời rất độc lập nhưng đó là sự độc lập được nối bởi những sợi dây tình yêu không thể chia lìa.

"Chỉ những kẻ nào dám mới có thể bay" Câu kết của cuốn sách rất mạnh mẽ bởi chỉ những ai mạnh mẽ mới làm chủ được cuộc đời mình. Hải âu Lucky đã có thể bay, không phải chỉ vì từ "bay" nằm trong máu của nó mà còn bởi nó có được sự can đảm được truyền từ những người mẹ đã cưu mang nó suốt thời gian dài. Dám bay sẽ được bay, cũng như những con mèo dám vượt qua bản năng của mình để yêu. Không có gì là không thể, miễn là bạn cho mình một cơ hội để dấn thân, để nắm giữ đời mình. Bài học đó không chỉ dành cho hải âu Lucky, nó dành cho những người đã đọc cuốn sách này, và chắc là phần lớn đã không còn là thiếu nhi nữa. Vậy mà nó vẫn cứ là một bài học không bao giờ là cũ.

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Alexis Zorba, con người hoan lạc



Hy Lạp, đất nước của những vị thần tung cánh trên bầu trời, sống cuộc đời nửa thần tiên nửa trần thế, nơi có một người đàn ông tên là Alexis Zorba không có cánh và phép màu, hoang sơ và thô ráp như sinh ra từ mặt đất, ngửa mặt lên bầu trời cười nhạo những triết lý của những kẻ đang vỗ cánh tạo nên. Lão không cần đôi cánh, không cần phép thuật nhưng đã sống một cuộc đời đầy thống khoái và tự do như những cánh chim dang rộng trên miền đất của niềm vui và hoan lạc.

Alexis Zorba, một gã làm công người Hy Lạp, trong một dịp tình cờ đã gặp ông chủ của mình trên đường đến Crete khai thác than. Cuộc gặp gỡ đã khiến cho ông chủ của gã, một kẻ vùi mình trong sách vở tìm quên muộn sầu sửng sốt nhận ra đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Người đàn ông trẻ tuổi nhưng đầy bế tắc ngập chìm trong triết lý Phật giáo để tìm sự giải thoát, nhưng rốt cuộc càng lún sâu hơn trong nỗi cô đơn tuyệt vọng của chính mình. Đúng lúc đó thì Zorba xuất hiện, cười tiếng cười khinh khoái đầy bản năng, hát với âm thanh rộng mở của cuống họng và nhảy với toàn bộ ngôn ngữ của cơ thể. Với Zorba, cuộc đời là một chuỗi những đam mê, tận hưởng cả những lạc thú êm đềm lẫn nỗi buồn bỏng cháy. Ngọn lửa trong trái tim cuồng nhiệt của Zorba đầy năng lượng, truyền qua cho ông chủ, người đàn ông yếu đuối không thiết tha đến hiện thực, không màng đến thăng trầm của thế gian. Năng lượng sống của Zorba đốt cháy kinh kệ, đốt cả khoảng trống bơ vơ trong trái tim ông chủ. Họ trở thành một cặp bài trùng trong sự gắn kết đầy mâu thuẫn.

Sau cuộc gặp gỡ với Zorba, văn chương sách vở chỉ còn là những đầm lầy đặc quánh không lối thoát, không ánh sáng. Zorba không phỉ nhổ sách vở chữ nghĩa, nhưng những câu hỏi lão đưa ra khiến sách vở chữ nghĩa trở nên tuyệt vọng để trở thành một đống nhì nhằng vô tích sự. Cuộc đời không chỉ mô tả và tận hưởng bằng miệng, cũng như hạnh phúc hay đau khổ không phải chỉ thoát ra từ ngòi bút. Ông chủ của gã nghiền nỗi lòng qua những ngón tay, bằng tiếng sột soạt trên giấy, nhưng Zorba thì khác. Gã vận dụng tất cả các giác quan, bằng những điệu nhảy bất chấp quy luật, miễn là giải phóng được nỗi thống khoái đang ngập tràn tâm hồn, miễn là bay bổng và quay cuồng với niềm vui thực tại. Triết lý sống của Zorba đơn giản chỉ là sống hết mình cho từng khoảnh khắc với toàn bộ nhiệt huyết và đam mê. Zorba không bận lòng, không suy tính, không cân nhắc. Zorba chỉ sống và sống, với trái tim đầy lửa.

Cuộc đời Zorba là một cánh đồng miên man hoan lạc, ký ức của Zorba là những ngày hạnh phúc khôn cùng với âm thanh của cây đàn santuri, với nhan sắc của những người đàn bà thanh xuân đã lần lượt đi qua trong đời, với những chiến công, những lần tìm ra vỉa quặng. Gã đàn ông xấu xí, khô quắt khô queo nhưng đầy sức quyến rũ. Sự quyến rũ của gã chính là sự dâng tặng trọn vẹn không đắn đo với bất cứ những gì gã muốn dâng tặng, với mỗi khoảnh khắc chỉ có duy nhất một thứ gã để tâm. Sự dâng hiến trọn vẹn còn hơn cả những lời ca tụng có cánh, nó khiến mọi thứ gã nhận được trong đời đều mang giá trị cao nhất mà nó từng có. Sự cho đi nồng nhiệt khiến gã nhận được sự đáp trả nồng nhiệt. Cuộc đời Zorba giàu có vì Zorba đánh đổi bằng ngọn lửa trái tim và thể xác, bằng sự hân hoan đón nhận cuộc đời.

Hai nhân vật được phác thảo trong cuộc sách rất mâu thuẫn nhưng đều ghi nhận giá trị đích thực của cuộc sống, rằng sống là sống chứ không phải bất cứ một hành động nào khác. Ông chủ trí thức biết rằng mình đang ở trong cõi suy ngẫm và triết lý chứ không phải là sống, nên cuộc đời của một người không sống rất cằn cỗi và buồn tẻ. Zorba không suy nghĩ, không cân nhắc và cóc cần tới những luật lệ thế gian, Zorba chỉ sống và sống trung thành với bản năng làm người, được hạnh phúc được đau buồn và cuối cùng được chết trong tiếng thét từ giã cuộc đời đầy sảng khoái. Kinh Phật hướng con người từ bỏ cuộc sống để tìm đến sự giải thoát tự do, nhưng Zorba vẫn tự do khi đang tận hưởng cuộc sống, bởi vì Zorba đã sống với chính bản chất của cuộc sống, bởi vì được sống nghĩa là được tự do.

Cuốn sách ca ngợi Zorba, nhưng hơn thế, nó ca ngợi cuộc sống với toàn bộ bản chất của cuộc sống. Sống là hạnh phúc, là khổ đau, là đồng bằng rực rỡ, là đầm lầy ảm đạm. Sống là dũng cảm băng lên phía trước và ngạo nghễ trên hành trình. Sống là cho trái tim một đôi cánh, một ngọn lửa và một tâm trí vô ưu để dâng tặng trọn vẹn đôi cánh và ngọn lửa của mình cho cuộc sống

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm


Christopher Boone là một cậu bé, như bao cậu bé khác, thích chó và nuôi một con chuột, loại sạch sẽ không mắc bệnh truyền nhiễm tên là Toby. Nhưng Christopher vẫn khác thường, bởi cậu có khả năng nhớ tên thủ đô tất cả các nước trên thế giới, có thể nhớ tất cả các số nguyên tố cho đến 7075, và giải trí bằng cách giải phương trình bậc hai, khai căn một cách gọn lẹ mà không cần giấy bút.
Christopher là một thần đồng, và vì cậu dư năng khiếu trong lĩnh vực này nên cậu hụt mất khả năng trong lĩnh vực kia. Cậu bé không hiểu được các biểu cảm trên khuôn mặt người khác, không hiểu được các câu nói mang tính ẩn dụ, không thích những cái gì mơ hồ không rõ ràng, không ưa màu vàng và vô cùng nhạy cảm với những ai chạm đến cậu.
Christopher mắc bệnh tự kỷ.
Mark Haddon đã sống cuộc sống của một cậu bé mắc bệnh tự kỷ suốt hơn 300 trang sách, sống bình thản và không hề nghi ngại dằn vặc bản thân, cũng như Christopher chưa bao giờ tự hỏi vì sao mình khác biệt. Cậu đơn giản là thích điều này, ghét điều kia, không chịu nổi cái nọ và rất dễ chịu trong hoàn cảnh khác… Cậu đơn giản và logic như toán học và cảm thấy an toàn trong một thế giới với những thứ mà cậu có thể tạo lập được một quy luật nào đó. Nhưng cuộc sống không đơn giản như Christopher mong muốn, dù cậu có hiểu được cả hệ mặt trời, cậu vẫn không hiểu nổi những người xung quanh. Rồi một ngày kia, khi con chó Wellington nhà hàng xóm bị giết bằng một cái bồ cào, Christopher trở thành nghi phạm đầu tiên, cậu bé đã quyết định làm một cuộc điều tra để từ đó bí mật của những người quanh cậu bắt đầu hé mở.
Christopher dấn thân vào một hành trình với đầy sự lo lắng sợ hãi, bởi lẽ có quá nhiều thứ cậu không lý giải được. Khuôn mặt ưu tư sầu muộn của cha cậu, sự giận dữ vô cớ lẫn những câu nói bỏ lửng nửa chừng, cái chết đột ngột vì bệnh tim của mẹ hai năm về trước, thái độ bất thường của những tay cảnh sát mà cậu gặp trong suốt chuyến điều tra… Một thế giới với những bí mật sâu kín đằng sau những khuôn mặt khiến Christopher cảm thấy bất an. Nhưng rồi cậu bé đã can đảm đi tiếp, vượt qua hành trình rất đỗi bình thường với người bình thường nhưng rất khốc liệt với bản thân, để tìm câu trả lời.
Đó là một câu trả lời bất ngờ, nhưng giản dị. Và nó là cả một trãi nghiệm lớn lao mà Christopher cũng như người đọc có được trong đời. Christopher sau hành trình đi tìm bí ẩn của con chó lúc nửa đêm, đã tìm ra một phần bí ẩn của cuộc sống, cũng như khám phá được khả năng của bản thân. Rằng, cậu vẫn hoàn toàn sống được một cuộc sống như những người bình thường, rằng tình yêu và gia đình cuối cùng vẫn ở bên cậu, rằng thế giới này có vô vàn bí mật nhưng cơ bản là cậu đã không còn sợ nó nữa.
Mark Haddon viết một cuốn sách rất rối ren, nhưng rất thật, thật như là ông đang viết về chính mình, một người tự kỷ đang vật lộn trong một thế giới hỗn độn có quá nhiều thứ không thuộc về. Sự trung thực có thể gây ra một sự xáo động, đau đớn nhưng cuối cùng, người ta sẽ nhận ra rằng Christopher không cần đến lòng trắc ẩn hay niềm xót xa thương cảm, cái cậu bé cần là sự thừa nhận và thấu hiểu, rằng khác biệt không có nghĩa là bất thường hay kỳ quái, chỉ đơn giản là người ta đang nhìn nhận cuộc đời không theo cách của đám đông mà thôi.
Cuốn sách là một tiếng nói nhỏ nhoi nhưng lay động tới cả những trái tim cằn cỗi vì logic thông thường đầy cảm tính, nó sẽ khiến bạn thôi bối rối khi gặp một người không giống ai, thôi hoang mang vì một chuyện chưa từng gặp. Cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn khi bạn trân trọng sự khác biệt, cũng có nghĩa là cho trái tim mình một cơ hội để mở rộng biên giới ra khỏi những định kiến lâu đời. Những điều tốt đẹp vẫn sẽ luôn tồn tại.

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Lời hứa lúc bình minh


Câu chuyện về một cuộc đời, đầy hiện thực mà cũng đầy ảo mộng, nó được dệt nên bằng một thứ xa xỉ gọi là niềm tin và sự ngoan cường chiến đấu cho niềm tin ấy, dẫu có ngây thơ ,thì vẫn đeo đẳng cho đến trang sách cuối cùng. Hành trình của Romain Gary đã khởi động ngay từ thuở bình minh của cuộc đời, khi cậu bé tự nguyện đặt lên vai mình lời hứa sẽ đem tòan bộ thế giới phủ phục dưới chân người mẹ đã sống quên mình vì cậu. Đó là thế giới mà chính bà đã tạo ra bằng tất cả sự viển vông, si mê, ngông cuồng và lãng mạn, thế giới đầy những đài vinh quang lộng lẫy chỉ cách độ một tầm tay hay một cái bước chân. Dù rằng Romain đã đánh đổi nguyên vẹn cuộc đời mình chỉ để vượt qua được cái bước chân ảo vọng ấy, thì cậu cũng đã vì bà mà chưa bao giờ cúi mặt hay tuyệt vọng trước số phận.

Nina là người đàn bà cô đơn, không chồng, không người tình. Bà chỉ có một đứa con trai và đứa con trai đó, không may lại nhận ra mình chính là cái cây duy nhất trong cái sa mạc mênh mông của mẹ để suốt đời nó chấp nhận làm một cái cây dát đầy kim cương long lanh cho bà ngẩn mặt với thế gian. Bà đã tưới cho cái cây duy nhất ấy bằng toàn bộ sức lực của mình, vắt kiệt từng giọt nước giữa cuộc đời-sa mạc cho nó rồi phủ lên đó toàn bộ ảo tưởng mà bà từng bị khước từ. Giấc mộng đời bà bị quá khứ vùi dập vỡ tan, Nina đặt toàn bộ kỳ vọng lên con trai với niềm tin rằng nó sẽ thao túng được tương lai, đập vào số phận từng nhát hả hê như chính số phận đã từng làm thế với bà. Niềm tin viển vông đó nuôi lớn Romain như một chất kháng thể chống lại hiện thực khắc nghiệt và cậu bé lao vào công cuộc chinh phục cuộc đời một cách hăng say không mệt mỏi.

Romain không mù quáng như mẹ, ngay từ lúc chạm ngõ thế giới viển vông mà bà vẽ nên, cậu đã biết giới hạn của mình, đến sự yếu đuối và tài năng hạn chế. Nhưng cậu cũng biết mình không còn lựa chọn nào khác, không phải chỉ vì lời hứa đang gánh vác trên vai, mà bởi vì nhận ra mình là người duy nhất, không thể trao được cho ai được cái trọng trách xây dựng hạnh phúc cho bà. Niềm tin sắt đá mà mẹ đã nhét vào tay cậu thuở bình minh, rằng mẹ "biết" con trai mẹ sẽ trở thành vĩ nhân đã buộc Romain lao đầu vào hầu hết các loại hình nghệ thuật có mặt trên thế gian, để rồi ôm về những nỗi thất vọng ê chề , những cái tên thiên tài trở thành những vết cứa nóng bỏng khi vang lên bên tai khi nhắc nhớ đến sự kém cỏi của bản thân và trở thành những tượng đài lấp lánh nhưng không thể nào với tới được. Nhưng, Romain có dòng máu của mẹ trong huyết quản, dòng máu không có chất tuyệt vọng, dòng máu dại dột mù quáng tuyệt vời nên cậu không bỏ cuộc, không cam tâm, không đầu hàng kể cả khi cuộc đời có ném vào mặt cậu hàng chục tiếng cười nhạo báng.

Nina tham vọng, tham vọng đến mức cuồng vọng. Sự si mê của bà đối với nghệ thuật và với nước Pháp đẩy Romain đi vào một con đường không giới hạn, không có điểm dừng. Nhưng bà không có ý định đặt một gánh nặng lên vai con, bà chỉ cho nó một ảo tưởng, một giấc mơ huy hoàng và cũng như bà Romain tin rằng đó hoàn toàn không phải là một giấc mơ. Dù rất trầy trật khi lao vào lĩnh vực nghệ thuật cũng như tìm cách nhập cư vào nước Pháp, nhưng cả hai mẹ con chưa bao giờ thấy đó là một cái gì đó xa vời quá tầm tay. Nina không nói nhiều nhưng bà đã làm, bằng mọi cách để đạt được mục đích trở thành người Pháp và bà chứng minh cho con là mọi thứ đều có thể. Và với Romain, trên đời này không có gì tan nát bằng ánh mắt thất vọng của bà nên cũng chỉ cần bà còn tia hy vọng trong mắt, cậu sẽ lao vào bằng mọi giá.

Âm nhạc, hội họa hay kịch nghệ đã từ chối Romain, nhưng cậu vẫn còn văn chương và văn chương cũng cho cậu lên bờ xuống ruộng một khoảng thời gian dài rồi mới le lói chút niềm tin. Nhưng chỉ cần chút le lói đó thôi, mẹ cậu đã bám vào như một chiếc phao cứu sinh không lồ, đẩy giấc mơ của bà đến mức tràn trề hứa hẹn. Niềm tin kỳ quặc đôi khi gây sửng sốt nhưng lại tạo ra những khoảnh khắc ngập tràn yêu thương và lòng biết ơn. Và rồi, tuy không trở thành thiên tài, nhưng đến những phút cuối cùng nó vẫn trao cho Romain những thành tựu để tự hào, nó là phần thưởng cho những nỗ lực đến tận cùng, giữa những đau đớn giày vò lẫn khát khao tạo dựng. Niềm tin của bà chính là động lực duy nhất để Romain chiến đấu với cuộc sống lẫn cái chết.

Kết thúc có hậu, Romain đã trở thành đại sứ của nước Pháp sau những lần chết hụt, những lần may mắn tưởng như chỉ có trong mơ. Nhưng trên tất cả là những nỗ lực sống và giành vinh quang của Romain cuối cùng cũng có lời vọng. Thế giới bây giờ dưới chân Romain, những bộ vest mà mẹ cậu ước ao cậu được mặc giờ đã thành hiện thực, những buổi tiệc thanh lịch hào hoa và những cử chỉ chinh phục phụ nữ cậu đều thành thạo. Mọi thứ trong tầm tay, đài vinh quang đã dưới gót chân. Chỉ có bà là không còn nữa. Người mẹ của Romain trước khi từ giã thế giới vẫn kịp để lại cho con mình tình yêu, lòng si mê và tham vọng chinh phục cuộc sống. Bà đi nhưng bà chưa bao giờ cắt đứt sợi dây rốn của bà và con trai mình, sợi dây hằng ngày vẫn truyền đi máu và niềm tin kỳ vĩ thơ ngây vào cuộc sống.

Một người mẹ vĩ đại, và một người con trai trở nên vĩ đại nhờ có một người mẹ như thế. Câu chuyện nửa hiện thực nửa mộng mơ, khắc nghiệt mà cũng giống như cổ tích. Niềm tin mù quáng có thể tiêu diệt mà cũng có thể nâng đỡ bạn, vấn đề là bạn muốn cái gì và bạn có can đảm hay không mà thôi. Romain Gary đã viết một cuốn sách với giọng văn "why so serious? ", rất bình thường, không nặng nề sầu khổ, không bi lụy đa mang nhưng vẫn bộc lộ được toàn bộ tình yêu đậm đặc của tình mẫu tử khi bên nhau lẫn cảm giác vô vọng trống trải lúc chia lìa. Cuộc sống hạnh phúc, đau đớn nhưng cũng đơn giản như thế mà thôi.


Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Mặt trời nhà Scorta



Một cuốn tiểu thuyết thấm đẫm ánh nắng mặt trời, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của một dòng họ bị nguyền rủa, nhưng cuối cùng lại kết tinh thành những hạt long lanh như muối trên biển- đó là cái hạnh phúc không gì sánh được khi lao động, đấu tranh để tìm lại một cuộc sống giản dị trên mảnh đất của mình.

Miền nam nước Ý phơi mình dưới ánh mặt trời thiêu đốt, biến mọi thứ trong ánh mắt người ta thành một thứ ảo ảnh chói loà. Ở đó, dòng họ Scorta đã được gieo mầm sống đầu tiên vào một ngày còn tệ hơn thế, khi một gã tù vừa mãn hạn 15 năm trở về ngôi làng Montepuccio để thực hiện một ước mơ cháy bỏng đã gặm nhấm hắn suốt chừng ấy năm trong tù : hãm hiếp cô gái mà hắn từng mê đắm. Hắn thành công và chấp nhận một trận ném đá cho đến chết. Trước khi chết hắn chỉ kịp biết đến một sự thật tàn khốc với mình, đó là hắn đã nhầm lẫn : cô gái bị hắn hãm hiếp không phải là người con gái hắn yêu mà là em gái cô ta : một cô gái câm. Hắn xuống mồ với một nỗi bất mãn cay đắng, nhưng đã để lại trên đời một mầm sống, một hình hài ngay khi ra đời đã mang dấu ấn ô nhục của chính hắn và bị cả Montepuccio nguyền rủa.

Dòng họ Scorta đã ra đời như thế. Đứa trẻ được một cha xứ giành giật sự sống từ trái tim mù quáng u tối của dân Montepuccio, ông cho nó sự sống nhưng không xóa được vết nhơ và sự thù hận trong trái tim . Rocco Scorta Mascalzone trở thành một tên cướp khét tiếng, man rợ và lạnh lùng. Rocco có sự sợ hãi của dân làng nhưng không mua được từ họ sự kính trọng. Cuối đời mình, hắn dành toàn bộ tài sản để làm điều đó bằng một cuộc thương lượng với cha xứ : quyên toàn bộ tài sản cho nhà thờ để đổi lấy một điều : bất cứ ai thuộc dòng họ Scorta khi chết đi sẽ được mai táng bằng hình thức long trọng nhất từ trước đến nay.

Rocco mua cho dòng họ mình sự tôn kính, nhưng cũng bằng cách đó đẩy những đứa con của hắn vào cảnh bần cùng. Cuộc thương lượng cuối cùng chỉ là một thứ giẻ rách báng bổ không hơn khi rơi vào tay một cha xứ mới. Ba đứa con của Rocco vật lộn với thế giới từ con số 0 : không tiền, không sự xót thương che chở, chỉ có dòng máu của nhà Scorta hoang dại mãnh liệt đang chảy trong huyết quản, chỉ có lòng tự tôn cho chính dòng họ bị nguyền rủa của mình làm nơi bấu víu. Mọi thế hệ của nhà Scorta đều bắt đầu như thế.

Họ đã sống đúng như vậy, lao động, đấu tranh không chỉ cho miếng cơm manh áo hàng ngày, mà còn cho cái tên Scorta có một vị trí vững vàng trong ngôi làng đầy định kiến Montepuccio. Chấp nhận đánh đổi cả tình yêu, cả máu và thậm chí cả mạng sống, những đứa con nhà Scorta đang từng ngày xóa đi dấu ấn ô nhục khắc ghi trên dòng họ mình. Mặt trời không rút được hết nhựa sống của họ, ngược lại, họ đạp trên cả những ngọn đồi đá nóng như thiêu, trên những bãi cát mênh mang bỏng rát để trồng cây, đánh cá, đạp trên sóng biển để tìm những chuyến hàng buôn. Mặt trời không giết nổi họ, một dòng họ dám ăn cả mặt trời.

5 thế hệ đi qua trong cuốn tiểu thuyết, và sẽ còn nhiều thế hệ khác bởi dòng máu Scorta mạnh mẽ không ngừng tuôn chảy, như Ellia, người con trai thế hệ thứ 4 đã nói về dòng họ mình rằng : Chúng ta không là gì cả, chỉ là những trái oliu trên cành, chín rồi rơi xuống và biến mất. Chỉ có cái tên Scorta, cũng như những cây oliu là vĩnh cửu, trường tồn...

Cuốn tiểu thuyết mỏng, nhưng nó là một bản trường ca hào hùng về dòng họ Scorta, những kẻ dám phá đi, thiêu đốt rồi xây dưng lại. Những con người không oán trách và đầu hàng số phận, không chối bỏ tai họa để sống kiên cường trên mảnh đất cằn cỗi khắc nghiệt, để mồ hôi chảy trong mình như một thứ hạnh phúc tràn trề được đấu tranh và giành giật thứ mình yêu. Nắng không thiêu đốt họ, nắng chỉ tôi luyện họ như đã tôi luyện những cây oliu cho ra thứ nhựa sống căng tràn từ đất khô. Từng thế hệ sinh ra thô nhám như đất, chiến đấu ngoan cường để cuối cùng lặng im về với đất, chỉ có gió đang thổi những cơn nồng nàng, mang theo mùi đá rít và mùi cỏ dại, Montepuccio chưa bao giờ vắng dấu chân người...

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Ba ơi, mình đi đâu?




Trào phúng hóm hỉnh – đó là cách tác giả lựa chọn để viết lên câu chuyện của chính mình. Dù đó là một câu chuyện buồn và hơn cả nỗi buồn - đến mức ta chưa kịp nở nụ cười vì sự dí dỏm thì giọt nước mắt đã rơi. Tuy nhiên ở đây, không có chỗ cho sự thương cảm xót xa, không có chỗ cho bi lụy. Chỉ có chỗ cho tình yêu vô điều kiện của người cha dành cho những đứa con trai của mình – dù chúng không phải là một kiệt tác của thượng đế, không phải món quà của Chúa, không phải niềm tự hào hay kỳ vọng. Chúng là nỗi đau đớn thất vọng và sụp đổ không kém gì ngày tận thế.
Người đàn ông này có đến hai ngày tận thế : Mathieu và Thomas – hai đứa con trai tật nguyền và thiểu năng , hai hình hài mãi mãi dừng ở tuổi thứ bảy dù có bước sang tuổi thứ bao nhiêu của cuộc đời, hai trí tuệ mãi mãi non nớt : Mathieu chỉ biết nói “brừm, brừm” và Thomas chỉ biết hỏi “ba ơi, mình đi đâu?”. Hơn hết, chúng là hai nỗi giằng xé trong trái tim người cha, suốt đời dằng vặc, rằng mình đã hỏng hóc ở chỗ nào hoặc cụ kỵ của mình đã sai lầm ở đâu để cuối cùng lại sinh ra những đứa con như vậy
Nhưng cho dù là những đứa con dị dạng, tật nguyền, chúng vẫn là những đứa con được sinh ra từ tình yêu, từ khát khao của cha mẹ. Jean Louis Fournier, số phận của ông là cha của chúng- và ông đã làm tốt vai trò đó. Một người cha với tất cả sự tủi hổ khi thấy con mình thua kém, thiệt thòi, người cha cáu kỉnh giận dữ trước phiền phức mà lũ con mang lại, nhưng vẫn là một người cha với tất cả tình yêu thương dành cho con mình. Người cha lặng lẽ ngắm hai sinh linh bé nhỏ, âu yếm nghĩ về chúng như những con chim sẻ xù lông ốm yếu không đủ sức sải cánh. Ông ấy từng mơ về công và đại bàng, nhưng vẫn yêu những con chim sẻ tầm thường nhỏ nhoi và không ngừng hy vọng về một ngày chúng có thể bay và ngắm bầu trời.
Jean- Louis Fournier không phải là một người đàn ông mạnh mẽ, không phải là một thiên thần để có thể mỉm cười trước sự cay đắng của số phận, trước sự may rủi của trò xổ số di truyền học mà ông đã thua. Ông yếu đuối – nên đau buồn đến phát điên , đến quẫn trí, đến hằn học. Nhưng rồi ông vẫn tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu và hy vọng, vì chính hai đứa con mình, hai con chim sẻ còi cọc tội nghiệp mà ông đã mang chúng vào đời. Rồi học cách cười cợt nỗi đau khổ của mình, mỉa mai sự cay đắng của mình, sống chung với định mệnh của mình. Ông nhận ra mình, ngoài cõi lòng tan nát, vẫn còn hai đứa con, dù không đẹp đẽ xinh xắn, nó vẫn là thiên thần của ông, vẫn là những niềm vui bé nhỏ ngày ngày lấp đầy trái tim thương tổn của ông. Chúng tật nguyền, dị dạng, nhưng tình yêu của ông dành cho chúng là lành lặn và trọn vẹn
“Ba ơi, mình đi đâu?” Thomas hỏi câu ấy mấy trăm lần, và nó không hề nhớ ra một câu trả lời nào cả. Thực chất ba của nó cũng không có đáp án cho câu hỏi ấy, rằng họ sẽ đi về đâu, phía nào có ánh sáng cho cuộc đời của họ, cho những đớn đau mà họ gánh chịu. Ở đâu có thể cho Thomas sự lành lặn, để làm một người bình thường. Ở đâu có thể đem lại cho Mathieu bầu trời mà không đánh đổi bằng mạng sống. Đến cuối cuộc đời mình, ông ấy biết rằng mình cũng không thể có câu trả lời
Trong bế tắc và tuyệt vọng, cuối cùng chính người đọc sẽ nhận ra ánh sáng xuất hiện trong câu chuyện này không đến từ một phía nào khác, mà ngay chính trái tim của tác giả. Người đã bằng mọi giá chống đỡ lại số phận khắc nghiệt của mình, bằng mọi giá thắp lên một ngọn lửa cho mình trong căn hầm tối đen. Không thể chờ đợi và hy vọng vào một điều kỳ diệu, chỉ có thể nỗ lực để sống bằng tình thương yêu và những niềm vui do chính mình tạo nên. Đó chính là thứ hạnh phúc căn bản của cuộc đời, và vì thế, dù mỏng manh nhưng không bao giờ tàn lụi
Trích đoạn :
“Những chú chim bé nhỏ của ba, ba rất buồn khi nghĩ rằng các con không biết điều gì đã làm nên khoảnh khắc tuyệt vời nhất của cuộc đời ba
Những khoảnh khắc tuyệt vời ấy là những khoảnh khắc mà ở đó thế giới thu nhỏ lại thành một người duy nhất, ở đó chúng ta chỉ sống vì người ấy và nhờ vào người ấy, ở đó chúng ta run run mỗi lần nghe tiếng bước chân người ấy, giọng nói người ấy, chúng ta ngây ngất mỗi lần trong thấy người ấy. Chúng ta sợ làm đau người ấy nếu ôm người ấy quá chặt. Chúng ta rạo rực mỗi lần ôm hôn người ấy và thế giới quanh chúng ta bỗng trở nên nhạt nhòa
Các con sẽ chẳng bao giờ biết được cơn rùng mình lan tỏa từ chân đến đầu ấy, nó làm nảy sinh trong các con cảm giác xáo trộn, tệ hơn cả việc mất trí, điện giật hay hành quyết. Nó làm các con bối rối, đảo điên và cuốn các con vào cơn cuồng quay khiến các con trở nên hoảng hốt và nổi da gà. Nó khuấy động toàn bộ tâm can các con, làm mặt mũi các con nóng bừng, làm các con đỏ mặt, làm các con gào rú, sởn gai ốc, làm các con ấp úng, nói nhăng cuội, làm các con vừa cười vừa khóc
Bởi lẽ, thế đấy, những chú chim bé nhỏ của ba, các con sẽ chẳng bao giờ biết chia ở ngôi thứ nhất số ít và ở thức trình bày hiện tại động từ thuộc nhóm thứ nhất này :YÊU”
(Trang 86-87)
Tiểu sử tác giả : Jean- Louis Fournier sinh năm 1938 tại Arras, hiện sống và làm việc tại Paris. Ông là nhà văn trào lộng khiêm đạo diễn phim truyền hình. Ở tuổi 70 ông viết “Ba ơi, mình đi đâu” câu chuyện cảm động về hai cậu con trai tật nguyền của ông, đoạt giải Fémina 2008

Lão già mê đọc truyện tình





Dòng Amazon hùng vĩ vắt ngang lục địa Nam Mỹ, hai bên bờ là thế giới xanh rì huyền bí, lặng im mà chứa đựng trong lòng nó vô vàn cựa quậy tinh vi của những cuộc đời hoang dã. Ở đó, Antonia Jose Bolivar Proano, lão thợ săn già lặng lẽ bên túp lều đơn độc của mình say mê đọc truyện tình.

Địa ngục màu xanh
Đó là cái miền xanh thẳm đã tôi luyện lão thành một gã thợ săn lão luyện, nơi mà lão phải trả một cái giá đầu tiên ngay lúc vừa chập chững bước vào ngưỡng cánh rừng, đó là sinh mạng của người vợ yêu thương. Lòng căm thù mới chỉ kịp bùng lên đã tắt vội trước nỗi hoang mang khi đứng trước đại ngàn kỳ vĩ. Lão nhận ra là mình chưa kịp hiểu gì về rừng già, nên không biết trút nỗi căm hờn vào đâu giữa vùng đất mênh mông vô biên này. Và trong quá trình lao vào tìm hiểu nguồn cơn nỗi mất mát, mỗi ngày, lão càng đem lòng yêu thương cái địa ngục màu xanh, nơi máu của lão đã đổ xuống để chất đề kháng trong cơ thể mỗi ngày tích tụ một nhiều lên, để chân lão có thể bước những bước trần mạnh mẽ mà êm ả trên thảm lá dày rậm rạp, và cơ thể lão đầy những vết sẹo như những chiến tích kiêu hãnh. Giờ, lão đã có thể sống như một người Shuar- thổ dân của khu rừng

Và những câu chuyện tình
Nhưng Antonia cho dù có thể sống như một người Shuar nhưng mãi mãi không phải là người Shuar. Lão nhận ra điều này khi bắn vào kẻ thù một loạt đạn. Những viên đạn chỉ làm cho kẻ thù chết nhưng linh hồn bạn lão không thể siêu thoát. Và đôi mắt mở to sợ hãi của những người Shuar làm lão hiểu rằng, trong lão vẫn còn mầm mống của những kẻ khai hoang, những kẻ tham vọng làm bá chủ và thống trị thiên nhiên bằng vũ khí tối tân. Tự lão hiểu rằng mình đã thừa thãi trước sự im lặng ngỡ ngàng của rừng, Antonia lê bước ra khỏi thế giới mình từng say mê, dựng căn lều nhỏ bên bìa rừng và tìm quên trong một thế giới khác. Thế giới của tình yêu nồng cháy, những nụ hôn ngọt ngào, những mối tình éo le mà kết thúc có hậu. Để ngày ngày, lão ngồi bên cửa sổ, đánh vần những cuốn sách tình yêu bằng cái miệng không còn chiếc răng của mình, nghiền ngẫm những con chữ và tưởng tượng về những cảm giác mê hoặc mà mình chưa từng trải qua. Bằng cách đó, lão sống với những vọng tưởng và cất dấu tình yêu dành cho khu rừng ở một ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn mình
Một ngày, miền đất xanh thẳm trong lão không còn yên ổn. Những kẻ ngoại bang ào tới trên những chiếc xuồng máy, những khẩu súng nạp đạn và tham vọng xâm lấn vùng đất hoang sơ. Antonia, dù đã từ bỏ nhưng rồi cuối cùng một lần nữa phải trở về rừng thẳm, đối diện với ký ức đầy những hoang mang lẫn niềm kiêu hãnh của quá khứ. Và khi rừng nỗi giận, những bầy khỉ kêu gào, con mèo rừng bị cướp mất con trở nên hung dữ một cách điên cuồng, những âm thanh và sự cuồng nộ đã kéo lão trở về với cảm xúc nguyên sơ ngày nào, trọn vẹn cái cảm giác mất mát như ngày xưa lão mất vợ, còn bây giờ là cả một thế giới xanh thẳm đang bạc phếch dần dần...
Và những cuộc đối đầu liên tiếp diễn ra, giữa những người khai hoang với thế giới huyền bí đầy tiềm năng, giữa những kẻ chinh phạt và những con thú hoang bị dồn vào đường cùng, và giữa những mâu thuẫn trong lòng Antonia, khi khúc anent của người Shuar vang lên trong lòng lão, với cái lý trí vẫn bảo rằng lão vẫn thuộc về cái thế giới da trắng đầy mưu toan và súng đạn. Những cuộc chiến đấu tận phút cuối
Mạnh mẽ và bi tráng, đó là những gì bạn tìm được ở cuốn sách này. Để nhận ra một điều rằng nếu trái tim có thể rung động trước những thiên tình diễm lệ, thì sao không thể đủ lòng dũng khí để chiến đấu cho từng thước đất, mỗi cái cây, những dòng sông , bầy khỉ, mèo hoang và cả những con rắn độc – tất cả đều là sinh mạng mà tạo hóa đã ban cho trái đất. Trên thế giới này, điều gì có thể tốt đẹp hơn là tình yêu và sự sống? – và điều này hiển nhiên không phải dành riêng cho duy nhất loài người
Tác giả:
Luis Sepúlveda sinh năm 1949 tại thành phố Ovalle, Chile. Sau khi tốt nghiệp trung học ở Santiago ông học ngành sân khấu tại đại học quốc gia Chile. Năm 1969 Luis Sepúlveda học về kịch tại đại học tổng hợp Moscow. Năm 1978 ông đến Quito- Ecuador thành lập đoàn kịch và trở thành đạo diễn của nhà hát Alliance Francaise. Tại đây Sepúlveda tham gia cuộc thám hiểm kéo dài bảy tháng do UNESCO tổ chức và Lão già mê đọc truyện tình được viết từ cảm hứng của chuyến đi đó
Trích đoạn :
“ Lão là một trong số ít người từng sống sót sau nhát cắn của loài equis, và sự kiện hiếm hoi này phải được ghi nhớ trong lễ hội thần rắn
Cuối buổi lễ ấy, lão uống chén natema đầu tiên, loại rượu mùi ngọt tạo ảo giác chế từ rễ cây yahuasca đun sôi, và trong giấc mơ ngay sau đó, lão thấy mình là một phần không thể tách rời của những vùng đất luôn biến đổi không ngừng nghỉ ấy, giống như chỉ là một sợi tóc thêm vào cái cơ thể màu xanh to lớn vô hạn kia, mang suy nghĩ và cảm nhận như một người Shuar, rồi vận quần áo của một tay thợ săn chuyên nghiệp, lão đang lần theo dấu của một con thú bí ẩn, không hình dạng, cũng chẳng mùi chẳng tiếng nhưng rực lên đôi mắt ánh sáng màu vàng
Đó chính là tín hiệu ngầm yêu cầu lão ở lại, và thế là, lão ở lại”
(trang 61)

Nhím thanh lịch


Sự tinh tế ẩn mình

…“Cái đẹp nằm ở đâu? Trong những vật to lớn mà rốt cuộc cũng phải chết như những thứ khác, hay trong những thứ rất nhỏ vốn không có tham vọng gì, nhưng lại biết khảm vào khoảnh khoắc một viên ngọc của vô tận”…
Trong đời mình, bạn đã đi qua bao nhiêu bông hoa trà mà không nhận ra hương thơm lặng lẽ của nó. Bạn đã đi qua bao nhiêu con nhím mà không thấy được sự thanh lịch đang ẩn mình dưới những chiếc gai nhọn. Qua bao nhiên viên sỏi mà không thấy được hạt ngọc tinh khiết bên trong. Và quả tình nếu cuộc đời này đáng chán và tối tăm thì có phải tại chúng ta đã không nhận ra được những vẻ đẹp mà cuộc đời ban tặng?

Nghệ thuật, đó chính là cuộc sống, nhưng ở một nhịp điệu khác.

Vì cái lẽ giản dị này, mà ý nghĩa đích thực của cuộc sống không dễ dàng được nhận ra như một số người ảo tưởng. Để nhận ra nhịp điệu khác của cuộc sống, bạn phải nhìn với đôi mắt khác, để không thấy mọi vật theo cái vẻ bề ngoài: xù xì thô nhám và bề bộn. Bạn cần có cả những rung cảm tinh tế, những đồng cảm lớn lao để có thể thấy được tâm hồn của nhau. Như Renée, Paloma và Ozu.
Những tâm hồn đồng điệu. Đó là cách họ nhìn thấy nhau


Những con nhím cô đơn

Những nhân vật kín đáo và lặng lẽ gây ra những sự ngạc nhiên. Thế giới của Paloma là thế giới tư sản đầy rẫy những thành kiến và kiểu cách giả tạo. Thế giới của Renée là thế giới của người nghèo đầy mặc cảm giai cấp. Tất cả phủ lên hai con người này những lớp vỏ kỳ lạ, xấu xí trong xã hội. Renée cục mịch và thô lỗ, Paloma cay độc và bất thường. Cả hai cùng cô đơn. Trong hành trình đi tìm những khoảnh khắc đẹp đã gặp nhau trong ít phút đồng hồ cùng những tách trà – “nghi thức giản dị tạo ra những cảm giác chân thực, tinh tế cho phép mỗi người bằng cách không tốn kém có thể trở thành nhà quý tộc về khiếu thưởng thức…” Họ là hai con nhím ngồi bên nhau, lặng lẽ nhận ra vẻ thanh lịch trong từng chiếc gai, và lặng lẽ chia sẻ cho nhau vẻ đẹp của cuộc sống.


Vì một bông hoa trà

Ozu lại là một bông hoa trà. Bông hoa tỏa hương trên đám rêu với tất cả sự tinh tế và tình yêu cuộc sống của mình. Ozu là gạch nối, là sự thanh lịch hiện hữu, thỏi nam châm hút Renée và Paloma lại gần ông, và do đó gần nhau. Bên cạnh bông hoa trà, sự ngây ngất của những con nhím đã làm toát lên vẻ duyên dáng thanh lịch cao quý của những tâm hồn biết thưởng thức cái đẹp. Ozu ở đó, để chứng minh rằng cái đẹp có tồn tại trong cuộc sống – nhưng không phải cách người ta thường thấy – nó chỉ dành cho những tâm hồn biết thưởng thức, trân trọng và nâng niu. Ozu nói với Renée : “Chúng ta có thể là bạn, và thậm chí là tất cả những gì chúng ta muốn”…

Hài hước một cách sâu sắc, triết lý mà rất dí dỏm. Trong căn nhà số 7 phố Grenelle, bạn sẽ tìm thấy những sự thanh lịch của những con nhím với chiếc gai nhọn, hương thơm tinh khiết lặng lẽ của bông hoa trà. Bạn cũng sẽ tìm thấy vô số những lý lẽ về những sự vật bé nhỏ tưởng chừng như không hiện diện trong cuộc sống: những chiếc ly, chiếc khăn quàng, con mèo và cái vòi nước ngân nga một bản nhạc khi mở. Sự tinh tế đi đến cùng của tất cả mọi thứ.

Một cách rất Nhật – chậm rãi, nhẹ nhõm và rất thông minh, cộng thêm thứ văn phong thanh lịch có phần kiểu cách, Muriel đã viết cuốn sách như một cách thể hiện đam mê của mình cho nền văn hóa Nhật Bản – tràn đầy sự tinh tế và bay bổng như một bài thơ haiku. Cho dù không thật tốt khi hóa thân vào nhân vật Paloma – vẫn còn sự cực đoan, một chiều trong cách nhìn nhận và vẫn còn quá cay độc cho một đứa bé ở tuổi 12, cuốn sách vẫn thành công với thông điệp độc đáo mà tác giả đưa ra : thế giới này vẫn còn rất nhiều bông hoa trà – dành riêng cho những cảm nhận tinh tế - dù đó là cảm nhận của những con nhím xù xì đầy gai - và rằng đằng sau những chiếc gai là tâm hồn thanh lịch – điều cơ bản là bạn có nhận ra, có đủ lòng tin để chờ đợi – mọi thứ sẽ đến lúc của nó – mà thôi.
- Tại sao ta phải ở lại thế giới này?
- Vì một bông hoa trà


Trích đoạn :
“Thế là những tiếng nức nở từ ngực tôi đã mang theo toàn bộ cuộc sống bí mật của một trí óc cô độc, tất cả những lần đọc sách giấu mọi người, tất cả những mùa đông bệnh tật, tất cả những cơn mưa tháng mười một trên khuôn mặt chị Lisette, tất cả những cây hoa trà trở về từ địa ngục và mắc lại trên đám rêu ở ngôi đền, tất cả những chén trà trong tình bạn nồng ấm, tất cả những lời kỳ diệu từ miệng của cô gái, những bức tranh tĩnh vật rất wabi, những bản thể vĩnh cửu soi sáng hình phản chiếu riêng biệt của chúng, cả đến những cơn mưa mùa hạ chợt đến trong sự bất ngờ thích thú, những bông tuyết nhảy theo những ca khúc đơn điệu của trái tim, và trong chiếc hộp cổ đựng đồ nữ trang của Nhật, khuôn mặt thanh khiết của Paloma. Rồi tôi khóc, khóc không thể kìm nén được, những giọt nước mắt to nóng hổi hạnh phúc, trong khi đó xung quanh tôi mọi người mải mê ăn uống, chỉ còn lại cảm giác cái nhìn của người đàn ông mà khi ngồi cùng ông ấy, tôi cảm thấy mình là một người khác, người ấy nhẹ nhàng cầm tay tôi, cười với tôi với tất cả sự nồng nhiệt trên thế giới.
- Cám ơn, tôi gắng thầm thì trong hơi thở
- Chúng ta có thể là bạn- ông ấy nói – và thậm chí là tất cả những gì chúng ta muốn”