Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Chết ở Venice

Hiếm có nơi nào trên thế giới có được vẻ đẹp như Venice đã có, kiểu đẹp nửa thiên đàng nửa trần tục, nửa thanh lịch nửa hoang dại, vừa ngọt ngào lãng mạn vừa bí ẩn và đầy bất trắc. Có lẽ vì vẻ đẹp đó mà Thomas Mann đã chọn Venice làm nơi dấn thân cuối cùng cho nhân vật của ông : Gustav von Aschenbach, một nhà văn đức cao vọng trọng, người đã dùng gần như toàn bộ cuộc đời mình để chiến đấu cho văn chương nghệ thuật, với cái tinh thần chiến đấu kiên cường và tính khắc kỷ đã tôi luyện từ thuở còn thơ. Cuộc dấn thân cuối cùng đầy rung động, nhục cảm và hủy hoại nhưng hoàn toàn xứng đáng để đánh đổi.

Cũng giống như trong Núi thần, phong cách viết của Thomas Mann ở cuốn sách này cũng chậm rãi, thong dong và không hề thiếu những nụ cười thấp thoáng. 1/3 cuốn sách dùng để xây dựng nhân vật Aschenbach vững chãi kiên định như núi với tư tưởng nghệ thuật đầy tính hàn lâm và mô phạm, nhân vật chưa bao giờ chịu thả lỏng bàn tay lẫn tâm hồn trước cuộc sống, chưa bao giờ mất kiểm soát với tâm trạng. Aschenbach sống một đời đầy khắc kỷ và đầy phòng thủ những tưởng sẽ không có gì tác động cho đến ngày chiếc gondola từ từ đưa ông đến Venice, quanh co trong thế giới chằng chịt kênh rạch, mơ hồ những cái nhìn bí hiểm và mời gọi nồng nàn. Diễn biến của quá trình ấy phảng phất câu hát Lưu Nguyễn quên trần hoàn của Thiên Thai dạo nào, đầy mê đắm ngọt ngào nhưng hứa hẹn rất nhiều điều phải đánh đổi. Một cuộc sa ngã có sẵn điềm báo nhưng lại quá nhiều cám dỗ.

Câu chuyện tình yêu đồng giới chiếm khoảng 2/3 còn lại, nhưng phần lớn đó là thứ tình cảm một chiều. Chỉ thỉnh thoảng cậu bé đẹp trai Tadzio mới dành cho ông một vài ánh mắt chứa "dụng ý". Còn lại tất cả những gì chúng ta có là câu chuyện diễn ra trong nội tâm của Aschenbach, cuộc đấu tranh vật vã để giữ lại ngọn núi đã định dạng và xây dựng nên trước sự sụp đổ do cám dỗ của bản năng, của những giấc mơ thầm kín đã bị tháo cũi sổ lồng để vươn vai đứng dậy. Đến gần cuối đời, lần đầu tiên Aschenbach nghe thấy tiếng nói của bản năng, của con người thật của chính mình, gầm rú đầy hoang dã và khinh khoái, thứ âm thanh mời gọi, buông thả và mãnh liệt. Đó là một cuộc đấu tranh đầy đau đớn lẫn hạnh phúc, bởi những gì nhận được và những gì bị đem ra đánh đổi. Nó cho ta thấy sức công phá mãnh liệt của tình yêu và sự tha thiết của con người đối với tình yêu biết đến chừng nào.

Càng đi sâu vào Venice, Aschenbach đã gần như cởi bỏ gần hết con người mô phạm của mình để hiện lên thứ bản năng bị đè nén suốt bao nhiêu năm của một con người nghệ sĩ. Và trong những giây phút bị chất nghệ sĩ dẫn đường, ông đã lạc lối vĩnh viễn vào mê cung của tình yêu, với trái tim say đắm choáng ngợp nhưng cũng đầy đau khổ dằn vặc. Trái tim của Aschenbach cũng là trái tim của tất cả những người nghệ sĩ trên thế giới này, khi dấn thân theo tiếng gọi của bản năng đành bỏ lại sau lưng trách nhiệm và những kỳ vọng, những giá trị đạo đức lẫn cả ray rứt lương tâm. Không có sự thỏa hiệp. Con đường của Aschenbach đi chỉ còn một cách dẫn đến hủy hoại, nhưng sự hủy hoại ấy mới chính là chất liệu để cho nghệ thuật được trường tồn. Tình yêu mà ông dành cho Tadzio là thứ tình yêu ngông cuồng kỳ vỹ và đẹp đẽ, thứ tình yêu mạnh mẽ choáng ngợp và đầy sức mạnh, dám đem cả thế giới từng tạo dựng đầy kỳ công để phủ phục trước cái đẹp. Cho dù tận cùng của cuộc đánh đổi ấy, là cái chết.

Cái gì đã tạo nên những người nghệ sĩ? Có lẽ đó chính là sự mù quáng. Hoặc là sự bất chấp liều lĩnh, sự ngông cuồng phi lý. Hoặc là tất cả những điều đó. Tadzio là biểu tượng của một cái đẹp không sao nắm bắt nổi, và thứ tình yêu của Aschenbach là thứ tình yêu phi đạo đức, vô luân ở thời ấy. Sự sa ngã của Aschenbach có thể coi là một sự yếu đuối không cưỡng nỗi cám dỗ, nhưng cũng có thể xem như một sự can đảm, can đảm chấp nhận mất mát, huỷ hoại, can đảm đương đầu với lương tâm để thưởng thức hương vị ngọt ngào của tình yêu. Cái chết của Aschenbach có thể ví như sự hiến sinh vì cái đẹp của một người nghệ sĩ, không bao giờ hối tiếc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét