Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Đứa trẻ thứ 44

Rõ ràng, cuốn sách này không phải chỉ dắt ta truy tìm kẻ đã giết 44 đứa trẻ. Và rõ ràng, tội ác mà nó vạch ra đồ sộ hơn thứ tội ác được chỉ mặt đặt tên, được thành lập tội danh và chính thức khép lại khi tìm thấy hung thủ. Thứ tội ác đã xoè đôi cánh đại bàng của nó ra cào bằng tất cả các giá trị, để cướp cũng như người mà người cũng như khủng bố, để tình yêu cũng kinh tởm không kém gì lòng căm thù, để con người cũng hèn kém không khác gì súc vật. Thứ tội ác đã chấp chứa và chôn vùi những tội ác khác dưới khuôn mặt mãn nguyện của những con số thành tích, phẳng phiu như đổ beton đè lên những xác người, bất chấp những sục sôi và quằn quại trong lòng nó. Thanh tra Leo Demidov, thứ mà gã phải đối diện đâu chỉ là một kẻ thần kinh và 44 xác chết. Một cuộc đi ngược dòng đổ nhiều máu hơn thế rất nhiều.

Cuốn sách đã bắt đầu với một con mèo. Con mèo như một hạt bụi nhỏ trong vùng đất đầy băng tuyết của làng Chervoy, mà làng Chervoy cũng chỉ như là một hạt bụi trên tấm bạt Liên Xô. Ấy vậy mà từ một khởi đầu vô nghĩa như thế, mọi đứt gãy đổ vỡ đã diễn ra, những ám ảnh lớn dần, những tuyệt vọng lớn dần với những hạt mầm đã gieo sẵn để vươn lên thành tội ác. Tội ác được lờ đi, được san phẳng bởi một tội ác khác nên cứ thế tồn tại như một rãnh nước ngầm, vươn mãi dòng nước đen ngòm của nó dưới tầng beton của chế độ. Lòng người cũng lúc nhúc dòi bọ của nỗi sợ hãi, nhưng biết làm gì với tầng beton đã đông cứng ở bên trên?

Vậy cho nên, đây là một cuốn sách nghẹt thở từ trang đầu tới trang cuối. Nghẹt thở không phải vì vụ án quá khó để lần tìm, mà bởi vì tất cả đều bị nhốt chung trong một căn hầm kiên cố, căn hầm ngay từ đầu đã không thể phá vỡ để thoát ra, chỉ có thể im lặng chấp nhận số phận, hoặc là chiến đấu trong tình trạng mơ hồ câm điếc với thứ ánh sáng nhợt nhạt không đủ để sự thật xuất hiện. May mà, có thể hơi sến, nhưng may mà có tình yêu. Rốt cuộc người ta cũng chỉ có thể bấu víu vào tình yêu và lòng tin để lần tìm sự thật trong bóng mờ ảm đạm. May mà Leo còn có Raisa, cô không đến với gã bằng tình yêu, nhưng vì tình yêu mà cô đã ở lại. May mà họ dù nhầm lẫn về rất nhiều giá trị nhưng vẫn còn nhận diện được trái tim mình. May mà cha mẹ của Leo đã yêu thương gã vì chính gã chứ không phải vì những thứ gã đem lại. Rốt cuộc, dù bị cào bằng tất cả, nhưng không có chế độ nào có thể làm vậy với tình thương. Con người vẫn có thứ ấy để làm người để không trở thành lũ gia súc gia cầm bị nhốt trong chuồng trại.

Nhưng giá của tình yêu là không hề rẻ. Cái giá của việc được làm người cũng không hề rẻ. Và sự thật dường như là vô giá vì nó phải trả quá nhiều quá nhiều không bao giờ đủ. Sự thật về bản thân Leo, con người thật nằm ngay trong chính gã, vậy mà gã phải đi bằng đúng một vòng tròn khép kín với hơn 20 năm dài mới có thể tìm thấy, mỗi bước tìm về là mỗi xác người. 44 đứa trẻ, 200 người đồng tính và cả cái chết của những người không mảy may liên quan. Một cuộc tìm về đánh đổi quá nhiều. Một chế độ cầm tù tất cả, xây những bức tường đầy e sợ giữa người với người, giữa thế giới và con người thật của chính họ. Vậy mà tôi cũng không thể tự thuyết phục mình rằng nó là hư cấu. 

Nó có thật. Nó đã tồn tại một thời gian dài và dư âm đầy ám ảnh của nó vẫn còn vươn tới tận bây giờ. Dù thật khó tin, dù có muốn nghĩ về nó như một kiểu distopia của trí tưởng tượng, thì mối dây liên hệ tới thực tế của nó thật là dai dẳng. Người ta đã sống như thế rất lâu để chờ tới ngày bức tường ngục tù sụp đổ. Nhưng dưới chân tự do đã hình thành đó, có bao nhiêu xác người, có bao nhiêu tội ác đã chôn vùi vĩnh viễn trong thinh lặng? Rất nhiều, vô số, không bao giờ đếm được. Liệu có ai đào bới? Chắc cũng không nhiều, hầu hết mọi người đều bận rộn để sống còn. 

Vậy nên câu chuyện này vẫn chưa bao giờ kết thúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét