Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Nhạc đời may rủi


Trên đây là lý do để mình đọc cuốn sách này. Một cái bìa ấn tượng và sâu sắc, nhiều màu trắng đủ để thách thức mình kiếm coi viết gì bên trong, sự lửng lơ vô định của những con bài cùng cái tựa đề, cũng khá là gợi cảm. Sau khi đọc "Người trong bóng tối" thì mình có đôi chút cảm tình với Paul Auster, dù đôi khi có cảm giác đọc sách ông như đang coi một bộ phim Mỹ trên HBO, không lý giải được cảm giác này vì mình không rành về phim ảnh, nhưng nói chung là như thế.

Còn đây là cái bìa sách được xuất bản ở Việt Nam. Thật sự thì không xấu, cũng không đẹp nhưng chung quy thì chả ăn nhập gì với cái nội dung bên trong. Mình lại là đứa hơi hình thức (thiệt ra là rất hình thức) nên đôi khi cũng tiếc này tiếc nọ.

Nói chuyện cái vỏ xong thì nói chuyện cái ruột. Như cái bìa (bìa phía trên) nội dung của nó cũng rất ấn tượng với series những bất ngờ nối tiếp, những thứ trông có vẻ vô lý nhưng lại tuyệt đối logic với nhau. Những tình huống và những hình ảnh đối lập, những thái cực giữ bạn ở cái thế lơ lửng ở chính giữa. Và đến cuối cuốn sách thì hiểu ra một điều rằng mọi cuộc đời bình thường ( không kể bị bệnh tâm lý nhé ) luôn bị khống chế giữa những cái cực đối lập như thế. Đó là cách mà người ta không bị chệch khỏi quỹ đạo.

Cụ thể trong cuốn sách này, những cái cực đó là gì? Thứ nhất đó là Nashe và Pozzie. Sự ngông cuồng nổi loạn có phần nông nổi của Pozzie, sự điềm tĩnh tính toán từng bước một của Nashe. Cặp thứ hai là Flower và Stone- Hoa và Đá. Một kẻ béo ú huênh hoang và một tên gầy gò nhút nhát. Tất cả mọi thứ đều nằm ở những cái cực của mình. Nhưng nếu bạn nhìn vào trận đấu căng thẳng đêm hôm ấy, bốn con người họ lập thành hai thế cực kỳ cân bằng.

Bởi vì đó là sự kết hợp hoàn hảo: Nashe và Pozzie, Flower và Stone. Cách thức của sự kết hợp này chính là người này nhận ra mình trong một người khác. Nashe nhận ra khát vọng nổi loạn của mình qua Pozzie, Flower và Stone đều tìm thấy ý nghĩa cuộc đời qua những trò may rủi, nhưng thẳm sâu trong cái huênh hoang của Flower chính là cái bí hiểm đang hiện diện trên khuôn mặt Stone và ngược lại. Bốn con người trong một cuộc chơi, giữ bốn góc chủ chốt và tất yếu những giây phút đầu tiên, khoảng thời gian hiện diện đủ cả 4 người, thế cờ luôn nằm ở vị trí cân bằng.

Lý do Pozzie đã thua Stone và Flower chính là Nashe, vì anh đã rời khỏi cuộc chơi và tự mình lang thang trong căn nhà mênh mông đó. Và vì thế mà Pozzie chao đảo và hoàn toàn không làm chủ tình thế được nữa. Hắn trượt dài trong cái trật tự bị phá vỡ. Ván bài hiện nguyên hình là một cuộc đời với đủ vẻ mặt : sự tự do bất ổn- Pozzie, sự màu mè giả tạo- Flower, sự trật tự và nguyên tắc- Nashe và vẻ bí hiểm bệnh hoạn của Stone. Cuộc chiến ngả ngũ.

Nhưng cuộc chiến trong Nashe vẫn chưa kết thúc. Cuộc đấu tranh giữa tự do hoang dại đào thoát ra khỏi cuộc sống cầm tù sau khi thua bài, với cái lý trí mách bảo anh làm theo nguyên tắc đã thỏa thuận vẫn luôn diễn ra trong tâm trí anh, cộng với hình ảnh của Stone và Flower, dù sau khi chung cuộc đã không còn gặp lại, vẫn trùm những cái bóng đen ám ảnh lên cuộc đời anh. Nashe vẫn mang theo ván bài đó đi cho đến lúc tàn cuộc đời, khi trong một phút không kiềm chế được, sau tay lái của chính chiếc xe mình, sự tự do lồng lên trong con người anh, bứt ra khỏi những giằng co và một lần nữa, thế trận lại bị phá vỡ.

Suốt cả cuốn sách, cảm giác chung là lưng chừng giữa một bên núi đá và bên kia là vực thẳm. Và cứ từng đoạn từng đoạn, Nashe và Pozzie, tưởng chừng đã rơi xuống, lại bám được vào như một điều kỳ diệu, có khi đã vững chãi gần như thắng ở cái đoạn xây bức tường đá. Nhưng cuối cùng, trong một tích tắc, mọi thứ tung hê lên hết cả và Nashe lao ra buông mình xuống vực. Cái giá của tự do.

Đó, té ra mình sống được tử tế như vậy, cùng nên biết ơn những thứ chả ra gì, như cục đá vấp dưới chân- Stone , những phù phiếm màu mè kiểu như Flower và cả những quy tắc khô khan, những lề thói bức bối kìm kẹp, tính toán thực dụng. Tất cả mấy thứ đó, đều là vật cản, đều là chướng ngại nhưng để mình đừng có nhắm mắt lao theo cái bản năng tự do cuồng loạn để đến khi mở mắt ra thì đã chạm vào đáy vực.

Mà tự do là cái thứ khi đã trỗi dậy là ghê gớm lắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét