Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Ở lưng chừng thời gian - The time in between


Không biết ai đã tạo ra chiến tranh. Đó là vấn đề của dân tộc này và dân tộc khác, nước này và nước khác hoặc một nhóm này với một nhóm khác. Sau khi đã lao vào nhau điên cuồng rồi tan tành, tro khói và máu hòa lẫn rồi một ngày nào đó phân rã đi, vinh quang, thuộc về một nửa số người phía bên này, và nhục nhã thuộc về một nửa số người bên kia. Nhưng cuối cùng, như Charles đã ngậm ngùi thừa nhận : " Trong mọi cuộc chiến, đau khổ là thuộc về cá nhân". Vấn đề cá nhân, từng người một và thuộc về cả hai phía.

Cuốn sách này không nói về chiến tranh. Bạn David Bergen bảo thế, mình cũng không cãi làm gì cho mệt. Bạn ấy viết thì bạn ấy biết. Phần lớn nó chỉ nói về những năm tháng sau khi xuất ngũ của Charles ởCanada, và sau đó là quãng thời gian ngắn ngủi quay lại Việt Nam, trước khi tự dìm mình chết trong lòng biển Đà Nẵng. Xen vào đó là hành trình đi tìm cha của hai đứa con ông : Ada và Jon. Ba người họ, đến Việt Nam rồi lạc vào những ngả rẽ khác nhau, rồi tự mình đào bới những vết tích của một lịch sử đầy giông bão, ẩn dưới vẻ dửng dưng của cái xứ sở lạ lùng này.

Charles, có thể sẽ không bao giờ quay trở lại Việt Nam, nếu như không đọc cuốn "Trong mảnh rừng tối" của Đặng Thọ. Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này- Kiên- là một người lính Bắc Việt, sống sót sau một trận đánh và chứng kiến những người đồng đội chết một cách bi thảm. Kiên đào ngũ và trốn ra Bắc. Hành trình chạy trốn của Kiên đầy những mảng u tối và máu của những người vô tội chết trong cuộc giành giật sự sống của anh. Charles tìm thấy một mối đồng cảm, sự giống nhau giữa hai kẻ khác chiến tuyến, cùng bị cùng một nỗi ám ảnh tay mình vấy máu. Như tìm được người cùng cảnh ngộ, Charles tới Việt Nam, hy vọng tìm được một phương thuốc cho vết thương của mình.

Charles vỡ mộng. Việt Nam không giống như ông tưởng. Không còn những làng mạc cháy sém và những xác chết ngổn ngang. Mọi thứ đã xóa nhòa không vết dấu. Cuộc sống phẳng lặng với vẻ vô tâm như thể chưa từng trải qua một tang thương nào. Những con người sống thờ ơ và buông trôi, uể oải trong cái nắng gay gắt của miền nhiệt đới. Charles không hiểu bằng cách nào con người ta có thể vượt qua nỗi đau chiến tranh, ông muốn tìm cách thức mà họ đã tự chữa cho mình. Nhưng vô vọng
Bởi vì Charles, Ada và hầu như những người nước ngoài trong câu chuyện này, Elain ,Jack những người họ gặp đều đã nhầm lẫn. Như ông Đạt nói với Ada: "Những người đến Việt Nam đều hiểu nhầm. Cô tin rằng, nếu cô muốn một điều gì đó và cô yêu cầu thì lập tức điều đó sẽ hiện ra ngay. Điều đó không đơn giản như vậy". Và nếu như Ada và Charles không tìm thấy được dấu vết nào của quá khứ, thì không có nghĩa là quá khứ không tồn tại ở quanh đây. Nó vẫn tồn tại - quá khứ và những vết thương đau đớn của chiến tranh vẫn hiển hiện. Có điều người Việt không có thời gian giành cho nó. "Chúng tôi quá sức bận rộn để được sống còn".

Đó đúng là bộ mặt của Việt Nam. Đôi khi đi ngoài đường mình thấy đúng là cả cái thành phố này, ai nấy đều có một vẻ thờ ơ và nhạt nhẽo ghê gớm. Họ vô tâm và nông cạn, và mình cũng thế, không hơn. Tất cả đều như bị cuốn theo một cái gì đó vội vã, chật vật và rối rít tới buồn cười. Nhưng hàng triệu con người với hàng triệu cuộc đời khác nhau, hàng triệu bi kịch khác nhau trong đó. Nếu Ada và Charles có nghĩ thế cũng bởi vì ,đơn giản, họ chỉ là một người nhìn ngắm một bức tranh mới mẻ, như tranh Đông Hồ chẳng hạn, và thất vọng rằng, ồ nghệ thuật ở đây mới chỉ có chừng này đây thôi hử?, không chấm phá, không nhấn nhá và khép mở, không ẩn dụ và hàm ý sâu xa. Tất cả đều trưng ra trên một mặt phẳng, những nét cọ đều đặn buồn chán để nói rằng, đó tôi là vậy đó. Thẳng thừng huỵch toẹt không dấu diếm. Nhưng như giá trị thật sự của một bức tranh Đông Hồ, chiều sâu thật sự không nằm trong kỹ thuật vẽ hay bố cục bức tranh. Điều này, cần nhiều thời gian và hiểu biết để cảm thụ.

Khi Ada bắt đầu yêu hay nói đúng hơn là cô cảm nhận Hoàng Vũ, cô bắt đầu tìm được những tầng lớp khác ẩn dưới lớp vỏ mà cô từng thấy. Khi anh bắt đầu kể cho cô nghe những ký ức của mình, những không gian mới dần dần hiện ra, cuộc sống thời hậu chiến bắt đầu hé những vết dấu đầu tiên, và Ada thấy ở đây không chỉ có Kiên- nhân vật trong cuốn sách mà cha cô để lại, không chỉ có duy nhất một hình thức chết như cuốn sách diễn tả. Rằng cái giá phải trả cho một cuộc chiến là nhiều, nhiều hơn cô có thể tưởng. Những chiều không gian khác nhau được hình thành. Việt Nam không còn là một xứ sở vô cảm nhạt nhòa như Ada nghĩ.

Ám ảnh cũng gần như là một thứ chất độc, kiểu như chất độc màu da cam chẳng hạn. Nó đeo đuổi và thậm chí di truyền. Sự ưu tư sầu muộn của Charles lây cả sang Ada dù cô chưa từng trải qua cuộc chiến. Những gì còn lại sau chiến tranh không phải cứ đợi khói tan, tro tàn và máu ngấm xuống lòng đất là có thể biến mất. Mọi thứ đều cần có thời gian. Charles không đủ thời gian để hiểu và chịu đựng nên ông chọn cái chết. Nhưng Ada vẫn còn. Cô có đủ để tìm ra những câu trả lời mà cha cô chưa tìm thấy, và khi cô xích lại gần hơn, hòa vào cuộc sống ở đây hơn, vết thương cũng từ đó mà tan loãng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét