Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Phút tráng lệ cuối đời

Nếu không đọc text bìa cuối, có lẽ tôi sẽ không nhận ra đây là câu chuyện tình yêu của ông ấy. Người đàn ông tôi chỉ được ngắm nhìn qua những bức ảnh tư liệu đen trắng, với đôi mắt mở to nhìn đăm đăm vào ống kính, một chút u buồn, một chút thảng thốt, và rất nhiều sự thấu suốt, cứ như ông ấy thấy được hết mọi thứ. Khuôn mặt xương, đôi tai to vểnh mà trong những bức biếm họa người ta vẽ ông trông như một con dơi. Ngoại hình của ông có cái gì đó kỳ dị, đáng sợ và cô đơn - kiểu thiên tài điên khùng như Van Gogh chẳng hạn. Nhưng trong câu chuyện tình yêu mà tôi đang đọc, ông hiện lên với vẻ hiền lành, giản dị, một chút nhút nhát nhưng rất tha thiết trong tình yêu, để bằng tình yêu, chứ không phải là văn nghiệp, ông đã biến những giây phút cuối cuộc đời mình thành những phút tráng lệ

Có thể đây là một cau chuyện hư cấu- vì những bức thư tình giữa họ đã bị thủ tiêu, nhưng Dora đích thực là người phụ nữ cuối cùng của đời ông. Cô, với tuổi 25 phơi phới xuân xanh của mình, đã đến bên ông, vào cái giờ phút mà ông nghĩ là chẳng còn chờ đợi gì nữa, chẳng ai còn đến nữa. Thì cô đến, tự nhiên và dịu dàng, cứ như cô đã ở đó suốt 40 năm để chờ ông, cứ như cô đã thấu suốt 40 năm ấy đến từng chân tơ kẽ tóc. Từ ánh nhìn đầu tiên cho đến ánh nhìn cuối cùng, ông luôn biết rõ ràng mình yêu cô mà không hề tự hỏi lý do tại sao. Họ cứ yêu nhau như thế, như kiểu sóng trên mặt hồ vào một ngày tìm được hòn sỏi của đời mình, cứ tỏa những đợt sóng tròn đều đặn xôn xao mãi cho đến giây phút cuối cùng.

Nhưng nếu họ cứ yêu nhau như thế, thì tôi cũng chẳng cảm động gì mấy. Tình yêu đầy rẫy trên cuộc đời, lý gì phải cảm động vì hai người gặp rồi yêu nhau từ đầu chí cuối, chẳng ai buồn ngăn cản. Nhưng có một sự đồng cảm và ngưỡng mộ rất lớn của tôi, đến từ thời đại mà họ đang sống, thời mà người ta gọi là đại suy thoái với những cơn đói và những cuộc di cư tràn ngập châu Âu, thời mà phát xít manh nha với chủ nghĩa bài Do Thái- là họ. Còn ông, ông bị lao giai đoạn cuối, chẳng bao lâu thì giờ phút cáo chung cũng điểm. Xã hội điêu tàn, còn ông thì suy kiệt, ông chẳng dám cho cô một lời hứa hẹn gì. Vậy mà, cô đã xách vali phiêu bạt theo ông, từ Muritz đến Berlin, Praha, Vienna và Kierling trạm cuối của đời ông. Cô đi như thể cô đã lên kế hoạch từ lâu và cô cũng không băn khoăn là đời mình sẽ trôi về đâu, cô chỉ thấy ông, ánh sáng duy nhất, thỏi nam châm duy nhất, tình yêu duy nhất của cuộc đời. Còn với ông, cô còn hơn cả thế, cô là tất cả những gì tráng lệ nhất mà ông có được.

Họ yêu nhau dịu dàng, tôi không biết dùng từ gì hơn. Họ không lao vào nhau cuồng nhiệt mê đắm, dù tuổi 25 cô xứng đáng được như thế. Nhưng từ khi gặp ông, cô đã bỏ lại tuổi 25 của mình ở đâu đó rất xa xôi. Cô cẩn trọng, bình thản và nồng nàng trong sự dịu dàng của mình. Mỗi khi họ bên nhau, cuộc đời ấm cúng bình an, và họ yêu những phút giây như thế. Những phút giây mà cơn cuồng phong đại suy thoái không thể làm họ tê liệt và nản lòng, cứ như dòng máu trong huyết mạch được nuôi sống bằng điều kỳ diệu có tên là tình yêu ấy, mãi mãi không nguội lạnh.

Thế giới này sẽ nhắc tên ông rất rất lâu sau đó ( tôi nhắc tên ông hằng ngày), nhưng người ta không mấy người nhớ đến co. Mà cô cũng không cần điều đó, cũng như cô không quan tâm mấy đến sự nghiệp lừng lẫy của ông. Cô chỉ cần ông, người đàn ông già nua, ốm yếu, ho lao, người đàn ông suy kiệt, người đàn ông duy nhất cô yêu. Dường như cô là phần thưởng duy nhất mà cuộc đời ban tặng cho ông, sau chừng ấy năm miệt mài với nó. Nhưng đó là phần thưởng khiến cả hai mãn nguyện và hạnh phúc, là được sống, và chết trong tình yêu.

P/s : Bạn có đoán được ông ấy là ai không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét