Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

Salammbo

Tình yêu và chiến tranh có lẽ là hai lời nguyền mà thượng đế dành cho loài người. Hai thứ vĩnh viễn kinh điển của nhân loại, không bao giờ lỗi mốt và nhàm chán. Tuy nhiên, con người luôn có quyền chọn lựa, trước cả tình yêu lẫn chiến tranh, hoặc tiến lên, hoặc phó mặc. Dù cả hai đều dẫn đến cánh cổng địa ngục của sự hủy hoại, nhưng hương vị và sự trải nghiệm của nó khác hẳn nhau, hẳn là vậy.

Flaubert đã chọn một câu chuyện cổ xưa để phác thảo ra nhân loại, một câu chuyện chứa trong lòng nó hai câu chuyện kinh điển, nóng hổi từ ấy cho đến hai mươi tư thế kỷ sau. Hai câu chuyện đan cài nhau, giật dây nhau và chia cắt nhau, hai câu chuyện tưởng như trái ngược nhưng thật ra luôn là một. Cuộc chiến tranh đẫm máu giữa Lính đánh thuê và thành Carthage, cuộc chiến mông muội đen tối đầy bản năng, và tình yêu giữa một tên thủ lĩnh đội lính đánh thuê và con gái của Pháp quan thành Carthage, Matho và Salammbo. Không kém cạnh cuộc chiến, đó là một tình yêu si mê và thù hận, say đắm và điên rồ, liều lĩnh hoang dại. Đó là tất cả những gì đại diện cho bản năng của con người, phần đen tối và thú tính nhưng cũng là phần yếu đuối nhất, mãi mãi không cởi bỏ được.


Cuộc chiến thành Carthage gây ra một cảm giác nghẹt thở, tù túng và kinh hoàng bởi sự man rợ đẫm máu của nó, như mọi cuộc chiến tranh khác suốt dọc các nền văn minh. Cùng với nó là một mạch chuyện khác, kín đáo lặng lẽ hơn, nhưng có lẽ là sôi sục hơn. Là mối tình si của Matho dành cho nàng Salammbo, một tình yêu gần như là tín ngưỡng. Và tôi nhận ra rằng, nó là thứ đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh, chứ không phải là gì khác. Hoá ra tình yêu là tội đồ, là nguyên do, là lý lẽ. Chẳng phải mọi cuộc chiến trên hành tinh này đều nhân danh tình yêu đó sao? Một thứ đẹp đẽ ngọt ngào dường ấy có thể sản sinh ra cả một thảm hoạ. Dù muốn dù không, thì đó vẫn luôn là sự thật.

Thế nên, chừng nào chúng ta còn yêu, chiến tranh sẽ luôn luôn tồn tại. Nhưng ai cần quan tâm, trái tim khi yêu mù quáng hết chỗ nói. Matho làm tôi nhớ đến Du Thản Chi trong tiểu thuyết Kim Dung, đã yêu A Tử đến mức hiến dâng đôi mắt của mình, hành động mà Bùi Giáng gọi là "triệt để mù loà đi vào sa mạc tình yêu", thì Matho cũng đã mù loà như thế, đã đi vào sa mạc tình yêu như thế, bất chấp sau lưng chàng là một cơn bão cát khổng lồ đã dấy lên từ những bước chân mình. Matho, kẻ yêu dại dột và ngu si, kẻ vượt qua cả ngàn quân và trèo qua mấy bức tường thành, chỉ để được gặp người đẹp, kẻ không đoái hoài gì đến sĩ diện và cơn giận của mình, cơn giận chưa kịp thốt ra đã vội phủ phục dưới chân nàng mà run rẩy nói lời yêu, kẻ chỉ còn nghe thấy tiếng trái tim, chỉ còn biết đến tình yêu và vị thần của lòng mình. Bản thân chàng, cơ thể chàng và tâm trí chàng chàng không thèm đếm xỉa nữa thì huống gì là nhân loại.

Chiến tranh và tình yêu đều là hai cuộc dấn thân của con người theo tiếng gọi mê cuồng của chinh phục và chiếm hữu. Đó đều là những niềm hoan lạc với cái giá phải trả không gì đong đếm được. Lời nguyền của thượng đế chính là chất độc hoan lạc ấy, thứ đã ngấm vào trái cấm trên vườn địa đàng, dẫn dắt loài người đi vào mê lộ của tình yêu và thù hận, của ham muốn và chiếm hữu. Một con đường duy nhất mà chúng ta chỉ có thể đi tiếp, đi tiếp cho đến lúc lãng quên. Trước khi đến được lúc ấy, thì hãy yêu thôi, yêu như Matho đã yêu Salammbo, trọn vẹn duy nhất, kinh thiên động địa, điên rồ bất khả. Hãy yêu như cách tận hưởng nốt những giọt thuốc độc ngọt ngào mà thượng đế đã tưới tắm trần gian. Dù sao, hãy lựa chọn cho mình một cái chết lộng lẫy nhất có thể, nếu chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài cái chết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét