Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Ba ơi, mình đi đâu?




Trào phúng hóm hỉnh – đó là cách tác giả lựa chọn để viết lên câu chuyện của chính mình. Dù đó là một câu chuyện buồn và hơn cả nỗi buồn - đến mức ta chưa kịp nở nụ cười vì sự dí dỏm thì giọt nước mắt đã rơi. Tuy nhiên ở đây, không có chỗ cho sự thương cảm xót xa, không có chỗ cho bi lụy. Chỉ có chỗ cho tình yêu vô điều kiện của người cha dành cho những đứa con trai của mình – dù chúng không phải là một kiệt tác của thượng đế, không phải món quà của Chúa, không phải niềm tự hào hay kỳ vọng. Chúng là nỗi đau đớn thất vọng và sụp đổ không kém gì ngày tận thế.
Người đàn ông này có đến hai ngày tận thế : Mathieu và Thomas – hai đứa con trai tật nguyền và thiểu năng , hai hình hài mãi mãi dừng ở tuổi thứ bảy dù có bước sang tuổi thứ bao nhiêu của cuộc đời, hai trí tuệ mãi mãi non nớt : Mathieu chỉ biết nói “brừm, brừm” và Thomas chỉ biết hỏi “ba ơi, mình đi đâu?”. Hơn hết, chúng là hai nỗi giằng xé trong trái tim người cha, suốt đời dằng vặc, rằng mình đã hỏng hóc ở chỗ nào hoặc cụ kỵ của mình đã sai lầm ở đâu để cuối cùng lại sinh ra những đứa con như vậy
Nhưng cho dù là những đứa con dị dạng, tật nguyền, chúng vẫn là những đứa con được sinh ra từ tình yêu, từ khát khao của cha mẹ. Jean Louis Fournier, số phận của ông là cha của chúng- và ông đã làm tốt vai trò đó. Một người cha với tất cả sự tủi hổ khi thấy con mình thua kém, thiệt thòi, người cha cáu kỉnh giận dữ trước phiền phức mà lũ con mang lại, nhưng vẫn là một người cha với tất cả tình yêu thương dành cho con mình. Người cha lặng lẽ ngắm hai sinh linh bé nhỏ, âu yếm nghĩ về chúng như những con chim sẻ xù lông ốm yếu không đủ sức sải cánh. Ông ấy từng mơ về công và đại bàng, nhưng vẫn yêu những con chim sẻ tầm thường nhỏ nhoi và không ngừng hy vọng về một ngày chúng có thể bay và ngắm bầu trời.
Jean- Louis Fournier không phải là một người đàn ông mạnh mẽ, không phải là một thiên thần để có thể mỉm cười trước sự cay đắng của số phận, trước sự may rủi của trò xổ số di truyền học mà ông đã thua. Ông yếu đuối – nên đau buồn đến phát điên , đến quẫn trí, đến hằn học. Nhưng rồi ông vẫn tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu và hy vọng, vì chính hai đứa con mình, hai con chim sẻ còi cọc tội nghiệp mà ông đã mang chúng vào đời. Rồi học cách cười cợt nỗi đau khổ của mình, mỉa mai sự cay đắng của mình, sống chung với định mệnh của mình. Ông nhận ra mình, ngoài cõi lòng tan nát, vẫn còn hai đứa con, dù không đẹp đẽ xinh xắn, nó vẫn là thiên thần của ông, vẫn là những niềm vui bé nhỏ ngày ngày lấp đầy trái tim thương tổn của ông. Chúng tật nguyền, dị dạng, nhưng tình yêu của ông dành cho chúng là lành lặn và trọn vẹn
“Ba ơi, mình đi đâu?” Thomas hỏi câu ấy mấy trăm lần, và nó không hề nhớ ra một câu trả lời nào cả. Thực chất ba của nó cũng không có đáp án cho câu hỏi ấy, rằng họ sẽ đi về đâu, phía nào có ánh sáng cho cuộc đời của họ, cho những đớn đau mà họ gánh chịu. Ở đâu có thể cho Thomas sự lành lặn, để làm một người bình thường. Ở đâu có thể đem lại cho Mathieu bầu trời mà không đánh đổi bằng mạng sống. Đến cuối cuộc đời mình, ông ấy biết rằng mình cũng không thể có câu trả lời
Trong bế tắc và tuyệt vọng, cuối cùng chính người đọc sẽ nhận ra ánh sáng xuất hiện trong câu chuyện này không đến từ một phía nào khác, mà ngay chính trái tim của tác giả. Người đã bằng mọi giá chống đỡ lại số phận khắc nghiệt của mình, bằng mọi giá thắp lên một ngọn lửa cho mình trong căn hầm tối đen. Không thể chờ đợi và hy vọng vào một điều kỳ diệu, chỉ có thể nỗ lực để sống bằng tình thương yêu và những niềm vui do chính mình tạo nên. Đó chính là thứ hạnh phúc căn bản của cuộc đời, và vì thế, dù mỏng manh nhưng không bao giờ tàn lụi
Trích đoạn :
“Những chú chim bé nhỏ của ba, ba rất buồn khi nghĩ rằng các con không biết điều gì đã làm nên khoảnh khắc tuyệt vời nhất của cuộc đời ba
Những khoảnh khắc tuyệt vời ấy là những khoảnh khắc mà ở đó thế giới thu nhỏ lại thành một người duy nhất, ở đó chúng ta chỉ sống vì người ấy và nhờ vào người ấy, ở đó chúng ta run run mỗi lần nghe tiếng bước chân người ấy, giọng nói người ấy, chúng ta ngây ngất mỗi lần trong thấy người ấy. Chúng ta sợ làm đau người ấy nếu ôm người ấy quá chặt. Chúng ta rạo rực mỗi lần ôm hôn người ấy và thế giới quanh chúng ta bỗng trở nên nhạt nhòa
Các con sẽ chẳng bao giờ biết được cơn rùng mình lan tỏa từ chân đến đầu ấy, nó làm nảy sinh trong các con cảm giác xáo trộn, tệ hơn cả việc mất trí, điện giật hay hành quyết. Nó làm các con bối rối, đảo điên và cuốn các con vào cơn cuồng quay khiến các con trở nên hoảng hốt và nổi da gà. Nó khuấy động toàn bộ tâm can các con, làm mặt mũi các con nóng bừng, làm các con đỏ mặt, làm các con gào rú, sởn gai ốc, làm các con ấp úng, nói nhăng cuội, làm các con vừa cười vừa khóc
Bởi lẽ, thế đấy, những chú chim bé nhỏ của ba, các con sẽ chẳng bao giờ biết chia ở ngôi thứ nhất số ít và ở thức trình bày hiện tại động từ thuộc nhóm thứ nhất này :YÊU”
(Trang 86-87)
Tiểu sử tác giả : Jean- Louis Fournier sinh năm 1938 tại Arras, hiện sống và làm việc tại Paris. Ông là nhà văn trào lộng khiêm đạo diễn phim truyền hình. Ở tuổi 70 ông viết “Ba ơi, mình đi đâu” câu chuyện cảm động về hai cậu con trai tật nguyền của ông, đoạt giải Fémina 2008

6 nhận xét:

  1. Mình cũng đã được đọc review về cuốn này từ một người bạn, nhưng tìm mãi không thấy, nơi có thì đã hết hàng =,=
    Sorry không liên quan, nhưng mình cũng vừa mua 3 quyển sách, nếu không phiền bạn có thể tìm đọc sách của Trương Duyệt Nhiên, quyển Thủy tiên dĩ thừa lí ngư khứ, mình rất thích quyển ấy.
    Ngày lành heng~ :D

    Trả lờiXóa
  2. Mình hơi thiếu sót chút là rất hay bỏ qua sách của tác giả TQ (ngoại trừ kiếm hiệp). Có lẽ do mình hơi định kiến với dòng văn học linglei. Nhưng nếu Đan Dương giới thiệu thì mình sẽ đi tìm đọc. Nói chung đọc sách tùy duyên, được giới thiệu cũng có thể coi là có duyên vậy ^^

    Trả lờiXóa
  3. Uhm, chính mình cũng vậy đó. :D
    Khi xưa, trừ kiếm hiệp (Kim Dung) ra thì chẳng thèm đọc quyển nào của TQ cả, nhưng sau này, vô tình đọc được TTDTLNK, và được đọc khá nhiều review về truyện của An Ni Bảo Bối thì không từ chối dòng văn học linglei nữa. Thế mới thấy, dòng văn học nào cũng có cái hay của nó, chủ yếu là người đọc có cảm được hay không và cảm được tới đâu. : )
    .
    .
    .
    Đan Dương~ Đan Dương~ nghe bạn gọi mà mình thích lắm đó~ :">

    Trả lờiXóa
  4. Mình thì ko thích An Ni Bảo Bối ^^

    Nhưng cũng nên cho mình một cơ hội để tiếp nhận linglei chứ nhỉ. Nên sẽ tìm Thủy tiên dĩ thừa lý ngư khứ xem sao. Có ở trên vinabook ko nhỉ, để mình đặt hàng cho đỡ phải đi tìm ^^?

    Trả lờiXóa
  5. Truyện của Duyệt hết hàng rồi bạn à, mình cũng lục tung Google lên mà tìm, nhưng hình như là hết sạch rồi.
    Bạn thử đọc ebook được không? Trên e-thuvien.com ấy : )

    Trả lờiXóa
  6. À, mình đang đọc ebook quyển này...
    Ngay từ đầu, từng chữ, từng chữ như đã chạm nhẹ vào lòng mình vậy, cảm thấy rung động thật sự. Đã lâu lắm rồi mới có cảm giác như vậy : )
    .
    .
    .
    Mà....thật là.... buồn quá heng : (

    Trả lờiXóa