Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Giết con chim nhại

Hình như là,ở cái thị trấn Maycomb, người nào cũng ít nhiều trông có vẻ cô đơn.Khi đọc hết cuốn sách này, mình cứ có cảm giác như tác giả muốn chỉ cho mình cách nhận diện nỗi cô đơn dưới những gương mặt khác nhau. Có thể là nó còn có những ý tưởng khác, đại loại kiểu như lên án phân biệt chủng tộc hay đấu tranh gì gì đó, nhưng mình lại không để ý lắm , mình cứ nghĩ hoài về việc con người ta đơn độc ngay cả khi có nhiều đồng minh và ngược lại, hoàn toàn không cô đơn chút nào khi ở một mình trong bóng tối.
Nếu mình là con nhỏ Scout, nếu cuốn sách này mang cái nhìn của con nhỏ mới 8 tuổi, chắc mình cũng chỉ nghĩ tới chừng đó thôi. Có nhiều đoạn trong sách, suy nghĩ của nó làm mình nghi hoặc : chắc nó phải 15 tuổi là ít. Nó đặt câu hỏi như một đứa 8 tuổi nhưng lại đón nhận câu trả lời như một đứa 15. Nó giống một cái gương phản chiếu ông Atticus, qua đó ông hiện ra như một người đi đầu đấu tranh cho quyền bình đẳng. Và cũng qua cái cách nó hỏi, ổng sẽ trả lời những câu rất đạo đức, tốt đẹp và đầy thiện tâm. Nếu trích những câu đó ra, có thể in được vài cuốn "hạt giống tâm hồn" hay chicken soup, đại khái thế. Mình thấy ngán ngẩm khi phải đọc những đoạn mang tính chất "bài học" và Atticus thì quá giống một vị thánh. Tuy nhiên, truyện vẫn hay. Ở chỗ, "vị thánh" này đã thất bại ở phiên tòa.
Cuộc sống vốn là như thế. Dù là ở Mỹ 1930 hay ở Việt Nam 2008, công lý và lẽ công bằng không phải lúc nào cũng được xác lập, nhất là ở tòa án. Mình thì mình nghĩ, phán quyết của tòa án chẳng đại diện cho cái gì hết. Bản thân mỗi người đã có một sự thật gim sẵn trong lòng rồi, cho dù có thừa nhận hay không. Cho nên lúc ông Atticus bị bồi thẩm đoàn quay lưng, người da trắng chửi rủa, người da đen thất vọng. Và ông trông có vẻ cô đơn. Thì thật ra ông hoàn toàn không cô đơn chút nào.
Và ông còn rất thành công nữa kìa. Ông đã kéo sụp được cái vỏ định kiến trùm lên toàn bộ người dân Maycomb, cho dù sau đó, hình thành hàng chục phe phái với hàng chục ý kiến khác nhau, thì họ cũng đã bắt đầu nói lên chính kiến của mình. Cùng với việc được thức tỉnh của những người xung quanh, Jem và Scout đã nhận diện được những gương mặt khác nhau của nỗi cô đơn, học được cách thấu hiểu người khác bằng cách đặt mình vào vị trí của họ.
Đó là lúc ở phiên tòa, khi mà Scout nhận ra rằng Mayella Ewell mới chính là kẻ cô đơn nhất trên thế giới này, chứ không phải Boo Radley, người đàn ông nhốt mình trong bóng tối. Sự khám phá này làm mình thích cuốn sách này ghê gớm. Bởi vì Mayella- người da trắng-người ngồi trên ghế nhân chứng, buộc tội Tom Robnison-người da đen, nhận được sự ủng hộ của gần như toàn thể hạt Maycomb và cuối cùng là cả của bồi thẩm đoàn nữa mới chính là người đáng thương, đau khổ và bất hạnh nhất. Bởi vì thứ mà cô ta buộc tội cũng chính là thứ cô ta khao khát. Cô ta chà đạp sự thật và sự đam mê của bản thân mình. Để rồi mất tất cả .
Atticus có thể bị cô lập, bị uy hiếp hoặc bị tẩy chay, nhưng ông vẫn nắm trong tay thứ mà dân Maycomb không thể chối bỏ : đó là sự thật. Do vậy, tuy ông có vẻ một mình, nhưng lại có quá trời đồng minh tuy mới ở dạng triển vọng.
Boo Radley, người đóng kín cửa giam mình trong ngôi nhà, với những lời đồn đãi thêu dệt ghê rợn, cũng có vẻ đơn độc như một bóng ma. Nhưng tâm hồn anh ta tràn ngập hình ảnh những đứa trẻ hồn nhiên lớn lên, hồn nhiên đi qua những nỗi buồn vui và sợ hãi thường tình. Anh ta có một thế giới được nhìn từ hiên nhà sau khe cửa hẹp. Khi Scout đứng ở vị trí đó, nó tìm thấy thế giới của Boo, nhận ra tâm hồn anh ta không hề lạnh lẽo và u ám mà ấm áp tình yêu thương. Cũng như Jem hiểu tại sao Boo không ra khỏi nhà : chỉ vì ông ta không MUỐN. Boo Radley không cô đơn, anh ta chỉ lựa chọn cách sống cho mình, anh ta biết mình muốn gì và làm điều đó bất chấp những lời đồn thổi của hạt Maycomb.
Cô Maudie, người hàng xóm tốt bụng. Sống một mình trong căn nhà với những luống hoa. Khi thứ tài sản duy nhất của cô bị cháy rụi, cô vẫn sống với một sự lạc quan cố hữu dù là tứ cố vô thân, không còn gì trong tay, dù là phải ở tạm chung nhà với cô Stephanie nhiều chuyện lắm lời.
Dolphus Raymond, người da trắng cưới một người đàn bà da đen và sinh ra một lũ con lai, sống dưới vỏ say xỉn, uống Coca trong những chai rượu. Ông ta kẹt giữa giới tuyến một bên là người da đen và bên kia là cư dân hạt Maycomb. Nhưng ông ta thích thế, ông ta thích cách sống đó. Và bởi vì cả hai cộng đồng đều không thể nào hiểu được tại sao ông lại muốn sống như thế : nửa bên này, nửa bên kia nên ông ta tạo ra một cái vỏ say xỉn để làm lý do cho họ. Họ kết luận ông ra nông nổi này vì ông say, đầu óc mụ mị, mơ hồ. Dolphus sống dưới sự nhầm lẫn ngộ nhận như thế. Không lấy gì làm phiền toái. Có lẽ mình thích nhân vật này nhất. Bản thân ông ta và cái sở thích của ông ta đã hoàn toàn chứng minh sự bình đẳng giữa người da trắng và người da đen mà không cần một thứ ngôn ngữ nào khác. Bởi thế ông ta hài lòng, dù ông ta cũng có vẻ như lạc loài.
Vậy là Atticus không đơn độc. Boo Radley cũng không, Jem và Scout đôi lúc không hòa nhập nổi nhưng vẫn không cô đơn. Dolphus cũng không. Chỉ có Mayella là cô đơn tới tội nghiệp. Cô ta tội nhất câu chuyện này nhưng đó là thứ mà cô ta phải nhận. Một cô nhà báo Việt Nam đã treo blast như vậy :"Nếu anh từ chối sự thật, sự thật sẽ hủy diệt anh từ bên trong". Mayella đã trả giá cho việc chối bỏ sự thật của chính mình. Công lý có thể không có. Nhưng sự thật luôn luôn có. Người dân Maycomb có thể không nhìn ra sự thật vì định kiến cố hữu của mình, nhưng Mayella phải thấy nó, và nó sẽ ám ảnh cô hàng đêm và bất tận.
Mình nghĩ có lẽ không ai cô đơn đâu, trừ khi họ giống Mayella, quay lưng với chính bản thân mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét