Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Ngồi

Nếu bạn tìm tới với văn chương như một sự giải trí, thì bạn hãy bỏ qua cuốn sách này. Ngồi- không như cái tên đầy tĩnh lặng của nó- là một cuốn tiểu thuyết với rất nhiều xáo trộn rối ren và bế tắc, trong bầu không khí hư ảo nửa mơ nửa thực lẫn lộn, và tựu chung nó sẽ mang đếm một cảm giác tù mù, cảm giác chính mình bị ngưng đọng và hóa đá trong dòng chảy của thời gian. Với tất cả những đặc điểm đó, Ngồi không dành cho những ai muốn được nghe kể chuyện, hoặc đi tìm một lối thoát hay cứu rỗi nào đó trong văn chương. Với Ngồi, có lẽ Nguyễn Bình Phương muốn giãi bày một sự thật tồn tại rất kiên định trong đời sống, là sự sa đọa, và sa đọa trong một nỗi buồn lững thững gặm nhấm tâm hồn, trong sự giằng xé giữa bản năng và lý tưởng để rồi mỗi ngày nhận ra mình đang xóa sổ chính mình trong thế giới hỗn loạn kia, nhanh tới mức không còn kịp để lại giấu vết.

Tất cả những nhân vật trong câu chuyện này, là Khẩn, Minh, Nghĩa, Hùng, Nhung, Thúy, Quân, Liên… đều tồn tại bằng cái vẻ chung chung của cần cù, nhẫn nại và rồi quằn quại trong mỗi cõi lòng riêng biệt bằng bản năng thèm khát được sống và hưởng thụ cuộc đời mà lý tưởng của họ chối bỏ. Họ sống hiền lành cam chịu, ý thức cao nhưng lòng họ không yên bởi những cơn khao khát cuồng dại bị kìm nén, là nhu cầu sinh lý, là nhu cầu tình yêu, là cảm giác được tồn tại trong lòng một ai đó. Khẩn chênh vênh giữa cuộc đời anh chọn và cuộc đời anh mơ, giữa việc phải sống như một Đảng viên gương mẫu và sống phóng túng giữa tình yêu. Khẩn sa đọa trong cơn mê cuồng dục vọng bị đóng khung trong bộ áo thạch cao đông cứng của chủ nghĩa xã hội. Khẩn, vừa không chối bỏ được bản thân, vừa không dám quay lưng với cả một thể chế. Khẩn cứ thế đi lang thang trong tâm tưởng của mình, thả cho hồn vía của mình neo đậu trên những bến bờ hư ảo, những cơn mộng mị mê cuồng và bấu víu vào những sợi dây tâm linh chảy suốt mạch máu mình. Sa đọa cũng là một sự lựa chọn để xác định sự tồn tại của chính mình, sa đọa để nhận ra mình vẫn còn cảm giác người, vẫn còn ham muốn, còn đau đớn và yêu thương. Sa đọa trong cơn bế tắc, trong linh tính về sự cáo chung của chế độ. Với một tấm áo giáp quá dày, thì việc hủy diệt từ bên trong là điều không thể tránh khỏi.

Bầu không khí tâm linh ngập tràn trong cuốn sách. Nó lẩn khuất, mơ hồ nhưng phủ cái bóng nguy hiểm của nó lên tất cả các số phận. Không ai lý giải được cho những hiện tượng bí hiểm và họ cũng mặc lòng chấp nhận nó như một phần của cuộc sống, mặc lòng để nó ám ảnh và xoa dịu mình, mặc lòng vin vào nó để tha thứ cho sự sa đọa của bản thân. Bầu không khí âm u nửa mơ nửa thực này tôi từng thấy ở trong những trang sách của Franz Kafka, cộng với chất tâm linh thuần Việt trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh. Những yếu tố ấy làm cho Ngồi có cái gì đó gần gũi chân thực nhưng mơ hồ bảng lảng như trong những giấc mơ. Nguyễn Bình Phương lại có cái lối viết tưởng chừng như phóng túng nhưng hóa ra lại rất cẩn trọng. Những trang viết dài, những đoạn đối thoại viết liên tục như kể, mà cũng không phải kể, là tả. Nguyễn Bình Phương cứ tả cuộc sống này với giọng bình bình đều đều không có một dấu chấm than. Cứ như mọi đau khổ, bất bình, nông cạn, ham muốn, say sưa trên cuộc đời này đều là chuyện thường tình, chẳng còn gì khiến người ta thảng thốt nữa. Nó không khiến ai bất ngờ như nó đã ở đó mấy chục năm nay, trong trí não hoang tàng của mỗi người, trong trái tim chai cứng vì cuộc đời. Nó đã hóa đá tất cả, những niềm yêu, hạnh phúc, đắng cay. Tất cả chỉ còn là những khối chai cứng, khô lạnh đợi đến ngày vỡ vụn.

Để nói về Ngồi, thật ra là quá nhiều. Chữ nghĩa của Nguyễn Bình Phương dường như có nhiều bột dậy, cứ đọc một chữ lại nở ra thành nhiều chữ khác. Bút pháp miên man, lạ lẫm, ngắt quãng vừa có chủ ý mà vừa như lơ đãng vô tình. Những cơn mơ xen vào đời thực tưởng như rời rạc nhưng lại rất chặt chẽ, đại từ nhân xưng lẫn lộn một cách có ý đồ. Thật ra cuốn tiếu thuyết chừng này trang mà viết tới 4 năm ròng thì Nguyễn Bình Phương đã quá lao tâm khổ tứ, đó là cả một thành quả mà đọc một cách hời hợt thì không thể nhận ra. Đó cũng có thể là lý do mà các độc giả trẻ tuổi dường như không hiểu được, họ thiếu nhẫn nại để hiểu một tác phẩm mà họ nghĩ là “chẳng có gì để đọc”, cũng có thể là họ thiếu trải nghiệm, những trải nghiệm mà chỉ có người nào đi qua chiến tranh mới hiểu, mới nhận ra cái bóng của nó sau mỗi con chữ. Dẫu sao, như Nguyễn Bình Phương đã nói, anh không cần những lời khen tặng, với anh, chỉ có lời nhận xét của một vài người là có ý nghĩa. Tôi tin điều này. Bởi tôi nghĩ đây không phải là một cuốn sách thuộc về đám đông, nó là cuốn sách dành cho người có lòng muốn hiểu. Như thế, đối với một cuốn sách, đã là đủ lắm rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét