Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Đèn không hắt bóng


Một cuốn sách rất ám ảnh.

Như cái tựa của cuốn sách, Naoe chính là ngọn đèn ấy- sáng rực rỡ, kiêu hãnh và cô độc. Kiêu hãnh sống và kiêu hãnh chết, đơn độc sống rồi đơn độc ra đi. Chỉ có một mình Noriko là hiểu trong ánh sáng chói lòa đó là một tâm hồn u tối đang từ từ gặm nhấm những vết thương và nỗi đớn đau từ thể xác cho đến tinh thần, chỉ Noriko là người duy nhất lặng lẽ bước bên cạnh cuộc đời ngập tràn nước mắt, đàn bà và cả thuốc phiện của Naoe, yêu và hiểu bình thản, không đòi hỏi, không lý do. Sự lặng lẽ dung dị đó đã khiến Noriko trở thành tình yêu duy nhất, ám ảnh và thành thật của thành trì-trái tim Naoe.

Cuốn sách mang một nỗi buồn mênh mang, như tiếng thở dài về thân phận người rồi cũng sẽ chìm dưới đáy mặt nước mênh mông, nhưng cái cách mà Naoe kết thúc số phận của mình, lặng yên một cách bàng hoàng, run rẩy. Cái chết tĩnh lặng đầy khí phách, đương đầu đến cùng với nỗi đau và hơn hết là sự cô độc. Như một ngọn đèn tắt ngấm vào buối sớm mai, tắt vụt chứ nhất định không mờ đi, không nương tựa.

Đó là lý do vì sao người ta sẽ không bao giờ quên được câu chuyện này

Nghe mùi kết thúc


Đọc hết quyển sách này một lần, tôi có thể mô tả cảm xúc của mình là: choáng váng. Nhưng càng lúc cảm giác này càng tan đi, thay vào đó dâng lên một sự hoang mang, càng lúc càng mạnh mẽ. Hoang mang bởi suốt chiều dài quyển sách, chúng ta đã có một câu chuyện được kể với thái độ bình tĩnh, cẩn trọng và tỉnh táo. Tất cả đều khúc chiết, rõ ràng và hợp lý. Vậy mà nó có thể dẫn đến một cái kết thúc gây “bật ngửa”, tràn trề mùi bất cẩn sai lầm đã ủ men từ quá khứ, từ thuở dậy thì khôn nguôi đặt ra câu hỏi về thế giới nhưng rất thiếu tinh tế cho những thứ quanh mình. Tuổi trẻ đã kết thúc, nhưng mùi vị của nó thì chưa, và có lẽ là không.

Sự choáng váng mà Julian Barnes ném vào mặt độc giả cuối sách bắt buộc người ta phải rà lại từ đầu. Sự bất cẩn ấy nằm ở đâu? Trong những lời kể chắc chắn ấy đâu là kẽ hở? Tony đã thận trọng hầu như suốt đời mình, cái xu hướng tìm kiếm sự an toàn ngập đầy quyển sách. Tony không phải là kẻ phóng túng, không phải kiểu cảm tính và thiếu tỉnh táo. Một kẻ như Tony lấy đâu ra sai lầm? Ấy mà có đấy.

Tony đã kể một câu chuyện trung thực, nhưng sặc mùi biện minh. Từ đầu đến cuối cái mùi ấy đã mang máng theo ta nhưng không đủ để ta nhận ra, và ngay cả Tony cũng không biết điều đó. Ông ta tưởng mình đã thấu thị hết quá khứ của mình, và sự bất ngờ chỉ có thể là một thứ đến từ tương lai, chẳng liên quan gì đến những thứ đã qua, đã an bài, đã xếp xó. Tony sai lầm như chính chúng ta, tự tin vào cảm quan của mình về cái gọi là sự thật. Sự thật mà Tony biết chỉ là một mặt của khối đá phẳng lặng phía bên này nhưng nham nhở phía bên kia, phía mà Tony không thấy nhưng có dự phần, có trách nhiệm. Việc trải quá khứ ra để soi rọi như trải một tấm bản đồ không thể giúp được gì cho chúng ta cả. Thế giới này quá đa chiều để có thể nhìn từ một hướng, và quá nhiều lời giải cho một câu đố chúng ta vấp phải trên đường đi. Một kẻ như Tony thì lại quá yêu bản thân để có thể tính đến sự dự phần của người khác cũng như lý lẽ của họ.

Chúng ta chẳng thể làm gì với quá khứ. Nó đã trôi qua và hoá thạch trong tâm trí như một núi đá vôi. Vậy mà thỉnh thoảng nó vẫn phun thẳng vào hiện tại một ngọn lửa và trăm dòng nham thạch, để rồi dằn vặc chúng ta về một kẽ nứt nào đó mà chúng ta đã bất cẩn không lấp kín nó đi. Sự bất cẩn có thể đến từ bất cứ nơi đâu, như cuộc đời Tony là đến từ một cái trứng rán buổi sáng của mẹ Veronica, cái thái độ rất có vấn đề mà Tony không đủ tinh tế để thấy. Vết nứt đã tách ra từ đó, và mãi mãi nằm ở đó.

Có ai trên đời này không sai lầm không nhỉ? Kể cả rất cẩn trọng và hèn nhát như Tony thì vẫn không thể đi hết đời với bản tường trình sạch sẽ, dù có cố chỉnh trang hay phân bua, mọi trang đời chúng ta đều lấm lem cho đến ngày về với đất. Sai lầm là một phần của sự sống. Biết được điều này có khiến chúng ta dũng cảm hơn không, chấp nhận thử thách và trả giá cho mọi thứ không? Tôi không chắc. Nhưng chúng ta đều phải tự chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình, không khác được.

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Những ngã tư và những cột đèn


Tôi không biết Trần Dần đã làm gì với quyển sách này. Ông ấy viết, ông ấy vẽ, hay làm thơ, cũng có thể là ông ấy hát. Hoặc là ông ấy làm tất cả, gò mình trên những con chữ như những nốt nhạc, những câu văn như những vệt màu quệt lên tấm toan, cày bừa trên những đoạn viết không lùi đầu dòng như những ô ruộng đều đặn ngút ngàn chới với. Chúng ta phải đọc từng chữ một để cảm nhận được nhịp điệu của nó, từng chữ một rơi vào tâm trí như nhấn từng phím đàn, vang lên chậm rãi, uể oải cay đắng mà say sưa. Chúng ta phải đọc hết từng câu, để từng nhát màu phất theo câu chữ như nhát quệt của cọ, trưng ra trước mắt những màu sắc thấp thoáng ẩn hiện hoặc rõ ràng nổi bần bật run rẩy. Cứ thế không gian hiện ra, cứ thế không khí ào đến, rực rỡ tới buồn bã, đậm đặc đến tù túng và quạnh quẽ đến thê lương. Cứ thế chúng ta trôi đi theo quyển nhật ký đã mở ra vô tận những màu những mùi những vị, những suồng sã những thơ ngây, những nam tính bất cần nông nổi, những nữ tính say đắm nồng nàn. Để gặt hái về một bầu trời cảm xúc không thể gọi tên, mà nỗi niềm của nó cô đọng như một chất men nồng say đã ủ biết bao nhiêu thời gian ngập ngừng rơi ngay đầu lưỡi.

Những màu sắc ám ảnh người ta rất lâu, màu đen của những đêm vô tận, màu đỏ của rừng cờ dưới mưa sa, màu xám của những ngày mưa phùn cô độc, màu trắng của chiếc khăn rơi trên sân ga, một kỷ vật tình yêu, một bằng chứng tội ác. Cái màu trắng như cánh bướm rập rờn bay xuyên những trang sách, trong cái tiết tấu uể oải thẩp thỏm hoang mang, trong cái suồng sã chân thành. Và chiếc đồng hồ dạ quang sáng lấp lánh thỉnh thoảng xuất hiện, nhắc nhớ về những mốc thời gian đã vô tình hoặc cố tình lãng quên, về những điểm mốc trong đời người, mãi mãi không thuộc về quá khứ, không thuộc về hiện tại hay tương lai, chỉ ở đó như một vết cứa, một ký ức nóng hổi như than trong lồng ngực không tro nào vùi được. Nó ở đó, rực rỡ đau đớn trên tấm toan, giữa chới với bốn bề, giữa giao lộ với những chiếc cột đèn như chứng nhân câm lặng. Chiếc khăn trắng bay giữa rừng cờ đỏ, lẻ loi như một mối tình hư hao đã lỡ, bị vùi dập dưới bao biến cố, âm mưu, toan tính, giữa đời làm người thấp hèn nhu nhược, giữa cam phận, giữa uất hận, giữa căm hờn. Tình yêu và tình thương đi suốt quyển nhật ký, rơi lại cuối trang sách như đúng số phận mà nó phải có, hoà vào buổi giao thời hỗn loạn hoang mang, đọng lại thành một niềm an ủi nhỏ nhoi trong tâm hồn hoá đá.

Biết bao thời gian qua kể từ mùa thu ấy. Những ngã tư và những cột đèn vẫn vô cảm đứng đó chứng kiến bao day dứt hoang mang về những ngã rẽ, số phận, đời người. Tôi vẫn tin mỗi người luôn có một em Cốm của mình, lặng lẽ đi bên đời yêu thương trìu mến, cũng có một chiếc mùi soa trắng dập dờn bay như vết tích của một thời mê đắm cuồng si đầy bất trắc. Giữa dòng thời đại, con người lao đao chới với chỉ có chừng ấy hành trang làm trực cảm để quyết định số phận của mình. Một thời đã qua, nhưng một thời khác sẽ đến, như sau một ngã tư lại là một ngã tư khác, không kém hoang mang, không thôi hỗn loạn. Ngoài tình yêu, chúng ta còn dũng khí, mà những người đi trước đã trao cho, thứ dũng khí như chất men nồng không thể gọi tên ấy, thứ dũng khí mà những số phận nhỏ nhoi ấy đã chưng cất từ cuộc đời mình. Tôi không biết có thể làm gì với nó, nhưng rồi quyển sách này đã trao nó cho tôi. Và tôi nhận.

Công chúa

Nếu bạn có thể cố gắng vượt qua được cái bìa sặc sụa ngôn tình như thế này , bạn sẽ đến được với thế giới của Đ.H.Lawrence, thế giới chân thực đậm đà bản năng, đầy sinh lực và đam mê. Thế giới của tình yêu, đầy đủ cả hai mặt sáng tối, có cuồng nhiệt bay bổng, có hủy diệt man rợ. Hai truyện ngắn trong quyển sách này tiêu biểu cho phong cách mê hoặc hoang dại của Lawrence, đưa người đọc trở về với bản chất của tình yêu và cái giá phải trả cho tình yêu. Truyện ngắn” Công chúa” khơi dậy một thứ tình yêu hoang dã bản năng tiềm ẩn trong con người lý tính và cuộc đấu tranh tàn khốc trong phút ngắn ngủi được sống như chính mình với phần còn lại của định kiến và kiêu hãnh làm một phần của xã hội với những thước đo phù phiếm. Truyện “Con cáo” tỏa ra một bầu không khí man rợ và ích kỷ của tình yêu, vừa quyến rũ tha thiết, vừa tham lam chiếm hữu đẩy người ta đến với cảm giác mê đắm cuồng si lẫn tội lỗi. Cả hai đều là câu chuyện của tình yêu, không khoa trương, không tô hồng, không ảo ảnh. Nó ma mị trong chính sự chân thực và vô biên của chính mình. Không có gì ngoài sự thật tàn nhẫn mà say đắm của tình yêu, như chất độc tiết ra từ trái táo của vườn địa đàng, vĩnh viễn đẩy con người vào thế giới hoan lạc đầy bi kịch.

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Lời bộc bạch của một thị dân


Tôi vẫn thường nghĩ rằng, không có gì may mắn hơn là được sinh ra trong tầng lớp thị dân, thành phần tiểu tư sản trung lưu, không quá giàu để gặp sóng gió vĩ đại, cũng không quá nghèo để rơi vào bất hạnh bần cùng. Tôi sai rồi. Và hạnh phúc vốn là một từ quá chung chung để hiểu, địa vị là tấm voan mỏng che mờ sự hiển hiện và phân bố đồng đều các nỗi đau, những hạt mầm nảy ra từ trong tâm khảm và nuôi dưỡng bởi cuộc đời. Phần đông chúng ta quên nó, bằng tất cả những háo hức khám phá thế giới, bề mặt lấp lánh của thế giới. Chỉ có Marai Sandor cùng một ít nhà văn khác là quay về với những hạt mầm vươn lên từ bản ngã, soi rọi và ôm ấp chúng. Nó là chính ông, một thị dân tiêu biểu với cuộc đời không mấy thăng trầm, nhưng bế tắc và hoang mang, là loài cây được nuôi dưỡng bằng thái độ sống đầy ngập ngừng cẩn trọng với thứ hạnh phúc chới với nhiều hư ảo.

Một quyển sách hay là quyển sách để đọc ngấu nghiến, còn một quyển sách rất hay, nó khiến ta đọc chính mình một cách chậm rãi. Thì Marai Sandor đã viết một quyển không dễ đọc nhưng từng bước một, tôi đi vào nội tâm của ông ấy như đi vào chính ngóc ngách đời mình. Những ký ức êm đềm, những mối quan hệ ràng buộc, những cảnh trí nên thơ và một thứ tâm hồn quá ư nhạy cảm với đời sống. Đó là thế giới mà ông ấy sống, tầng lớp thị dân nửa vời, thứ trưởng giả nửa mùa, với những ẩn ức quê mùa so với quý tộc lẫn nỗi mặc cảm không thể sống hoang dã tự do như dân quê. Nếu có một nỗi bất hạnh nào to lớn của tầng lớp ấy, chính là sự lửng lơ không thuộc về bên nào, sự hèn nhát không dám thuộc về bên nào. Đó chính là sự cô đơn của Marai Sandor, khi cơ thể lẫn tâm hồn rung động với toàn bộ thế giới, thì cùng lúc nhận ra rằng mình chưa bao giờ thuộc về thế giới. Sự đơn độc và trống trải ấy không phải ai cũng tự nhìn thấy dẫu nó có tồn tại trong bản thân mình, nó chỉ thể hiện ngập ngừng ở vài thái độ tự ti, nhút nhát và rồi bằng cách nào đó, người ta dẫm lên chúng để sống, để nỗi buồn tích tụ ở đáy tầng cảm xúc.

Marai Sandor không thế. Ông ấy thành thật, trước tiên là với chính mình. Không phải ký ức nào cũng đáng giá, nhưng ký ức của một người tinh tế nhiều rung động thì có, nó đáng cho ta chiêm nghiệm và nhìn nhận, nó đáng cho ta tin vào những chốn sâu thẳm khôn cùng mà nó rọi tới. Thế giới là một ngục tù tươi đẹp, đánh lừa ta bằng các ảo ảnh. Chỉ có ánh sáng trong tâm khảm mới đủ sức dẫn đường. Và cái ánh sáng mà Marai Sandor đã tìm thấy đó dẫn ông vào con đường trở thành nhà văn một cách kiên định, bất chấp các mối quan hệ ràng buộc, các kỳ vọng và kìm kẹp của gia đình dưới danh nghĩa tình thương. Ông là một kẻ ương ngạnh và nổi loạn sớm, bởi tiếng nói và mầm cây trong ông đã thức dậy và ông trung thành với nó. Bởi tình yêu dào dạt bên trong một tâm hồn không tìm được nơi để thuộc về đã thúc giục ông phá bỏ mọi chướng ngại, làm một kẻ cạo giấy miệt mài để những gì bị kìm hãm bên trong có cơ hội thoát ra ngoài và lên tiếng. Tôi không ngạc nhiên khi thấy ông ấy là một nhà văn vĩ đại. Bởi rõ ràng, phải là như thế.

Văn chương có ích gì? Hỏi một câu kinh điển, dẫu thế chẳng có câu trả lời nào thỏa đáng. Nhưng với tôi, văn chương cứu chuộc những tâm hồn bơ vơ, để nó sống dậy, để cảm quan và nhận thức về thế giới của mỗi người được chia sẻ và rung động cùng. Marai Sandor cũng đã tìm được thế giới của riêng mình, dẫu nhiều giông bão. Và cả tầng lớp thị dân nhiều nỗi niềm đã tạo nên ông có cơ hội được nói tiếng nói của mình một cách chân thành. Đó không phải là niềm an ủi. Đó, là sự tự hào.

Alex

Trinh thám Pháp quả là rất khác biệt. Nó che phủ mọi sự giật gân bằng một nỗi buồn bàng bạc, một chút uể oải chán chường cộng rất nhiều niềm uất hận không nói nên lời. Thành thử nó không dắt ta đi tìm công lý dù có vẻ thế, nó là một hành trình đi sâu vào cội nguồn của bi kịch, một cuộc truy tìm nỗi đau và truy đòi được gột rửa. Pierre Lemaitre thổi bùng lên ngọn lửa qua khe hở của vết thương sâu kín quay quắt trong cõi lòng để tạo nên một câu chuyện tối tăm với chồng chất đau thương, và những nỗi cô đơn chia đều cho tất cả các nhân vật.


Đọc Alex không dễ, nhất là đối với những người nóng nảy muốn đi tìm sự thật, muốn soi rọi, muốn bóc trần, vạch mặt. Cuộc đời không phải là một củ hành để ta bóc hết sẽ tìm thấy lõi. Mỗi cảnh đời chứa đựng một chuỗi dài ký ức, mỗi hành động là một mắt xích trong chuỗi vô tận những lý do quàng xiên ngang dọc đâm vào từng số phận. Không có ai tuyệt đối là thủ phạm hay nạn nhân, nên chẳng ai có quyền phán xét. Mỗi hành động đều là mỗi nỗ lực nhằm tẩy xoá và gột rửa tâm hồn, cố gắng triệt tiêu những ám ảnh và bằng mọi giá xoa dịu những vết thương. Alex, cô gái vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Thanh tra Camille Verhoeven, người đi tìm công lý để bù đắp cho nỗi đau mình gánh chịu. Cả hai người họ đều đi đến kết cục với một nỗi bàng hoàng rằng không bao giờ mình có thể tìm được kết thúc.

Một quyển trinh thám hay, với tôi, nó không bao giờ là câu chuyện hai năm rõ mười. Đó chỉ là trò lừa bịp dành cho trẻ con. Thế giới này phức tạp và u sầu hơn thế. Và rắc rối chằng chịt như tơ nhện, đến mức không ai có thể tách bạch được điều gì. Công tư phân minh chỉ là truyền thuyết, còn thực tế, đầu óc con người là một tấm lưới phong tỏa và nối liền cảm xúc, những nỗi ám ảnh từ những câu chuyện khác biệt cứ thế mà bắt tay với nhau. Thanh tra Camille lần theo dấu vết của vụ án với nỗi đau riêng cứ lần lượt nhúng chân vào mỗi suy nghĩ, lèo lái, định hướng nó. Ông cố thoát ra, cố quay đầu, cố bỏ cuộc. Nhưng càng cố nó càng bóp nghẹt đầu óc và trái tim ông. Lamaitre cứ thế dẫn người đọc và cả Camille đi hết câu chuyện kinh dị này đến sự man rợ khác, đi mãi đi mãi không tìm thấy điểm khởi đầu. Sự thăm thẳm vô cùng ấy hoá ra lại quay về an ủi được nỗi đau của ông, biện giải cho cái chết không lời giải đáp của vợ ông, rằng, mọi sự luôn có lý do của nó, rằng, truy tìm nguồn gốc nỗi đau là điều bất khả.

Quyển sách có hậu hay không, tuy bạn đọc. Với tôi, nó đã có một cái kết xứng đáng, cho một câu chuyện tăm tối bi thương và thăm thẳm đớn đau. Công lý không hoá giải được nỗi đau, trả thù không làm những vết thương khép miệng. Nhưng người ta vẫn làm thế để kỳ cọ những vết chàm mà tâm hồn bị nhúng phải, để chà rửa những ám ảnh, những uất hận, những căm hờn. Dù thế vẫn không bao giờ xóa nhòa được .Tiếng thở dài đã bủa vây trái đất này cả tỉ năm về trước. 

Trinh thám Pháp quả là rất khác biệt. Nhắc lại.

Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Bố già


What's with men and The God father?

Giống như nàng Kathleen Kelly trong phim You've got mail đã than trời khi thấy đàn ông quanh mình say mê quyển sách này đến điên cuồng, từ bạn cùng phòng đến bạn tâm thư, thậm chi đối thủ làm ăn đều cắm cúi trích dẫn The God Father vào mọi lúc mọi nơi - thì tôi cũng thế - Tôi cũng thắc mắc quyển sách này có cái gì mà trù quến người ta dữ vậy? Thế nên tôi phải đọc.

Đọc xong thì tôi hiểu tại sao đây là quyển sách được xem như Nhập Môn Đàn Ông của một nửa thế giới. Bởi chất Nam tính của nó đậm đặc không kém gì dầu oliu loại 1. Ngang tàng, hoang dã điên rồ nhưng rất nồng ấm dịu dàng, quyển sách dẫn người đọc đi vào thế giới mê cuồng thấm máu của Mafia Ý trên đất Mỹ một cách chân thực sống động và đời đến không ngờ.

Điều gì là quan trọng nhất của một người đàn ông? Với Mario Puzo có lẽ đó là khí phách. Khí phách dẫn dắt mọi luật lệ trong giới giang hồ, khí phách ngẩn cao đầu lạnh lùng trước mọi biến cố, khí phách đối diện với thực tế đẫm máu và mất mát để biết tiến biến lùi, biết ẩn thân biết ra mặt. Khí phách không phải thứ để lấy le, ra oai, làm bộ hổ báo súng đạn mà khí phách là thứ tiềm tàng, âm thầm tỏa cái quyền uy của nó lên bầu không khí xung quanh, lạnh lùng dứt điểm vấn đề không chút ăn năn vướng bận. Khí phách buộc cái đầu và trái tim tách bạch rõ ràng không dính dáng đến nhau để tôn trọng luật chơi tới cùng, vì đại cuộc.

Nếu như Kim Dung có thế giới võ lâm bàng bạc chất thần tiên, thì Mario Puzo có thế giới Mafia đậm chất hiện thực. Nhưng cả hai đều thi vị và hào hùng. Cái thi vị của Mafia là cái thi vị của người đàn ông hoang đàng dữ dằn khi đến với tình yêu và biến cái dữ dội trong mình thành sự si mê đắm đuối, bất chấp tất cả để chơi tới bờ tới bến. Và sự hào hùng của Mafia cũng như của thế giới kiếm hiệp chính là cái hào hùng uy vũ của LUẬT GIANG HỒ, dám chơi dám chịu, dám sống dám chết, dám đương đầu. Cuộc họp kín của các băng nhóm của thế giới ngầm trong The Godfather đâu có thua kém gì Đại hội võ lâm trong kiếm hiệp, và cũng chẳng khác gì cuộc họp của hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, có khác chăng chỉ khác có luật lệ mà thôi.

Sẽ thật thiếu sót nếu như nhắc đến tác phẩm này mà không nhắc đến dịch giả Ngọc Thứ Lang, người đã khai sinh tác phẩm này một lần nữa trên đất Việt Nam, với cách dịch ngang tàng vô tiền khoáng hậu, đậm mùi giang hồ đâm thuê chém mướn mà cùng vô cùng mùi mẫn trữ tình. Chỉ có Ngọc Thứ Lang mới dịch The Godfather thành Bố Già để từ đó Bố Già mãi mãi trở thành một danh từ chung chỉ Trùm bang hội. Cách sử dụng từ ngữ rất bình dân chất phác nhưng đắt giá, đọc thấy thấm vào mình tất cả vẻ hung hăng cục mịch mà dí dỏm tinh tế, chất giang hồ hiểm trở thủ đoạn mà pha chút ngây thơ, cợt nhả. Ngọc Thứ Lang đã làm sống dậy một thế giới ngầm đầy ma lực, đầy vũ bão nhưng cũng đầy yêu thương trìu mến. 

Gấp quyển sách lại, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là phải đọc thêm một lần nữa, một lần nữa, nhiều lần nữa, đọc đến thuộc lòng những đoạn tâm đắc, mà có khi thuộc cả quyển sách cũng nên. Đọc một quyển sách về thế giới ngầm đầy tội ác, vừa kinh sợ, vừa ngưỡng mộ, vừa cảm nhận được sự nguy hiểm đồng thời cảm nhận sự chân thành. Tại sao trên đời lại có một quyển sách cho ta nhiều cảm xúc đến như vậy ?

Hỡi những người đàn ông, giờ thì em đã hiểu

Đồi thỏ


Đồi thỏ là một quyển sách rất đặc biệt. Nó không khoác áo lông thú cho con người theo cái cách mà người ta thường làm với mỗi câu chuyện bằng biện pháp nhân hoá ẩn dụ nọ kia. Quyển sách này đã tôn trọng loài thỏ hết mức, để mỗi con thỏ xuất hiện trong câu chuyện này, hoàn toàn rất thỏ. Thỏ trong cá tính, tập quán, lối suy nghĩ và hành vi, thỏ trong phong cách và thỏ trong lịch sử của riêng chúng.Thỏ trong câu chuyện sử thi hào hùng độc nhất vô nhị, đầy kiêu hãnh, tự tôn lẫn khiêm nhường. Với toàn bộ hiểu biết sâu sắc của mình về loài động vật nhu mì khôn ngoan ấy, Richard Adams tỉ mỉ khắc họa một hành trình đi tìm đất sống mới của loài thỏ đầy gian truân thử thách pha lẫn thi vị và cả chất thơ. Một cuộc thiên di mạnh mẽ với khát vọng tự do không thua kém bất cứ loài vật nào, kể cả con người.

Những con thỏ khiến chúng ta nhớ về những người da đỏ, về một thế giới tự nhiên đã bị nền văn minh của loài người xâm lấn hủy hoại như thế nào. Những con thỏ vùng vẫy trong làn hơi độc trắng, những giấc mơ đầy tuyệt vọng và ám ảnh của chú thỏ Thứ Năm, cuộc sống đờ đẫn đầy thắc thỏm của Anh Thảo Vàng, tất cả đều là kết quả của sự tàn ác một cách vô cảm của loài người, giống loài tự cho là mình biết tất cả nên không sợ gì cả, kể cả sự ngu dốt của chính mình. Thủ lĩnh Cây Phỉ và các bạn của chú không mơ mộng, không tham vọng. Chúng chỉ chạy trốn nền văn minh đã cào bằng các giá trị và lẽ tồn sinh của tự nhiên. Một cuộc đào thoát gay cấn, kích thích mọi giác quan và óc tưởng tượng. Trên thực tế, chúng ta biết rằng, không phải loài nào cũng may mắn như loài thỏ.

Đọc Đồi thỏ, tôi thấy phấn khích, gay cấn, hồi hộp. Nhưng sau tất cả những cảm giác ấy, tôi thấy xấu hổ cho chúng ta - loài người - thủ phạm của hầu như tất cả mọi bất hạnh cho loài thỏ và các loài khác, thủ phạm của những đổ vỡ, chia cắt, hiểm nguy. Quyển sách tạo ra một dư âm lặng câm, giống như nỗi bàng hoàng của một kẻ soi gương thấy mình xấu xí. Trong đôi mắt tròn xoe của những chú thỏ dũng cảm, tôi thấy sự hèn yếu của loài người, về trí khôn tàn nhẫn của loài tự cho là thượng đẳng. Đồi thỏ là một quyển sách kích động không chỉ những giác quan, mà còn là lương tâm của người đọc,nếu như thật sự là chúng ta có nó.

Gia đình Buddenbrook


TẤT CẢ NHỮNG BỮA TIỆC RỒI SẼ TÀN

Lời cáo chung ấy đã khởi động ngay từ những trang đầu tiên khi Thomas Mann mở màn cho quyển sách về dòng họ Buddenbrook bằng một bữa tiệc. Linh đình, trọng đại, xa hoa và đầy kính cẩn. Tinh thần của bữa tiệc ấy như một lời nguyền lên các thành viên của dòng họ, để từng người một hủy hoại chính mình bằng cái khao khát duy trì tính thượng lưu và tôn thờ vật chất như tôn thờ danh dự của gia tộc mình. Bằng cách đó, họ trở thành nô lệ của đồng tiền và quyền lực, nô lệ của những tư tưởng theo họ là kiên cố như bàn thạch, thứ tư tưởng tư sản cổ điển với niềm tin về sự hoàn hảo và bất biến của mình. Họ không biết rằng, ngoài kia thế giới đang chuyển mình trong cơn giông gió mới của cuộc cách mạng toàn châu Âu, và một cơn bão nữa : cuộc chiến tranh Áo-Phổ. 

Thế giới đang đổ máu cho những khao khát tự do, trong khi dòng họ Buddenbrook vẫn đang từng ngày đem tự do của chính mình ra để đổi lấy khát vọng giàu có. Họ vẫn kiên định với lựa chọn của mình trong đau khổ, trong vật vã. Hàng ngày chống trả bản năng tự do đang lồng lên trong một hình tượng thượng lưu được đóng khung để suốt đời sắm vai một người xa lạ. Bất hạnh đó không phải chỉ riêng của dòng họ Buddenbrook, mà còn của cả giới tư sản toàn châu u với tư tưởng bảo thủ kinh điển, không đủ năng động để biến chuyển theo thời cuộc, chỉ còn cách dậm chân tại chỗ chờ tàn lụi dần, chờ thời gian phủ lên tất cả.

Anthony, Thomas, Christian, ba người cháu được kỳ vọng nhất của gia tộc Buddenbrook, mỗi người sa vào bi kịch theo mỗi cách riêng. Anthony, vì sự đơn giản của chính cô, vì lòng tin vào cách sống mà cô cho là hợp lẽ, vì niềm tự hào được là một phần của dòng họ danh giá ấy, cô năm lần bảy lượt đối diện với các biến cố cuộc đời với hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, bị lừa dối, ruồng rẫy, coi khinh. Christian, một tâm hồn bạc nhược và yếu đuối, thần kinh nhạy cảm dễ kích động, phù phiếm hèn yếu như một vết nhơ nỗi nhục của gia đình. Nhưng Thomas, có lẽ mới là nhân vật chứa đựng nhiều bi kịch nhất trong câu chuyện, với nỗ lực gần hết cuộc đời để xây dựng một chiếc mặt nạ hoàn hảo, một thị dân mẫu mực và tiêu biểu. Bằng mọi giá, Thomas chống lại sự yếu đuối vốn không kém gì cậu em trai mình, chống trả lại khao khát tự do và tình yêu. Thomas coi khinh Christian, coi em mình như một thằng hề, con rối mà không biết răng mình cũng không khác là bao. Không chấp nhận bản thân, không thừa nhận bản năng, Thomas hoàn toàn là một con rối bị giật dây bằng ý thức hệ của mình, thứ gông cùm xiềng xích đã gắn chặt vào người như máu thịt.

Cái tài tình của Thomas Mann chính là giữ cho những cá tính đầy chông chênh kia bên nhau trong suốt quyển tiểu thuyết đồ sộ của mình cho đến gần cuối quyển sách. Không phải chỉ có sợi dây huyết thống buộc chặt họ lại, mà còn bởi vì họ luôn nhìn thấy chính mình trong hình ảnh của người kia. Thomas luôn thấy sự yếu đuối của mình qua vẻ điên khùng của Christian, Anthony thấy sự tự tôn và kiêu hãnh của cô trong vẻ đạo mạo của Thomas... Họ cứ thấy nhau, họ giằng co nhau như giằng co với chính mình. Họ mải mê vật lộn với bản thân, đấu tranh với bản ngã. Họ kiệt sức vì chính họ.

Sự suy tàn của dòng họ 4 đời Buddenbrook tuy buồn bã thảm sầu nhưng chứa đựng một sự nhẹ nhõm thanh thản, giống như cơ thể sau một thời gian dài gồng lên cho ra vẻ bảnh trai, cuối cùng cũng chấp nhận xuôi tay khuỵu xuống. Trong nỗi tàn tạ héo hon là một tâm hồn thư thái, hơi thở nhịp nhàng. Thomas khi rũ khỏi mình chiếc mặt nạ đạo mạo trọng vọng xuống, buông tay phó mặt cho mọi thứ trôi theo tự nhiên. Đã có lúc tôi tưởng ông chạm tới được sự giải thoát, nhưng rồi phần xiềng xích đã hoá máu thịt vẫn dựng đứng ông lên trong phút cáo chung cuối cùng để đổ ập xuống như bức tượng thạch cao, vỡ vụn. Chỉ có Anthony là đi qua hết những biến cố vì cô thành thật với bản thân, cô sống hài hoà với hiện tại. Cô là hơi thở nhẹ nhõm cuối cùng của cả dòng họ đã đóng khung thế giới của mình quá lâu tới hoá thạch. Duy nhất cô đủ sức đón gió mới.

Cuốn tiểu thuyết đồ sộ ôm hết thế giới tư sản châu Âu vào trong lòng nó. Đó là cái ôm đau khổ trìu mến. Những đổ vỡ trong thế giới mà Thomas Mann là một thành viên, khi khúc nhạc bi ai của phai tàn ấy được tấu lên trong lặng câm giữa luồng gió mới,chỉ những người trong cuộc mới nghe thấy. Bữa tiệc đã kết thúc, dư âm hạnh phúc lẫn đau khổ của nó bị chôn vùi trong tiếng gào thét của thời đại. Chỉ có những ký ức không thể hoá tro tàn là còn đó trong bảo tàng lịch sử của riêng mình. Bữa tiệc nào đã từng huy hoàng như thế.

P/s: Một chút ngoài lề về Thomas Mann và những tác phẩm của ông. 
Trước khi đọc Gia đình Buddenbrook, tôi đã đọc Núi thần và Chết ở Venice, vốn được Thomas Mann viết sau. Một khi đã đọc Núi thần thì khi quay lại với Gia đình Buddenbrook sẽ thấy một sự khác lạ rất lớn. Lẽ dĩ nhiên là như thế, 2 tác phẩm đồ sộ này thuộc về hai giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp sáng tác của Thomas Mann. Gia đình Buddenbrook là tác phẩm đầu tay, nặng về tính hiện thực, trong khi Núi thần được viết ở thời kỳ ông đã chín muồi về mặt tư tưởng với cái nhìn cao hơn và rộng hơn, nên thiên về tính biểu tượng và chứa đựng triết lý nhiều hơn. Tuy nhiên với cả hai tác phẩm, nét cười ý nhị dí dỏm của Thomas Mann luôn hiện hữu, kể cả trong bi kịch hoặc sự phẫn nộ, ông không bao giờ cất đi nụ cười tinh nghịch của mình. Nụ cười làm mọi thứ trở nên chịu đựng được một cách rất minh triết.

Riêng về quyển sách này, rất nhiều người chần chừ khi cầm một tác phẩm tiếng Đức mà lại chuyển thể sang tiếng Việt từ tiếng Trung. Tuy không thể bàn đến tính đúng- sai của nó, nhưng xét về mặt văn phong và cách dịch, thì tôi nghĩ rằng đây là một bản dịch hay. Không bị tình trạng Tàu hoá văn phong như các bản dịch khác, quyển sách này rất nhuần nhị Việt Nam, tới mức văn phong và đại từ nhân xưng trong quyển sách làm tôi hình dung ra một gia đình tư sản Hà Nội trước năm 45 trong các tác phẩm của Tự lực văn đoàn. Không uổng phí 800 trang sách khổ lớn.

Chỉ có điều, hãy bỏ qua lời giới thiệu đầy tính định hướng XHCN ở những trang đầu tiên của dịch giả. Nếu có thể như thế thì không còn gì để phàn nàn về quyển sách này nữa.

Hania


Không có mối tình nào như mối tình đầu. Dẫu nó không phải là mối tình nồng cháy nhất, mãnh liệt nhất hay đau khổ nhất, thậm chí cả khi nó có thể không phải là tình yêu, thì nó, vẫn là một mối tình đặc biệt để khắc cốt ghi tâm, để hoài nhớ, để xuyến xao. Để tất cả những niềm hạnh phúc hay đau khổ sẽ đến với mỗi người sau này đều phảng phất bóng hình của những ngọt ngào đắng chát xưa ấy, của lần đầu tiên ấy. Từ ngày ta biết có tình yêu...

Henryk có yêu Hania không? Tôi không chắc. Đó có thể là chút ảo tưởng hay ngộ nhận ở tuổi dậy thì. Nhưng Hania chính xác là mối tình đầu của cậu, là người đầu tiên làm rung lên sợi dây lòng mỏng manh non nớt trong tâm tư cậu, là niềm hân hoan rạng ngời, là nỗi buồn thầm kín, là những ưu tư những băn khoăn và suy tính lần đầu tìm đến trong đời. Mối tình đầu không bao giờ thành của cậu, những vết thương lòng, những ảo vọng ngọt ngào và những thất vọng lớn lao, tất cả khai mở cho con đường trưởng thành của Henryk, nhào nặn cậu trong quay cuồng những cơn sóng yêu thương hờn giận căm thù...và lớn lên. Hania rút lui vào trong ký ức, ở đấy như một vết sẹo đã ngủ yên, chỉ thỉnh thoảng thức giấc trong một chút đau đớn nhẹ nhàng và ngọt ngào, làm sống dậy không chỉ một hình bóng mà cả bầu không khí, khung cảnh êm đềm và ấm áp, hương vị của hạnh phúc đoàn viên, của gặp gỡ và rồi chia ly. Hania không chỉ là cô nhân tình trong mộng, Hania là cả một thời mới lớn mới yêu...

Trên nền một bối cảnh nhẹ nhàng phong lưu, những rung động thầm kín trong lòng Henryk có cơ hội vang lên mạnh mẽ hơn giấu trong sự nhút nhát của anh chàng, với những e dè, với những ngổn ngang, với những hờn trách, với tất cả những gì chỉ riêng có ở mối tình đầu. Những vụng về thầm lặng ấy, sự ngập ngừng hoang mang ấy ta sẽ không thể tìm được ở mối tình tiếp theo, khi đã trưởng thành, khi chính chắn và can đảm. Kinh nghiệm sẽ khiến người ta không cho phép tự làm mình đau đớn nhiều hơn, nên mãi mãi lần đầu tiên sẽ là lần đau đớn nhất, bằng những ảo tưởng và hy vọng ngập tràn. Nỗi đau ấy chỉ có thể đến một lần duy nhất trong đời, nỗi đau ghi dấu tình đầu.

Tại sao tình đầu đặc biệt? Vì nó đã kết thúc, nhưng sẽ không bao giờ nguôi.

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

Lấp lánh

Càng ngày tôi càng nghĩ, có lẽ từ ban đầu, Chúa đã không chỉ tạo ra Adam và Eva. Ngài sâu sắc (tức là phức tạp) hơn thế rất nhiều. Và chắc ngài cũng rảnh hơn là ta nghĩ. Ngài lấy xương sườn của Adam tạo ra Eva, rồi lại lấy xương sườn của Eva tạo ra Adam phẩy, rồi lấy xương sườn của Adam phẩy tạo ra Eva phẩy. Cứ thế cho đến lúc ngài mỏi tay. Cây táo trên vườn địa đàng chắc cũng có nhiều trái, tuỳ vào việc người ta ăn trái nào, gần mặt trời hơn hay xa mặt trời hơn mà chất độc cũng có khác nhau. Nhưng ăn trái nào đi nữa thì cũng là cây ấy thôi. Nghĩa là giờ chúng ta yêu ai đi nữa, thì cũng là yêu thôi. Chúa đồng ý hết.

Lấp lánh là một câu chuyện tình yêu dịu dàng và lấp lánh như tên của nó, thứ ánh sáng của những mảnh vỡ thủy tinh lao xao bên nhau, soi vào nhau và cần có nhau trong cuộc đời. Một câu chuyện đặt tình yêu đồng tính và dị tính lên bàn cân rồi không thèm quan tâm đến cây kim đã lệch về phía nào, cho đến hết câu chuyện. Một cái cân vô nghĩa nhất thế giới. Mà chúng ta có vô vàn những cái cân như thế. Chúng ta tưởng mình cần, thật đáng thương.

Tôi cũng tưởng mình cần, nên tôi đã thương họ cho đến gần hết quyển sách. Nhưng họ không cần sự thông cảm của tôi. Họ thấy đủ rồi. Shoko không muốn gì hơn là Mustuki, người chồng đồng tính nam, người chồng với mối tình tha thiết với Kon, cậu bé đẹp trai, mối tình đầu của anh. Anh cũng cần cô, người vợ bên cuộc đời để làm đẹp lòng gia đình, thương và trân trọng cô. Và anh vẫn yêu Kon, Kon vẫn yêu anh. Chúng ta có một mối tình tay ba nực cười và rồi chỉ chúng ta cười thôi. Họ hạnh phúc và bình yên với lựa chọn của mình. Họ cần nhau, bên nhau. Thế thôi.

Đi từ đầu cho đến cuối, cuốn sách vẫn giữ nguyên vẹn sự nhẹ nhàng khoan thai của mình, đan cài những số phận vào nhau, vá víu những cô đơn và những nỗi mặc cảm không nguyên vẹn của mình. Tình yêu rất đơn giản, tình yêu rất trong trẻo nếu ta biết tháo đi gánh nặng của ham muốn và sở hữu, buông tay cho cảm xúc dẫn đi hết đoạn đường đời ngắn ngủi của kiếp người. Tôi nhìn ba người họ bên nhau, thản nhiên, hạnh phúc. Tôi muốn biết Chúa đã nghĩ gì trước những chọn lựa của những sản phẩm mà mình tạo ra. Mà chắc là ngài không nghĩ gì đâu, ngài phẩy tay : ôi dào, làm gì, chọn gì kệ chúng bây, hạnh phúc là được.
Hạnh phúc là được 

Phía sau nghi can X

Đây là một quyển trinh thám đã phá sập định kiến của tôi về trinh thám, cái vẻ vờ vĩnh giấu chỗ này một ít, chỗ kia một ít, cái kiểu im lặng lửng lơ lấp lửng lúc cao trào, cái kiểu làm màu giật gân cho hồi hộp chơi và đến khi đọc xong thì cũng đến lúc cảm giác về mo. Không, đây không phải là kiểu trinh thám như thế. Nó đã thoát ra ngoài cơ thể gồng cứng và những đòn cân não bệnh hoạn chán ốm, nó đi ra ngoài để đến với cuộc sống, để trở thành một quyển tiểu thuyết rất đời, theo một lối viết rất dung dị.

Ngay từ đầu, Higashino Keigo đã ngửa bài tất cả, từ nạn nhân đến hung thủ đến động cơ giết người. Ông không giấu gì. Nhưng cuộc đời là vậy đó, ta tưởng mình thấy hết, nhưng thật ra mỗi người vẫn là một cái giếng sâu, điều ta thấy vẫn là bóng của chính mình. Quyển tiểu thuyết này dắt ta đi trong cái vòng luẩn quẩn của thường nhật, để rồi bế tắc trong đó, như ngõ cụt mà Kusanagi rơi vào lúc phá án. Không phải anh không có tài, nhưng anh đã không có được cơ hội mà Yugawa có, đó chính việc được quen và biết và hơn hết là hiểu hung thủ - Ishigami. Chân tướng của sự việc cũng như chân tướng của một con người, chỉ có thể hiểu mới nhận ra được.


Phía sau nghi can X đánh lừa tất cả chúng ta, bằng cái vẻ điềm tĩnh giản dị của nó. Ví như cái tên, nó khiến tôi ngỡ là mình đi tìm hung thủ, ví như những nhân vật trong câu chuyện toàn là những bộ óc thiên tài khiến tôi nghĩ đến sự siêu việt hoang tưởng, đặc sản của thế kỷ trước . Nhưng không phải. Nó không cần một cái kết cao trào hả hê chiến thắng, không cần một chiến công, nó cũng không phải là cuộc chiến của những dị nhân. Những thứ phù phiếm như thế không phù hợp với cuộc đời. Đằng sau mỗi vụ án, không chỉ có những tay thám tử, những tên hung thủ và công cuộc vờn nhau như một kiểu khoái cảm điên rồ. Mà sau nó là nỗi đau, sự sợ hãi, là nỗi buồn, là bất hạnh, là cô đơn, là hy sinh và phần nào đó, là hạnh phúc. Sau mọi thứ, vẫn là đời thường với những trái ngang âm thầm chôn giấu.

Camus đã nói rằng, thật dễ dàng tìm được mục đích sống, nhưng rất khó để tìm ý nghĩa của cuộc sống. Và tự sát là điều duy nhất có ý nghĩa trên cuộc đời này. Thật đúng với Ishigami, một thiên tài toán học trăm năm có một, người bị cuộc đời giam hãm niềm đam mê bằng những xô đẩy xui xẻo của nó. Không tìm được ý nghĩa đời mình, không thấy được lý do và niềm vui sống, Ishigami đã quyết định tự sát. Nhưng vào giây phút anh đút đầu vào thòng lọng, thì mẹ con Yasuko bấm chuông cửa, đem đến cho anh đôi mắt dịu dàng và một niềm vui sống mới. Lý do duy nhất mà anh ở lại trần gian, và cũng là khởi đầu cho sự việc rời bỏ nó thêm một lần nữa...

Cuốn sách bày ra ngổn ngang những mảnh đời, những mảnh ghép của một vụ án , dịu dàng lần theo các đầu mối để giải một bài toán ngắn gọn nhưng hóc búa. Đến khi mọi thứ hiện ra thật rõ ràng, mảnh ghép cuối cùng xuất hiện, đẳng thức được chứng minh, thì cùng với sự bất ngờ tưởng như sẽ không thể có ập đến, là một nỗi buồn mênh mông xâm lấn. Tội ác, tình yêu, sự hy sinh, sự tàn nhẫn, ý nghĩa của sự tồn tại vang lên như một bản nhạc thê lương mạnh mẽ. Không phán xét gì cả, bởi chúng ta chẳng bao giờ phán xét được ai. Bởi sự trừng phạt lớn nhất chính là mất đi sự thanh thản của đời mình, thì họ đã nhận lấy.

Và bởi vì, chúng ta sống vì điều gì, thì chúng ta sẽ chết vì điều đó. Mọi thứ đều xứng đáng để ta chọn.

Salammbo

Tình yêu và chiến tranh có lẽ là hai lời nguyền mà thượng đế dành cho loài người. Hai thứ vĩnh viễn kinh điển của nhân loại, không bao giờ lỗi mốt và nhàm chán. Tuy nhiên, con người luôn có quyền chọn lựa, trước cả tình yêu lẫn chiến tranh, hoặc tiến lên, hoặc phó mặc. Dù cả hai đều dẫn đến cánh cổng địa ngục của sự hủy hoại, nhưng hương vị và sự trải nghiệm của nó khác hẳn nhau, hẳn là vậy.

Flaubert đã chọn một câu chuyện cổ xưa để phác thảo ra nhân loại, một câu chuyện chứa trong lòng nó hai câu chuyện kinh điển, nóng hổi từ ấy cho đến hai mươi tư thế kỷ sau. Hai câu chuyện đan cài nhau, giật dây nhau và chia cắt nhau, hai câu chuyện tưởng như trái ngược nhưng thật ra luôn là một. Cuộc chiến tranh đẫm máu giữa Lính đánh thuê và thành Carthage, cuộc chiến mông muội đen tối đầy bản năng, và tình yêu giữa một tên thủ lĩnh đội lính đánh thuê và con gái của Pháp quan thành Carthage, Matho và Salammbo. Không kém cạnh cuộc chiến, đó là một tình yêu si mê và thù hận, say đắm và điên rồ, liều lĩnh hoang dại. Đó là tất cả những gì đại diện cho bản năng của con người, phần đen tối và thú tính nhưng cũng là phần yếu đuối nhất, mãi mãi không cởi bỏ được.


Cuộc chiến thành Carthage gây ra một cảm giác nghẹt thở, tù túng và kinh hoàng bởi sự man rợ đẫm máu của nó, như mọi cuộc chiến tranh khác suốt dọc các nền văn minh. Cùng với nó là một mạch chuyện khác, kín đáo lặng lẽ hơn, nhưng có lẽ là sôi sục hơn. Là mối tình si của Matho dành cho nàng Salammbo, một tình yêu gần như là tín ngưỡng. Và tôi nhận ra rằng, nó là thứ đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh, chứ không phải là gì khác. Hoá ra tình yêu là tội đồ, là nguyên do, là lý lẽ. Chẳng phải mọi cuộc chiến trên hành tinh này đều nhân danh tình yêu đó sao? Một thứ đẹp đẽ ngọt ngào dường ấy có thể sản sinh ra cả một thảm hoạ. Dù muốn dù không, thì đó vẫn luôn là sự thật.

Thế nên, chừng nào chúng ta còn yêu, chiến tranh sẽ luôn luôn tồn tại. Nhưng ai cần quan tâm, trái tim khi yêu mù quáng hết chỗ nói. Matho làm tôi nhớ đến Du Thản Chi trong tiểu thuyết Kim Dung, đã yêu A Tử đến mức hiến dâng đôi mắt của mình, hành động mà Bùi Giáng gọi là "triệt để mù loà đi vào sa mạc tình yêu", thì Matho cũng đã mù loà như thế, đã đi vào sa mạc tình yêu như thế, bất chấp sau lưng chàng là một cơn bão cát khổng lồ đã dấy lên từ những bước chân mình. Matho, kẻ yêu dại dột và ngu si, kẻ vượt qua cả ngàn quân và trèo qua mấy bức tường thành, chỉ để được gặp người đẹp, kẻ không đoái hoài gì đến sĩ diện và cơn giận của mình, cơn giận chưa kịp thốt ra đã vội phủ phục dưới chân nàng mà run rẩy nói lời yêu, kẻ chỉ còn nghe thấy tiếng trái tim, chỉ còn biết đến tình yêu và vị thần của lòng mình. Bản thân chàng, cơ thể chàng và tâm trí chàng chàng không thèm đếm xỉa nữa thì huống gì là nhân loại.

Chiến tranh và tình yêu đều là hai cuộc dấn thân của con người theo tiếng gọi mê cuồng của chinh phục và chiếm hữu. Đó đều là những niềm hoan lạc với cái giá phải trả không gì đong đếm được. Lời nguyền của thượng đế chính là chất độc hoan lạc ấy, thứ đã ngấm vào trái cấm trên vườn địa đàng, dẫn dắt loài người đi vào mê lộ của tình yêu và thù hận, của ham muốn và chiếm hữu. Một con đường duy nhất mà chúng ta chỉ có thể đi tiếp, đi tiếp cho đến lúc lãng quên. Trước khi đến được lúc ấy, thì hãy yêu thôi, yêu như Matho đã yêu Salammbo, trọn vẹn duy nhất, kinh thiên động địa, điên rồ bất khả. Hãy yêu như cách tận hưởng nốt những giọt thuốc độc ngọt ngào mà thượng đế đã tưới tắm trần gian. Dù sao, hãy lựa chọn cho mình một cái chết lộng lẫy nhất có thể, nếu chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài cái chết.

Cưỡng cơn gió bấc

Người ta gọi đây là một thế giới ảo. Nơi tôi đang viết những dòng chữ này, nơi những con chữ rơi ra khỏi ngón tay tôi, gieo xuống bàn phím những tiếng kêu lách cách, chạy qua rất nhiều sợi dây mạch điện chằng chịt để rơi vào một khoảng mênh mông của tâm trí. Cái gì ảo? Dòng chữ của tôi? Tâm trạng của tôi, những điều tôi kể, cả những điều tôi không kể? Những khoảnh khắc trong cuộc đời hữu hạn này, khi ta gói ghém chúng và ném lên đây, để rồi người ta gọi nó là ảo. Thật đáng dỗi hờn.


Nhưng thôi được, nếu bạn gọi nó là ảo, thì cuốn sách này đang kể về một câu chuyện tình yêu ảo. Một cơn say tình mãnh liệt nhất tôi từng biết, với trùng điệp tâm trạng khi yêu vỗ bờ email qua những dòng chữ và những khoảng trắng, qua những lời hồi đáp dài miệt mài lẫn những câu trả lời cụt lủn lẫn cả những lần im lặng. Tôi cảm nhận được tình yêu của họ, nỗi khát khao có nhau của họ tới từng chân tóc của mình. Nếu ta còn gọi đây là ảo, thì tôi biết gọi những cảm xúc của mình là gì bây giờ.

Có điều tôi biết, nó cũng không phải là thật, vì nó không phải là toàn bộ sự thật. Nếu người ta chỉ có thể sống hoàn toàn với hiện thực, sẽ không có một dòng sông nào để cho những chuyến xà lan cảm xúc chất đầy tới nóc xuôi ngược hai bờ, và cũng chẳng có bến bờ nào để neo đậu. Đó là một thế giới mà người ta đã cắt một phần sự thật cua đời mình ném vào giữa bốn bề sương mờ giăng phủ, để chỉ có thể sống với duy nhất phần sự thật mà mình muốn sống cùng, chỉ có thể sống trọn vẹn nhất với những nỗi niềm riêng tư nhất. Ở đó, bạn nên biết rằng con đường của tình yêu sẽ rất thuần khiết, nghĩa là đi thẳng từ tâm hồn này sang tâm hồn khác, không vòng vo, không choáng ngợp hay bốc đồng. Như là một dòng sông chảy giữa đôi bờ, chỉ biết đến đôi bờ mà không hề vướng bận.

Lý tưởng là như thế. Đó là lý do tại sao cả Emmi và Leo đã không thể rút chân ra khỏi thế giới bàng bạc mộng tưởng của họ ngay cả khi họ nhận ra rồi tình yêu này chẳng thể dẫn đến đâu. Thế giới đầy ma lực và cảm xúc của hai con người quá đỗi thông minh dí dỏm tới mức đều tự nhận mình là phi tiếu lâm, thế giới của hai rung động cùng tần số, thế giới ấy không có hồi kết, như dòng sông chảy mãi không tìm thấy cửa biển của mình, mà tình yêu thì lớn dần, nước sông thì đầy mãi. Đó là khi lý tưởng vỡ tan, sương mù tan loãng, một phần của sự thật hiện ra giữa bộn bề của sự thật, dòng chảy quẩn quanh với lựa chọn cuối cùng là được quên đi, một ngày sẽ bốc hơi cùng nỗi nhớ.

Câu chuyện có vẻ không vui, nhưng thực ra đây là một trong những cuốn sách hài hước nhất mà tôi từng đọc. Kỹ năng viết thư với nội công thâm hậu, ăn miếng trả miếng hấp dẫn và cực kỳ thông minh. Chỉ có như thế, lực hấp dẫn mới xuất hiện giữa hai bờ sương giăng mù mịt, không một vết tích, không một bóng hình. Sự tinh tế nhạy cảm của hai nhân vật chính rất cao với khả năng đọc-hiểu rất chính xác tâm trạng đối phương, kể cả chỉ qua một dấu chấm than. Chưa có quyển sách nào khiến tôi thấy mình mắc kẹt như vậy, và chỉ muốn mắc kẹt trong cái tâm trạng như thế đến cuối đời.

Thỉnh thoảng nên đọc một quyển sách giản dị như thế này. Không cần nói chuyện thế giới, không dân tộc, không quốc gia, không thân phận. Chỉ có tình yêu thôi, và cũng chỉ có email thôi. Và có đôi ta thôi. Không phải chỉ cần chừng đó mà Chúa đã tạo nên tất cả sao. Tôi không cần tất cả, chỉ cần một đôi lần rung động mãnh liệt như đôi lần tôi đã đọc. Là đủ, đủ mất rồi

Thành phố và lũ chó

|Tôi năm nay 20 tuổi, và không cho phép ai được nói, đó là tuổi đẹp nhất trong một đời người- Paul Nizan|

Tôi không biết lứa tuổi nào đẹp nhất đời mình, nhưng tôi biết mình đã thương nhớ tuổi hai mươi của mình không phải vì nó đẹp. Không có một vết thương nào được coi là đẹp, dẫu ta đã nhìn nó hết sức trìu mến rưng rưng, thì sự thể vẫn không khá lên được. Đó vẫn là những năm tháng ít nhiều đau khổ, đầy những vết cứa nông hoặc sâu, đã thành sẹo hay vẫn còn hở miệng, là những năm tháng mộng mơ rồi tan vỡ mộng mơ, yêu thương rồi buồn tủi. Ở lưng chừng con dốc của tuổi trưởng thành, từng viên đá nặng nề từ đỉnh không ngừng lăn xuống, đè nát thân thể lẫn tâm hồn cho những cuộc lột xác không tự nguyện và sau đó buồn thảm tái sinh. Nếu có gì đáng để quên đi, thì đó là tuổi hai mươi khốn khổ, năm tháng điên rồ hụt hẫng chơi vơi, năm tháng mãi in trong não bộ mỗi người một vết sắc bén ngọt. 

Cuốn tiểu thuyết này là một cú rơi của tôi vào thế giới tuổi hai mươi của những đứa xa lạ, không mảy may có chút liên quan. Nhưng sự bức bối ngột ngạt của bầu không khí đặc sệt tù túng ở đấy tôi liên hệ được, cũng như nỗi đau đớn nhức nhối kéo dài đến cuối trang sách, tôi cảm nhận thấy. Nhức nhối như một vết thương xưa đã sưng tấy trở lại nhưng chờ hoài không có thuốc sát trùng, cứ đau kéo dài kéo dài chỉ còn biết cách hy vọng vào tháng năm. Trong một cuốn sách đầy tính bạo lực và tục tằn, trong chất nam tính ngông cuồng và ngây thơ dâng lên một nỗi buồn héo hon, ủy mị, thứ nỗi buồn mơ hồ phảng phất chất huyền ảo La tinh, thứ nỗi buồn tràn qua hết tâm trí tên chó con này đến tên chó con khác, tiết ra thứ chất độc khiến những vết thương suốt đời không khép miệng. Nỗi buồn của tuổi hai mươi.



Có lẽ đây là cuốn tiểu thuyết nhiều bạo lực nhất tôi đã từng đọc. Bạo lực không phải là vấn đề, bạo lực là môi trường, là không khí, là tất cả những gì vây quanh tuổi 14, 15 ngơ ngác bước vào đời. Bạo lực hun đúc những đứa trẻ, tôi luyện nó bằng những luật lệ vô cảm và hà khắc, để hình thành trong lòng chúng nó những dòng nham thạch cuồn cuộn chờ ngày phun trào. Trong cái nắng như thiêu của xứ nhiệt đới, mỗi con người càng ngày càng hoá đá thân thể mình, càng trơ lỳ với đòn roi cấm túc, thì tâm hồn càng cuồng nộ giận dữ những cơn thèm khát tự do. Cơn giận bốc lên trong những tâm hồn mới lớn rộng rãi trống trải, tạo ra một bầu không khí điên rồ ngang tàng mà buồn tủi đan xen. Những cuộc va chạm nảy lửa tạo ra mối thù và tình bằng hữu, dại dột và khí phách. Và tình yêu, cây trái ít ỏi và ngọt ngào giữa sa mạc mênh mông.

Dẫu bạo lực và những lời tục tằn cứ liên tục vang lên trong mỗi trang sách, thì văn chương của Mario Vargas Llosa vẫn cực kỳ tuyệt vời, để biến cả bầu không khí tối tăm bức bối kia trở nên huyền ảo. Những đoạn tả cảnh đậm đà chất nhiệt đới, những đoạn bạo lực ẩn giấu chất hài hước dí dỏm- người ta vẫn có thể cười vào mọi nỗi thống khổ thế đấy. Nhưng hơn cả, là những trường đoạn độc thoại của các nhân vật, mà nếu không chịu đọc kỹ sẽ chẳng biết cái đứa lèm bèm một mình kia là đứa nào. Những đoạn độc thoại luồn lách giữa các câu chuyện, cất cái giọng chủ quan ngây thơ lên, kể lể về những kỷ niệm buồn vui, về tình yêu chôn giấu, về ước mơ, sự giận dữ, sợ hãi, những đoạn độc thoại thoắt ẩn thoắt hiện, trôi từ tâm trí đứa này sang đứa khác, như mạch ngầm len lỏi giữa bầu không khí khô cằn, nối lại những tâm hồn bơ vơ, đan cài cái nhìn đa điểm đa tuyến của mọi người lên toàn bộ câu chuyện. Một mê cung rối rắm như rừng rậm Amazon, giăng bẫy người đọc, cài đặt những nút thắt mơ hồ. Thứ văn chương như thế khiến người ta ngạt thở nhưng đồng thời phấn khích và say đắm. Ông ấy đã có được giải Nobel văn chương bằng cái giọng văn ma mị như thế đó, thứ giọng văn thô lỗ, bạo liệt và nồng nàn, thứ giọng văn ngông cuồng nam tính, để kể về những điều rất u sầu và uỷ mị.

Tại sao người ta vẫn nhớ về tuổi hai mươi, dù có thể sẽ đấm vỡ mũi đứa nào bảo rằng đó là những năm tháng đẹp nhất trong đời. Có lẽ vì những mộng ước đã vỡ tan, niềm tin đã vỡ vụn. Có lẽ vì những ảo tưởng, những hy vọng, những khát khao, những đắm say đã hoá thành cát rơi xuống sa mạc mênh mông. Có lẽ vì những tâm hồn đã sống sót sau những trận đòn giận dữ đã tàn tật và ủ rủ như con chó Malpapeada. Có lẽ vì những ngọn núi lửa đã tắt sẽ không bao giờ nguôi nhớ những dòng nham thạch của mình. Có lẽ vì những vết thương, những nỗi buồn và sự trưởng thành đã bảo với ta rằng : mi mãi mãi sẽ không bao giờ thanh thản nữa.
 

Khải Hoàn Môn

Đêm mưa. Và tôi nhớ Ravic, ánh sáng từ điếu thuốc cháy dở anh ấy ném xuống dòng sông, loé lên như một niềm hy vọng nhỏ nhoi trong đêm dài ảm đạm, dưới cái bóng mờ của Khải Hoàn Môn ẩn hiện dưới làn mưa phùn. Chút ánh chớp trong khoảnh khắc để lại dư âm dài suốt những ngày sau, dài như cuộc đời và thời gian của những số kiếp lênh đênh. Dài như là nỗi ám ảnh của tôi đối với câu mà Ravic nói ở trong cuốn sách ấy, rằng : Chúng ta đang sống trong một thế kỷ bị lưu đày. Và thế kỷ ấy, dường như chưa bao giờ trôi qua, mà cũng chẳng thể nào trôi qua được.


Văn chương của Remarque đẹp quá, đẹp tới đau lòng, tới cồn cào xốn xang, tới tuyệt vọng. Đẹp đến mức cái bi kịch của Ravic hiện lên dưới ngòi bút của ông nó không chỉ là cái bi kịch của một thân phận người trôi dạt, mà còn là cái bi kịch của một tâm hồn quá thiết tha. Sự thiết tha không tìm thấy nơi neo đậu và bám rễ để mãi mãi quặn đau và gào thét trong lồng ngực, bùng cháy như một ngọn lửa căm hờn, bất mãn và đắng cay. Cuộc đời quá tàn nhẫn. Cuộc đời cứ thong thả gieo rắc vẻ quyến rũ của mình trong cơn lốc cuồng loạn của thời đại, khiến cho những số phận bị xoay tròn trong ấy, dù bầm dập tới nát như tương, vẫn không đủ can đảm để từ bỏ cuộc đời. Jeanne, nàng là hiện thân của cái vẻ đẹp ấy, vẻ đẹp vừa trong trẻo ngây thơ, vừa già dặn lọc lõi, tâm hồn nàng vừa say đắm nồng nàng vừa vô tình và tráo trở. Ravic đã rơi và tình yêu với nàng, như số phận đã bắt buộc anh phải ra đời vào cái thời đại hỗn loạn ấy, rơi vào trong những năm tháng điêu tàn mà yêu luôn cả cái vẻ điêu tàn rực rỡ của tháng năm. Số phận, chỉ là số phận thôi. Nhỏ nhoi như ánh lửa của điếu thuốc đã rơi xuống dưới chân cầu trong đêm, dưới cơn mưa phùn ấy. 

Tôi thương Ravic vì tâm hồn anh, vì sự nhạy cảm đến đau đớn của anh. Và vì anh chẳng là gì giữa cuộc đời này. Anh chỉ là cái bóng âm thầm đằng sau những cuộc phẫu thuật, một con người vô danh dẫu mang hàng chục cái tên. Tình yêu của anh cũng chẳng là gì, anh không đủ can đảm để giữ nó. Kể cả nỗi căm thù của anh, anh cũng tưởng nó có ý nghĩa, anh tưởng là giết được hắn xong thì mọi thứ sẽ khác. Hoá ra, nó cũng chẳng là gì ngoài sự đau đớn của riêng anh. Thế kỷ này vẫn đày đọa người ta bằng mọi giá. Anh nhỏ nhoi, bất lực, tuyệt vọng. Mà anh vẫn phải sống tiếp với tất cả những điều trên.

Ravic có thể cứu nhiều người, nhưng anh không cứu nổi đời mình. Mà thậm chí, anh cũng không biết là anh có thật sự cứu được ai không. Anh cướp họ khỏi tay tử thần, để ném họ lại vào trong một cuộc đời cũng không kém mấy phần địa ngục. Anh không biết mình nên làm gì. Sự bế tắc cứ dần dần gia tăng, tâm hồn anh hoá đá, trái tim anh hoá đá. Mọi thứ hoá đá dưới chân cánh cổng Khải Hoàn. Thế giới này đã hiến sinh tất cả, máu xương lẫn tim óc cho sự chiến thắng, một chiến thắng lạnh lùng vững chãi và vô cảm. Ai cần?

Chúng ta không cần chiến thắng. Chúng ta chỉ cần nhau, bên nhau như Javic và Jeanne đã ở bên nhau trong những đêm mùa xuân dạo ấy. Tình yêu mong manh không trụ vững nỗi trước cuộc đời, nhưng chí ít trong những phút ngắn ngủi ấy, khi tình yêu lên ngôi, họ đã hoàn toàn quên mất cuộc đời, quên thời gian và cái bóng của chiến tranh đã bủa vây. Tình yêu như liều thuốc gây mê, giúp họ vượt qua những cuộc đại phẫu. Tình yêu níu ta lại với cuộc đời, tình yêu khiến ta thôi nguyền rủa số phận, bởi nhờ nó mà ta gặp nhau. Tình yêu, chỉ là tình yêu thôi, chẳng còn gì nữa...

Nhưng mà, tôi nghĩ, thế cũng đủ cho một kiếp người rồi.

Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất

Thoạt tiên, tui nghi ngờ 4 chữ HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC xuất hiện trên trang bìa. Những sự ca ngợi quá đáng luôn làm tui đề phòng và giảm sự kỳ vọng của mình xuống tới zê rô. Nhưng cuốn này thì khác. Cả đêm qua và ngày hôm nay nữa, tui đã bế quan tỏa cảng để đọc nó, và thừa nhận, nó có đầy đủ các yếu tố để làm nên một HIỆN TƯỢNG.

Các yếu tố đó là gì ? Hài hước: có nhiều, có đầy đủ trong từng dòng, từng trang, từng chương. Kịch tính : có dư. Bất ngờ : trời nói chứ chưa bao giờ tui đọc một cuốn sách mà tui không sao đoán được các nhân vật sẽ hành động cái gì như cuốn này. Và cuối cùng : sự kiện , cả một thế kỷ 20 đầy những biến động trải dài trong cuốn sách, những xung đột, những mâu thuẫn của thế giới cứ thế mà theo hồi ức của ông cụ 100 tuổi mở ra trên từng trang sách.



Nói tóm tắt một chút về nội dung : cuốn sách này không nổi trội về mặt văn chương, vì cách hành văn khá đơn giản (nhưng bù lai hết sức thông mình và dí dỏm), nhưng tui cực kỳ đánh giá cao nó về mặt ý tưởng. Không có một cuốn sách lịch sử nào được kể lại mà đặc biệt hơn thế. Bạn sẽ hiểu thế giới này hơn mà không cần nhăn trán, nhíu mày hay tổn hao nơ ron cho các sự kiện. Bạn chỉ cần vừa đọc vừa cười ha ha như tui thôi. Ngay từ trang đầu tiên, nó đã cực kỳ đặc biệt rồi.

Câu chuyện mở đầu bằng sự kiện cụ già Allan, trong ngày sinh nhật của mình đã trèo qua cửa sổ của Nhà Già, giẫm nát bụi hoa pansee, trèo qua bức tường cao khoảng 1m, với bộ đồ duy nhất cùng đôi dép có mùi nước đái của cụ, bỏ trốn. Và từ đó kéo theo một binh đoàn đi tìm cụ bao gồm :

1. Chính quyền địa phương
2. Báo chí địa phương
3. Ăn cướp địa phương (vì không may cụ đã lấy cái valy đầy tiền của một tên cướp vì nghĩ rằng mình cần valy đựng cái gì đó )

Với một lực lượng hùng hậu như vậy, để săn tìm một ông cụ gần đất xa trời, thì quả là hơi xa xỉ. Nhưng tất cả đã nhầm, Allan , người từng sống qua thế chiến thứ I, thế chiến thứ II, thời kỳ chiến tranh lạnh, vũ khí hạt nhân các thứ , và có một thời tuổi trẻ huy hoàng làm chuyên gia chất nổ, liệu có dễ gì để người ta bắt được.

Nhất là trên đường đi Allan không chỉ có một mình. Bằng cách nào đó, cụ đã thành lập được băng của mình, ngon lành cành đào.

Thế nào, có gay cấn như phim Holywood hem?

Vậy bạn có hiểu tại sao cuốn sách này đã trở thành hiện tượng xuất bản chưa. Chính bởi vì nó có trong tay tất cả các yếu tố để làm hài lòng tất cả các thể loại độc giả : từ người ưa trinh thám, ưa phiêu lưu, ưa hành động đến thể loại ưa chiêm nghiệm, ưa nghiên cứu và cả những người đi tìm một tiếng cười sảng khoái để giải trí (cộng thêm thứ độc giả thích hầm bà lằng như tui đây ) 

Thành trì

Những cuốn sách về ngành Y tựu chung đều gợi lên một thứ cảm giác rất cô tịch, đơn độc. Nó gần như là một cuộc chiến mà người chiến đấu chỉ đơn thương độc mã ra trận, giữa muôn trùng khó khăn tiếp nối, giữa muôn trùng gian lao và hơn hết họ phải chiến đấu với muôn trùng kỳ vọng của bệnh nhân, của thân nhân những người đang trông đợi họ như trông đợi phép màu mà không hiểu rằng rốt cuộc họ cũng chỉ là một con người. Cái cô độc của một người bác sĩ là cái cô độc của một người phải đối mặt với kẻ thù chỉ duy nhất họ nhìn thấy - và thậm chí cả họ cũng khó lòng nhìn thấy. Thứ cô độc bơ vơ trong hình hài, trong dáng đứng, trong ánh nhìn. Đó không phải là con đường dễ dàng để lựa chọn.


A.J. Cronin từng là một bác sĩ. Ông hiểu cái gian lao của nghề, cái đơn độc của nghiệp. Bởi vậy những cuốn sách ông viết rất chân thực tới cả những giọt mồ hôi, tới cả máu và nước mắt và rồi cả những sinh mệnh. Từ 'Những tháng năm ảo vọng' cho đến 'Thành trì', những con người trong trang viết của ông hiện lên giản dị nhưng mạnh mẽ trong từng cuộc đấu tranh, trong từng cuộc vật lộn. Đấu tranh với tham vọng bản thân, đấu tranh với nghiệt ngã của số phận và đối mặt với những thất vọng đắng cay khi không giữ nỗi sinh mệnh con người.

Bây giờ, ở cái xã hội rối ren này, người ta vô cùng thất vọng về ngành y, thất vọng đến mức không còn nhận ra rằng nỗi thất vọng ấy đang rút dần rút dần đi của bác sĩ lòng nhiệt huyết và tinh thần cam đảm để chiến đấu, cuộc chiến đơn độc mà ngày này qua tháng khác họ vẫn gánh trên vai. Ai đã trao cho họ cái quyền nắm trong tay sinh mệnh người khác? Ai đã đưa họ lên đỉnh núi cao cheo leo và lộng gió, dù cao hơn vô vàn người nhưng gần vực thẳm hơn vô vàn người? Không ai hiểu, không ai cảm thông. Và nghề Y rốt cuộc vẫn là nghề hết sức nguy hiểm.