Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Gia đình Buddenbrook


TẤT CẢ NHỮNG BỮA TIỆC RỒI SẼ TÀN

Lời cáo chung ấy đã khởi động ngay từ những trang đầu tiên khi Thomas Mann mở màn cho quyển sách về dòng họ Buddenbrook bằng một bữa tiệc. Linh đình, trọng đại, xa hoa và đầy kính cẩn. Tinh thần của bữa tiệc ấy như một lời nguyền lên các thành viên của dòng họ, để từng người một hủy hoại chính mình bằng cái khao khát duy trì tính thượng lưu và tôn thờ vật chất như tôn thờ danh dự của gia tộc mình. Bằng cách đó, họ trở thành nô lệ của đồng tiền và quyền lực, nô lệ của những tư tưởng theo họ là kiên cố như bàn thạch, thứ tư tưởng tư sản cổ điển với niềm tin về sự hoàn hảo và bất biến của mình. Họ không biết rằng, ngoài kia thế giới đang chuyển mình trong cơn giông gió mới của cuộc cách mạng toàn châu Âu, và một cơn bão nữa : cuộc chiến tranh Áo-Phổ. 

Thế giới đang đổ máu cho những khao khát tự do, trong khi dòng họ Buddenbrook vẫn đang từng ngày đem tự do của chính mình ra để đổi lấy khát vọng giàu có. Họ vẫn kiên định với lựa chọn của mình trong đau khổ, trong vật vã. Hàng ngày chống trả bản năng tự do đang lồng lên trong một hình tượng thượng lưu được đóng khung để suốt đời sắm vai một người xa lạ. Bất hạnh đó không phải chỉ riêng của dòng họ Buddenbrook, mà còn của cả giới tư sản toàn châu u với tư tưởng bảo thủ kinh điển, không đủ năng động để biến chuyển theo thời cuộc, chỉ còn cách dậm chân tại chỗ chờ tàn lụi dần, chờ thời gian phủ lên tất cả.

Anthony, Thomas, Christian, ba người cháu được kỳ vọng nhất của gia tộc Buddenbrook, mỗi người sa vào bi kịch theo mỗi cách riêng. Anthony, vì sự đơn giản của chính cô, vì lòng tin vào cách sống mà cô cho là hợp lẽ, vì niềm tự hào được là một phần của dòng họ danh giá ấy, cô năm lần bảy lượt đối diện với các biến cố cuộc đời với hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, bị lừa dối, ruồng rẫy, coi khinh. Christian, một tâm hồn bạc nhược và yếu đuối, thần kinh nhạy cảm dễ kích động, phù phiếm hèn yếu như một vết nhơ nỗi nhục của gia đình. Nhưng Thomas, có lẽ mới là nhân vật chứa đựng nhiều bi kịch nhất trong câu chuyện, với nỗ lực gần hết cuộc đời để xây dựng một chiếc mặt nạ hoàn hảo, một thị dân mẫu mực và tiêu biểu. Bằng mọi giá, Thomas chống lại sự yếu đuối vốn không kém gì cậu em trai mình, chống trả lại khao khát tự do và tình yêu. Thomas coi khinh Christian, coi em mình như một thằng hề, con rối mà không biết răng mình cũng không khác là bao. Không chấp nhận bản thân, không thừa nhận bản năng, Thomas hoàn toàn là một con rối bị giật dây bằng ý thức hệ của mình, thứ gông cùm xiềng xích đã gắn chặt vào người như máu thịt.

Cái tài tình của Thomas Mann chính là giữ cho những cá tính đầy chông chênh kia bên nhau trong suốt quyển tiểu thuyết đồ sộ của mình cho đến gần cuối quyển sách. Không phải chỉ có sợi dây huyết thống buộc chặt họ lại, mà còn bởi vì họ luôn nhìn thấy chính mình trong hình ảnh của người kia. Thomas luôn thấy sự yếu đuối của mình qua vẻ điên khùng của Christian, Anthony thấy sự tự tôn và kiêu hãnh của cô trong vẻ đạo mạo của Thomas... Họ cứ thấy nhau, họ giằng co nhau như giằng co với chính mình. Họ mải mê vật lộn với bản thân, đấu tranh với bản ngã. Họ kiệt sức vì chính họ.

Sự suy tàn của dòng họ 4 đời Buddenbrook tuy buồn bã thảm sầu nhưng chứa đựng một sự nhẹ nhõm thanh thản, giống như cơ thể sau một thời gian dài gồng lên cho ra vẻ bảnh trai, cuối cùng cũng chấp nhận xuôi tay khuỵu xuống. Trong nỗi tàn tạ héo hon là một tâm hồn thư thái, hơi thở nhịp nhàng. Thomas khi rũ khỏi mình chiếc mặt nạ đạo mạo trọng vọng xuống, buông tay phó mặt cho mọi thứ trôi theo tự nhiên. Đã có lúc tôi tưởng ông chạm tới được sự giải thoát, nhưng rồi phần xiềng xích đã hoá máu thịt vẫn dựng đứng ông lên trong phút cáo chung cuối cùng để đổ ập xuống như bức tượng thạch cao, vỡ vụn. Chỉ có Anthony là đi qua hết những biến cố vì cô thành thật với bản thân, cô sống hài hoà với hiện tại. Cô là hơi thở nhẹ nhõm cuối cùng của cả dòng họ đã đóng khung thế giới của mình quá lâu tới hoá thạch. Duy nhất cô đủ sức đón gió mới.

Cuốn tiểu thuyết đồ sộ ôm hết thế giới tư sản châu Âu vào trong lòng nó. Đó là cái ôm đau khổ trìu mến. Những đổ vỡ trong thế giới mà Thomas Mann là một thành viên, khi khúc nhạc bi ai của phai tàn ấy được tấu lên trong lặng câm giữa luồng gió mới,chỉ những người trong cuộc mới nghe thấy. Bữa tiệc đã kết thúc, dư âm hạnh phúc lẫn đau khổ của nó bị chôn vùi trong tiếng gào thét của thời đại. Chỉ có những ký ức không thể hoá tro tàn là còn đó trong bảo tàng lịch sử của riêng mình. Bữa tiệc nào đã từng huy hoàng như thế.

P/s: Một chút ngoài lề về Thomas Mann và những tác phẩm của ông. 
Trước khi đọc Gia đình Buddenbrook, tôi đã đọc Núi thần và Chết ở Venice, vốn được Thomas Mann viết sau. Một khi đã đọc Núi thần thì khi quay lại với Gia đình Buddenbrook sẽ thấy một sự khác lạ rất lớn. Lẽ dĩ nhiên là như thế, 2 tác phẩm đồ sộ này thuộc về hai giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp sáng tác của Thomas Mann. Gia đình Buddenbrook là tác phẩm đầu tay, nặng về tính hiện thực, trong khi Núi thần được viết ở thời kỳ ông đã chín muồi về mặt tư tưởng với cái nhìn cao hơn và rộng hơn, nên thiên về tính biểu tượng và chứa đựng triết lý nhiều hơn. Tuy nhiên với cả hai tác phẩm, nét cười ý nhị dí dỏm của Thomas Mann luôn hiện hữu, kể cả trong bi kịch hoặc sự phẫn nộ, ông không bao giờ cất đi nụ cười tinh nghịch của mình. Nụ cười làm mọi thứ trở nên chịu đựng được một cách rất minh triết.

Riêng về quyển sách này, rất nhiều người chần chừ khi cầm một tác phẩm tiếng Đức mà lại chuyển thể sang tiếng Việt từ tiếng Trung. Tuy không thể bàn đến tính đúng- sai của nó, nhưng xét về mặt văn phong và cách dịch, thì tôi nghĩ rằng đây là một bản dịch hay. Không bị tình trạng Tàu hoá văn phong như các bản dịch khác, quyển sách này rất nhuần nhị Việt Nam, tới mức văn phong và đại từ nhân xưng trong quyển sách làm tôi hình dung ra một gia đình tư sản Hà Nội trước năm 45 trong các tác phẩm của Tự lực văn đoàn. Không uổng phí 800 trang sách khổ lớn.

Chỉ có điều, hãy bỏ qua lời giới thiệu đầy tính định hướng XHCN ở những trang đầu tiên của dịch giả. Nếu có thể như thế thì không còn gì để phàn nàn về quyển sách này nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét