Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Bay trên tổ chim cúc cu

Dạo gần đây, khi xem thời sự hay đọc báo, tôi hay nghĩ về cuốn sách này, câu chuyện này. Sau gần nửa thế kỷ có mặt trên đời, nó vẫn nói đúng y chóc về chúng ta, những con bệnh kinh niên, những con bệnh cấp tính, những con bệnh vì yếu đuối bạc nhược nên không dám lựa chọn tự do để dần dần lãng quên tự do, để sống một cuộc đời mỏi mòn héo hắt.

Mc Murphy ở đâu, giờ đây thật khó để tìm được một con người như thế giữa một rừng người toàn là bệnh kinh niên với cấp tính, thật khó để nghe được giọng cười hào sảng khinh khoái  giọng cười bạt mạng thơ ngây. Giờ đây chúng ta chỉ còn một lũ người với những viên thuốc tê liệt não, những kẻ để sống an toàn phải giả câm giả điếc như Bromden, những mụ y tá như Ratched cười ngọt ngào một cách vô cảm và tàn nhẫn, những tay hộ lý căm thù đồng loại của mình. Chúng ta chỉ còn những khát vọng tự do đã bị lãng quên.

Không có cuốn sách nào tưng bừng hơn, và đau buồn hơn cuốn sách này. Nó nhắc ta nhớ về tự do và cũng nhắc ta về cái giá phải trả của tự do. Không có cái chết nào ám ảnh hơn cái chết của Mc Murphy, chết như một kẻ bị hút cạn linh hồn, hút cạn lòng nhiệt huyết và niềm vui sống, chết như bị hoá đá. Một cái chết đánh động và thức tỉnh tới bàng hoàng, rã rời, tới cay đắng, tới nghiệt ngã. Mọi thứ diễn ra đúng quy luật của nó, thản nhiên lạnh lẽo như gương mặt mụ Ratched, kẻ cai trị người khác bằng gót chân Achilles của chính họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét