Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Nghe mùi kết thúc


Đọc hết quyển sách này một lần, tôi có thể mô tả cảm xúc của mình là: choáng váng. Nhưng càng lúc cảm giác này càng tan đi, thay vào đó dâng lên một sự hoang mang, càng lúc càng mạnh mẽ. Hoang mang bởi suốt chiều dài quyển sách, chúng ta đã có một câu chuyện được kể với thái độ bình tĩnh, cẩn trọng và tỉnh táo. Tất cả đều khúc chiết, rõ ràng và hợp lý. Vậy mà nó có thể dẫn đến một cái kết thúc gây “bật ngửa”, tràn trề mùi bất cẩn sai lầm đã ủ men từ quá khứ, từ thuở dậy thì khôn nguôi đặt ra câu hỏi về thế giới nhưng rất thiếu tinh tế cho những thứ quanh mình. Tuổi trẻ đã kết thúc, nhưng mùi vị của nó thì chưa, và có lẽ là không.

Sự choáng váng mà Julian Barnes ném vào mặt độc giả cuối sách bắt buộc người ta phải rà lại từ đầu. Sự bất cẩn ấy nằm ở đâu? Trong những lời kể chắc chắn ấy đâu là kẽ hở? Tony đã thận trọng hầu như suốt đời mình, cái xu hướng tìm kiếm sự an toàn ngập đầy quyển sách. Tony không phải là kẻ phóng túng, không phải kiểu cảm tính và thiếu tỉnh táo. Một kẻ như Tony lấy đâu ra sai lầm? Ấy mà có đấy.

Tony đã kể một câu chuyện trung thực, nhưng sặc mùi biện minh. Từ đầu đến cuối cái mùi ấy đã mang máng theo ta nhưng không đủ để ta nhận ra, và ngay cả Tony cũng không biết điều đó. Ông ta tưởng mình đã thấu thị hết quá khứ của mình, và sự bất ngờ chỉ có thể là một thứ đến từ tương lai, chẳng liên quan gì đến những thứ đã qua, đã an bài, đã xếp xó. Tony sai lầm như chính chúng ta, tự tin vào cảm quan của mình về cái gọi là sự thật. Sự thật mà Tony biết chỉ là một mặt của khối đá phẳng lặng phía bên này nhưng nham nhở phía bên kia, phía mà Tony không thấy nhưng có dự phần, có trách nhiệm. Việc trải quá khứ ra để soi rọi như trải một tấm bản đồ không thể giúp được gì cho chúng ta cả. Thế giới này quá đa chiều để có thể nhìn từ một hướng, và quá nhiều lời giải cho một câu đố chúng ta vấp phải trên đường đi. Một kẻ như Tony thì lại quá yêu bản thân để có thể tính đến sự dự phần của người khác cũng như lý lẽ của họ.

Chúng ta chẳng thể làm gì với quá khứ. Nó đã trôi qua và hoá thạch trong tâm trí như một núi đá vôi. Vậy mà thỉnh thoảng nó vẫn phun thẳng vào hiện tại một ngọn lửa và trăm dòng nham thạch, để rồi dằn vặc chúng ta về một kẽ nứt nào đó mà chúng ta đã bất cẩn không lấp kín nó đi. Sự bất cẩn có thể đến từ bất cứ nơi đâu, như cuộc đời Tony là đến từ một cái trứng rán buổi sáng của mẹ Veronica, cái thái độ rất có vấn đề mà Tony không đủ tinh tế để thấy. Vết nứt đã tách ra từ đó, và mãi mãi nằm ở đó.

Có ai trên đời này không sai lầm không nhỉ? Kể cả rất cẩn trọng và hèn nhát như Tony thì vẫn không thể đi hết đời với bản tường trình sạch sẽ, dù có cố chỉnh trang hay phân bua, mọi trang đời chúng ta đều lấm lem cho đến ngày về với đất. Sai lầm là một phần của sự sống. Biết được điều này có khiến chúng ta dũng cảm hơn không, chấp nhận thử thách và trả giá cho mọi thứ không? Tôi không chắc. Nhưng chúng ta đều phải tự chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình, không khác được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét