Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

Thành trì

Những cuốn sách về ngành Y tựu chung đều gợi lên một thứ cảm giác rất cô tịch, đơn độc. Nó gần như là một cuộc chiến mà người chiến đấu chỉ đơn thương độc mã ra trận, giữa muôn trùng khó khăn tiếp nối, giữa muôn trùng gian lao và hơn hết họ phải chiến đấu với muôn trùng kỳ vọng của bệnh nhân, của thân nhân những người đang trông đợi họ như trông đợi phép màu mà không hiểu rằng rốt cuộc họ cũng chỉ là một con người. Cái cô độc của một người bác sĩ là cái cô độc của một người phải đối mặt với kẻ thù chỉ duy nhất họ nhìn thấy - và thậm chí cả họ cũng khó lòng nhìn thấy. Thứ cô độc bơ vơ trong hình hài, trong dáng đứng, trong ánh nhìn. Đó không phải là con đường dễ dàng để lựa chọn.


A.J. Cronin từng là một bác sĩ. Ông hiểu cái gian lao của nghề, cái đơn độc của nghiệp. Bởi vậy những cuốn sách ông viết rất chân thực tới cả những giọt mồ hôi, tới cả máu và nước mắt và rồi cả những sinh mệnh. Từ 'Những tháng năm ảo vọng' cho đến 'Thành trì', những con người trong trang viết của ông hiện lên giản dị nhưng mạnh mẽ trong từng cuộc đấu tranh, trong từng cuộc vật lộn. Đấu tranh với tham vọng bản thân, đấu tranh với nghiệt ngã của số phận và đối mặt với những thất vọng đắng cay khi không giữ nỗi sinh mệnh con người.

Bây giờ, ở cái xã hội rối ren này, người ta vô cùng thất vọng về ngành y, thất vọng đến mức không còn nhận ra rằng nỗi thất vọng ấy đang rút dần rút dần đi của bác sĩ lòng nhiệt huyết và tinh thần cam đảm để chiến đấu, cuộc chiến đơn độc mà ngày này qua tháng khác họ vẫn gánh trên vai. Ai đã trao cho họ cái quyền nắm trong tay sinh mệnh người khác? Ai đã đưa họ lên đỉnh núi cao cheo leo và lộng gió, dù cao hơn vô vàn người nhưng gần vực thẳm hơn vô vàn người? Không ai hiểu, không ai cảm thông. Và nghề Y rốt cuộc vẫn là nghề hết sức nguy hiểm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét