Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Ba phụ nữ can đảm

Nếu bạn cần thêm sức mạnh, hoặc sự an ủi sẻ chia, thì đây là cuốn sách dành cho bạn. Dù rằng văn phong nó không dễ đọc, và câu chuyện nó bi thương, nhưng nếu bạn đọc kỹ, mọi câu mọi chữ trong cuốn sách sẽ thấm vào bạn, đầu tiên là nỗi buồn, sau đó mới là lòng can đảm, như một thử thách tất lẽ dĩ ngẫu của cuộc đời, mọi thứ chỉ có thể đến khi ta hết lòng tìm kiếm.

Marie Ndiaye có một văn phong cực kỳ lạ. Mỗi đoạn văn giống như một giọt mực rơi xuống giấy rồi lan tỏa xung quanh, bủa vây những cảm xúc từ hiện tại đến quá khứ, từ nơi này trôi dạt đến nơi kia; như một con nhện giăng cái lưới mắc míu nỗi sầu của mình trong từng hốc nhà tăm tối. Tôi đọc những đoạn văn dài lê thê, ngắt nhau bằng nhiều dấu phẩy nhưng rất hiếm khi có một dấu chấm, càng đọc càng bị buông chùng xuống bởi vô vàn cảm xúc đè lên, như nỗi lòng tuôn trào tuôn trào chỉ dừng lại thở dốc và rồi tiếp tục tuôn ra. Cuộc đời càng từ đó gia tăng sự nghiệt ngã của mình lên từng số phận. Cho đến cuối cùng, nó vẫn tiếp tục như thế, không đẹp hơn lên, không bớt tàn độc hơn, dửng dưng như là chính nó.

Ba câu chuyện trong cuốn sách này không liên quan gì đến nhau. Mối liên hệ giữa họ là màu da, đất nước Senegal và Pháp. Ba số phận bi kịch, trôi dạt từ nước này sang nước khác, lạc lõng, côi cút, hoang mang trong sự và chạm của hai nền văn hoá. Nhưng đây nhất định vẫn là một cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh, trọn vẹn chứ không phải là tuyển tập truyện ngắn, dù nó cũng không kể hết mọi thứ về cuộc đời, số phận của từng người. Nó chỉ là những lát cắt, phơi ra những mảnh đời với những vết thương chồng chất theo tháng năm, những khoảng trống không ai bù đắp được. Norah, Fanta, Khady, ba người phụ nữ đi qua hết biến cố này rồi biến cố khác, chiến đấu giành cho minh trái tim với nhịp đập bình thường, chống lại những tổn thương mà cuộc đời có vẻ quá ưu ái dành cho. Mỗi biến cố ập đến là mỗi lần họ đau đớn vật vã, nhưng họ chưa từng gục ngã.

Tôi đọc được trên một chiếc ghế đá dòng chữ : Can đảm không phải là không sợ hãi, mà là vượt qua nỗi sợ hãi. Đó chính là lòng can đảm của những người phụ nữ, không còn cách nào khác phải đối diện với cuộc đời, nhìn thẳng vào nỗi nghiệt ngã dửng dưng của nó mà bước tiếp. Họ chông chênh, thiếu thốn, lẻ loi. Nhưng họ vẫn chống chọi đến cùng và giữ cho mình một trái tim mạnh mẽ bất khả xâm phạm. Đó, là tất cả những gì mà cuộc đời trao trả cho họ, đổi những vết thương để lấy sự kiên cường.

Cuốn sách này không đòi hỏi gì về sự bình đẳng, cũng chẳng có tuyên ngôn nữ quyền nào ở đây. Và những người đàn ông trong cuốn sách này, tuy bạc nhược, ích kỷ, hèn hạ, nhưng chưa bao giờ những người phụ nữ ấy thôi mong chờ một người để tựa nương. Họ chưa từng quy nạp rồi kết án đàn ông, dù những người đàn ông họ có thật là quá tệ. Tất cả những gì họ muốn, là được quyền yếu đuối để được chở che, được sợ hãi bỏ cuộc mà vẫn còn con đường lùi, được làm một người phụ nữ đúng nghĩa bên cạnh một người đàn ông đúng nghĩa. Can đảm, là lựa chọn cuối cùng khi không còn gì để chọn.

Sức mạnh đến từ cuộc đời, nếu bạn còn muốn tồn tại giữa cuộc đời này, bạn sẽ tìm ra sức mạnh. Đó là những gì cuộc đời đáp trả cho bạn, để nói với bạn rằng, nếu tất cả mọi ngả đường đều bị chặn  nó luôn chừa cho bạn một lối đi, là tiến thẳng lề phía trước. Và thậm chí con đường đó cũng không còn, như Khady, cô vẫn còn bầu trời để ngắm, trái tim thanh thản nhẹ nhõm đập trong những giây phút cuối cùng, để nhận ra cô chưa bao giờ thôi yêu cuộc đời. Cuộc đời, vì vậy cũng yêu ta, tuy là không theo cách mà ta muốn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét