Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

La Mã sụp đổ

Suy tàn rồi sụp đổ - đó không phải là lời sấm truyền hay tiên tri, đó là lời khẳng định, một lời kết cho tất cả : hành tinh này, thời đại kia, chế độ nọ hay những số phận ấy. Có gì khác nhau giữa những thứ tôi vừa kể trên? Chẳng có gì cả. Đều ra đời như thế và ra đi như thế. Bạn tưởng rằng nó gây chấn động lắm, và dư âm của nó thì dài lắm? Nhưng cũng thế mà thôi. Và vỡ mộng, đúng vậy. Chúng ta luôn có những giấc mộng tan vỡ trong cuộc đời mình.

Con người luôn ôm ấp những giấc mộng về sự vĩnh cửu, về những mầm sống bám rễ tới tận âm ti và vươn cành lên đến thiên đàng. Nhưng tất cả những gì chúng ta xây dựng được, là một thế giới bằng cát, trên nền cát để chờ đợi một ngày sóng đến cuốn trôi. Câu chuyện này được dựa trên một bài giảng của Saint Augustin, về sự sụp đổ của một nền văn minh vĩ đại : La Mã. Và con người, hạt cát nhỏ trong bức tường thành đồ sộ nhưng rốt cuộc cũng bằng cát đó, rồi cũng sụp đổ và lụi tàn. La Mã là sự phóng chiếu của thế giới, của những nền văn minh, của những tinh cầu được hình thành rồi nổ tung ở đâu đó rất xa xôi trong vũ trụ. Nhưng La Mã cũng là sự phóng chiếu của những tâm hồn người bé nhỏ, mong manh sinh ra lớn lên rồi chờ đợi ngày cáo chung của số phận. Chỉ có những giấc mơ là bồng bềnh trôi theo thời gian, chỉ có những giấc mơ, như những đợt sóng xô cứ tràn lên bờ rồi tan đi, lớp này, lớp khác, mải miết...

Matthieu và Libero là những người trẻ tuổi ôm ấp giấc mơ nhào nặn nên một thế giới của riêng mình. Nhưng Paris quá rộng lớn và văn minh để kiểm soát. Họ quay về đảo Corse, hài lòng với một thế giới nhỏ hơn trong một quán bar. Họ hồ hởi xây dựng một địa đàng với những lạc thú êm dịu của trần gian. Họ cứ ngỡ rằng có một nơi như vậy cho họ, một nơi mà tất cả đều đặn diễn ra trong nhịp điệu êm ái mãi mãi, không biến động, không sóng gió. Không chỉ họ, mà tất cả những nhân vật trong cuốn sách này, là Aurelie, Claudie, Jacques và Marcel, đều đi tìm cho mình một chốn nương náu giữa cuộc đời, nơi họ tin mình thuộc về, bám rễ và trường tồn. Cuộc đời là những cuộc đi tìm mải miết, đầy hứng khởi thuở ban đầu và tuyệt vọng những lúc về sau, để rồi nhận ra rằng, mọi thứ cuối cùng sẽ sụp đổ.

Nhưng sự sụp đổ không phải lỗi của vùng đất ấy. Không có một nơi chốn nào được vĩnh cửu tồn tại một khi nó được khai phá. Nói cách khác, bằng việc gieo mầm sự sống cho bất cứ một điều gì, thì người ta cũng đã đồng thời gieo vào nó một chất độc. Paris hay đảo Corse không hủy hoại Matthieu và Liberto. Họ đã hủy hoại chính mình. Chất độc của hoan lạc, của sợ hãi, của si mê đã khởi sinh trong họ từ biết bao thế hệ trước, từ đời của Marcel truyền xuống cho Jacques và Matthieu. Những nỗi buồn và niềm vui, sự nuối tiếc vô vọng và chìm ngập trong nỗi ám ảnh về sự vĩnh cửu, nó là thứ chất độc gặm nhấm mòn tâm hồn, là những mạch nước ngầm tràn vào đục ruỗng chân những lâu đài trên cát, chỉ chờ một đợt sóng xô tới là đủ tan hoang. Và thực tế, nó đã tan hoang biết bao lần, một cách thản nhiên như chưa hề có gì khác. Sụp đổ, vốn là một phần của thế giới này, cuộc sống này. Và tan vỡ, luôn là số phận của những giấc mơ ấy.

Thế mà, bằng cách nào đó, thế giới vẫn hồi sinh. Từ tro tàn, từ cát lạnh, từ một thế giới đã chìm lấp đâu đó dưới lòng đất. Và những giấc mơ, cứ vỡ tan hoang cả trăm nghìn bận cũng cứ mãi còn, như sóng biển không biết khởi nguồn từ đâu đó ngoài kia, cứ mãi mãi dồn dập vào bờ, dẫu biết khi đến sẽ chẳng còn lại gì ngoài những loang nước lạnh. Cuộc sống cứ thế xây dựng trên nền của chết chóc, lụi tàn. Và con người, tuy hoang mang vô kể trước sự mong manh của sự sống, thì vẫn sống với lòng mong được sống, bởi giấc mơ ấy vẫn còn mãi để tưới tắm cho những hạt mầm chôn sâu dưới lớp tro tàn. Cuốn sách là một nỗi muộn sầu nhưng cũng có thể xem như là một lời an ủi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét