Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Tiếng cười trong bóng tối

Chuyện ngoại tình. Bất cứ ai cũng có thể có một câu chuyện như thế trong đời. Chuyện cũ hơn cả thạp gạo của bà ngoại, vậy mà thế kỷ nào cũng có người nói, năm nào cũng có mấy trăm bài ca ai oán từ nạn nhân, từ kẻ chủ mưu, từ người liên đới. Nghe hoài có nhàm không? Kỳ lạ là nó không nhàm, chẳng biết ngoại tình nó có thứ gia vị gì mà khiến người ta có thể nhai hoài không ngán suốt chừng ấy năm tiến hoá của loài người. Được chưng cất từ nước trái cấm trong vườn địa đàng chăng?

Đây là một câu chuyện ngoại tình. Chán hơn, nó là chuyện ngoại tình điển hình, hết sức basic, với các nhân vật tham gia có một đặc trưng rất rõ nét của sự ngoại tình. Một ông chồng già (và giàu), tâm hồn nghệ sĩ, yêu cái đẹp ( và gái đẹp- dĩ nhiên). Một bà vợ hiền lành nhu mì nhạt phèo như nước ốc. Một cô nhân tình trẻ trung xinh đẹp, phóng túng và ờ, gian xảo. Thêm vào tấn tuồng để có thể cho ra một cái kết hả hê, là một tay chơi cáo già, tình nhân của cô tình nhân nọ. Bọn họ, bước ra sân khấu để sắm vở kịch của đời mình. Kẻ mù quáng, người ngây thơ, đứa lừa lọc và quân đê tiện. 

( các mẹ ở wtt sẽ nói gì =)) ? )

Chuyện thì hai năm rõ mười thế rồi, nói gì nữa mà nói. Thì đấy, sau đam mê mê muội sẽ là địa ngục, Albinus cuối cùng cũng có cái kết cục rất hợp với câu " tình yêu như trái phá con tim mù loà", không chỉ có tim, mà còn cả mắt cũng mù nốt. Nhưng đối với những người duy mỹ, thì mắt chẳng phải chính là tim sao? Mù hẳn, ngay từ ngày nhìn thấy Margot. Mù triệt để và không trăn trở, không dằn vặc. Cả một hành trình dấn thân vào địa ngục của Albinus không có lấy một lần ngoảnh lại, không một chút ăn năn. Tuy cũng như những người đàn ông khác, Albinus cũng tham lam và muốn bảo toàn cả hai, nhưng khi không thể bảo toàn nổi, ông ta chỉ thở nhẹ một cái rồi đi theo thứ mà bản năng mách bảo. Đây mới chính là nhân vật của Nabokov với cái đặc trưng bất chấp các giá trị đạo đức để trung thành với trái tim, hệt như Humbert của Lolita. Và cũng như Humbert, Albinus cũng chuốc lấy cái kết cục đau đớn bẽ bàng, cái kết thỏa mãn cả nạn nhân lẫn người đọc, cái kết tìm được chút hả hê của người đời, có thể sử dụng để răn dạy và đe dọa những người manh nha lao vào con đường ấy.

Nhưng Nabokov có định kể một câu chuyện để dạy dỗ hay cảnh cáo ai đâu? Ừ, thì kết cục thảm hại thế, nhưng bạn có thấy một hành trình đầy hạnh phúc của Albinus không? Dù cho nó là thứ hạnh phúc đến từ sự dối lừa, dù thứ ánh sáng tưới tắm cuộc đời ông ta lúc đó chỉ là ảo ảnh, nhưng cảm xúc là có thật. Bạn có thấy trái tim ông ta đập liên hồi kỳ trận không? Bao lâu rồi nó không đập như thế, bao lâu rồi nó nhúc nhích trong lồng ngực đều đặn như tiếng tích tắc của đồng hồ? Nói thế để biết rằng, vì sao ngoại tình đã được dán mác nguy hiểm, như thể dán lời cảnh báo kinh khủng lên các bao thuốc lá, mà đời này người ta vẫn lao vào với một sức mạnh không thể cưỡng lại được. Chính là cái ma lực ấy đấy, ma lực của sự thăng hoa xúc cảm, thứ mà người trong cuộc mới hiểu, đứng ngoài thì không hiểu nổi đâu.

Thế nên, người ta sẽ vẫn còn đay nghiến mãi câu chuyện ngoại tình. Và chừng nào người ta còn quên đi rằng trong hôn nhân còn có tình yêu, thì ngoại tình vẫn luôn là một phần của cuộc hôn nhân ấy. Tôi không cổ vũ ngoại tình đâu, nhưng bởi vì duy trì một tình yêu dài suốt chặng đường hôn nhân không phải là một điều dễ dàng, thì nên chăng chúng ta chấp nhận việc ngoại tình là một phần của  hôn nhân ngay từ buổi đầu, vậy thì sẽ đỡ đau đớn và bất ngờ, bớt cay đắng hơn chăng? Và biết đâu, nhờ cái tâm thế ấy mà chúng ta có thể giữ cho cuộc hôn nhân của mình không nghiêng về ranh giới của sự ngoại tình. Tất nhiên là chỉ khi mà chúng ta còn muốn.

Thế nhưng, để bước từ lý thuyết này ra thực tế, hẳn là một con đường rất dài. Vậy nên người ta sẽ còn nói về chuyện ngoại tình rất lâu sau đó nữa. Chuyện vẫn còn nhiều tập :))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét