Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

Khải Hoàn Môn

Đêm mưa. Và tôi nhớ Ravic, ánh sáng từ điếu thuốc cháy dở anh ấy ném xuống dòng sông, loé lên như một niềm hy vọng nhỏ nhoi trong đêm dài ảm đạm, dưới cái bóng mờ của Khải Hoàn Môn ẩn hiện dưới làn mưa phùn. Chút ánh chớp trong khoảnh khắc để lại dư âm dài suốt những ngày sau, dài như cuộc đời và thời gian của những số kiếp lênh đênh. Dài như là nỗi ám ảnh của tôi đối với câu mà Ravic nói ở trong cuốn sách ấy, rằng : Chúng ta đang sống trong một thế kỷ bị lưu đày. Và thế kỷ ấy, dường như chưa bao giờ trôi qua, mà cũng chẳng thể nào trôi qua được.


Văn chương của Remarque đẹp quá, đẹp tới đau lòng, tới cồn cào xốn xang, tới tuyệt vọng. Đẹp đến mức cái bi kịch của Ravic hiện lên dưới ngòi bút của ông nó không chỉ là cái bi kịch của một thân phận người trôi dạt, mà còn là cái bi kịch của một tâm hồn quá thiết tha. Sự thiết tha không tìm thấy nơi neo đậu và bám rễ để mãi mãi quặn đau và gào thét trong lồng ngực, bùng cháy như một ngọn lửa căm hờn, bất mãn và đắng cay. Cuộc đời quá tàn nhẫn. Cuộc đời cứ thong thả gieo rắc vẻ quyến rũ của mình trong cơn lốc cuồng loạn của thời đại, khiến cho những số phận bị xoay tròn trong ấy, dù bầm dập tới nát như tương, vẫn không đủ can đảm để từ bỏ cuộc đời. Jeanne, nàng là hiện thân của cái vẻ đẹp ấy, vẻ đẹp vừa trong trẻo ngây thơ, vừa già dặn lọc lõi, tâm hồn nàng vừa say đắm nồng nàng vừa vô tình và tráo trở. Ravic đã rơi và tình yêu với nàng, như số phận đã bắt buộc anh phải ra đời vào cái thời đại hỗn loạn ấy, rơi vào trong những năm tháng điêu tàn mà yêu luôn cả cái vẻ điêu tàn rực rỡ của tháng năm. Số phận, chỉ là số phận thôi. Nhỏ nhoi như ánh lửa của điếu thuốc đã rơi xuống dưới chân cầu trong đêm, dưới cơn mưa phùn ấy. 

Tôi thương Ravic vì tâm hồn anh, vì sự nhạy cảm đến đau đớn của anh. Và vì anh chẳng là gì giữa cuộc đời này. Anh chỉ là cái bóng âm thầm đằng sau những cuộc phẫu thuật, một con người vô danh dẫu mang hàng chục cái tên. Tình yêu của anh cũng chẳng là gì, anh không đủ can đảm để giữ nó. Kể cả nỗi căm thù của anh, anh cũng tưởng nó có ý nghĩa, anh tưởng là giết được hắn xong thì mọi thứ sẽ khác. Hoá ra, nó cũng chẳng là gì ngoài sự đau đớn của riêng anh. Thế kỷ này vẫn đày đọa người ta bằng mọi giá. Anh nhỏ nhoi, bất lực, tuyệt vọng. Mà anh vẫn phải sống tiếp với tất cả những điều trên.

Ravic có thể cứu nhiều người, nhưng anh không cứu nổi đời mình. Mà thậm chí, anh cũng không biết là anh có thật sự cứu được ai không. Anh cướp họ khỏi tay tử thần, để ném họ lại vào trong một cuộc đời cũng không kém mấy phần địa ngục. Anh không biết mình nên làm gì. Sự bế tắc cứ dần dần gia tăng, tâm hồn anh hoá đá, trái tim anh hoá đá. Mọi thứ hoá đá dưới chân cánh cổng Khải Hoàn. Thế giới này đã hiến sinh tất cả, máu xương lẫn tim óc cho sự chiến thắng, một chiến thắng lạnh lùng vững chãi và vô cảm. Ai cần?

Chúng ta không cần chiến thắng. Chúng ta chỉ cần nhau, bên nhau như Javic và Jeanne đã ở bên nhau trong những đêm mùa xuân dạo ấy. Tình yêu mong manh không trụ vững nỗi trước cuộc đời, nhưng chí ít trong những phút ngắn ngủi ấy, khi tình yêu lên ngôi, họ đã hoàn toàn quên mất cuộc đời, quên thời gian và cái bóng của chiến tranh đã bủa vây. Tình yêu như liều thuốc gây mê, giúp họ vượt qua những cuộc đại phẫu. Tình yêu níu ta lại với cuộc đời, tình yêu khiến ta thôi nguyền rủa số phận, bởi nhờ nó mà ta gặp nhau. Tình yêu, chỉ là tình yêu thôi, chẳng còn gì nữa...

Nhưng mà, tôi nghĩ, thế cũng đủ cho một kiếp người rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét